Không dưới chục lần, inbox của tôi là những tâm thư đầy bức xúc, lo lắng, buồn bực của các bà mẹ khi không biết làm sao để dạy con bởi “nó cứ mang ông bà ra” với cả làm gì nó là ông bà lại nhảy vào…
Bản thân tôi hồi bé cũng vậy, mẹ tôi phát khổ vì bà nội bênh cháu. May mà còn bố tôi đủ “rắn” để tôi phải sợ mà không dám ỷ bà. Nhưng có bao nhiêu người cha chịu nghe vợ dạy con chứ không phải sợ mẹ mà nạt vợ? Thế nên chuyện ông bà nội chiều chuộng cháu, đặc biệt cháu đích tôn nữa thì thôi rồi.
Từ việc giữ rịt cháu lại không cho ngủ cùng bố mẹ. Tôi từng chứng kiến đứa trẻ khóc ngặt khi bố mẹ đón về. Nó chỉ thích được ngủ cùng ông bà vì ông bà chiều chuộng nó, cho nó xem tivi, Ipad thoải mái, thức cả đêm cũng được vì ông bà… cũng khó ngủ. Bố mẹ đứa trẻ phần vì con khóc mẹ xót, phần vì ông bà người già hay dỗi, nên đành làm… vợ chồng son. Anh chồng cứ an ủi vợ: Thôi, ông bà còn ở với mình được bao lâu đâu. Con mình gần ông bà cũng tốt, cho con học yêu thương ông bà.
Nhưng. Nhưng một nghiên cứu khoa học tôi đọc được thì nhiều chuyên gia cho rằng trẻ ngủ với ông bà thường sẽ có sức đề kháng tương đối kém. Là bởi người cao tuổi, do quá trình lão hoá, phải hít thở không khí nhiều hơn vào ban đêm khiến những đứa trẻ ngủ cùng ông bà sẽ hít phải nhiều khí thải dẫn đến trí não bị chậm phát triển, thậm chí gây trì độn. Mà không cần đến nghiên cứu khoa học, cứ mắt thấy tai nghe cũng sẽ biết rằng nhiều ông bà già rồi hay dùng rượu xoa bóp hay dầu gió nồng nặc.
Còn chưa kể, thân nhiệt người già nóng lạnh thất thường và cao hơn lũ trẻ khiến ông bà hay lo lắng thái quá mà mặc nhiều áo hơn cho trẻ khiến trẻ toát mồ hôi đêm dễ dẫn đến cảm lạnh hoặc phổi có vấn đề. Là tôi nói đến phần đa các ông bà là vậy.
Ông bà thường có thói quen mặc ấm cho cháu khi ngủ. Ảnh minh hoạ
Trong cách dạy dỗ trẻ, việc khác biệt thế hệ cũng đưa đến những trái ngược. Con cái khi ở cùng ông bà luôn được chiều chuộng. Từ việc ông bà nhồi nhét cháu ăn nhiều vì thương cháu khiến đứa trẻ chán ăn, sợ ăn đến việc một bữa cơm chạy ba quãng đồng để mớm đút cho trẻ.
Lại còn chưa kể cháu thích gì cũng chiều, uống coca, ăn kẹo mút vô tư. Trẻ ở với ông bà được chiều chuộng như ông vua con. Thậm chí, như bản thân tôi hồi bé, bà nội chiều tôi đến mức… giật cả đồ chơi của anh chị họ con bác tôi cho tôi chơi vì “thằng Tú nó bé, mấy đứa phải biết nhường nó”. Các bác tôi cũng sợ bà nên chỉ biết ngậm đắng nuốt cay khiến anh chị họ tôi… rất ghét mỗi khi tôi về chơi với bà nội. Cứ ngã một cái là ông bà lại chạy ra đánh chừa cái đất, đánh chừa cái ghế thậm chí đánh chừa bác tôi vì bác tôi ngồi đấy mà để tôi ngã. Điều đó khiến tôi trở thành “thánh đổ lỗi” suốt cả tuổi thơ. Giờ nghĩ lại vẫn thấy xấu hổ.
“Cha mẹ sinh con trời sinh tính” đó là câu cửa miệng của ông bà để che chở cho những đứa cháu nếu nó có… hơi hư, hơi hỗn. Ông bà luôn có một vạn tám ngàn lý do để khẳng định cháu mình về bản chất là đứa trẻ ngoan. Nếu cháu hư thì là lỗi của người khác. Cha mẹ mà động vào xem, ông bà chả mắng cho vuốt mặt không kịp.
Nhưng. Nhưng nói thế cũng chẳng phải rằng trẻ ở cùng ông bà là toàn điểm liệt. Trong 3 đứa nhỏ nhà tôi, cậu cả và cô út có nhiều thời gian ở bên ông bà hơn cô con gái thứ 2 (vì rút kinh nghiệm cậu cả mà khi có cô thứ 2 tôi giữ rịt lại cho ông bà trông cậu cả. Đến lúc có cô út thì do hoàn cảnh công việc bận rộn phải nhờ ông bà trông giùm). Kết quả là cô con gái thứ 2 độc lập hơn anh trai và em gái của nó. Nhưng ngôn ngữ của cô thứ 2 thì “nghèo” hơn anh trai và em gái.
Ảnh minh hoạ
Do 2 đứa ở với ông bà “luyện nói” hàng ngày. Chúng được ông bà trò chuyện nhiều hơn hẳn cô con gái thứ 2 khi ở cùng cha mẹ. Bởi cha mẹ bận bịu nhiều khi không thể nói chuyện cả ngày với con cái được. Trong khi ông bà rảnh và còn thích nói chuyện nữa nên những đứa trẻ sống gần ông bà luôn có vốn từ vựng nhiều hơn hẳn khi sống gần bố mẹ. Những đứa trẻ sống gần ông bà cũng có xu hướng tình cảm hơn và biết cách thể hiện tình cảm nhiều hơn. Trong nhiều nghiên cứu khoa học khác tôi đọc được rằng những đứa trẻ sống gắn kết sâu sắc với ông bà thường có thiên hướng gia đình mạnh hơn những đứa trẻ ít gắn kết với ông bà.
Lật ngược lật xuôi thì việc cho con ở gần ông bà, kết nối với ông bà ở một mức độ nhất định vẫn là có lợi. Chỉ là việc căn chỉnh lại mỗi đứa trẻ sao cho nó đừng bị chiều chuộng quá sinh bướng rất đòi hỏi cha mẹ phải đủ rắn. Bằng không chúng ta sẽ có một đứa trẻ… đa nhân cách. Là khi ở với ông bà chúng thể hiện một kiểu, khi về với cha mẹ chúng lại thể hiện một kiểu khác. Là những đứa trẻ quá tinh để bắt đầu học cách qua mặt cha mẹ hay sử dụng ông bà như một vũ khí. Nhất là ông bà nào cũng có câu cửa miệng: Tao nuôi chúng mày thành người như hôm nay chả có nhẽ không dạy nổi con chúng mày?
Ứng xử thế nào với …các cụ luôn là một bài toán quá khó với các bậc cha mẹ. Vừa phải dụ vừa phải dỗ một đứa trẻ lên ba lại vừa phải dỗ vừa phải dụ những người già trái tính chả khác nào… đứa trẻ nữa. Nghĩ mà khó lắm thay! Gặp ông bà hiểu chuyện, share bài này về cho các cụ đọc có khi các cụ nghĩ lại. Chứ gặp những cụ bảo thủ thì bài này share về chỉ khiến các cụ… tủi thân.
Nhưng xét cho cùng, đôi khi, dù không muốn thì chúng ta vẫn cứ phải làm chủ chính đứa trẻ mình đã sinh ra vậy. Bởi có cha mẹ nào đành lòng nhìn thấy con mình sai mãi theo chiều chuộng của ông bà cho được? Giá như ông bà biết đặt địa vị của ông bà vào chính ngày này năm xưa, khi chúng ta còn là một đứa bé và khi ông bà phải đối diện với cha mẹ của ông bà…