Năm lần bảy lượt ông muốn bế nhưng con dâu không cho vì nhìn bộ móng tay đen và bộ quần áo sờn bạc của ông, lại sợ con mình nhiễm bệnh.
Sau khi kết hôn 4 năm, tôi mới quyết định có con vì muốn đảm bảo cho con những điều tuyệt vời nhất. Vì vậy, 32 tuổi, tôi mới được mụn con đầu lòng.
Khi chuẩn bị có thai hay trong suốt hơn 9 tháng mang bầu, tôi đã nghiên cứu nát những quyển sách về thai giáo, nuôi dạy trẻ. Tôi tự tin mình đã có đủ những kiến thức chăm con và không cần nhờ đến ông bà nội hay ngoại cả.
Quả thật, tôi đúc rút thấy mình nói được, làm được. Tôi sinh con ở bệnh viện quốc tế, đưa con đi khám ở bệnh viện tư hàng đầu và áo quần của con cũng thường là những món đồ tốt nhất. Tôi cho con bú sữa mẹ hoàn toàn mà không phải mất một giọt sữa ngoài nào. Mỗi đêm con đều đi ngủ xuyên đêm từ rất sớm. Tôi nâng con, chăm bẵm, giữ cho con một môi trường sạch sẽ, an toàn nhất. Mẹ đẻ tôi ra phụ giúp khi tôi vừa sinh xong và bà hoàn toàn đồng ý với mọi quan niệm chăm con của tôi.
Thế nhưng, khi tôi đưa con về quê nội chơi 2 ngày thì bố mẹ chồng lại không thể chấp nhận cách nuôi con của tôi. Họ cứ bảo tôi kỹ tính quá, gây ức chế. Nhất là bố chồng, ông từng nói giọng không hài lòng: “Mẹ cháu học cao hiểu rộng, soạn giáo án từ nhà trường cho đến giáo án nuôi con. Cháu rồi cũng khổ thôi cháu ạ!”. Không những thế, ông còn thở dài khi tôi nhất quyết ẵm con quay đi khi ông muốn bế con, vì tôi nhìn thấy tay bộ móng tay đen sì còn chưa cắt gọn của ông. “Đến ông nội còn không được bế cháu, thì còn ra thể thống, phép tắc gì nữa!”, ông nói.
Tôi thà bị mang tiếng là bất hiếu còn hơn để con mình gặp nguy cơ về sức khỏe. Vấn đề nhiễm khuẩn, những con trứng giun trong móng tay của ông là điều hoàn toàn có thể lây lan chỉ qua một cái ôm, cái thơm. Nhớ những câu chuyện đã từng đọc trên mạng về những đứa bé vô tình bị nhiễm giun lươn não, giun móc, giun kim… vì không giữ gìn vệ sinh, tay thường xuyên bốc đất, nghịch cát ngoài vườn mà tôi vẫn còn kinh hãi. Tôi dẫn chứng ra thì ông nội bảo: “Con cứ làm quá chứ đấy chỉ là những trường hợp hiếm hoi”.
“Ai biết được mình lại có nằm trong số hiếm hoi đó không ạ?”, tôi nói lại với bố. Nhưng ông chỉ thở dài lẳng lặng quay đi.
Buổi tối hôm đó, chồng tôi có vẻ không hài lòng khi mở cửa bước vào phòng. Anh nói tôi không nên quá cực đoan như thế khi để con ở nhà. Tôi nói luôn với chồng: “Là anh bắt ép em về để đưa con ra mắt họ hàng chứ ở vùng quê này em luôn thấy bất an. Những con chó thả rông khắp đường, phân gà rải rác khắp sân và ông bà nội thì em xin lỗi nhưng nhìn cứ bẩn bẩn sao đó. Anh để ông bế con, nhỡ con bị làm sao thì ai chịu trách nhiệm? Em chỉ mong cho nhanh hết ngày mai còn quay lại Hà Nội”.
Chồng tôi giải thích trong bất lực: “Nhưng ông bà bận việc đồng áng cả ngày, quần quật từ sáng đến tối. Những bộ đồ của ông mặc tuy sờn hay cũ đi nữa cũng đều rất mới. Chính đồng ruộng nuôi anh khôn lớn, và nay ông bà vẫn phải cố gắng duy trì công việc để có cái ăn, không phải phiền đến con cháu. Em đừng tỏ ý dè bỉu ông bà như thế! Em không cho ông bế cháu thì còn gì gọi là phép tắc, lễ nghĩa nữa?”.
Chắc hẳn tôi lớn lên từ thành phố, không hiểu đồng ruộng quan trọng và có ý nghĩa như thế nào. Nhưng tôi chỉ biết và quan tâm một điều, là tôi không thể để ai muốn tùy tiện bế con cũng được, nhất là khi người đấy lại không sạch sẽ, nhìn rất mất vệ sinh và hoàn toàn có thể khiến con tôi gặp vấn đề. Tôi nói vậy, chồng tôi thở dài.
Không thể ngờ được, bố chồng từ đâu mở cửa bước vào, nói với giọng đầy trách cứ: “Thôi anh chị bế con về thành phố đi. Nhà quê này bẩn thỉu lắm, sợ nhiều nguy cơ lây nhiễm…”. Thì ra ông đã nghe thấy hết cuộc đối thoại của hai vợ chồng tôi. Và sau khi nói xong, ông lẳng lặng đi ra ngoài. Tôi cũng câm nín không biết phải nói gì nữa.
Ngày hôm sau, ông không còn hỏi muốn xin bế thằng con trai của tôi. Chẳng ai nói với ai lời nào. Trở lại thành phố, chồng tôi cũng không thèm nói chuyện với tôi. Tôi không biết phải làm gì? Hay có ai nói cho tôi biết là mình đã sai ở đâu không, chẳng nhẽ muốn bảo vệ sự an toàn cho con trai mình cũng không được hay sao? Nếu ông bà thương cháu, ông bà phải đồng ý với quan điểm của tôi chứ?