Không cho mẹ chồng chăm cháu, tôi bị chồng chửi: "Đúng là sướng mà không biết hưởng"

Ngày 21/04/2019 19:05 PM (GMT+7)

Những lần ấy như thế kéo dài ròng rã, tôi vẫn có thể bỏ qua cho êm đẹp cửa nhà được, nhưng liên quan đến việc ăn ngủ của con thì tôi không thể im lặng được nữa.

Tôi về làm dâu với cái bụng bầu 3 tháng vì đã lỡ ‘ăn cơm trước kẻng”, nhưng mẹ chồng tôi vốn tâm lý nên không có ý kiến gì. Bà vẫn đối xử bình thường, không phân biệt. Tôi biết điều, cũng luôn làm tròn phận dâu con. Thỉnh thoảng nhà có việc, tôi vẫn cùng chồng về quê, không lấy lý do có bầu để trốn tránh nghĩa vụ. Mẹ chồng gửi đồ ăn, trứng ngỗng ra Hà Nội để tẩm bổ, tôi gửi lại thuốc bổ, áo quần đẹp để bà thấy thoải mái. Mối quan hệ mẹ chồng – con dâu có lẽ vẫn sẽ cứ êm đẹp như vậy, nếu như sau sinh tôi không nhờ mẹ chồng ra chăm cháu.

Ở cữ cùng mẹ chồng vốn đã là một cực hình, nhiều mâu thuẫn phát sinh. Nhưng tôi nín nhịn vì mình vừa mới sinh xong, sức khỏe rất yếu và cần người chăm sóc. Khi hết 1 tháng, tôi nói khéo để bà về quê, tôi một mình chăm con và bảo sau này có gì sẽ nhờ vả. Cũng trùng hợp với đợt bố chồng tôi bị ốm nên bà bằng lòng về.

Không cho mẹ chồng chăm cháu, tôi bị chồng chửi: amp;#34;Đúng là sướng mà không biết hưởngamp;#34; - 1

Nhưng rồi bà lại nằng nặc đòi ra trông cháu khi tôi chuẩn bị hết thời gian thai sản để đi làm lại. Bà không yên tâm nếu tôi thuê giúp việc. Ông bà 60 tuổi đầu mới được mụn cháu đích tôn nên cưng như vàng. Chồng tôi không dám phật ý mẹ, cũng nói không ai chăm cháu bằng bà, nên đồng ý đón bà ra. Nhưng đó cũng là nguồn cơn của mọi mâu thuẫn giữa tôi và mẹ chồng.

Tôi nghiên cứu nhiều sách vở, áp dụng các kiến thức phương Tây, khoa học trong việc chăm con. Còn bà, chỉ tuân theo duy nhất lời… các bà ngày xưa.

Tôi luyện ngủ cho con, áp dụng “Cry It Out”, để mặc trẻ tự khóc có kiểm soát trong khoảng ít ngày, số lượng khóc ít dần sẽ tự ngủ và tự chuyển giấc được. Nhưng bà thấy tôi để con khóc, bà gào lên: “Mẹ kiểu gì mà độc ác thế? Con khóc khản cả cổ cũng kệ không bế?”. Rồi bà lao vào phòng, bế bồng ru ẵm à ơi “Bà thương, bà thương!”, rồi “Con cò bay lả bay la…”. Một lát thằng bé nó ngủ ngay, và bà lại quay ra lườm nguýt tôi đang đứng trước cửa phòng.

Nhưng bà đâu biết, cứ làm thế thành quen, thằng bé nó sẽ không ăn ngủ đúng giờ, không phát triển sâu về mọi mặt được. Mẹ nào mà chẳng xót con, nhưng tôi thà nuốt nước mắt 2-3 ngày còn hơn trầm cảm, ức chế trong suốt mấy năm trời cho đến khi con tự ngủ được.

Không cho mẹ chồng chăm cháu, tôi bị chồng chửi: amp;#34;Đúng là sướng mà không biết hưởngamp;#34; - 2

Rồi tôi cho con ăn dặm theo phương pháp 3 trong 1, rõ ràng là có cả cháo xay truyền thống, ăn thô theo bé chỉ huy (BLW) và ăn dặm riêng rẽ các món theo kiểu Nhật. Nhưng chỉ cần chứng kiến một lần cháu ọe ra thức ăn, hồn vía bà bay lên ngọn mây, quay sang quát: “Thằng con nó bé tí thì món đồ to đùng sao nó ăn được? Mới tập ăn mà để cho con ăn nguyên cả miếng súp lơ to như thế? Nó hóc, không cấp cứu kịp thì tính sao?”.

Tôi dù giải thích cho bà, hóc và phản xạ ọe khác nhau như thế nào, tôi đã nghiên cứu nát đủ mọi cách sơ cứu trong những tình huống khẩn cấp nhất rồi, nhưng bà vẫn không tin. Bà nhất quyết “Dẹp hết đi!”  mỗi lần tôi muốn cho con tập ăn BLW để luyện các kỹ năng cho con.

Bà chỉ cho con tôi ăn bột, thay vì ăn cháo hạt. Tất cả mọi thứ xay trộn nhuyễn vào nhau, từ khi 6 tháng cho đến khi 9 tháng vẫn như thế. Mỗi lần nhìn con ăn, tôi lại sốt ruột không yên vì cảm giác như mình đã bỏ lỡ mất những điều tuyệt vời nhất muốn làm cho con.

Rồi thì con tôi cũng bước vào giai đoạn biếng ăn khi cứ nhìn thấy cháo là khiếp sợ, khóc lóc. Tôi bất lực, nói với mẹ chồng, gần như đến mức van vỉ bà rằng để tôi luyện lại từ đầu cho con. Tôi sẽ cho phép con được đói, được ăn những món con thích thay vì bị áp đặt từ người lớn và dinh dưỡng chính của con giai đoạn này vẫn là sữa mẹ.

Thế nhưng, mẹ chồng tôi chẳng hề hà gì, gạt phăng ý định của tôi: “Sữa mẹ giờ thì còn chất gì nữa. Nó không ăn cháo thì chết đói à? Không có bà chăm chỉ cho ăn cháo thì 9 tháng có được 10kg như thế này không, hay còi dí được tí?”. Ôi dù thằng con tôi bụ lắm rồi, mà bà vẫn tiếp tục ép ăn, vì muốn nó phải bụ, phải tăng cân nhiều hơn nữa.

Tôi chua xót nhìn con, cảm giác như mình làm mẹ mà không thể cứu được con vậy. Tôi có biết nói như thế nào.

Không cho mẹ chồng chăm cháu, tôi bị chồng chửi: amp;#34;Đúng là sướng mà không biết hưởngamp;#34; - 3

Chưa kể đến việc mẹ chồng tôi áp dụng muôn vàn phương pháp dân gian, tôi cũng cố nín nhịn vì nghĩ không ảnh hưởng gì nhiều đến con. Có lần bà đắp tỏi vào chân khi thằng bé mới chỉ sụt sịt, ho vài tiếng, nếu tôi không phát hiện kịp, lấy ra thì không biết đã bỏng thế nào rồi. Vì chỉ mới đắp có 1 giờ mà chân thằng bé đã đỏ ửng lên. Rồi nhớ hồi trong cữ, con cứ hôm nào khóc đêm là bà lại mang nồi than ra quạt vì muốn… trừ tà. Cứ con tắm xong là bà quạt nồi than, hơ ấm tay rồi cứ thế ém tay vào chim thằng bé vì nói là có tác dụng chống chảy sệ, làm săn chắc hơn…

Những lần ấy như thế kéo dài ròng rã, tôi vẫn có thể bỏ qua cho êm đẹp cửa nhà được, nhưng liên quan đến việc ăn ngủ của con thì tôi không thể im lặng được nữa.

Nhất là mấy  hôm nay, Hà Nội nắng đến 37 - 38 độ C, tôi đi làm về nóng bức muốn chết mà vẫn thấy bà tắm xong, mặc áo quần dài tay cho cháu. Rồi đến bữa cháo, cháu không ăn, bà một tay bế, một tay cầm cháo đi khắp các nhà hàng xóm, còn bế xuống tận tầng 1, đứng nhìn ô tô mong dỗ được cháu một thìa cháo thì tôi không thể làm ngơ.

Nhìn mẹ chồng bế thằng con về, mồ hôi con ướt hết cả tóc, đầm đìa ướt áo, tôi nói với bà: “Thật sự con cảm ơn vì mẹ đã tận tâm chăm cháu, nhưng nếu mẹ cứ tiếp tục chiều theo cách này thì chỉ khiến thằng Bon nó hư thêm thôi. Đây là con của con, con muốn chăm theo cách của mình nên mong mẹ suy nghĩ lại”.

Nào ngờ mẹ chồng tôi đặt luôn thằng bé vào tay tôi, dỗi: “Đây tôi trả nó cho cô! Tôi cũng chẳng ham hố gì cả đâu. Từ mai cô muốn làm gì với nó thì làm, có gì đừng gọi đến thân già này nữa. Tôi về!”. Nói rồi bà giận đùng đùng vào phòng xếp áo quần, bỏ đồ vào va li rồi đi xuống bắt xe về luôn. Tôi giữ thế nào cũng không được.

Chồng tôi đi làm về. Tôi kể lại chuyện, anh ấy chửi tôi té tát: “Em đúng là cái đồ sướng không biết hưởng. Có mẹ chồng chăm cháu cho yên tâm như thế rồi lại còn lắm chuyện. Mẹ nuôi anh lớn nhường này rồi thì có vấn đề gì mà không chăm được thằng Bon? Em tưởng mình em biết làm mẹ à? Mau mau sắp xếp đồ về quê xin lỗi mẹ, còn đón mẹ ra mà ổn định để đi làm? Chứ giờ mẹ dỗi rồi lấy ai trông con?”.

Tôi thật sự bế tắc, muốn nghỉ luôn việc để ở nhà trông con. Nhưng chồng tôi đương nhiên không đồng ý. Còn về đón bà lên trông cháu nữa thì tôi nghĩ thật sự kinh hãi. Vậy là chỉ vì mâu thuẫn trong việc chăm con, tôi mất luôn mẹ chồng. Nay tôi biết phải làm thế nào đây?

Nhờ bà chăm cháu 1 tháng, mẹ trẻ hoảng sợ khi nhìn thấy mặt con
Chị Xiaoli cho rằng quan điểm chăm cháu của mẹ chồng không hề tốt cho sức khỏe của bé.
H.Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tâm sự mẹ bỉm