“Nhiều người nghĩ, tính mẹ thích đi đây đi đó, làm những điều mình muốn sẽ không phải người phụ nữ của gia đình và họ đã từng nghĩ mẹ sẽ bỏ con vào một trung tâm nào đó khi con bị vậy nhưng không, mẹ vẫn đắm đuối bên con suốt 8 năm qua và cả sau này nữa”.
Mẹ đặt tên con là Tú Minh, cái tên ghép từ tên của bố và tên đệm của mẹ với mong muốn con luôn là một ngôi sao sáng, cuộc đời con sẽ luôn vui vẻ, nhẹ nhõm dù có phải đối mặt với bệnh tật như thế nào. Và đúng như vậy, Tú Minh tuy 8 tuổi không thể nói, không thể đi cũng không thể lớn hơn vì bị bại não nhưng con – nàng công chúa của mẹ vẫn vui vẻ, nở nụ cười rạng rỡ mỗi sớm mai thức dậy.
Diễn viên Đặng Minh Cúc sinh năm 1986, diễn viên Đoàn kịch I, Nhà hát Tuổi trẻ.
Nhiều người nghĩ, tính mẹ thích đi đây đi đó, làm những điều mình muốn sẽ không phải người phụ nữ của gia đình và họ đã từng nghĩ mẹ sẽ bỏ con vào một trung tâm nào đó khi con bị vậy nhưng không, mẹ vẫn đắm đuối bên con suốt 8 năm qua. Thậm chí mẹ còn từ bỏ cả niềm đam mê diễn xuất mà mẹ từng làm trái lời ông bà ngoại để ở bên chăm sóc, đưa con đi chạy chữa khắp nơi.
Mẹ còn nhớ, mẹ mang thai Tú Minh sau khoảng gần 1 năm kết hôn. Lần đầu tiên làm mẹ, mẹ đặt hết mọi hy vọng và những dự định của mình vào con. Mẹ cứ nghĩ mang bầu khỏe mạnh, đi khám thai đều đặn là êm xuôi nhưng nào ngờ tin dữ lại ập đến với mẹ quá bất ngờ chỉ ít phút trước khi sinh, bác sĩ kiểm tra nước ối chuyển màu xanh do nhiễm khuẩn vì con đã thải phân su vào trong bụng từ lúc nào rồi.
Nghe đến đây, nhìn gương mặt căng thẳng của các bác sĩ mẹ biết rằng có điều gì không hay sẽ xảy ra và mẹ cũng đã xác định sẵn tinh thần dù con chào đời vẫn hồng hào, xinh xắn như những đứa trẻ bình thường khác.
“Thời gian ngạt trong ối nhiễm khuẩn quá lâu mọi cơ quan trong người đều đã nhiễm khuẩn hết. Các cơ quan non nớt trong người con không thể tiếp tục hoàn thiện sau khi sinh. Con bị suy gan, suy tim, suy thận” . Những câu nói ấy của bác sĩ khiến mẹ đau nhói trong lòng. Mẹ chẳng biết làm gì hơn, chỉ biết giao tất cả cho bác sĩ để cứu con qua khỏi.
Đặc biệt, khi con 20 ngày tuổi bị dừng tim do van tim không thể đóng lại được, mẹ đã tưởng như mất con từ khi ấy nhưng cuối cùng Tú Minh vẫn ở lại bên mẹ, vượt qua ca phẫu thuật tim đầu tiên.
Dù vậy, mẹ vẫn luôn phải xác định sẵn tinh thần khi đưa con về nhà sau 3 tháng điều trị với những lời thông báo của bác sĩ “Não của con bị tổn thương quá nặng, không thể lớn và phát triển bình thường được đâu”.
Và đúng vậy, 5 tháng tuổi con bắt đầu gồng vặn, chậm hơn trẻ khác. Kết luận “một bên não của con teo do mấy tiếng đồng hồ ngạt ối, não không được cung cấp đủ oxi” sau khi chụp cộng hưởng dường như đã dập tắt niềm hy vọng cuối cùng của mẹ.
Không chỉ đối diện với những nỗi đau khi sinh không được “mẹ tròn con vuông”, mẹ còn phải đối diện với những nỗi đau khi tình cảm bố mẹ rạn nứt. Là một người mạnh mẽ, dứt khoát, xác định không thể khổ vì chồng và vì con, mẹ đã quyết định ly hôn, rồi bế con về nhà ông bà ngoại. Mẹ đã xác định mẹ sẽ chỉ khổ vì con mà thôi.
Làm mẹ đơn thân cũng vất vả lắm, nhất là khi con bị bệnh như vậy. Thậm chí mẹ đã phải tạm gác lại niềm đam mê, sự nghiệp diễn xuất của mình để chăm sóc con. Thế nhưng cuộc sống dù có khó khăn vất vả thế nào mẹ vẫn luôn lạc quan vui vẻ.
Những ngày đầu chăm con, mẹ không biết những tiếng khóc cầu cứu của con khi gặp nguy hiểm. Mẹ còn nhớ thời gian đầu chưa quen tiếng khóc con trong từng giai đoạn, mẹ ngồi giặt giũ quần áo trong nhà vệ sinh khiến con ngã xuống giường. Thế rồi, dần dần mẹ để ý hơn, mẹ làm thử những cách để có thể phân biệt được những tiếng khóc của con. Đến bây giờ, mẹ đã có thể tự tin nói rằng tiếng khóc nào lúc đói, lúc ngã và cả tiếng khóc nào lúc có con muỗi đến làm phiền con.
Những ngày đầu và cả đến bây giờ, việc cho con ăn đối với mẹ vẫn là một khó khăn. Vì cơ hàm của con khó nuốt, mẹ phải quát, bóp mũi cho bằng được để con phải khóc mới ăn hết bữa sữa, bữa cháo. Qua mấy năm, mẹ là người duy nhất trong nhà thành thạo cách cho con ăn, biết nhịp khóc của con để đưa cháo vào không bị sặc. Chính vì vậy dù bận rộn đến mấy công việc ở ngoài mẹ cũng luôn cố gắng căn đúng giờ cho con ăn buổi trưa, buổi tối để về.
Nhiều người ngoài không biết sẽ nghĩ mẹ ác, mạnh tay với con mỗi khi nhìn mẹ cho con ăn, nhìn mẹ tắm dội nước từ trên đầu xuống cho con hay nhìn cách mẹ bế con như một con búp bê quăng quật nhưng mẹ chẳng biết giải thích thế nào, vì con thích thế, vì chỉ có cách đấy con mới khóc, mới ăn được để không bị đói và chỉ có như thế con mới có cảm giác mạnh mà con thích, được thả lỏng thoải mái.
6 năm ròng đưa con đi điều trị, Minh Cúc hy sinh cả công việc diễn xuất để có thời gian chăm sóc con.
Con biết không, 6 năm ròng, ngày nào mẹ cũng miệt mài đưa con đi châm cứu, nhìn 30 chục mũi kim cắm trên người chạy điện. Mỗi lần như vậy, con khóc mẹ cũng xót và thương lắm nhưng mẹ luôn cố gắng để mình có một “tinh thần thép” vượt qua. Thế rồi mẹ cũng quen dần, ngày nào cũng địu con đi trên chiếc xe máy đến viện châm cứu.
Mẹ còn nhớ những hôm trời mưa, con nằm trong lòng mẹ sau lớp áo mưa to ụ phủ kín người, chiếc taxi va vào xe 2 mẹ con mình, mẹ phải ngã xuống để con đè lên người mẹ cho đỡ đau.
Khoảng thời gian đưa con đi châm cứu, công việc của mẹ đình trệ, mẹ phải “trầy mặt” đi xin nhà hát đến muộn để đưa con đi. Mọi kế hoạch, dự định của mẹ cũng tan biến, mẹ từ chối những lời mời làm phim, các hội diễn để có thời gian dành cho con.
Đã lâu lắm rồi mẹ không xuất hiện trong bất cứ dự án phim truyền hình nào nên những anh em nghệ sĩ và các ê kíp sản xuất phim cũng dần quên mẹ hoặc người ta cũng ngại và nghĩ “vì con như thế chắc mẹ cũng không có thời gian, tâm trạng làm nghề”. Để có tiền, ngoài đi diễn những phim ngắn, mẹ phải làm đủ thứ nghề make up, kinh doanh và đồ da handmade.
Bao nhiêu năm vất vả như thế nhưng chưa bao giờ mẹ hết hy vọng, vậy mà sau khi cho con đến khám tại một bệnh viện lớn có chương trình cấy tế bào gốc điều trị bệnh cho các bé bị bại não, mẹ đã phải chấp nhận sự thực.
“Con không có khả năng để phục hồi” là câu trả lời của bác sĩ khiến mẹ buồn lắm. Giá như hồi đó bác sĩ chỉ cần nói có % phục hồi, dù chỉ 0,1% hay 1% mẹ cũng mừng lắm và sẽ cố gắng chạy chữa cho con dù có phải bán cả nhà, nhưng đó chỉ là “giá như”. Mẹ đành phải chấp nhận bế con về, cắn răng chịu không theo các phương tiện hay hình thức y học nào nữa.
Mẹ biết mẹ có cố cũng không thể thu lại kết quả, chỉ tiền mất và khiến con chịu đau đớn về thể xác. Mẹ biết mình phải sống thực tế và mẹ đã quyết định ôm con về nhà chăm bẵm, dành hết sự yêu thương của mình cho con.
Con bị bệnh nhưng không vì thế mẹ mặc cảm, tự tin với với mọi người. Mẹ không cho phép bản thân mình được gục ngã, than vãn. Mẹ vẫn ăn mặc đẹp, trau chuốt cho bản thân, vui vẻ nở nụ cười khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên.
Mẹ còn nhớ thời điểm con còn nhỏ, mẹ đi làm, đi chơi đi học cũng đều mang con theo. Đó cũng là cách mẹ dạy Tú Minh, mẹ muốn đỡ ông bà ngoại việc trông con phần nào, mẹ muốn con tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài kia, không bị thiệt thòi và mẹ muốn cả mẹ con mình đều có thể sống vui vẻ bên nhau.
Dẫu con không thể nói, không thể đi và cũng không thể lớn như những bạn cùng trang lứa nhưng mẹ vui vì Tú Minh vẫn rất tinh nhạy. Con có thể nhận biết tốt và phân biệt được ông bà, người quen. Thậm chí phân biệt được giọng nói của từng người một, kể cả bác Thu Hương và Thanh Tú mỗi khi đến cơ quan cùng mẹ.
Con biết mếu khi mẹ quát mỗi lần không chịu ăn: “Không biết thương mẹ, mẹ bỏ con vứt ra ngoài thùng rác”, rồi ngoan ngoãn ăn khi mẹ dỗ dành “Thương mẹ thì phải ăn”. Con cũng biết cả mùi nước hoa của mẹ, luôn nở nụ cười khi gặp ai đó thân thiện với mình và biết cúi dụi mặt vào lòng khi nhìn thấy có ánh mắt không thiện cảm dành cho mình.
Mẹ biết chỉ cần nói “Hôm nay mẹ mệt, Tú Minh ngoan để cho mẹ ngủ một lúc” là con sẽ ngoan ngoãn nằm yên ở bên ngắm mẹ ngủ. Mẹ cũng biết con không thích diêm dúa và rất thích chụp ảnh giống mẹ.
Không những vậy, con còn biết dỗi nếu mẹ không cho đi diễn cùng, biết bám mẹ dai như đỉa, quấy khóc, thức suốt đêm khi chuẩn bị đi công tác và trằn trọc cả tối mỗi khi biết mẹ chuẩn bị về. Mẹ biết con biết tất cả điều đó. Chính vì vậy, mỗi lần đi công tác mẹ phải giấu và trốn con, rồi phải để bỉm, quần áo con mang theo cho đỡ nhớ. Mẹ cũng không lỡ đi xa vì con, thậm chí gặp đối tác trong công việc mẹ cũng phải xin phép để về sớm bên con.
Nuôi con khó khăn nhiều nhưng mẹ đã quen rồi và mẹ cảm thấy đó như chu kỳ hàng ngày của mình. Mẹ đã quen những ngày được ôm con vào lòng ngủ, mẹ quen với guồng quay bận rộn chăm sóc con như một em bé sơ sinh.
Con đã trở thành nguồn sống, động lực cho mẹ suốt bao năm qua. Trước tết vừa rồi, có đợt nhận dự án mẹ cứ đi làm từ 4h sáng đến 2h sáng hôm sau mới về. Ngày nào cũng vậy, mẹ chỉ dám lướt qua phòng nhìn con ngủ và tranh thủ hôm nào về sớm lại bế con, về ôm con ngủ.
Tú Minh không thích điệu, rất hay cười và thích chụp ảnh.
Hiện nay, Tú Minh của mẹ 8 tuổi nhưng vẫn không nặng được quá 9kg. Con ăn bao nhiêu lại nuôi hết những cơn vặn mình. Con vẫn chỉ đặt nằm đâu nằm đấy, vẫn phải đóng bỉm và ăn đồ xay nhuyễn giống như những đứa trẻ sơ sinh. Thế nhưng, sau muôn vàn khó khăn ấy, mẹ vẫn thấy mình nhàn vì đồ ăn của con không thay đổi và mẹ không phải tốn tiền mua đồ chơi hay quần áo cho con.
Mẹ nhận ra mình là một siêu nhân, vừa có thể đi làm mưu sinh, vừa có thể chăm con và vừa có thể kiêm luôn bác sĩ gia đình, bắt bệnh, tự chữa bệnh cho con khiến bạn bè mẹ phải trêu “đến bác sĩ cũng phải thất nghiệp vì mẹ”.
Mẹ biết Tú Minh sẽ chẳng ở bên mẹ được lâu vì mẹ biết những đứa trẻ bị bại não chỉ sống được đến năm 12-13 tuổi. Chính vì vậy, dù mọi người có khuyên nhưng mẹ chẳng nghĩ đến chuyện kết hôn hay sinh một em nữa bởi mẹ không muốn san sẻ tình cảm khiến con bị tổn thương. Mẹ chỉ muốn cố gắng làm tất cả để khoảng thời gian mẹ con mình ở bên nhau hạnh phúc nhất.
Đối với mẹ niềm hạnh phúc mỗi ngày là con. Và mồng 8/3 năm nay cũng vẫn giống như mỗi ngày mà mẹ mong muốn, đó là được nhìn thấy nụ cười của con. Mẹ con mình sẽ cùng nhau cười thật rạng rỡ để lưu lại những kỷ niệm đẹp bên nhau.