“Đã quá muộn, dòng xương đã “đóng cửa”. Chiều cao 1m62 là đến đỉnh rồi.”…
Khi đưa cháu trai 10 tuổi đến gặp bác sĩ, bà Trương – một người phụ nữ trung niên ở Hàng Châu, Trung Quốc đã phải bật khóc thành tiếng. Người ta nói rằng muốn tăng chiều cao cho trẻ cần phải bổ sung nhiều dinh dưỡng. Bà làm theo mà không ngờ vui chưa thấy đâu, họa đã đến.
Có một kiểu suy nghĩ phổ biến của hầu hết người già, đó là luôn cho rằng những đứa cháu bị đói. Bà Trương cũng vậy. Có được cháu trai trong nhà, bà đặc biệt thích chiều cháu, đáp ứng mọi yêu cầu và luôn cố gắng bổ sung cho cháu thật nhiều dinh dưỡng.
Video: Cho bé ăn những thứ này để có chiều cao tương đương siêu mẫu
Học lớp 5, cháu bà Trương cao 1m62, luôn được giáo viên xếp ngồi bàn cuối cùng vì cao nhất lớn. Ai gặp cậu bé cũng khen ngợi bà khéo chăm cháu. Vậy nhưng thời gian gần đây, bà Trương phát hiện ra cháu trai không còn cao nữa nên quyết định dắt cháu đến khám tại phòng phát triển và tăng trưởng của Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Hàng Châu.
Tại đây, bác sĩ Yu sau khi nhìn cậu bé đã lắc đầu. Các đường xương cùng cơ quan sinh dục đã có hiện tượng dậy thì sớm. Chiều cao không thể tiếp tục tăng.
Đến lúc này, bà Trương mới bật khóc cho biết “Gia đình tôi có ba thế hệ, thằng cháu này là cháu duy nhất. Để giúp cháu cao lớn, tôi mua bột nhân sâm cho cháu ăn mỗi ngày vài thìa. Trong vòng một năm đầu, cháu tăng chiều cao rõ rệt. Ai biết được bột sâm lại gây dậy thì sớm”. Trước khi rời đi, bà Trương còn nhờ bác sĩ không ghi nguyên nhân vào sổ để tránh cho bố mẹ cháu biết được.
Thực tế, những câu chuyện trẻ cấp một có chiều cao tăng vọt nhưng đến cấp 2 lại chững lại và không cao thêm ngày nay không hiếm. Nhiều gia đình có thói quen bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng tổ yến, sữa ong chúa, hải sâm, nhân sâm… đều là những siêu thực phẩm giúp thúc đẩy sự phát triển xương, nhưng đồng thời cũng “nuôi dưỡng” tuyến sinh dục phát triển, kéo theo đó là hiện tượng dậy thì sớm.
Bác sĩ Yu cho biết “Những thực phẩm giàu dinh dưỡng quá mức sẽ kích thích hormone phát triển. Một đứa trẻ đột nhiên cao quá nhanh, quá béo ở những năm tiểu học không phải là điều tốt, đặc biệt với bé trai.
Khi trẻ bị dậy thì sớm, dòng xương cơ bản sẽ được đóng lại. Cha mẹ nên kiểm soát chế độ dinh dưỡng cùng chiều cao, cân nặng con sao cho đúng với chuẩn phát triển thông thường. Thấp quá và cao quá đều không tốt. Những đứa trẻ còi nhất lớp và lớn nhất lớp đều nên được đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.”