Để có tiền trị bệnh cho con, bà mẹ Trung Quốc đã phải rời xa quê hương đi kiếm tiền, hàng ngày bới rác tìm thức ăn thừa mong tiết kiệm chi phí.
Bảy năm trước, trong cơn tuyệt vọng, cô Jean Guo, 42 tuổi đã phải đưa ra quyết định khó khăn là rời bỏ con trai bé bỏng của mình khi đó chỉ mới 3 tuổi ở quê hương (Hà Nam, Trung Quốc) để đến Singapore kiếm tiền.
Cậu bé Peter con cô bị sốt cao lúc 8 tháng tuổi và mắc một căn bệnh dẫn đến não bị tổn thương. Bác sỹ chẩn đoán em bị thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển.
Jean cho biết, bác sĩ nói rằng, chị phải chuẩn bị tinh thần vì khả quan lắm thì Peter cũng chỉ có thể tự chăm sóc bản thân. Nhưng, từ nỗi lòng của một người mẹ vì con cái, Jean vẫn quyết tâm tiếp tục điều trị cho bé, từ tây y cho đến châm cứu cổ truyền.
Cô Jean và con trai mình
Tổn thương não khiến Peter không thể đi lại và nói chuyện bình thường, cậu bé thường xuyên phải đến phòng chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện. Hiện tại, dù đã 11 tuổi nhưng trí tuệ chỉ như trẻ 1 tuổi. Nằm viện điều trị hàng tuần không chỉ hao tổn về mặt tinh thần, thể chất mà còn cả tài chính của người mẹ nghèo.
Đau đớn hơn, mỗi lần điều trị Jean phải ký vào bản cam kết gia đình sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có bất cứ rủi ro nào xảy ra đối với con trai. Chồng của cô từ lúc biết con trai bị căn bệnh này cũng hoàn toàn phủi phui trách nhiệm, không quan tâm, không góp tiền điều trị cho con. Thậm chí bố chồng Jean còn khuyên cô từ bỏ Peter – điều làm tổn thương bất kỳ người mẹ nào. Ông ta cho rằng vợ chồng cô nên nhận nuôi một bé gái để nương tựa khi về già chứ đừng lãng phí tiền bạc và công sức chăm sóc cho Peter.
Jean đã chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền chữa trị bệnh cho con nhưng rồi cũng cạn nguồn vay. Trong một lần đi đến bệnh viện, cô tình cờ thấy một poster quảng cáo tuyển người làm ở Singapore. Ngay lập tức, cô gọi cho đơn vị đó. Jean nhớ lại “Tôi đã gọi và hỏi họ có thể sang đó làm việc được không? Tôi đang rất cần tiền cho con trai”.
Jean đã phải gạt nước mắt tạm biệt con sang xứ người làm việc
Năm 2012, cô một mình khăn gói lên máy bay để sang Singapore làm việc khi trong túi chỉ có 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng). Tại đây, cô làm lao công tại các tòa nhà văn phòng.
Cô làm việc 14 tiếng/ngày và chỉ nghỉ 2 ngày mỗi tháng. Jean được trả 1.150 SGD (Đôla Sing)/tháng, trừ đi tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt khoàng 700 SGD, số còn lại cô gửi về cho gia đình.
“Bạn có thể cho rằng đó là sự bóc lột hoặc lừa đảo vì tiền lương quá ít ỏi. Thế nhưng tại thời điểm đó, tôi chỉ nghĩ con trai cần tiền điều trị bệnh và tôi phải cố gắng làm việc”.
Để tiết kiệm những bữa ăn, thậm chí Jean đã phải lục lọi thùng rác sau các siêu thị lớn tìm thực phẩm hết hạn. Cô thu thập tất cả mọi thứ, từ rau cho đến khoai tây và phân loại những thứ dễ hỏng để ăn trước. Chẳng cầu kỳ, Jean cho tất cả các loại đồ ăn nấu chung với cơm. Những bữa cơm như thế cùng niềm hy vọng kiếm tiền cho con trị bệnh nuôi sống cô qua ngày.
Vì con trai, cô lao đầu vào làm việc
Cứ như vậy, Jean lao vào làm công việc dọn dẹp vệ sinh ở Singapore trong 2 năm và chịu đựng việc không gặp con trai. Cuộc sống xứ người thực sự khó khăn nhưng cô không còn lựa chọn nào khác “Tôi chỉ nghĩ rằng, y học hiện đại trong tương lai có thể chữa được bệnh cho con, Peter có thể khỏe hơn và quan trọng con có thể sống”, Jean nghẹn ngào trong nước mắt.
Rất may mắn, năm 2014, một vài người bạn tại Singapore đã giúp Jean gây quỹ cho con trai cô để tìm kiếm cơ hội điều trị tốt hơn tại đây.
Jean nhớ lại giây phút nghẹn ngào trong nước mắt khi nhìn thấy con trai 5 tuổi bước những bước đi đầu tiên của mình tại sân bay Changi, dù thằng bé không nhớ cô là ai. “Thằng bé đi bộ không được vững lắm nhưng tôi vẫn vô cùng hạnh phúc khi thấy rằng những hy vọng và nỗ lực của tôi đã được đền đáp”.
Đến năm 2016, cha của Jean bị đột quỵ và cô phải bay về Trung Quốc chăm sóc gia đình. Đến lúc đó, Peter lại quên đi cô là ai. Nước mắt lưng tròng, Jean kể lại, con trai đã gọi cô là “Dì” trong những ngày đầu gặp lại. Mặc dù vậy, cô vẫn ôm con ngủ mỗi đêm và liên tục nhắc nhở cô là ai, cho thằng bé xem những hình ảnh lưu trong điện thoại để con có thể nhớ mình.
Thật hạnh phúc, vào một buổi sáng con trai của cô đã hỏi “Mẹ con đi đâu rồi”. Thằng bé đã chạy đến vào chạm nhẹ vào đầu cô và cô thực sự vỡ òa.
Cô từng phải bới tìm thức ăn thừa để tiết kiệm tiền mỗi ngày
Dù chồng cô không hề quan tâm đến hai mẹ con và cuộc sống cơ cực của họ nhưng Jean nói rằng cô chưa từng nghĩ đến việc ly hôn. Một phần do văn hóa nông thôn vô cùng kỳ thị với việc này.
Ở đây, người ta cho rằng việc phụ nữ ly dị chồng là đáng xấu hổ, chẳng khác nào bị chồng ruồng bỏ. Thậm chí cô đã ngây thơ nghĩ đến việc sinh thêm con để Peter có em.
Tuy nhiên, mọi hy vọng về một gia đình sum họp êm ấm nhanh chóng tan vỡ khi chồng Jean tỏ thái độ lạnh lùng ngay cả khi cô đã trở về nhà. Cuối cùng Jean đệ đơn ly hôn. Sau ly hôn, anh ta nhận ngôi nhà và Jean nhận quyền nuôi con. Sau ngần ấy năm lập gia đình, tài sản duy nhất của cô là con trai.
Đến năm 2017, cô kết hôn với một người Singapore. Cô không tiết lộ thông tin về anh, chỉ hạnh phúc nói rằng anh là một người tốt, thương yêu cô và cả con trai nữa. Đó là tất cả những gì cô cần.
Cuộc sống hiện tại của Jean xoay quanh việc ở nhà chăm sóc chồng con. Họ đã chuyển đến sống ở Punggol, Singapore. Peter cũng bắt đầu theo học tại một ngôi trường dành cho trẻ đặc biệt từ tháng 1 năm nay. “Tôi không chắc con trai giờ có hiểu được thế giới xung quanh nhiều hơn không nhưng tôi thấy thằng bé trưởng thành hơn rất nhiều kể từ khi được đến trường”. Tôi đã có thể tựa vào vai con và nói rằng: “Cuối cùng mẹ cũng có người để nương tựa”, bà mẹ kiên cường nghẹn ngào trong nước mắt.
Dù con trai không làm được gì nhưng trong thâm tâm cô, bé vẫn là một báu vật. Bé là con trai duy nhất của cô, bất kể ai đó bàn tán thế nào và không thể chấp nhận thì nó vẫn đang tiến bộ dần.
Tuy nhiên, chỉ đưa đón con mỗi ngày cô lại thấy quá rảnh rỗi. Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, cô cảm thấy mình “thừa thời gian”. Cô muốn có một công việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. “Tôi hy vọng tìm được một công việc để lo cho mẹ khi về già. Tuy nhiên, rất khó tìm việc bởi tôi chỉ có thể làm việc vài giờ/ngày. Tôi cũng muốn học thêm tiếng Anh nhưng thực sự chỉ tăng thêm gánh nặng cho gia đình lúc này”.
Tương lai ra sao thì Jean chưa nghĩ đến. “Nhà tôi ở Trung Quốc cũng đã hỏi tôi sẽ thế nào khi mình già đi? Có chăm được Peter mãi không? Và thằng bé sẽ như thế nào sau này?”.
Hạnh phúc của cô là con mình tiến bộ hơn mỗi ngày
Jean chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ con trai. “Chúng tôi có thể ở bên nhau vì tình trạng của con dần dần được cải thiện. Tôi nghĩ đó là điều tốt nhất ở hiện tại. Ít nhất, thằng bé có thể học cách tự lập, đó là mục tiêu của tôi rồi. Mọi chuyện chỉ có thể trở nên tốt hơn, không thể tồi tệ đi".
Jean có thể không xoay sở để có cuộc sống tốt nhất, nhưng những gì cô ấy đã và đang làm thực sự truyền cảm hứng đến nhiều người. "Những gì tôi đang làm cũng giống như những điều mà mọi bà mẹ của những đứa trẻ khuyết tật sẽ làm. Chẳng có điều gì hạnh phúc hơn việc mẹ con tôi được ở cùng nhau”.
“Tất nhiên, tôi chỉ là một người bình thường và đôi khi tôi cũng ước cuộc sống của mình khác đi để tôi có thể làm những gì mình muốn”. “Nhưng”, Jean nói thêm: “Con tôi đã quyết định cuộc sống cho tôi”.
Jean là một trong 30 người được vinh danh tại sự kiện Sheroes nhân Ngày quốc tế phụ nữ tại Singapore. Sự kiện này được tổ chức bởi The Heart Enterprise - Một doanh nghiệp xã hội dành cho trẻ mắc chứng tự kỷ và khuyết tật. |