Để có được 2 giây lên hình, một em bé sơ sinh có thể phải quay mất nửa ngày dưới ánh đèn máy quay cực nóng.
Có con được lên tivi, được xuất hiện trong các quảng cáo trên truyền hình luôn là niềm ao ước của tất cả các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn hay đặt câu hỏi, làm thế nào để con được mời quay quảng cáo, liệu con có cần phải đẹp “lung linh” thì mới được chọn không, hay chỉ có “con nhà người ta” thì mới được lên tivi? “Bật mí” hậu trường thú vị từ chuyện tìm kiếm gương mặt quảng cáo, chuyện casting với các thương hiệu lớn ở Việt Nam cho đến chuyện đi quay của những em bé sơ sinh, những cô nhóc cậu nhóc ở Việt Nam may mắn từng xuất hiện trên truyền hình sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên.
Đôi khi, những em bé còi, đen mới là những em bé được chọn
Thông thường, để tìm kiếm các gương mặt nhí cho việc quay quảng cáo truyền hình, các công ty casting hay thường có một đội ngũ cộng tác viên đến những trường học, nhà văn hoá hay các trung tâm thương mại để khai thác. Hoặc đôi khi đơn giản chỉ là tình cờ gặp ngoài đường, thấy bé xinh và có gương mặt phù hợp thì mời quay quảng cáo. Đối với trẻ sơ sinh, việc tìm kiếm lại khá khó khăn vì không phải gia đình nào cũng đồng ý cho con mới sinh ra ngoài và đi quay suốt cả ngày trời. Các công ty tìm kiếm gương mặt quảng cáo thường phải liên hệ trực tiếp với các bệnh viện phụ sản hoặc lên các diễn đàn về chăm con, nuôi con để đăng thông tin tìm kiếm.
Không phải chỉ riêng các nhãn hàng đồ trẻ em như bỉm, sữa, sữa chua, bánh kẹo...mới thích tìm kiếm gương mặt trẻ em đóng quảng cáo mà hấu hết các thương hiệu đồ gia đình như mì gói, kem đánh răng, bột giặt...đều muốn quay quảng cáo với trẻ em.
Quảng cáo sản phẩm bột giặt của môt thương hiệu lớn ở Việt Nam.
Những gương mặt nhí này hầu hết là các em bé không chuyên, được phát hiện từ các trường học, nhà văn hoá hoặc các trung tâm thương mại.
Nhiều phụ huynh vẫn cho rằng, để được lên hình và chọn quay quảng cáo truyền hình thì con mình phải thật đáng yêu, có gương mặt đẹp. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Cơ hội để tình cờ một ngày bỗng nhiên con mình được mời quay quảng cáo vẫn chia đều cho tất cả mọi người.
Chị Jen Nguyễn - phụ trách marketing của một công ty chuyên tìm kiếm và cung cấp các gương mặt quảng cáo cho các nhãn hàng thuộc loại lớn nhất Tp. HCM cho biết tuỳ thuộc vào ý đồ và nội dung chiến dịch quảng cáo của từng thương hiệu mà các nhãn hàng sẽ đưa ra những yêu cầu riêng trong việc tìm kiếm gương mặt. Thường các thương hiệu luôn thích chọn những em bé là gương mặt mới và tương đối ăn hình. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp khách hàng đưa ra yêu cầu đặc biệt khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn rất nhiều.
“Ví dụ như trong chiến dịch quảng cáo Tết âm lịch 2013 của một thương hiệu dầu ăn nổi tiếng với thông điệp Tết đoàn viên, khách hàng yêu cầu nhân vật em bé trong quảng cáo phải là một cô bé khiếm thính, không có khả năng nói nhưng lại có gương mặt ăn ảnh và biết diễn xuất. Chúng tôi đã phải đi đến rất nhiều các trung tâm dạy trẻ khuyết tật trong thành phố, ròng rã nhiều ngày mới lựa chọn ra được 4,5 bé phù hợp. Trong 4,5 bé đó, khi vào đến vòng casting thì khách hàng cũng chỉ chọn lựa ra duy nhất một bé biết diễn tả cảm xúc tốt nhất. Một lần khác, nhằm đáp ứng ý đồ yêu cầu trong quảng cáo của một thương hiệu mỳ ăn liền lớn, chúng tôi lại phải tìm ra được một cậu bé có vóc dáng còi, đen và trông hơi ốm. Quảng cáo này sau đó cũng đã từng gây tranh cãi một thời gian vì cậu bé này không phải bệnh nhi ung thư thật. Tuy nhiên đây chỉ là ý đồ của đạo diễn.” chị Jen Nguyễn cho biết.
Để tìm được một cô bé khiếm thính mà lại biết diễn xuất và có gương mặt ăn hình là vô cùng khó khăn.
Cô bé trong đoạn quảng cáo của một nhãn hàng dầu ăn lớn này đã giúp hãng tạo được hiệu ứng rất tốt cho hãng trong chiến dịch Tết năm 2013.
Để quay đoạn quảng cáo cho thương hiệu mỳ ăn liền nổi tiếng này, cậu bé đóng vai nhân vật chính đã phải cạo đâù thật.
Thường khi các thương hiệu muốn tìm gương mặt quảng cáo, họ sẽ chỉ chờ đợi nhiều nhất là 1 tuần, còn gấp rút thì chỉ 3 ngày là đã phải có được gương mặt nhí thích hợp. Do đó các công ty cung cấp gương mặt phải liên tục tìm kiếm, liên tục thay đổi hồ sơ, ảnh và thông tin chiều cao cân nặng của các bé vì trẻ em lớn rất nhanh và hay thay đổi. Đôi khi, những em bé ở Việt Nam có gương mặt xinh xắn nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu diễn xuất thì các thương hiệu có thể chọn những em bé đóng quảng cáo chuyên nghiệp tại Thái Lan thông qua một đại lý bên đó để đảm bảo an toàn.
Có tới hàng trăm em bé với đủ độ tuổi, hình ảnh, thông tin về chiều cao cân nặng được cập nhật liên tục để các nhãn hàng lựa chọn.
Để có được 2 giây lên hình, một em bé sơ sinh có thể phải quay mất nửa ngày dưới ánh đèn máy quay cực nóng.
Nhiều phụ huynh vẫn cho rằng việc cho con đi quay quảng cáo là vô cùng thú vị. Tuy nhiên, sự thật không bao giờ được “long lanh” như trên truyền hình chúng ta vẫn được xem. Để có được một quảng cáo dài 30 giây, cả đoàn quay bao gồm tới cả trăm người phải làm việc rất vất vả trong thời gian cực ngắn, chỉ từ 1-2 ngày liên tục để cho ra sản phẩm. Đối với những quảng cáo có nhân vật chính là trẻ nhỏ, câu chuyện còn trở nên khó khăn gấp bội.
Chị Liz Thu, người từng có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực tìm kiếm gương mặt quảng cáo cho biết: Trong nghề có một câu nói vui là ‘Có 2 cái quay khó nhất, đó là quay trẻ con và quay động vật’. Nói như vậy đủ hiểu việc quay quảng cáo với em bé vất vả đến thế nào. Đối với trẻ sơ sinh, nhiều bé đang quay thì lại đến giờ ti sữa, thay bỉm hay tự đưng đang quay lại lăn ra ngủ. Đối với các bé lớn hơn một chút, tuy đã biết nghe lời người lớn nhưng vẫn là trẻ con nên cũng “sáng nắng chiều mưa”. Có khi buổi sáng lúc xuất phát thì các con rất hào hứng. Vậy nhưng khi ra đến hiện trường thì lại nhát, ngượng không dám quay hoặc nắng nóng khiến các bé mệt, đòi về. Những lúc như vậy, thường cả đoàn quay phải xúm lại dỗ dành, mua đồ chơi hay nịnh cho bé chịu quay tiếp. Cũng có nhiều kỉ niệm cũng rất đáng nhớ.
“Để thực hiện một quảng cáo với chủ đề gia đình, vì không phải nhà nào cũng có cả bố mẹ và con đều có gương mặt đẹp nên thường các thương hiệu sẽ chọn diễn viên đóng vai bố, mẹ và con theo tiêu chí có gương mặt gần giống nhau. Trẻ nhỏ thật thà nên quay quảng cáo mà thấy cô diễn viên không phải là mẹ thì dứt khoát bảo “Đây có phải mẹ của con đâu”. Hay những khi quay cảnh cười, các bé lại khóc, quay cảnh yêu cầu khóc thì lại không chịu khóc. Có một số phụ huynh chấp nhận thì sẽ đồng ý hù con hoặc la, mắng ngay bé để bé khóc thật.”, chị Liz Thu kể lại
Hình ảnh một quảng cáo sữa công thức cho trẻ em có sự tham gia của trẻ sơ sinh.
Việc em bé đang quay thì cả đoàn phải chờ để bé ăn sữa là chuyện thường xuyên xảy ra.
Hầu hết những em bé lần đầu tiên được mời đóng quảng cáo ban đầu đều có chút lúng túng, ngượng ngịu. Cũng có những em nhỏ tuy còn bé nhưng khả năng diễn xuất rất tốt, có trách nhiệm cao.
Những quảng cáo được thực hiện quay trong nhà thì thường đơn giản, dễ thực hiện hơn là những quảng cáo yêu cầu các bé phải làm việc ngoài trời nắng nóng.
Một cảnh quay ngoài trời trong quảng cáo cho sản phẩm siro chữa biếng ăn của một thương hiệu thuốc đông dược nổi tiếng.
Để quay một video clip quảng cáo truyền hình, một đoàn phim có thể phải cần đến cả trăm người với số lượng máy móc thuê sử dụng một lần cũng đã lên tới hàng trăm triệu, do đó mỗi khi quay, tất cả mọi người đều cố gắng quay liên tục trong từ 1-2 ngày là xong. Lường trước được việc quay quảng cáo có sự tham gia của trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ thường rất khó thực hiện nên các đạo diễn luôn phải đơn giản hoá kịch bản ở mức tối đa và ưu tiên cho các bé được quay trước.
Tuy nhiên để có được 2 giây lên hình trong đoạn quảng cáo dài 30 giây, một em bé sơ sinh có thể phải quay mất nửa ngày dưới ánh đèn máy quay cực nóng. Với những bé lớn, đóng nhân vật chính trong quảng cáo thì thậm chí có những trường hợp còn phải quay đến 2,3 giờ sáng bởi khi đã dựng xong góc máy và ánh sáng cho bối cảnh mà không quay xong, nếu chuyển cảnh sẽ phải thiết lập lại các thiết bị từ đầu, thời gian chờ lên tới gần 2 tiếng đồng hồ, mất rất nhiều công sức và tiền bạc.
Luôn có một người trong ekip quay phim được cử làm nhiệm vụ chăm sóc những ngôi sao nhí của đoàn.
Hình ảnh trong một quảng cáo mì ăn liền có sự tham gia diễn xuất của DV Xuân Bắc.
Bé Thanh Mỹ (áo tím) được mệnh danh là thiên thần quảng cáo Việt Nam với hơn 40 quảng cáo cho rất nhiều thương hiệu lớn ở Việt Nam.
Đi quay quảng cáo vất vả là thế nhưng theo chị Liz Thu cho biết, vì xác định cho con đi đóng quảng cáo để bé có cơ hội gặp gỡ nhiều người, thêm tự tin và học hỏi kỹ năng sống nên nhiều phụ huynh vẫn rất nhiệt tình cho trẻ tham dự. Có những ông bố bà mẹ không tiếc công đưa con đi đi về về rất nhiều lần để casting quảng cáo. Khi được lựa chọn để quay rồi thì với những bé lần đầu đi quay, có khi cả gia đình ông bà, bố mẹ đều bỏ công bỏ việc để “tháp tùng” diễn viên nhí đến hiện trường. Thậm chí, có rất nhiều phụ huynh ngoài Hà Nội cũng gửi ảnh cho công ty casting để mong được nhận quay quảng cáo nhưng vì chi phí di chuyển cho diễn viên khá cao nên hiện tại, chủ yếu việc tìm kiếm và casting trẻ em đóng quảng cáo vẫn thực hiện ở khu vực Tp. HCM.
“Việc quay quảng cáo với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất khó khăn. Tìm kiếm được những bé có gương mặt ăn hình và biết diễn xuất lại càng ít. Vậy nên một khi đã tìm được bé thích hợp hay nhận thấy bé có tiềm năng, chúng tôi đều cố gắng gửi cho các nhãn hàng để họ lựa chọn. Khi bé có duyên với quảng cáo rồi thì sau càng ngày càng nhận được nhiều lời mời hơn và trở nên rất gắn bó. Đó là điều khiến chúng tôi vui mừng và tự hào”, chị Jen Nguyễn kết luận.