Con gái là siêu mẫu nhí, được nhiều người khen ngợi là ngoan ngoãn, lễ phép nhờ cách dạy của Minh Khang - Thúy Hạnh.
Tham gia chương trình truyền hình "Bố ơi! Mình đi đâu thế" phiên bản Việt mùa đầu tiên cùng với cặp bố con Phan Anh, Trần Lực, Hoàng Bách và cả mùa thứ 2 cùng Xuân Bắc, Mạnh Trường, bộ đôi bố con nhạc sĩ Minh Khang - bé Suti nhận được rất nhiều sự yêu mến từ khán giả truyền hình. Nếu Minh Khang là ông bố vui vẻ, hài hước đồng thời cũng rất yêu thương, chiều chuộng con gái thì bé Suti nhận được nhiều lời khen vì đã trưởng thành từ bé út hay nũng nịu của mùa 1 thành cô bé ngoan ngoãn, lễ phép, tình cảm và rất chững chạc trong mùa 2.
Tuy nhiên ít ai biết, nhạc sĩ Minh Khang đồng thời cũng là một ông bố vô cùng nghiêm khắc. Mới đây xuất hiện trong Các ông bố nói gì, ông xã cựu siêu mẫu Thúy Hạnh đã gây bất ngờ khi chia sẻ nhiều hơn về hành trình làm bố và nuôi dạy 2 cô con gái.
Suti được khen là cô bé ngoan ngoan nhất khi trường thành mua 2 mùa Bố ơi! Mình đi đâu thế.
Giờ Suti (11 tuổi) và chị gái Suli (12 tuổi) đều lớn tựa thiếu nữ
Hai cô bé được nhiều người khen ngợi nhờ cách giáo dục nghiêm khắc và yêu thương của bố Minh Khang.
Tôi quỳ xuống khi lần đầu gặp con
Khi biết tin vợ mang bầu, cảm giác đầu tiên của tôi là “rụng rời”, bấn loạn, muốn xỉu. Hai vợ chồng chưa cưới, đang “tuổi chơi”. Sau khi nói chuyện với vợ, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nói chuyện với anh hai và sau đó quyết định ngay sẽ ra bắc “dạm ngõ”. Trong Sài Gòn tôi chỉ có anh hai, không còn bố mẹ. Gia đình Thúy Hạnh ngoài Bắc thì rất đông. Hai anh em xoay sở, cuối cùng cũng có được cô chú cùng anh em bạn bè đồng nghiệp đi cùng. Từ lúc ra bắc dạm ngõ, làm đám cưới rồi đưa Hạnh vào TPHCM thuê nhà là cả một hành trình đầy khó nhọc có thể viết được thành phim.
Tôi nhớ mãi, sau thời gian vất vả ở thuê, hai vợ chồng mua được căn hộ chung cư. Thời đó thang máy chưa cho vận hành, lại nôn nóng muốn lên sửa nhà, Thúy Hạnh vác bụng bầu 7 tháng leo lên tận tầng 11 rồi lại tự đi bộ xuống. Đến khi về nhà thì bị chảy máu, đưa vào viện bác sĩ nói dọa sinh non, phải nằm giường một chỗ 2 tháng không được đi đâu. Bởi vậy, thương con 100 thì thương vợ 1000 lần.
Tôi nhớ hoài vòng tay đầu tiên khi tôi bế con. Tôi quỳ hẳn xuống để bế bé khiến y tá cũng bất ngờ. Thương con bao nhiêu thương vợ bấy nhiêu. Thời gian sau đó, mọi chuyện bỉm sữa chăm sóc con, bồng bế cho ăn, cho tắm đều do một tay tôi làm. Chuyện ăn của con pha sữa ban ngày khác, ban đêm khác, cho con ăn phải bế ra sao để không trào ngược dạ dày, rồi ăn xong bao nhiêu phút phải vỗ ở hơi. Tắm cho con cũng phải biết cách, chơi cũng vậy.
Có được bé gái đầu tiên, người ta nói con gái đầu lòng cha làm ăn rất tốt. Tôi tin điều đó, sau 1,2 năm đầu nuôi con, tôi làm ăn rất tốt. Rồi đến con gái thứ hai, mọi chuyện suôn sẻ hơn, Hạnh sinh rất nhanh. Sau sinh hai vợ chồng cũng có kinh nghiệm nên tự chăm con tốt hơn nữa.
Con gái 11 - 12 tuổi tôi vẫn phải đòn roi
Chăm con kỹ là vậy nhưng chuyện nuôi dạy con tôi lại vô cùng nghiêm khắc. Trong gia đình, tôi đóng vai “khó tính”. Tôi không nói cấm con nhưng phải giảng giải cho con lý do và hậu quả, để con tự chịu trách nhiệm nếu con vẫn muốn làm. Cũng có đôi khi tôi cũng mắc lỗi lầm. Khi bận rộn công việc, chưa tìm hiểu kỹ nên khi thấy sự việc, tôi vội mắng con “Tại sao con làm như vậy”. Sau đó vợ lại phải nhắn tin giải thích.
Tới bây giờ hai cô con gái 11-12 tuổi tôi vẫn phải đòn roi. Ví dụ như có lần cô em mang Iphone đến trường rồi làm mất. Iphone mới tinh vừa mới mua tức thì nhưng về cô chị cũng không nói ba, cô em cũng không nói với ba để ba lên trường tìm ngay. Vậy là hai đứa nằm lên, lấy cái chổi vụt vào mông rồi nói “Đây là hai cái roi mà ba phạt”. Con từ nhỏ đến lớn tôi ít khi đánh, trừ lỗi nặng lắm mới đánh một cái chổi vào mông cho nhớ.
Hai cô con gái bây giờ lớn đều rất nề nếp, ngoan ngoãn từ cái ăn cái mặc. Người ngoài nhìn vào hai bé đều hài lòng, bản thân tôi cũng vui nhưng không vì thế mà ỷ y vì hai bé là con gái thì bố mẹ phải thường xuyên quan sát và kiểm tra hơn nữa.
Tôi không hãnh diện gì nhiều về “ông bố Minh Khang”
Tôi là người nóng tính, nhiều khi làm công việc bực bội lại giận lây sang vợ con. Thời gian nuôi dạy con, tôi xác định tổ ấm gia đình bố mẹ phải “vẽ” những điều đẹp đẽ. Hai vợ chồng nuôi con phải biết nhường nhịn, đôi khi thấy một người đang chuẩn bị tức giận là phải giảm cái tôi lại, cầm điện thoại lên bỏ đi để tránh nảy sinh bất đồng trước mặt con rồi sau này quay lại nói chuyện sau. Rồi trước tôi còn hay đi nhậu, trước nhậu 10 thì giờ có con rồi chỉ nhậu 2 thôi.
Nói về ông bố Minh Khang thì đa phần tôi không hãnh diện gì nhiều nhưng được cái là thương vợ thương con. Tôi nghĩ việc mình khó khăn thiếu thốn từ nhỏ, giờ không có vợ có con thì cuộc đời tôi vứt đi. Tôi chỉ mong các ông bố bà mẹ khi đã sinh con ra thì những khi có chuyện không vui, có chuyện phải đi đến những quyết định không mong muốn thì hãy nhìn vào những đứa con để nghĩ lại, để dành cho con những gì lớn lao nhất, những gì chúng nó đáng được hưởng.