Phi Thanh Vân cho biết cô đã đọc rất nhiều sách của mẹ Nhật, mẹ Mỹ, mẹ Do Thái dạy con để lấy kinh nghiệm vì "Chẳng có người mẹ nào sinh ra để trở thành một người mẹ thật giỏi cả".
Chiều ngày 6/2 năm 2016, nữ diễn viên Phi Thanh Vân hạ sinh con trai đầu lòng nặng 3,2kg tại bệnh viện Hùng Vương, Tp.HCM. Là đứa trẻ qúy báu chào đời sau khi "nữ hoàng dao kéo" trải qua gần chục lần sảy thai nên bé Tấn Đức ngay khi vừa lọt lòng đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận và người hâm mộ.
Mới sau sinh hơn một tháng, Phi Thanh Vân đã vướng phải scandal bị chỉ trích dữ dội vì bức ảnh bế con trai sai cách. Đầu năm 2017, con chưa đầy 12 tháng, cô lại gặp ồn ào thứ hai khi tuyên bố ly hôn.
Gần 4 năm nay, bỏ qua hết lùm xùm đồng thời cũng rút lui khỏi làng giải trí, Phi Thanh Vân tập trung vào vai trò nữ doanh nhân, đồng thời tự mình chăm sóc, nuôi dưỡng cậu con trai đầu lòng Tấn Đức.
Một thời ồn ào và để lại những ấn tượng không tốt nhưng đến hiện tại, Phi Thanh Vân đã trở thành một bà mẹ đơn thân đáng ngưỡng mộ khi giúp bé Tấn Đức trở thành một cậu bé vô cùng thông minh thuộc top đầu trong trường, có khả năng ngoại ngữ giỏi, tự lập và ngoan ngoãn.
Con trai hiện đã 4 tuổi. Chị có thể khoe một chút về bé ở thời điển hiện tại? Chị đã dạy bé như thế nào?
Tôi dạy con trên tinh thần khuyến khích con tự học và để con được phát huy tối đa tiềm năng con có, hình thành cho con những thói quen tốt nhờ mẹ "lập trình".
Con bước vào 4 tuổi thực sự bây giờ tôi không còn nặng đầu với con. Tôi hầu như không phải giục hay la mắng con bởi bé rất ngoan và tự lập do được mẹ "lập trình" từ khi còn bé. Bây giờ, chỉ cần mẹ bảo con ơi chuẩn bị đi chơi nha là bé sẽ tự vào phòng đi tắm, lau người, chọn đồ, thay đồ, chọn giầy, ra cầu thang tự bấm thang máy.
Tất cả những gì con làm tôi "lập trình" cho con là điều gì là việc của con, con bầy ra thì con dọn vào. Tôi không nuôi người làm trong nhà vì ở độ tuổi này nếu có người giúp việc sẽ khiến trẻ lười đi, không chịu làm, bản thân mình cũng lười đi.
Về chuyện ăn uống cũng vậy. Ngay từ đầu Tấn Đức đã rất dễ ăn, mẹ ăn gì là con ăn đó và con có ý thức tự ăn uống là do tôi đã lập trình cho con một thói quen ăn chuẩn, ăn sạch từ bé. Mọi việc từ thực đơn, giờ ăn của con tôi cũng đều in ra và sắp xếp khoa học. đồ ăn của con tôi cũng có nguyên tắc là tự nấu để biết chính xác con ăn gì, bao nhiêu calo, dinh dưỡng.
4 tuổi nhưng Tấn Đức sử dụng tiếng Anh rất thành thạo, chị có thể chia sẻ bí quyết?
Có một điều tôi rất tự hào là ở trong khối con học ở trường thì bé là một trong những học sinh xuất sắc nhất về tiếng Anh. Hầu như tất cả những gì thầy hỏi, bé đều biết và có thể trả lời đầy đủ.
Mối quan hệ của tôi với những người bạn ngoại quốc, rồi mẹ Việt lấy chồng Tây từ thời gian tôi còn yêu anh chồng Tây đầu tiên, bây giờ tôi vẫn giữ liên lạc, cho các con giao lưu với nhau, rồi tôi cho bé học trường quốc tế, nơi tôi sống cũng có nhiều người nước ngoài để bé có cơ hội tiếp cận với ngoại ngữ trong cuộc sống, giúp khả năng ngôn ngữ của con phát triển nhanh.
Ngoài ra, ở trong nhà tôi có thói quen mở nhạc vì nhạc là một trong những cách phát triển não con tốt nhất. Con trai tôi ở nhà có một ipad riêng trong đó có một danh sách những bài hát, nhạc cho trẻ từ 4-6 tuổi để con nghe. Hai ngôn ngữ chính bé đang sử dụng vẫn là tiếng Anh và tiếng Việt.
Những em bé ở độ tuổi 3-4 thường rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời. Chị có khi nào phải dùng đòn roi với Tấn Đức?
Tôi không dùng vũ lực, không đánh con. Nguyên tắc của tôi là dùng ánh mắt, dùng lời nói hoặc tôi trao đổi với con rằng nếu con không thế này thì con sẽ không được cái kia. Ví dụ như tôi biết bé thích đi chơi, thích ăn kẹo, ăn socola thì nếu con không ngoan, con sẽ bị tước đi những sở thích đó.
Từ một bà mẹ bị nhắc nhở chuyện bế con đến khiến tại là mẹ đơn thân thông thái, tự tin với chuyện nuôi day trẻ. Chị thay đổi mình bằng cách nào?
Tôi cũng đọc rất nhiều sách của mẹ Nhật, mẹ Mỹ, mẹ Do Thái dạy con để lấy được những kinh nghiệm và định hướng rõ ràng cho con. Chẳng có người mẹ nào sinh ra để trở thành một người mẹ thật giỏi cả. Mang bầu sinh con là thiên chức nhưng để nuôi dạy được một đứa trẻ giỏi giang, con thành tài thì người mẹ cần phải luôn luôn trau dồi, nỗ lực để học tập và để tốt hơn.
Bé có bao giờ hỏi về bố? Chị nói với con thế nào và mối quan hệ của hai bố con bé bây giờ ra sao?
Bởi vì con mới 4 tuổi nên chưa hiểu được là mình đang không có bố. Con vẫn vô tư, hồn nhiên và sống một cuộc sống đầy đủ. Tôi có ngồi trao đổi với một chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ và tôi có một định hướng, cũng là định hướng chung mà tôi muốn chia sẻ với các bố mẹ đơn thân. Đó là mình sẽ chia sẻ với con về chuyện bố mẹ ly hôn theo từng độ tuổi để cho con hiểu.
Ví dụ, khi con ở tuổi mẫu giáo, cấp 1, tôi có thể lý giải cho con hiểu là trong trường mẫu giáo con có rất nhiều bạn con chơi thân nhưng sau này con không thân với bạn nữa và bố mẹ cũng vậy. Đến khi con học cấp 2,3 thì tôi sẽ nói cho con hiểu kỹ càng hơn.
Tuy nhiên, dù nói gì và theo cách nào, bố mẹ không nên mổ xẻ quá nhiều về chuyện ai đúng ai sai hay tại sao bố mẹ phải ly dị mà chỉ nói cho con thấu hiểu việc bố mẹ không hợp nhau nữa thì mỗi người sẽ tách ra có một cuộc sống riêng nhưng vẫn yêu con và luôn đồng hành cùng con.
Ngoài ra tôi cũng tìm thêm sách trong lứa tuổi của con để hiểu con hơn và lý giải cho bé phù hợp theo từng lứa tuổi.
Chị có dự định tiến tới với một người đàn ông nếu con trai chị ngỏ ý muốn có bố và có thêm em bé?
Về việc tiến tới với một người đàn ông thì thực sự chưa bao giờ tôi cảm thấy bế tắc hay không tin vào tình yêu, hôn nhân. Nếu tôi gặp một người tôi cảm thấy là định mệnh của mình, tôi vẫn sẽ chọn.
Tấn Đức rất thích có em và nếu tôi lấy chồng mới, tôi vẫn sẽ mang con theo cùng chứ không thích kiểu mẹ đi lấy chồng, bỏ con bên nhà ngoại. Người đàn ông yêu tôi, muốn lấy tôi về làm vợ thì phải yêu luôn cả con tôi, coi con tôi như con anh. Cuộc sống của tôi không thiếu thốn để phải lấy chồng vì tiền hay lấy chồng để có một đứa con.
Nếu người đàn ông đó đã một đời vợ, có con riêng, tôi cũng sẵn sàng cùng anh gánh vác, chăm sóc con riêng của anh và cùng nhau nuôi dạy những đứa trẻ vì quan điểm của tôi, trẻ con như tờ giấy trắng. Khi mình yêu thương con hết lòng thì con cũng sẽ yêu thương mình hết lòng.
Chị vẫn nhận đủ tiền trợ cấp cho bé chứ?
Sau những bài báo lùm xùm cách đây 2 năm, chồng cũ không trợ cấp gì nữa. Thực sự việc kinh doanh của anh ấy đã phá sản, cũng không có khả năng chu cấp nữa nên tôi cũng không nói gì nữa luôn. Theo tôi ly dị rồi thì hai bên cũng không ràng buộc gì nữa. Nếu sau khi ly hôn anh ấy thực hiện bổn phận chu cấp thì anh ấy sẽ có quyền lợi được gặp con, còn nếu anh không chu cấp thì việc gặp con của anh ấy cũng sẽ bị toà án khống chế nhất định.
Chi phí nuôi con của tôi luôn ổn định. Tôi là một nhà đầu tư có 4 công ty cổ phần, nên khả năng quản trị tài chính của tôi khá tốt. Tôi không bao giờ để cho những khoản chi vượt kiểm soát và luôn có tính toán nhất định, có kế hoạch rõ ràng để chuyện tiền bạc không bao giờ ảnh hưởng đến việc nuôi con.
Có bao giờ trong 4 năm qua chị thấy mệt mỏi vì làm mẹ đơn thân? Đâu là lúc chị thấy mình yếu đuối nhất?
Trên thực tế, tôi hoàn thiện mọi mặt về tư duy, tính cách tôi như hôm nay là nhờ Tấn Đức. Từ khi sinh con xong, tôi thay đổi rất nhiều, tôi muốn mình trở thành một người mẹ hoàn thiện về tất cả, từ suy nghĩ, nhan sắc, trí tuệ, tài sản, đạo đức...tốt nhất có thể cho con. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hối hận khi sinh Tấn Đức cũng như chưa bao giờ cảm thấy bất lực vì làm mẹ đơn thân.
Vì một người phụ nữ chỉ cảm thấy yếu đuối và bất lực khi không đủ tài chính hay sức khoẻ để nuôi con. Nhưng tôi có ý chí thép, nên bất cứ bế tắc nào tôi cũng tìm cách tháo gỡ nó ngay lập tứ. Ví dụ như khi không biết xử lý với con thế nào, tôi sẽ nhờ ngay đến các chuyên gia tâm lý hàng đầu ở Việt Nam.
Chị thấy mình làm mẹ còn gì chưa được không?
Tôi chỉ làm mẹ được ở thời điểm hiện tại thôi, tôi có điểm chưa được, đó là chưa cho con được một gia đình đúng nghĩa.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!