Người mẹ hối hận khi để con ở nhà cho người bảo mẫu không có tâm.
Một số người cho rằng công việc của một bảo mẫu khá nhàn hạ bởi cả ngày chỉ việc chơi với trẻ nhỏ mà không hề nặng nhọc lại có thu nhập khá cao từ 8-10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên cũng có người cho rằng đây là công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại cực kì quan trọng bởi chăm sóc một đứa trẻ không hề dễ dàng từ chơi với trẻ, cho trẻ ăn, dạy trẻ học đến việc vệ sinh sạch sẽ cho con để bé không bị ốm cũng là điều đáng quan tâm. Nếu là người bảo mẫu có tâm và thực sự yêu con trẻ, yêu nghề thì mức lương dù có cao đến đâu cũng hoàn toàn xứng đáng.
Mới đây một câu chuyện về bảo mẫu đã gây xôn xao mạng xã hội xứ Trung, thậm chí nhiều luồng ý kiến tranh cãi và vụ việc đã phải đưa ra pháp luật để xử lý. Một bà mẹ ở Quý Cảng, Quảng Tây (Trung Quốc) kể lại chị có thuê một người bảo mẫu giúp chăm sóc cho con chị khi chị đi làm. Vào ngày hôm xảy ra sự việc, chị đi làm về thì phát hiện con sốt và có những biểu hiện nôn mửa nên lập tức đưa bé đi bệnh viện. Kết quả đứa trẻ bị nhiễm khuẩn phải điều trị một thời gian dài. Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như ngày hôm đó chị không về nhà và xem lại camera giám sát. Qua đó bà mẹ đã phát hiện ra một chuyện có thể là nguyên nhân khiến con chị bị ốm như vậy.
Theo camera giám sát ghi lại cảnh tượng người bảo mẫu đang nằm trên một chiếc ghế sofa và ngoáy mũi trong khi đó đứa trẻ đang chơi đùa trước mặt bảo mẫu. Người bảo mẫu không chỉ ngoáy mũi một lần mà ngoáy mũi nhiều lần, khi lấy được gỉ mũi ta tay, bà ta lại dùng tay kia để ngoáy tiếp.
Khi đứa trẻ đến gần bà ra lập tức lấy phần gỉ mũi mà mình vừa ngoáy được để nhét vào miệng đứa trẻ, thậm chí còn nhét đến lần thứ 2. Sau khi bị bảo mẫu nhét gỉ mũi vào miệng, đứa trẻ khóc lớn còn bảo mẫu thì không có biểu hiện hối hận gì cả.
Theo chia sẻ từ bố mẹ đứa trẻ, bản thân bảo mẫu cũng là người có 2 con nên họ không biết vì sao người bảo mẫu lại có hành động vừa kinh tởm vừa dã man với con của anh chị. "Nếu không có camera giám sát chúng tôi sẽ không biết được sự việc ghê tởm này và người bảo mẫu sẽ bóp méo sự thật đến đâu". Ngay sau hôm xảy ra vụ việc đó, tối về người mẹ phát hiện con bị sốt và phải nhập viện.
Chính vì thế, bà mẹ đã mang đoạn video đến công ty quản lý của người bảo mẫu để kiện. Thế nhưng phía công ty lại lên tiếng đáp trả rằng đứa trẻ đã bị ốm và sổ mũi từ trước đó. Người ta thấy được qua video, người bảo mẫu đã lấy gỉ mũi nhưng búng đi rồi. Và khi đứa trẻ lại gần, người bảo mẫu dùng tay của mình để quệt mũi cho cháu. Bên cạnh đó, phía công ty quản lý cũng lên tiếng bảo vệ bảo mẫu, họ cho rằng việc trẻ nhỏ bị ho ốm sốt ở độ tuổi còn nhỏ là chuyện bình thường nên không thể quy trách nhiệm cho bảo mẫu cũng như công ty quản lý.
Thế nhưng cặp bố mẹ cũng cãi rằng nếu để quệt mũi cho con họ thì tại sao phải làm đến 2 lần.
Câu chuyện của bà mẹ nhận nhiều phản ứng dữ dội từ dư luận. Đa phần đều lên tiếng chỉ trích người bảo mẫu đã có hành động quá kinh tởm với đứa trẻ chứ chưa nói đến việc hành động ấy có khiến trẻ bị ốm hay không.
- Nhìn bộ dạng bà ta ngồi trên sofa là biết không phải một bảo mẫu có tâm.
- Dù có quệt mũi cho đứa trẻ đi chăng nữa thì quệt bằng đôi bàn tay bẩn như thế cũng rất mất vệ sinh.
- Dù có mệt mỏi đến đâu tôi cũng không bao giờ thuê bảo mẫu.
Trong thực tế một khi giao đứa trẻ cho bảo mẫu, bảo mẫu đối xử với đứa trẻ như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự tu dưỡng đạo đức của người đó, cha mẹ hoàn toàn bị động trong việc này.
Để không bị động, cha mẹ có thể lưu ý một số điều sau để có thể đảm bảo an toàn cho con cái:
- Giảm thiểu thời gian bé ở một mình với người giúp việc càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn, hai vợ chồng có thể bố trí xen kẽ thời gian ra ngoài, tăng thời gian chăm sóc con cái. Điều này không chỉ duy trì mối quan hệ giữa bố mẹ con cái mà còn giám sát được công việc của người giúp việc.
- Sau khi thuê giúp việc, đừng phó mặc hoàn toàn cho họ vì có thể gây quá sức, khiến họ dễ cáu gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ.
- Hãy lắp đặt camera giám sát ở nhà, thỉnh thoảng kiểm tra tình trạng của trẻ và bảo mẫu. Nếu có chuyện gì không hài lòng, bình tĩnh trao đổi với người giúp việc tìm phương án tốt nhất.
- Thường xuyên duy trì mối quan hệ hài hòa với người giúp việc, chú ý đến phương pháp và cách thức khi giao tiếp, hoàn toàn tôn trọng người giúp việc và đối xử tử tế với họ, suy cho cùng, bạn đối xử tốt với họ thì cũng ảnh hưởng nhiều đến cách mà họ đối xử với con của bạn.