Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút

Ngày 09/06/2019 12:56 PM (GMT+7)

Trên hành trình cho con ăn dặm, chị Ngọc quan niệm "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Chị kiên trì và thành quả đạt được thật đáng ngưỡng mộ.

Trong hành trình chăm con, không ít bà mẹ phải mệt mỏi thừa nhận điều khó khăn nhất là việc cho con ăn. Nhiều mẹ khi nhìn con khóc thét trước bát cháo, hoặc nói không với các loại rau củ quả, thậm chí đập chân đập tay phản đối việc phải ăn... là do tính cách của con.

Thế nhưng chị Hoàng Ngọc (27 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) quan niệm khác, người mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo ra nếp ăn uống cho con. Con thích ăn là nhờ mẹ nắm vững kiến thức và biết cách định hướng cho con.

Bé Tin Tin (14 tháng tuổi) – con trai chị, là minh chứng điển hình cho nhận định này. Bé ăn uống hoàn toàn tự nguyện, lúc nào cũng vui vẻ háo hức với mỗi bữa ăn, thậm chí phát cuồng vì háu ăn. Mỗi bữa, bé ăn đủ các nhóm thức ăn từ rau củ, ngũ cốc, thịt cá mà không kén một nhóm nào. Thành quả ngày hôm nay của Tin Tin có được là từ một hành trình rèn kỹ năng ăn uống chủ động cho con với những đúc kết rất giá trị của chị Ngọc. Để từ đó bất cứ bà mẹ nào cũng có thể tham chiếu để áp dụng cho con mình.

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 1

Chị Ngọc đã chọn nghỉ việc chủ động để ở nhà làm mẹ toàn thời gian, dành cho con một nền tảng tốt nhất.

1. Dù cho con ăn dặm bằng phương pháp nào, hãy cho con ngồi ghế ăn

Theo chị Ngọc, một chiếc ghế ăn dặm có khay ăn là điều kiện cần thiết để con có nếp ăn uống nghiêm túc kỉ luật, không đòi hỏi đi ăn rong. Các mẹ cần chú ý trong quá trình ăn uống, tuyệt đối không cho con vừa ăn vừa chơi đồ chơi hoặc xem điện thoại/ tivi/ iPad. Chỉ cần một vài lần mẹ tặc lưỡi dùng những thiết bị đó để dụ con ăn thêm một chút, chính là đang hại con, khiến con phụ thuộc vào chúng để rồi sau sẽ phải hứng chịu không ít nguy cơ.

Nếu bé không thích ngồi ghế ăn dặm, mẹ hãy tập cho bé làm quen từ từ, động viên và trấn an bé. Mẹ cũng có thể biến việc ngồi ghế thành một trò chơi, cho bé xem hình ảnh các bạn khác ngồi ghế ăn và giới thiệu nó như một món vật dụng chứa đựng thật nhiều những câu chuyện thú vị.

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 2

2. Nếp sinh hoạt hợp lý quyết định rất nhiều đến chất lượng bữa ăn

Khi bé có một nếp sinh hoạt hợp lý, giờ giấc khoa học (ví dụ như tuân theo nếp sinh hoạt Easy), bé sẽ hiểu được giờ nào là dành cho hoạt động nào, trong đó có việc ăn dặm. Ngoài ra, nếp sinh hoạt hợp lý cũng giúp thời gian giữa các bữa ăn, vận động và giấc ngủ được giãn ra, tạo điều kiện cho bé đói, hứng thú hơn khi đến bữa ăn.

“Không ít mẹ than phiền về chuyện phải bày vẽ nấu nướng cầu kì mà lúc dọn ra con không chịu ăn. Các mẹ dồn quá nhiều tâm sức cho bữa ăn của con, nhưng lại quên mất một điều rằng con cần giờ giấc ăn uống hợp lý thì mới có thể ăn uống vui vẻ ngon miệng được. Lịch ăn uống quá dày sẽ khiến bé lúc nào cũng lưng lửng bụng không có cảm giác đói, không còn hứng thú cho bữa ăn tiếp sau. Lịch ăn uống quá thưa nếu lạm vào giờ ngủ của bé sẽ khiến con mệt mỏi cáu gắt và ngủ gật trên bàn ăn, không còn tâm trí đâu mà ăn uống nữa”, chị Ngọc chia sẻ.

Ví dụ như bé Tin, nếu 7h sáng thức dậy và ăn sáng xong xuôi, chị Ngọc sẽ phải canh bếp nấu nướng để con có đồ ăn trưa hoàn thiện trước 11h. Bữa ăn của con kết thúc trước lúc 11h30 để kịp ti thêm bình sữa nữa rồi đi ngủ vào lúc 12h trưa. Chiều ngủ, bé dậy ăn nhẹ trong khoảng 3h-3 rưỡi chiều để còn bụng đến 7h tối ăn cơm cùng bố mẹ. Mỗi bữa ăn của con giãn cách từ 3 tiếng rưỡi – 4 tiếng, khá vừa vặn để thức ăn bữa trước kịp tiêu hóa và con đủ đói để thưởng thức bữa ăn sau.

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 3

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 4

Chén sạch bát là "nghề" của Tin Tin.

3. Hãy chú ý lượng muối và đường trong đồ ăn của trẻ

“Nhắc đến muối, nói chính xác hơn thì điều bạn cần chú ý không phải là lượng muối ăn mà là lượng Natri mà cơ thể bé cần. Natri không chỉ có trong muối, mà còn có sẵn trong sữa mẹ, sữa công thức và các loại thực phẩm khác. Lượng Natri trong sữa mẹ và sữa công thức cũng như các thực phẩm tự nhiên đã đủ để đáp ứng nhu cầu của các bé dưới 1 tuổi. Nếu nêm thêm muối vào đồ ăn của con trong giai đoạn này, bạn sẽ khiến thận của bé phải hoạt động vất vả hơn, ngoài ra còn khiến bé bị rối loạn vị giác sinh ra kén ăn, biếng ăn”, chị Ngọc chia sẻ kiến thức.

Bé Tin được mẹ cho bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng, kết hợp giữa BLW và món cháo truyền thống, nhưng hoàn toàn không nêm nếm gia vị cho đến khi bé được 1 tuổi. Đến hiện tại, bé vẫn rất hứng thú ăn uống. Vì vậy chị Ngọc cho rằng nhiều mẹ nói không nêm gia vị sẽ khiến bé biếng ăn là hoàn toàn không có cơ sở. Quan điểm của chị là đối với các bé từ 1 tuổi trở lên, mẹ cố gắng giữ thói quen nêm đồ ăn thật nhạt, sao cho ra vị rau củ ninh nguyên bản thanh thanh ngọt. Giữ bé ăn nhạt được càng lâu càng tốt, vì phần lớn chúng ta đang nạp vào lượng muối nhiều hơn nhu cầu của cơ thể mình.

Ngoài ra, về phần đường, số lượng gai vị giác dày đặc cũng khiến bé nhạy cảm hơn với các vị ngọt, nên ngoài việc không cho đường/mật ong vào đồ ăn của bé dưới 1 tuổi, các mẹ cũng cần tránh cho bé ăn quá nhiều loại hoa quả ngọt đậm ở thời điểm bắt đầu ăn dặm kẻo bé sẽ chê vị nguyên bản của các món rau củ thịt cá.

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 5

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 6

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 7

Một số bữa ăn mà chị Ngọc chuẩn bị cho con, luôn có đủ ít nhất 2 loại đạm và 2 loại rau củ.

4. Cho con ăn thô sớm, các thực phẩm riêng rẽ trước khi trộn lẫn vào nhau

Chị Ngọc ưu tiên cho Tin Tin ăn thô từ sớm ngay từ thời điểm bắt đầu ăn dặm, vì việc ăn thô kích thích sản sinh Enzyme tiêu hóa giúp bé ăn ngon miệng hơn, tiêu hóa nhẹ nhàng hơn cũng như giúp phản xạ nhai của con ngày một tốt hơn.

6-8 tháng là thời điểm tốt nhất để mẹ tận dụng phản xạ nhai tự nhiên của con, nếu cho con ăn xay nhuyễn mãi mà không tăng độ thô hợp lý thì dần dần phản xạ đó sẽ mất đi. Đó là lý do khiến nhiều bé đến tận 4-5 tuổi vẫn nhai chưa đúng cách, nuốt chửng, ăn thịt nhè bã. Ngoài ra, ăn thô sớm cũng là một trong các yếu tố giúp các bé có một hàm răng đẹp, bởi nhai đồ ăn kĩ là một cách nong hàm tự nhiên giúp răng của bé mọc không bị sít và chen chúc nhau.

Còn lý do về việc cần phải ăn riêng rẽ, chị Ngọc cho hay: “Có một sự thật là rất nhiều bạn nhỏ ghét ăn cháo, vì món ăn đó trộn lẫn các loại thực phẩm vào với nhau tạo nên một hương vị lờ nhờ không rõ ràng. Trong khi nếu được thưởng thức riêng rẽ từng loại đồ ăn, bé có thể cảm nhận được mùi vị nguyên bản, cũng như phân tích được kĩ càng các yếu tố như màu sắc, hương vị, độ thô của từng loại thực phẩm.

Nhiều mẹ hỏi kinh nghiệm làm sao cho bé hứng thú trở lại với việc ăn dặm, mình khuyên nên tăng độ thô, thay đổi cách nêm nếm khi nấu nướng và thứ tự cho ăn riêng rẽ, kết quả là thái độ ăn uống của các bạn nhỏ cũng thay đổi hẳn luôn đấy”.

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 8

Mẹ HN và 5 bí quyết để con “phát cuồng” đồ ăn, 14 tháng món gì cũng ăn thun thút - 9

Ăn uống vui vẻ, khỏe mạnh giúp Tin Tin có nền tảng sức khỏe tốt cho mọi hoạt động khác.

5. Không ép ăn, không áp lực

Đó là điều tiên quyết mà chị Ngọc cho rằng bất cứ bà mẹ nào cũng phải rèn được khi đồng hành cùng con trên quá trình ăn dặm. “Dù bạn lựa chọn cho con ăn dặm theo phương pháp nào, nguyên tắc hàng đầu là không được ép bé ăn cũng như không tự gây áp lực cho bản thân. Mỗi bữa ăn là một món quà dành cho con, là niềm vui và hạnh phúc, không phải là nghĩa vụ hay hình phạt.

Bạn có thích cái cảnh người khác bóp mồm bóp miệng bạn để bơm sữa hay đổ cháo vào không? Bạn có thích nghe người khác quát mắng chửi rủa chỉ vì bạn mệt mỏi không muốn ăn không? Nếu câu trả lời là không, đừng làm như vậy với con trẻ. Cẩn thận kẻo giai đoạn biếng ăn sinh lý hoàn toàn bình thường của con lại trở thành biếng ăn tâm lý kinh niên chỉ vì những cơn cuồng nộ của mẹ thì thật sự rất mệt”.

Nhờ kiên trì, nhất quán áp dụng những nguyên tắc trên mà bé Tin Tin cuối cùng đã “tốt nghiệp lớp bốc nhón” khi mới 12 tháng tuổi. Bé hoàn toàn tự làm chủ bữa ăn mà không cần mẹ phải hỗ trợ.

Từ khi 6 tháng đến nay, trộm vía Tin chưa rơi vào giai đoạn biếng ăn nào, dù có một đợt bị ốm chỉ thích được mẹ đút thìa. Nhưng rồi chị Ngọc lại khéo léo tập cho con tự ăn bốc trở lại và chỉ khoảng hơn 20 ngày sau, bé đã tự nhiên bốc nhón mà không hề vướng phải áp lực, khủng hoảng nào giữa hai mẹ con.

Chị Ngọc tin rằng chế độ ăn uống làm nên sức khỏe, và chị chẳng mong cầu gì hơn ở con ngoài điều đó nên sẽ cố gắng duy trì cho con những bữa ăn lành mạnh càng lâu càng tốt.

5 loại rau ít thuốc trừ sâu, mẹ có thể mua cho con ăn dặm
Những loại rau này dễ trồng mà lại là món ăn mà sâu bọ không ưa nên người nông dân không cần mất quá nhiều thuốc trừ sâu.
Ocean
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ăn dặm