Lý Hải, Đăng Khôi, và DV Hải Anh không khước từ đòi hỏi mua đồ chơi, quần áo… của con bằng câu "thần chú": “Nhà mình nghèo"
Câu từ chối “Bố mẹ không có tiền”, “Nhà mình nghèo lắm”... từ lâu đã được nhiều cha mẹ Việt sử dụng như một "thần chú" để từ chối mỗi khi trẻ đòi hỏi, vòi vĩnh. Đa số các bậc phụ huynh đều cho rằng cách trả lời này hiệu nghiệm bởi nó khiến trẻ ngừng đỏi hỏi ngay lập tức.
Tuy nhiên, câu nói tai hại này cứ lặp đi lặp lại như vậy sẽ ăn sâu vào tiềm thức trẻ, dẫn đến nỗi ám ảnh về tiền bạc ngay từ khi còn nhỏ, cảm thấy tự ti với bạn bè cùng lớp khi lớn lên, và rồi dần dần có thể trở thành “nô lệ” của đồng tiền.
Một ông bố Trung Quốc mới đây đã đưa ra ý tưởng về cách từ chối con không cần đến câu "Bố mẹ không có tiền", được nhiều cha mẹ Việt tâm đắc.
Với nhiều ngôi sao, nghệ sĩ Việt, họ cũng không nằm ngoài việc gặp những tình huống thông thường của các bậc làm cha, làm mẹ. Thậm chí, khi bị con đòi hỏi chốn đông người, họ còn rơi vào tình thế xấu hổi khó xử hơn.
Cũng không nói "bố mẹ không có tiền", cách giải quyết vấn đề của Lý Hải, Đăng Khôi và diễn viên Hải Anh hoàn toàn khác biệt và rất đáng tham khảo.
Vợ chồng Đăng Khôi - con từng lăn ra giữa siêu thị vòi vĩnh
Có cậu con trai lớn - bé Ken đang độ tuổi "khủng khoảng" vì muốn làm mọi thứ theo ý mình, vợ chồng Đăng Khôi cũng thường xuyên rơi vào tình cảnh cứ đi chơi ở siêu thị là y như rằng con trai đòi vào quầy đồ chơi mua quà.
"Lúc nào đi chơi với bố mẹ hay ông bà là cũng kéo người lớn vào gian hàng đồ chơi, đòi mua cái nọ cái kia, ban đầu mọi người thương nên chiều. Sau thành thói quen, không được mua là khóc lóc, nằm vật ra sàn." Thuỷ Anh, vợ Đăng Khôi chia sẻ.
Vợ chồng Đăng Khôi cho biết, cả hai đã phải mất một thời gian khá dài để rèn con nhưng kết quả đạt được rất thành công.
Cách của Thuỷ Anh và Đăng Khôi là:
"Mình tuyệt đối không mua đồ chơi khi con đòi hỏi. Những lúc bé đòi mình dỗ dành nói rằng con sẽ có đồ chơi nếu con ngoan, ông Già Noel sẽ tặng cho con. Chắc chắn trong 1 khoảng thời gian mình không mua đồ chơi cho bé, chỉ mua những cái thực sự cần thiết và đi mua thì không có Ken đi cùng. Ngày Noel, mình mời ông già Noel tới và tặng quà to, đàng hoàng rồi quay clip lại để Ken thấy khi là một em bé ngoan sẽ được phần thưởng to lớn, ý nghĩa. Thỉnh thoảng mang clip đó ra mẹ con xem lại.
Trước khi đi chơi đâu, nhất là trung tâm thương mai (TTTM), mình dặn Ken thật kỹ rằng con sẽ không đòi mua đồ chơi nhé, nếu có đồ chơi con chỉ được xem thôi, không mua. Nói đi nói lại và không bao giờ quên dặn bé trước mỗi buổi đi chơi. Dần dần Ken ý thức được và khi qua quầy đồ chơi bạn ý chỉ dám nhìn và tự nói “Ken không mua đâu, Ken chỉ nhìn thôi nha”
Lý Hải - Nguyên tắc giao kèo để trị con đòi hỏi
Làm bố của cùng lúc 4 đứa con nên Lý Hải - Minh Hà dường như đã quá quen với việc phải nghiêm khắc để các con "đi vào khuôn khổ".
Khi được hỏi về chuyện ứng xử khi con đòi hỏi, Lý Hải cũng chia sẻ nguyên tắc của mình "Con nít sợ nhất thói quen đòi hỏi. Đi ngang qua khu đồ chơi là nó đòi. Nguyên tắc của tôi là đòi cách mấy cũng không mua. Nếu mua 1 lần, lần sau nó sẽ đòi tiếp.
Thông thường tôi sẽ giao kèo với nó. Ví dụ, mỗi ngày ngoan sẽ được 1 điểm, không ngoan bị trừ 1 điểm. Chừng nào đủ 20 điểm thì được món đồ chơi đó."
Lý Hải cũng cho biết thêm, anh cũng biết khi con đòi hỏi không được sẽ sinh ra ăn vạ, "la làng" nhưng vợ chồng anh chưa bao giờ xấu hổ vì con ăn vạ nơi công cộng, nguyên do cũng bởi chiêu "Con nít đứa nào cũng có yếu điểm gì đó, chỉ cần lấy yếu điểm đó ra hù nó sẽ không dám nữa. Thế nên, mỗi lần bọn nhóc có ý định ăn vạ là tôi hù nhốt toilet là sợ liền."
DV Hải Anh - từng nói "nhà mình nghèo" nhưng con không tin
Từng cùng con trai - bé Híp xuất hiện trong chương trình truyền hình ăn khách Bố ơi! Mình đi đâu thế?, diễn viên Hải Anh là một trong những ông bố "thấm" nhất những khoảnh khắc con đòi hỏi. Sinh ra trong một gia đình có điều kiện, lại quen được chiều chuộng nên bé Híp đã từng có những khoảnh khắc đòi hỏi, đành hanh ngay cả trên sóng truyền hình.
Ông bố nổi tiếng cho biết, khi con trai còn nhỏ và hay đòi hỏi, anh cũng thường áp dụng câu nói "Nhà mình nghèo". Tuy nhiên khi 5 tuổi, bé Híp ý thức được cuộc sống xung quanh và không còn tin vào điều đó nữa.
"Khi Híp đến trường, tiếp xúc với các bạn và con hiểu được rằng trường đó chỉ có con nhà giàu mới vào học được. Còn nhiều ví dụ khác nữa để khẳng định rằng trẻ con bây giờ rất tinh và chúng tôi phải có cách dạy khác.
Bây giờ, tôi nói với con rằng đúng, nhà mình không nghèo, nhà mình có điều kiện nhưng của cải ấy, không phải dành cho con. Con phải hiểu được rằng đấy là mồ hôi xương máu của bố mẹ chứ không phải của con. Nên con muốn sống sướng như bố mẹ thì con phải cố gắng học giỏi, phấn đấu, phải lao động."