Hoa hậu Việt Nam 2012 rất ít khi chia sẻ về các con và mỗi lần chia sẻ luôn mang đến điều bất ngờ cho mọi người.
Trẻ càng lớn càng hiểu biết và suy nghĩ nhiều về những sự vật, hiện tượng xung quanh cuộc sống. Bởi thế mà đôi khi con sẽ có những câu nói đầy ý nghĩa khiến bố mẹ cũng phải bất ngờ. Con gái Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo đang ở lứa tuổi lên 6, được bố mẹ nuôi dạy chỉn chu nên rất biết suy nghĩ.
Hình ảnh mới nhất của bé Sophie do mẹ chia sẻ cho thấy cô bé đã rất lớn.
Sophie thừa hưởng nhiều nét đẹp từ mẹ và bố.
Mới đây là lần hiếm hoi Hoa hậu Đặng Thu Thảo chia sẻ về con gái Sophie khiến nhiều người ngạc nhiên vì cô bé lớn phổng phao, xinh xắn tuổi lên 6 và có nhiều nét giống mẹ Hoa hậu.
Không chỉ thế, Sophie còn khiến không chỉ mẹ Đặng Thu Thảo mà mọi người bất ngờ bởi những câu nói rất người lớn.
"Khi mẹ nói về các trường hợp khó khăn và về điều kiện mà nàng đang có, thì nàng nói “Con cảm ơn mẹ vì đã cho con sống ở ngôi nhà như thế này”.
Khi mẹ kể về tuổi thơ của mẹ ở quê xa thiếu thốn điều kiện như nào, thì nàng nói “Con cảm ơn mẹ vì đã cho con sống ở thành phố này”.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng phải bất ngờ vì con gái có suy nghĩ rất người lớn, ngoan ngoãn.
Khi mẹ và nàng cùng làm bài tập thuyết trình về Sophie từ 1-6 tuổi, tối đó nàng ôm mẹ nói “Con cảm ơn mẹ vì đã nuôi, lo cho con từ nhỏ đến bây giờ...”.
Nàng ấy 6 tuổi, thỉnh thoảng nói những câu làm cho mẹ vô cùng bất ngờ và ấm áp" - Hoa hậu Đặng Thu Thảo kể.
Nhiều người đã để lại lời khen ngợi cho tính cách chững chạc của Sophie và qua đó cũng thấy được, cô bé được bố mẹ nuôi dạy rất chỉn chu, chuẩn phong cách tiểu thư nhà hào môn.
Vợ chồng Đặng Thu Thảo - Trung Tín dành nhiều thời gian để ở bên cạnh dạy dỗ con gái và con trai.
Qua đó mới thấy được để một đứa trẻ phát triển tốt, toàn diện, thành công trong tương lai và là một người con có ích cho xã hội, đòi hỏi mỗi người làm cha làm mẹ không chỉ trao cho con cách nuôi dưỡng tốt phát triển khỏe mạnh về thể chất mà còn là nền tảng giáo dục tốt. Trẻ sẽ sớm hình thành những suy nghĩ đúng đắn, tạo tiền đề cho bản thân đi đúng hướng trên con đường làm người có ích cho xã hội.
Dưới đây là 4 điều quan trọng bố mẹ nên dạy để trẻ nuôi dưỡng tính cách tốt, lớn lên được nhiều người yêu quý và dễ thành công hơn trong cuộc sống.
Hình thành tính kiên nhẫn
Thực tế, việc các con không kiên trì, thiếu tập trung chú ý, làm việc không đến nơi đến chốn… là điều hết sức bình thường. Đây là một hiện tượng phổ biến phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi.
Tuy nhiên, trong hành trình cùng con khôn lớn, bố mẹ có thể rèn luyện cho con tính kiên nhẫn, bởi trẻ có đức tính này thường sẽ học được nhiều bài học giá trị trong cuộc sống và thành công hơn.
Ví dụ, nếu trẻ không có tính kiên trì trong học tập, thiếu ý chí quyết tâm thì trước khi học. Bố mẹ hãy giúp con xác định rõ ràng nội dung học là gì, cần đạt mục tiêu nào, thời gian dự tính cho việc học là bao lâu, mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập như thế nào. Các mục tiêu học tập của trẻ càng cụ thể trẻ sẽ càng dễ dàng thực hiện bấy nhiêu.
Để giúp trẻ học được tính kiên nhẫn tốt, bố mẹ cần là khuôn mẫu cho trẻ noi theo. Khi làm bất cứ việc gì, người lớn nên phải kiên trì, nghiêm túc và làm hoàn chỉnh.
Mỗi ngày, trẻ đều quan sát mọi hành động, cử chỉ, lời nói của bố mẹ và học theo, từ đó biết cách giữ bình tĩnh và xử lý tình huống tốt hơn trong lúc khó khăn.
Loại bỏ ngay tính ghen tỵ
Nhiều trẻ có thái độ ganh ghét, tỏ ra bực tức, khóc lóc khi thấy bạn có quần áo, đồ chơi đẹp hơn.Trong trường hợp này, bố mẹ cần giữ thái độ nghiêm khắc để dạy trẻ.
Bởi nếu trẻ có lòng đố kỵ cao, sau này sẽ khó thể hiện bản thân cũng như thành công trong cuộc sống. Ví dụ, trường hợp trẻ lớn lên và làm việc trong môi trường công sở.
Sự đố kỵ với đồng nghiệp có thể sẽ khiến trẻ mất tập trung trong công việc và không cần phải nói hiệu quả công việc sẽ tệ thế nào.
Thêm vào đó, khi ghen tỵ với đồng nghiệp, lòng tự trọng của bạn sẽ bị tổn thương và khiến bạn luôn bực bội, tức tối và không hài lòng với công việc của mình.
Thay vì ganh ghét, đố kỵ bố mẹ hãy duôi dưỡng cho con tinh thần cầu tiến, lấy thành công người khác trở thành động lực giúp bản thân phấn đấu.
Hãy lắng nghe lý do, đồng thời phải giải thích cho trẻ hiểu tại sao không được làm như vậy. Bên cạnh đó, chính bố mẹ cũng phải có thái độ công tâm, không thiên vị mới có thể dạy bảo cho con.
Dạy cách chia sẻ, biết đồng cảm
Nhiều trẻ hiện nay được bố mẹ, người thân chiều chuộng, đáp ứng nhu cầu, nên thường không biết nhường nhịn, sẻ chia, hay đồng cảm với người khác. Nếu tính cách này theo trẻ đến khi trưởng thành sẽ khó để trẻ có thể tạo dựng các mối quan hệ lâu dài và lành mạnh.
rong đó, lòng biết ơn là một trong những yếu tố nhân cách quyết định đến tương lai trẻ. Dạy trẻ lòng biết ơn để trẻ biết quý trọng những thứ mình có được.
Đồng thời, việc dạy trẻ biết chia sẻ, đồng cảm con cũng sẽ sống có trách nhiệm, đạo đức và biết tôn trọng mọi người xung quanh.
Hãy kể cho con nghe những câu chuyện về công ơn sinh thành, dưỡng dục để con biết quý trọng gia đình. Bên cạnh đó, hãy cho con tham gia những hoạt động xã hội, hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn.
Những trải nghiệm này gieo vào trong đứa trẻ hạt mầm của sự tử tế, tốt bụng, biết sẻ chia và quý trọng cuộc sống.
Nuôi dưỡng lòng dũng cảm
Nếu được nuông chiều quá mức sẽ khiến trẻ rơi vào thế bị động trước những thách thức của cuộc sống, dần hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm.
Những đứa trẻ như vậy khó có được hạnh phúc khi lớn lên bởi khả năng thích ứng với xã hội kém. Vì vậy, nuôi dưỡng lòng dũng cảm cho trẻ là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết, cần được hình thành từ sớm.
Chẳng hạn như khi con mắc lỗi, bố mẹ không nên quát mắng mà hãy bình tĩnh ngồi xuống, trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ.
Hay trước những thách thức trong học tập, trong cuộc sống, bố mẹ nên động viên giúp con dũng cảm vượt qua. Đồng thời, nên trở thành người bạn lý tưởng trên chặng đường khôn lớn của con.