Nhìn con khóc nức nở, tôi vừa thương con, vừa giận bản thân mình. Chính vì cách chăm con không đúng cách của tôi khiến con bé giờ đây phải chịu những lời miệt thị về ngoại hình từ bạn bè.
Nhận được cú điện thoại của cô giáo chủ nhiệm thông báo việc con không đến lớp, ruột gan tôi nóng như lửa đốt. Dù không có thành tích học tập quá xuất sắc nhưng con bé cũng thuộc top chăm chỉ, có điểm số khá ổn và luôn tỏ ra ngoan ngoãn. Tôi không nghĩ con lại trốn học như thế. Quá nóng ruột, tôi định điện thoại cho chồng về đi tìm con nhưng thật may, ngay sau đó, tôi thấy con về nhà.
Con bé đi thẳng lên phòng, không một lời giải thích. Tôi giận đến run người trước thái độ bất cần của con, đã trốn học lại còn không xin lỗi với mẹ. Tôi lao lên phòng, định mắng cho con một trận thì thấy con đang nằm khóc. Con bé khóc nức nở khiến tôi hoảng sợ thực sự. Tôi ngồi xuống, chạm vào lưng con rồi hỏi:
- “Con có chuyện gì thế? Nói cho mẹ nghe, hôm nay cô giáo báo con không đến lớp…”
Con gái tôi vẫn tiếp tục khóc, càng lúc càng dữ dội hơn. Thế rồi sau đó, con ngồi bật dậy nói trong tức tưởi:
- “Con không muốn đi học nữa. Chúng bạn chê con béo, không ai muốn chơi với con cả. Có đứa còn gọi con là… con lợn. Con thật sự không muốn tới trường”.
Tim tôi thắt lại. Dường như tôi đã quá vô tâm để đến mức con gái chịu những tổn thương như vậy mà không nhận ra. Cón gái tôi năm nay học lớp 9, cũng vào cái tuổi bắt đầu để ý đến ngoại hình rồi. Có lẽ vì là con mình nên lúc nào tôi cũng thấy con chẳng có vấn đề gì cả.
Nhưng giờ nghe những lời con nói, tôi nhận ra, đúng là con đang có một cơ thể không đạt chuẩn. Và sự bất thường về ngoại hình đang khiến con tôi phải chịu những lời chê bai, phán xét không tích cực từ bạn bè. Trong câu chuyện này của con, tôi có lỗi rất nhiều.
Tôi là một người mẹ đã từng rất sợ con mình bị chê gầy. Bởi thế, ngay từ khi con bắt đầu ăn dặm tôi đã cố nhồi nhét cho con thật nhiều thứ để con mũm mĩm hơn bạn bè bằng trang lứa. Con tôi luôn được khen ngợi là béo tốt, mẹ mát tay nuôi… Những lời khiến đó khiến thấy hãnh diện, hả hê trong lòng.
Những năm con tôi học mẫu giáo, rồi cấp 1, với thân hình tròn mập của con, ai cũng khen con bé dễ thương nên thành ra tôi cũng không thấy cân nặng của con là một vấn đề phải xem xét lại. Nhưng ở cái tuổi này, trong khi các bạn gái khác dáng người thanh mảnh, cao ráo thì con tôi vẫn béo ụ ị. Nó khiến con tôi mặc cảm, tự ti và bị chúng bạn cười chê.
Nhìn con khóc, ruột gan tôi như có ai xát muối. Lẽ ra là người mẹ tôi phải định hướng tốt hơn cho con, phải giúp con giữ gìn một vóc dáng cân đối và sức khỏe lành mạnh mưới phải. Tôi không biết con đã phải chịu những đau khổ như thế nào ở trường và tôi không cho phép mình đứng yên được nữa.
Điều đầu tiên mà tôi nói với con chính là động viên con bé:
- “Các bạn nói những lời đó thực sự là chưa hiểu chuyện. Con đừng để những lời đánh giá đó làm ảnh hưởng tới mình. Mỗi người trong chúng ta đều có những ưu điểm và sự cuốn hút riêng. Con là một cô bé lanh lợi, nói chuyện cũng rất có duyên. Con nên tự hào về điều đó bởi không có một ai trên đời này giống con cả. Con vẫn là người duy nhất!
Còn về chuyện cân nặng của con, mẹ sẽ cùng con điều chỉnh lại. Chỉ cần quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ làm được. Khi con có được thân hình cân đối trở lại rồi, con chắc chắn sẽ khiến các bạn phải nể phục. Điều quan trọng nhất là con phải tự tin vào chính mình. Nếu con cứ mãi buồn chán, xa lánh mọi người rồi không quan tâm tới ngoại hình thì mãi mãi không thoát khỏi những lời chê trách đó”.
Thật may là con bé hiểu chuyện, cũng cứng cỏi, mạnh mẽ. Con bé gật đầu, còn tha thiết nói với tôi:
- “Mẹ giúp con giảm cân đi”.
Ngay ngày hôm sau, tôi đưa con đi khám bác sĩ, chuyên gia về dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống, sinh hoạt, rèn luyện thể lực hợp lý nhất với độ tuổi của con mà không ảnh hưởng tới sức khỏe. Sau đó, tôi cùng con bắt tay vào thực hiện…
Không chỉ tập trung giảm cân cho con mà tôi còn thực sự phải quan tâm tới mặt cảm xúc, tâm lí của con. Tôi tìm tới trường gặp riêng cô giáo, chia sẻ với cô về vấn đề mà con gặp phải để cô quan tâm và hỗ trợ con trên lớp, hạn chế tình cảnh bạn bè chê cười. Ngoài ra, tôi cũng tìm gặp cô bạn thân nhất của con để nhờ bạn ấy giúp đỡ con, vui vẻ hơn, hòa đồng hơn.
Sau vài tháng trời, mọi chuyện cũng có tiến triển tốt đẹp. May mắn là con tôi đã có được thân hình phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của con. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì đã giúp con thoát khỏi cảm giác tự ti, mặc cảm. Chuyện bị bạn bè xa lánh, thậm chí là miệt thị ngoại hình ở tuổi của con tôi rất nhạy cảm. Nó có thể dẫn đến những tổn thương tâm lí sâu sắc, nếu không được quan tâm và hỗ trợ kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Dưới đây là những điều mà tôi đã áp dụng để thay đổi tình trạng này:
Luôn luôn quan sát mọi biểu hiện của con, lắng nghe những tâm sự của con mỗi ngày
Ở độ tuổi của con gái tôi, việc bị bạn bè chê cười, nói những lời nhận xét không tích vực vì một điều gì đó thực sự là chuyện rất khủng khiếp. Trẻ chưa đủ lý trí và sức chịu đựng để tự vượt qua việc này. Nếu như gia đình, bố mẹ không có sự quan tâm, hỗ trợ thì trẻ rất dễ trượt dài trong đổ vỡ, ảnh hưởng tới học tập, tâm lí và cả cảm xúc.
Giai đoạn này, bố mẹ nên quan sát con nhiều hơn, cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của con vì trẻ thường bộc lộ điều đó khá rõ. Ngoài ra, nên chủ động hỏi chuyện về mỗi ngày của con ở trường, lắng nghe tâm sự của con để nhanh chóng phát hiện vấn đề, tránh trường hợp để con một mình phải vật lộn với những khổ tâm, mệt mỏi.
Giúp con nhìn ra những ưu điểm của bản thân để tự tin hơn
Bạn cần phải giúp con mình nhận ra giá trị riêng có của bản thân. Mỗi người trong chúng ta đều có những lợi thế, có những điểm tốt của riêng mình. Để cân bằng lại cảm xúc, để con tự tin hơn về chính mình, bố mẹ nên chỉ ra cho con thấy những ưu điểm của bản thân.
Tất nhiên, trẻ em hiện tại rất thông minh và nhạy cảm, bố mẹ cần phải nói đúng về những điểm tốt đó của con để trẻ tin và tự hào về bản thân mình. Nếu bạn cố tình tô vẽ những thứ tính cách không có thật ở trẻ, trẻ sẽ nhận ra lời nói dối đó.
Dạy con cách đối mặt một cách thẳng thắn
Trong trường hợp con là nạn nhân của việc miệt thị cơ thể, body shaming, bố mẹ cũng nên dạy con cách phản kháng, đối diện với những người buông lời cay nghiệt đó. Con có thể đối đáp lại với các bạn, yêu cầu sự tôn trọng và không cho phép bản thân mình yếu đuối trước những lời chê bai của bạn bè. Tất nhiên, quá trình này cần phải được trau dồi. Bạn có thể mua sách kỹ năng sống cho con để con có thêm nhận thức.
Chủ động liên hệ giáo viên, có một buổi nói chuyện thân mật với tư cách là phụ huynh học sinh với các bạn trong lớp của con về vấn đề mà con đang gặp phải
Bên cạnh sự chủ động từ bố mẹ thì cần phải có sự hỗ trợ từ phía thầy cô, nhà trường nếu như tình trạng con bị cô lập, bị xa lánh quá nghiêm trọng ở trường. Hãy nói với cô giáo/thầy giáo của con để có hướng điều chỉnh những hành vi này một cách khéo léo, tế nhị để con luôn cảm thấy được bảo vệ, yêu thương và che chở.