Bất chấp thời tiết nóng nực, con bé vẫn đóng bộ quần áo kín bưng, váy mẹ mua tặng cũng không dám mặc. Khi biết nguyên nhân phía sau, tôi đã phải cùng con gái khắc phục chuyện này.
Con gái tôi năm nay học lớp 8. Trước đây, cháu khá gầy, thấp nhưng từ sau năm lớp 7, quá trình dậy thì diễn ra, con gái tôi lớn phổng phao trông thấy. Nhìn bên ngoài, con gái tôi có một vóc dáng cân đối, cao ráo… Gần đây ai gặp cũng phải bất ngờ vì cháu đã lớn nhanh đến như vậy.
Thú thực dù đã làm mẹ của 2 con nhưng tôi cũng bận rộn và nhiều khi cũng không đủ tinh tế cho lắm để nhận ra những thay đổi trong vấn đề tâm lý của con. Ngoại trừ việc thấy con ngày một lớn hơn, tôi ít để ý xem con vui hay buồn.
Thế rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi mùa hè năm nay đến, tôi thật sự thấy lạ khi thời tiết thì nóng nực, dù ở nhà hay đi chơi, đi thăm họ hàng, con gái tôi lúc nào cũng chỉ mặc quần dài, áo cộc tay kín đáo. Tôi còn tưởng những chiếc váy hay quần sooc của con bị ngắn quá khiến con mặc không vừa nên đã vội vàng đi sắm một loạt cho con. Ấy vậy mà con tôi cũng không hề mặc đến.
Chưa kể, trước đây con bé là người rất thích nước, hè năm nào cũng bắt mẹ cho đi bơi nhưng năm nay lời đề nghị đó của tôi con bé gạt đi ngay. Lúc này tôi nhận thấy con có nhiều điểm khác, không thể nào làm ngơ được nên trong một buổi tối, tôi đã trò chuyện với con để hiểu hơn.
Khi nghe tôi hỏi con không thích váy hay quần áo mẹ mua cho hay sao mà cả mùa hè chỉ mặc quần dài như vậy thì con ngập ngừng:
- “Không phải mẹ ạ, tại con ngại ấy, người con có nhiều vết rạn lắm, trông rất xấu. Con không tự tin diện những bộ trang phục đó”.
Vừa nói con vừa vạch phần đùi của mình cho tôi xem. Quả đúng là trên người con có nhiều vết rạn trắng. Con gái tôi cũng đã đến tuổi ý thức về ngoại hình nên chắc chắn những khiếm khuyết này sẽ khiến con cảm thấy không tự tin. Bản thân tôi cũng chưa biết phải ứng xử ra sao trong tình huống này nên đã động viên con:
- “Đừng lo, mẹ nghĩ sẽ có cách giải quyết thôi. Đợi mẹ tìm hiểu thêm một chút, sau đó mẹ con mình cùng tìm cách khắc phục nhé”.
Tôi cảm thấy hơi có lỗi khi con gái bắt đầu bước vào tuổi mới lớn với những lo lắng, trăn trở ở độ tuổi này mà tôi lại không nhận ra. Tôi hiểu, có thể câu chuyện này với người lớn chẳng là gì nhưng với một bé gái đang tuổi dậy thì thì rất có thể nó sẽ là điều khiến bé mặc cảm. Ngay lập tức tôi phải bắt tay vào nghiên cứu vấn đề đó để hỗ trợ con.
Rạn da tuổi dậy thì là gì?
Dậy thì là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh chóng và có nhiều biến đổi. Sự tăng nhanh về trọng lượng hay chiều cao là nguyên nhân khiến các vùng da rạn nứt do chưa kịp thích nghi với sức căng của cơ thể. Ở các vùng da mỏng và yếu như bụng, đùi, ngực, hai bên hông, bắp chân là nơi dễ xuất hiện nhiều vết rạn. Tùy theo cơ địa mỗi người mà vùng da bị rạn có màu đậm hay nhạt hơn so với bình thường.
Nguyên nhân gây rạn da ở tuổi dậy thì?
Nồng độ hormone tăng lên nhanh chóng: Dậy thì là giai đoạn cơ thể sản xuất ra lượng hormone cao nhằm phát triển tuyến lông, vú và hoàn thiện cấu trúc của cơ quan sinh dục. Tuy nhiên nồng độ hormone cao có thể khiến da mất đàn hồi và xuất hiện vết rạn.
Di truyền: Nếu có người thân cận huyết bị chứng rạn da khi dậy thì, bạn sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Các chuyên gia cho biết, di truyền bao gồm nhiều các yếu tố như cấu trúc da, độ săn chắc của da, nồng độ nội tiết.
Tăng cân và phát triển chiều cao: Ngoài việc hoàn thiện các cơ quan, dậy thì cũng là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh chóng về chiều cao và cân nặng. Tình trạng này khiến làn da bị kéo giãn quá mức trong một thời gian ngắn và tạo điều kiện cho vết rạn hình thành.
Cấu trúc da mỏng và khô: Các chuyên gia da liễu cho biết, người có cấu trúc da mỏng và khô thường dễ hình thành vết rạn và mức độ tổn thương da thường nghiêm trọng hơn người thuộc nhóm da dầu.
Sử dụng thuốc điều trị: Trường hợp sử dụng thuốc hoặc kem chứa corticoid có thể làm tăng nguy cơ bị rạn da. Hoạt chất corticoid có thể làm giảm collagen khiến da dễ bị teo và hình thành vết rạn.
Ảnh hưởng của tình trạng rạn da ở tuổi dậy thì
Rạn da hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Ngoài ra vết rạn cũng không gây ngứa, khó chịu hay đau rát. Tuy nhiên nó lại gây mất thẩm mĩ, khiến nhiều bạn không tự tin khi diện các trang phục ngắn.
Cách chữa rạn da tuổi dậy thì
Nếu vết rạn trên da mới hình thành và có kích thước nhỏ, bạn có thể tận dụng nguyên liệu tự nhiên để cải thiện. Có thể kể đến các phương pháp như: sử dụng hỗn hợp mật ông và sữa chua; hỗn hợp nha đam và dầu oliu, hỗn hợp nước cốt chanh và viên nang Vitamin E… để mát xa, tăng cường dưỡng ẩm, làm mờ thâm sạm và vết rạn.
Ngoài ra, cần phải cho các con duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất, uống đủ nước trong ngày để tăng cường độ ẩm và độ đàn hồi cho làn da. Con cũng nên tắm bằng nước ấm để thư giãn và lưu thông cơ thể dễ dàng.
Đặc biệt, còn có các phương pháp sử dụng thuốc đặc trị hoặc các công nghệ cao như chiếu tia… tuy nhiên cần phải có sự tư vấn của bác sĩ, chuyên gia.
Vì chưa xác định rõ tình trạng rạn da của con như thế nào nên tôi quyết định sẽ bố trí thời gian đưa con gái mình đi khám bác sĩ để nghe tư vấn và áp dụng đúng cách và hiệu quả hơn. Khi được mẹ hỗ trợ, con gái tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều.
Thế mới thấy, đôi khi với người lớn những vấn đề này của trẻ chẳng đáng gì nhưng với con trẻ nó có thể quyết định tới tính cách, sự vui vẻ, tự tin. Tôi lại tự nhắc nhở bản thân mình, trong hành trình lớn lên của con, nhất định không được để con cô độc.