“Không chịu ăn - con ngáo ộp bắt”, “con không ngoan - bán cho bà đồng nát”…là những câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng lại gây ra nỗi ám ảnh trong lòng trẻ.
Dạy con, dạy cháu có vô vàn cách, nhưng tôi không hiểu sao lại có nhiều người đem những lời đe dọa ra để bắt ép con đi vào khuôn mẫu do mình đặt ra. Không kể đâu xa, hàng xóm nhà tôi có một người mẹ rất ưa thích giáo dục con cái theo phong cách dọa nạt.
Do hai nhà sát vách nhau, cộng thêm miệng mỗi lần mắng con cô ấy đều nói rất to nên khó tránh khỏi việc bị tôi nghe thấy. Không chỉ một và rất nhiều lần tôi nghe thấy những lời lẽ không nên đem ra để nói với con, nhưng cô ấy lại nói một cách rất "trơn miệng". Ai đời mẹ lại nói với con "con không chịu ăn mẹ sẽ bán con cho bà đồng nát", "con còn chạy nhảy nghịch ngợm lung tung, mẹ sẽ cắt tay, cắt chân", "con còn gặm móng nữa là đầu ngón tay bị rụng đấy"...
Khi tận tai nghe được những câu nói đó, tôi vừa thường vừa lo ngại cho tương lai sau này của đứa bé. Không biết con bé sẽ cảm thấy gì, nghĩ gì khi nghe mẹ nói vậy. Tôi nghĩ rằng việc người lớn dọa nạt trẻ là biểu hiện của việc bất lực của bản thân trước con trẻ. Dường như người lớn đang lợi dụng việc trẻ còn bé chưa nhận biết được mọi việc nên thỏa mái vung ra những câu nói làm ảnh hưởng đến tâm trí và cách nghĩ của con. Một câu nói đơn giản của mẹ đã kéo đến một mảng tối trong cuộc sống của con.
Nhát dao vô hình khứa vào tâm hồn trẻ
Người lớn thường dọa nạt với mục đích buộc các bé phải ngoan. Tuy nhiên, có những câu dọa “quá đà” có thể ảnh hưởng đến tinh thần còn non nớt của bé, khiến bé sợ hãi, hoảng loạn thậm chí bị ám ảnh.
Trẻ nhỏ ngay từ khi bắt đầu biết bò biết lẫy đã phải nghe nhiều lời đe dọa mặc dù có hay không những ẩn ý trong đó. Trẻ nhỏ khi biết bò sờ tay vào ổ điện thì lập tức bị dọa ổ điện cắn đấy. Trẻ nhỏ khi chạy vào phòng tối không có ai thì ngay lập tức bị dọa: "có con ma trong đó", "vào đấy con ngáo ộp bắt"; trẻ không ăn thì dọa: "chú công an bắt bây giờ", "không ăn thì cho đi tiêm"; trẻ khóc dỗ không nín thì: "nín ngay không ông mặc áo đen bắt"… Chỉ từ những câu nói thoáng qua của mẹ đã vô tình ảnh hưởng đến tâm trí con. Khi nói xong mẹ có thể quên, nhưng trẻ thì sẽ nhớ nó như một nỗi ám ảnh.
Từ một câu dọa của cha mẹ, bé lập tức liên tưởng đến những điều gây sợ hãi khác như con sâu có nhiều nanh vuốt, có miệng rộng chuyên ăn thịt mà bé nhìn thấy trên tivi... Từ đó, bé sẽ sợ hãi, bất an, hạn chế khám phá và vui chơi. Có những nỗi sợ ở bé mà cha mẹ không biết được hoặc có biết thì khi giải thích bé cũng không hiểu hết được. Khi nỗi ám ảnh đã hình thành quá lớn trong lòng, dù cha mẹ có cố gắng giải thích ra sao cũng không làm vơi đi nỗi sợ hãi của con.
Nếu bố mẹ lạm dụng việc dọa nạt trẻ, có trẻ nhớ nhưng cũng có trẻ sợ hãi diễn ra trong một thời gian dài sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh. Một khi con đã thu mình vào thế giới riêng, trở nên nghi ngờ, không có niềm tin vào cuộc sống. Bé ngại giao tiếp với thế giới bên ngoài, thấy con gì bé cũng sợ, gặp ai bé cũng e dè, dần dần, con trẻ sẽ trở nên rụt rè, tự ti. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và quá trình phát triển của trẻ.
Sống khép mình vì những nỗi sợ hãi đồng nghĩa với việc bé sẽ không có tuổi thơ. Tuổi thơ có ảnh hưởng rất nhiều tới lối sống và cách nghĩ của trẻ trong tương lai. Tuổi thơ tươi đẹp, trẻ sẽ có cái nhìn tích cự hơn về cuộc sống, nhưng nếu tuổi thơ con bao trùm trong sợ hãi và lo âu sẽ khiến trẻ cảm thấy cuộc sống không có một chút thú vị nào để rồi sinh ra những hành động tiêu cực.
Nếu bố mẹ lạm dụng việc dọa trẻ sẽ khiến bé thu mình lại với thế giới xung quanh (Ảnh minh họa)
Có cái nhìn sai lệch về mọi thứ
Các bé ở lứa tuổi mầm non như tờ giấy trắng, người lớn vẽ sao thì tâm hồn bé thành như vậy. Thành thử việc mẹ hay đem mọi thứ ra để dọa nạt con vô hình chung sẽ khiến cho trẻ có cái nhìn lệch lạc về mọi thứ xung quanh.
Tôi chắc chắn rằng ông ngáo ộp hay ông ba bị là một trong những đối tượng đe dọa mà người lớn hay áp dụng với trẻ. Con không ăn ngoan, không chịu ngủ, không chịu vâng lời… bố mẹ ngang nhiên tung ra câu nói “nếu con…thì sẽ bị ông ba bị bắt”. Ông ngáo ộp, ông ba bị là ai? Điều này đối với trẻ rất mơ hồ. Người lớn dọa nhiều thành ra trẻ mặc định ngáo ộp, ba bị là kẻ đáng sợ, hay bắt trẻ con, rơi vào tay họ thì không bao giờ được về với bố mẹ nữa. Thực tế trên đời không hề tồn tại cái người tên gọi như vậy, nhưng chỉ vì một vài câu nói của người lớn đã biến một người không có thật trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí trẻ thơ.
Bác bảo vệ, chú công an, là những con người cụ thể, có danh tính, có nghề nghiệp, có vai trò giữ trật tự trị an cho xã hội. Đáng lý ra, nếu không ca ngợi họ trước trẻ em thì người lớn phải chỉ ra vai trò, trách nhiệm của họ, và dạy trẻ rằng trong những tình huống nào thì gọi họ hỗ trợ. Nhưng ngược lại điều đó, rất nhiều người lớn lại lôi họ ra làm công cụ để có thể đe dọa trẻ, biến họ thành đối tượng có một sức mạnh ngầm đen tối, đáng sợ. Nếu trẻ không ngoan là bị họ bắt phạt. Trẻ sợ bị bắt nên khi nhìn thấy chú công an, bác bảo vệ, chúng sẽ không dám lại gần và tệ hại hơn khi gặp nguy hiểm trẻ cũng không dám nhờ họ giúp đỡ, bởi trong đầu trẻ sẽ nghĩ “họ là người xấu nên không thể giúp mình”.
Người lớn biết rất rõ rằng, trẻ từ 3 tuổi là có thể gửi đến nhà trẻ, trường mẫu giáo. Thay vì nói cho trẻ biết rằng ở đó con sẽ học được nhiều điều hay, các cô giáo dịu hiền sẽ thay mẹ chăm sóc, dạy dỗ con..., nhưng các mẹ lại thường dọa: “Con mà không nghe lời, mai mẹ cho đi học để cô giáo dạy dỗ con”, “mẹ không dạy được con thì để cô giáo dạy”. Vậy là, mẹ “hồn nhiên” mang đến cho trẻ những nỗi sợ hãi chỉ vì những lời dọa nạt rất vô lý. Nhiều bé chỉ nghe mẹ dọa đã không dám đi học vì trong mắt bấy giờ cô giáo cũng trở thành người xấu.
Mọi thứ đều có hai mặt, thuốc tốt mấy uống nhiều cũng nhờn
Nếu người lớn dọa nạt trẻ quá nhiều đôi khi sẽ phản tác dụng. Việc thỉnh thoảng dọa trẻ một vài câu để cho con đi vào nề nếp, có lúc cũng cần thiết, nhưng nếu lạm dụng quá nhiều lâu dần thành thói quen, trẻ sẽ có phản ứng tiêu cực lại khi bị dọa nạt. Trẻ sẽ trơ lì, không chịu nghe lời, chúng sẽ coi những điều mẹ vừa nói là chuyện bình thường.
Hơn nữa, trẻ em ngày nay được cho là “khôn sớm”, vì hàng ngày, xem tivi, đi học, trẻ sớm có hiểu biết, sẽ phân biệt được đúng - sai và có cách phản ứng lại người lớn mỗi khi bị dọa một cách vô lý. Khi đó những câu mẹ hay dùng để dọa con sẽ mất tác dụng vì trẻ có thể nhận biết được bao nhiêu % sự thật trong câu nói của mẹ.
Điều tệ hại hơn là khi trẻ nhận biết được những lời người lớn nói không đúng, chúng sẽ quy đó là lời nói dối. Bố mẹ luôn cố gắng làm sao để dạy con ngoan, dạy con trung thực không được phép "dối cha lừa mẹ", nhưng thực tế bố mẹ lại là người "dắt tay" trẻ vào con đường dối trá. Trẻ con thường không ý thức được mọi hành động nên rất cần người lớn làm gương. Do đó trước mặt con trẻ, người lớn mắc sai lầm gì sẽ rất dễ dàng tạo ra một phiên bản như vậy.
Nếu bố mẹ áp dụng cách giáo dục con cái này quá nhiều trẻ se có phản ứng tiêu cực lại khi bị dọa nạt (Ảnh minh họa)
Những kiểu dọa nạt thường cũng có tác dụng giải quyết ổn thỏa những tình huống nhất định, khi mà trẻ không chịu nghe lời, không chịu hợp tác với người lớn. Nhưng chắc chắn, đó không phải là cách ứng xử hay ho, càng không phải là phương pháp tốt để dạy trẻ hiểu điều phải – trái, đúng – sai, và hoàn toàn không tích cực trong việc rèn giũa tính cách cũng như bồi đáp tâm hồn cho trẻ.