Năm 1990, Hoa hậu Diệu Hoa đăng quang nhưng không lao vào vóng xoáy showbiz mà lựa chọn "ở ẩn" xây dựng gia đình.
Năm 1990, khi mới 21 tuổi, người đẹp Nguyễn Diệu Hoa đã bất ngờ vượt qua hơn 200 ứng viên để trở thành Hoa hậu Việt Nam. Được yêu mến và có nhiều cơ hội tiến thân vào làng giải trí. Tuy nhiên, nếp nhà có truyền thống học hành nghiêm túc nên Hoa hậu Diệu Hoa lặng lẽ quay về với công việc học tập.
Năm 2006, Tại đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 1992, nhờ khoảnh khắc lên trao lại vương miện cho Hoa hậu Hà Kiều Anh, Nguyễn Diệu Hoa đã gặp được người chồng như ý - doanh nhân người Ấn Độ Maneesha Dane. Quyết định kết hôn với một người đàn ông nước ngoài tại thời điểm ấy không hề là điều dễ dàng.
Đến nay, sau 20 năm, trong khi nhiều Hoa hậu lận đận về tình duyên thì Diệu Hoa lại có tổ ấm viên mãn, 2 gái 1 trai và sự nghiệp kinh doanh thành công. Cuộc sống hiện tại của bà mẹ 3 con khiến rất nhiều người tò mò muốn biết.
"Ngót 30 năm sau Hoa hậu Việt Nam, tôi đã làm mẹ 3 con"
Đã 28 năm trôi qua kể từ ngày đăng quang, cảm xúc của chị như thế nào khi nghĩ về chị ngày ấy - cô Hoa hậu và chị hiện tại - một người mẹ?
Lúc đi thi Hoa hậu, tôi là sinh viên năm cuối trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội, đang sống với đại gia đình, mọi việc học hành, sinh hoạt đã có bố mẹ lo. Ấn tượng sâu sắc nhất về thời kỳ đó là trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bố mẹ tôi đã hết lòng chăm sóc con cái, nhất là về mặt học tập. Ngay từ bậc mẫu giáo, tôi được học tại những cơ sở được coi là trường điểm. Có thể nói tôi đã được chuẩn bị khá tốt để bước vào đời.
Ngót 30 năm sau, tôi là người mẹ của 3 con. Cuộc sống ngày nay khá giả hơn, tôi có điều kiện để báo hiếu bố mẹ, lo cho con cái. Tôi xúc động nhìn lại bước đường trưởng thành từ lúc khởi nghiệp đến nay, khi có công việc ổn định, gia đình êm ấm. Từ chỗ chuyên được chăm sóc, tôi đã biết chủ động gánh trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, tôi luôn quan tâm đến những người xung quanh tôi và sẵn sàng giúp đỡ họ trong những lúc khó khăn để họ có một cuộc sống tốt hơn.
Mang danh hiệu Hoa hậu bước vào hôn nhân, làm mẹ, chị có gặp nhiều khó khăn?
Được mang danh hiệu Hoa hậu, tất nhiên sẽ có những áp lực, nhưng cũng có những thuận lợi. Dư luận chăm chú theo dõi, người đó yêu ai, lấy ai, sinh con, nuôi dạy con sẽ có thông tin, bình luận ngay. Do đó, tự mình phải cẩn trọng trong mỗi hành vi, thái độ, cách cư xử... bất cứ ở đâu, vào bất cứ thời điểm nào.
Nhưng danh hiệu Hoa hậu cũng đem lại nhiều thiện cảm của công chúng, đó là thuận lợi không nhỏ cho các cuộc giao tiếp, các hoạt động xã hội. Như vậy, Hoa hậu rõ ràng phải chịu một sức ép nhất định. Nhưng mặt tích cực là sức ép đó khuyến khích người ta hướng đến điều hay, việc tốt, thôi thúc người ta phải luôn cố gắng hoàn thiện bản thân, không làm gì có thể gây phản cảm, để luôn giữ được hình ảnh đẹp trong công chúng.
"Ai làm mẹ cũng phải trải qua vất vả, nhọc nhằn"
Quãng thời gian bỉm sữa trước đây với chị có nhiều vất vả? Chị đã học cách làm mẹ như thế nào?
Ai làm mẹ đều phải trải qua bao vất vả, nhọc nhằn. Muốn nuôi con tốt, tôi học kinh nghiệm của các chị đi trước, tự rút ra những bài học của bản thân, rồi đọc sách báo, tài liệu về nuôi dạy con cái. Chỉ cần mình quan tâm học hỏi. Gần nhất là trong gia đình, tôi luôn nhận được sự tư vấn của mẹ là bác sĩ khoa nhi.
Với mỗi một đứa trẻ chào đời, chị khi ấy nuôi con ra sao, có kỷ niệm gì đáng nhớ?
Giờ đây các con đã khôn lớn, tôi vẫn nhớ lại từng giai đoạn phát triển của mỗi con và cũng có rất nhiều kỷ niệm qua từng thời kỳ. Có một kỷ niệm tôi nhớ vô cùng là khi đó tôi hay cho các bé xem các điệu múa Ấn Độ. Một ngày tôi mở nhạc Ấn Độ và thấy hai con gái tôi lúc đó còn rất nhỏ đang nhảy điệu múa Ấn Độ y như trong băng video.
Hóa ra các bé đã rất thích các điệu múa đó và đã tập múa theo. Sau này tôi cho các bé đi học các điệu múa Bollywood và các bé cũng đi biểu diễn trong những chương trình giao lưu văn hóa Viêt Nam và Ấn Độ.
Với các con, chị tự nhận mình là mẫu người mẹ ra sao? Hiền hay nghiêm khắc?
Như mọi bậc cha mẹ, vợ chồng tôi hết lòng quan tâm, yêu thương con cái, mong con từng bước trưởng thành. Chính với mong muốn đó, chúng tôi vừa hiền cũng vừa nghiêm. Chúng tôi đáp ứng những yêu cầu chính đáng của các con về học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí, nhưng cũng có nhận xét nghiêm khắc trước những đòi hỏi không thích đáng, những hành vi, cách cư xử không đúng mực.
Tôi vui mừng thấy nhà chúng tôi đúng là một mái ấm gia đình. Đặc biệt các con rất ngoan ngoãn, nghe lời và tin yêu bố mẹ, sẵn sàng tâm sự, hỏi ý kiến bố mẹ về một khúc mắc nào đó. Những bữa ăn chung thường cũng là những dịp trò chuyện cởi mở, thân tình.
"Chúng tôi không đốc thúc các con, tự chúng biết mình phải học thế nào"
Được biết đến là "Hoa hậu tri thức, biết nhiều thứ Tiếng nhất Việt Nam", hẳn chị cũng rất quan trọng chuyện giáo dục con cái?
Khi các con còn nhỏ, ngoài giờ học tại trường, chúng tôi chú ý cho học ngoại khóa về nhạc, vẽ, múa, bơi... Khi bước vào tuổi thanh thiếu niên, các con được rèn tính tự lập, tự chủ. Chúng tôi không phải đốc thúc các con, tự chúng biết mình phải học như thế nào. Vào cuối bậc học tú tài, từng con tự chọn ngành sau này ở đại học, lẽ tất nhiên với sự tư vấn của bố mẹ và cũng tự chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu của trường đại học mình đã chọn. Các con cũng luôn chủ động trong việc rèn luyện thể lực, học chơi nhạc cụ.
Chị có thể chia sẻ một chút về việc học hành hiện tại của các con?
Hiện nay, con gái đầu, Diệu My, năm nay học năm cuối trường Wharton của Đại học Pennsylvania, một trong top những trường điểm Ivy League của Mỹ. Diệu My học về Quản lý, Marketing và Business. My trợ giúp việc giảng dạy của giáo sư ở trường. Mới đây, con dự thảo một đề án vì lợi ích của người di cư, được một chương trình quan trọng của Liên hợp quốc – “UN Academic Impact” đánh giá rất cao và có thể sẽ tài trợ để thực hiện.
Con gái thứ hai, Diệu Ly, học năm thứ ba trường đại học New York tại Mỹ chuyên ngành marketing, truyền thông, điện ảnh, entertainment. Ly là cộng tác viên bán thời gian cho một doanh nghiệp Mỹ.
Cả My và Ly ý thức rõ về những cố gắng của bố mẹ đầu tư cho tương lai của mình nên chăm chỉ học tập, nghiên cứu, sinh hoạt giản dị, tiết kiệm. Cả hai cũng dành thời gian làm thêm vài công việc có liên quan đến chương trình học.
Con trai út, Nguyễn Hoàng Phi, học năm cuối trường PTTH quốc tế tại TP.HCM, đang chuẩn bị thi tú tài và cùng lúc, học và viết bài luận trong khuôn khổ sơ khảo vào trường đại học ở Mỹ.
Luôn ý thức dạy con truyền thống Việt Nam và Ấn Độ
Sống trong một gia đình có hai nền văn hoá khác biệt, các con lại đi du học từ sớm, chị dạy con thế nào về truyền thống quê mẹ và quê cha?
Từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng tôi thường kể cho chúng nghe và mua sách cho chúng đọc những truyện cổ tích Việt Nam và Ấn Độ. Rồi cuộc sống thực tế ở gia đình giúp các con làm quen và ưa thích những phong tục, tập quán tốt đẹp của hai nước. Đêm giao thừa và ngày mồng một Tết, cả nhà chúng tôi đi lễ Phật ở chùa.
Vào khoảng đầu tháng 11 hằng năm cùng cộng đồng người Ấn dự lễ hội ánh sáng Diwali, có thể coi như lễ hội năm mới lớn nhất của Ấn Độ. Đã nhiều lần trong dịp này, mấy mẹ con chúng tôi lên sân khấu biểu diễn những điệu nhảy Ấn Độ.
Trang phục của hai con gái My và Ly không thể nào thiếu chiếc áo dài Việt Nam và chiếc saree Ấn Độ... Chúng tôi vui mừng thấy các con đang du học ở xa luôn da diết nhớ về quê hương, gia đình.
Chị và ông xã có khi nào mâu thuẫn trong chuyện dạy con?
Cũng xin nói thêm vợ chồng tôi thường xuyên bàn bạc và thống nhất về các nguyên tắc cũng như cách làm để chăm sóc và dạy dỗ con. Ngoài những khác biệt, hai nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ có những điểm tương đồng quan trọng như: đều đề cao đạo hiếu với ông bà cha mẹ và các mối quan hệ trên dưới trong gia đình, chú ý gìn giữ và phát triển nền văn hóa dân tộc, truyền thống, thường xuyên tổ chức nhiều lễ hội tôn giáo và tâm linh giúp con người hướng đến chân, thiện, mỹ...
Hiện tại một ngày của chị sẽ diễn ra như thế nào?
Có thể nói tóm tắt như sau: Sáng dậy, tập thể dục, ăn điểm tâm, đến văn phòng công ty làm việc đến chập tối trở về lo việc nhà... Lịch làm việc như vậy xem ra cũng bình thường. Nhưng thực tế đâu chỉ có vậy.
Ở thời buổi của điện thoại di động và internet, các việc giao dịch, kể cả ký hợp đồng, có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Giữa đêm đang ngủ, có thể được đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại của một đối tác gọi từ Mỹ vào lúc giữa trưa... của họ. Rồi còn những tối đi dự sự kiện, những chủ nhật đi hoạt động từ thiện, những cuộc giao lưu với bạn bè, những buổi định kỳ chăm sóc làn da, mái tóc...
Trở lại chuyện việc nhà, chắc chị em nào cũng thấy đây là khối việc không tên, thượng vàng hạ cám, muôn hình muôn vẻ, không lúc nào hết. Vì vậy tôi khá tất bật, nhưng nếu mình biết sắp xếp lập kế hoạch cho những công việc đó thì mọi việc sẽ ổn.
Bận rộn như vậy, chị và ông xã vẫn có thời gian cho con?
Vợ chồng tôi khá bận rộn với công việc kinh doanh nhưng cả hai đều cố gắng giữ nề nếp ăn cơm cùng các con mỗi ngày. Đặc biệt, có những nội dung không thể nào bỏ qua trong lịch của gia đình. Đó là những chiều cuối tuần, hai vợ chồng cùng đi siêu thị mua sắm. Tối cuối tuần, cả nhà có thể đi ăn ở ngoài. Rồi còn cùng xem phim ở rạp hay tại nhà…
Thỉnh thoảng cả gia đình cùng nhau đi dã ngoại vào những dịp cuối tuần hoặc dịp nghỉ lễ. Đó là những giây phút thư giãn vô cùng ấm áp và luôn đem lại những niềm vui cho gia đình nhỏ bé của chúng tôi.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!