Dị ứng ở trẻ là gì? Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết

Ngày 26/06/2019 16:19 PM (GMT+7)

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê chia sẻ, dị ứng ở trẻ là một bệnh lý khá phổ biến, có rất nhiều yếu tố khiến trẻ nhỏ bị dị ứng.

Dị ứng ở trẻ là gì? Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hạnh Lê – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc (TP.HCM)

Dị ứng ở trẻ là gì? Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết - 2

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê

Dị ứng ở trẻ là gì?

Dị ứng ở trẻ là tình trạng liên quan đến hệ thống miễn dịch và được phân thành rất nhiều dạng khác nhau, trong đó sốc phản vệ là một dạng dị ứng gây nguy hiểm nhất.

Theo quan niệm y khoa, dị ứng là một căn bệnh liên quan đến vấn đề miễn dịch của cơ thể, gây ra hiện tượng như nổi mề đay, mẫn ngứa, sổ mũi, chảy nước mắt…

Tình trạng dị ứng không chỉ gây ảnh hưởng đến bên ngoài mà nó còn gây ra những vấn đề bên trong cơ quan nội tạng của trẻ nhỏ như các bệnh về khớp, thận hay các bệnh liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Để dị ứng xuất hiện cần phải có một tác nhân gây bệnh và tác nhân gây dị ứng được gọi là dị nguyên. Tuy nhiên, dị nguyên này xuất hiện trong cơ thể nhưng không phải trẻ nào cũng sẽ bị ứng, tùy vào cơ địa mỗi trẻ mà dị nguyên có thể làm xuất hiện dị ứng hoặc không.

Dị nguyên là gì ?

Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên, khi lọt vào cơ thể sẽ sinh ra các dị ứng ở những bệnh nhân có yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng trong môi trường sống và sản xuất.

Tuy nhiên, trong cơ thể chúng ta cũng có những kháng thể có tên IgE làm nhiệm vụ chống lại những loại dị nguyên xâm nhập. Khi 2 loại này gặp nhau sẽ tạo ra một phức hợp tổ hợp kháng nguyên và sinh ra một loại chất gọi là histamin.

Chất histamin sẽ sinh ra ngoài cơ thể người bệnh những triệu chứng ngứa, sưng đỏ ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể như:

- Các phản ứng hắt xì hơi, chảy nước mắt, nước mũi… xảy ra ở niêm mạc miệng, niêm mạc mắt, niêm mạc mũi.

- Ở đường hô hấp sẽ xảy ra viêm tai, viêm xoang…

- Ở phổi và phế quản sẽ sinh ra bệnh hen suyễn, sưng phù các đường thở, có thể gây tắc thở.

- Ở da sẽ có những biểu hiện như: mạch máu sưng to gây ra hiện tượng ngứa ngáy, nổi mề đay.

- Biểu hiện ở ruột gây tiêu chảy.

- Các cơ quan khác như: gan, thận...

Khi các biểu hiện trên không được điều trị mà để tiếp diễn nhiều lần thì phản ứng dị ứng sẽ xảy ra càng lúc càng nhiều và cuối cùng có thể dẫn đến một phản ứng rất nguy hiểm chính là sốc phản vệ. Đây là một phản ứng cơ thể cực kỳ nguy hiểm, bắt buột người bệnh phải được cấp cứu càng sớm càng tốt.

Dị ứng ở trẻ là gì? Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết - 3

Nếu bé được bú sữa mẹ nhiều hơn 6 tháng tuổi thì khả năng em bé bị ứng sẽ thấp hơn bởi sữa mẹ chính là thức ăn chính của trẻ. Ảnh minh họa

Dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị dị ứng

Dị ứng có thể bị di truyền từ thế hệ này đến thế hệ kia. Nếu trong gia đình có cha mẹ hoặc mẹ bị dị ứng thì đứa trẻ sinh ra có khoảng 30% sẽ bị dị ứng. Và nếu cả cha lẫn mẹ đều bị dị ứng thì tỉ lệ đứa trẻ sinh ra bị dị ứng sẽ tăng lên gấp đôi (60%). Chính vì vậy, với những cha, mẹ có tiền sử bị dị ứng thì hãy lưu tâm đến bé bởi khả năng bé bị ứng là rất cao.

Trong 6 tháng đầu đời, cha mẹ sẽ rất khó phát hiện được các triệu chứng con bị dị ứng bởi hệ miễn dịch của con vẫn đang bị ảnh hưởng từ trong quá trình mang thai nên những biểu hiện dị ứng thường nhẹ.

Những trường hợp trẻ bị dị ứng nặng mới có những biểu hiện sớm như:

- Khi bé từ 1 – 2 tháng tuổi da bé thường bị khô ráp.

- Khi bé từ 2 tháng tuổi trở lên thì da mặt bé thường bị ửng hồng, hai bên má xuất hiện những đốm đỏ, các khe tay, chân thường khô ráp, hay bị ngứa.

- Khi bé từ 6 tháng trở lên thì các triệu chứng sẽ bắt đầu nặng dần lên.

Do đó, trong 6 tháng đầu tiên nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn thì tương đối tốt bởi sữa mẹ thường ít gây dị ứng đối với trẻ. Nếu bé được bú sữa mẹ nhiều hơn 6 tháng tuổi thì khả năng em bé bị ứng sẽ thấp hơn bởi sữa mẹ chính là thức ăn chính của trẻ.

Những bé ăn dặm thì cha mẹ cần thận trọng trong việc lựa chọn các loại thực phẩm dành cho trẻ như các loại đồ biển, thịt gà, thịt bò, cà rốt, khoai tây…

Nếu cần biết chính xác việc trẻ có bị ứng hay không, ở giai đoạn đầu cha mẹ có thể đưa bé đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm, tuy nhiên kết quả sẽ không đúng chính xác 100%, bởi có tới hàng trăm loại dị ứng và có những loại dị ứng khoa học vẫn chưa nghiên cứu ra.

Những dị ứng nào thường gặp nhất ở trẻ?

Dị ứng sẽ bắt đầu xuất hiện khi hệ miễn dịch bị nhầm lẫn một chất bình thường nên nó có thể vô hại với trẻ này nhưng lại gây nguy hiểm đối với trẻ khác.

Có rất nhiều nhóm chất có thể gây ra tình trạng dị ứng ở trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào tộc người.

Một số dị nguyên phổ biến là:

- Dị ứng với đậu phộng (thường gặp nhiều ở các nước phương tây), cà chua…

- Dị ứng với bụi (bụi trong nhà hoặc ngoài trời), lông động vật, một số chất trong không khí, dị ứng móc…

- Dị ứng dị nguyên qua đường thực phẩm (nhất là các loại hải sản, trứng sữa, thịt bò, thịt gà…)

- Dị ứng trên da do bị côn trùng cắn.

- Dị ứng khi đeo găng cao su (dị ứng Latex).

- Dị ứng khi tiếp xúc da (dị ứng contact).

- Dị ứng với thuốc, đặc biệt là các loại kháng sinh. Với những trường hợp bị dị ứng với thuốc hạ sốt sẽ cực kỳ nguy hiểm bởi có thể gây tróc lở hậu môn, môi, miệng và thậm chí cả đường tiêu hóa, toàn thân sưng rộp.

Chính vì thế, các bậc cha mẹ luôn phải chú ý trong việc phòng ngừa tình trạng dị ứng ở trẻ em, đặc biệt là trong việc ăn uống. Trong quá trình cho bé ăn những loại thức ăn mới chỉ nên cho bé ăn thử từ từ để xem bé có phù hợp với loại thức ăn đó hay không, nếu phù hợp mới cho bé ăn.

Dị ứng ở trẻ là gì? Bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu nhận biết - 4

Các bậc cha mẹ luôn phải chú ý trong việc phòng ngừa tình trạng dị ứng ở trẻ em. Ảnh minh họa

Phương pháp giúp tìm ra các loại dị ứng ở trẻ

Hiện nay có 2 phương pháp giúp tìm ra các loại dị ứng ở trẻ bao gồm:

Xét nghiệm dị ứng bằng cách Test lẩy da:

Phương pháp Test lẩy da được sử dụng để xác định chất có thể gây dị ứng. Điều này bao gồm dị ứng trong không khí hoặc liên quan đến thực phẩm và liên quan chất gây dị ứng. Khi trẻ lần đầu tiên xét nghiệm dị ứng bác sĩ sẽ thực hiện Test lẩy da bằng cách nhỏ một vài một giọt chất gây dị ứng lên da của bé (vùng da bị trầy xướt hoặc có lỗ kim chích) và theo dõi. Nếu không xuất hiện triệu chứng sưng hay đỏ thì chứng tỏ bé không bị dị ứng với chất gây dị ứng cụ thể đó.

Xét nghiệm dị ứng bằng cách lấy máu:

Trong trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể chống lại chất gây dị ứng cụ thể trong cơ thể. Xét nghiệm này giúp đo lường lượng máu trong kháng thể gọi là globulin miễn dịch E (IgE) mà cơ thể sinh ra để chống lại dị nguyên. Chỉ số IgE ở người mắc bệnh dị ứng hay hen suyễn thường cao hơn ở người bình thường.

Những trẻ từ 1 tuổi trở lên là đã có thể thực hiện được việc xét nghiệm dị ứng bởi ở giai đoạn này hệ miễn dịch trên cơ thể bé đã không còn là của mẹ nữa nên việc thực hiện xét nghiệm sẽ có thể cho ra được một kết quả chuẩn xác hơn.

Những tác nhân nguy hiểm dễ khiến trẻ bị dị ứng
Các mẹ cần lưu ý những tác nhân dễ gây dị ứng nhất cho trẻ nhỏ để phòng tránh.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hạnh Lê – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc (TP.HCM)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em