Khi cả nhà còn đang ngồi trên mâm cơm nhưng không ai lên tiếng bảo vệ mẹ con tôi, kể cả chồng, tôi quyết định bế con đứng lên, đi về nhà.
Vợ chồng chúng tôi có 1 con trai, hiện cháu được 2 tuổi. Chúng tôi sống riêng trong một căn chung cư cách nhà bố mẹ chồng cũng không xa nên thường xuyên cho con sang chơi với ông bà hoặc ông bà cũng đi lại sang thăm cháu.
Cuối tuần trước ông bà làm giỗ nên gọi cả nhà tôi và nhà em chồng sang để cùng làm cơm rồi thụ lộc. Hôm đó tôi lại bận việc ở công ty nên xin phép sang muộn, bảo chồng đưa con sang với ông bà trước. Tôi cũng không ngờ công việc kéo dài, nan giải mãi đến tận trưa mới xong.
Mở điện thoại ra thấy nhiều cuộc điện thoại nhỡ của chồng cùng tin nhắn kèm giục nhanh chóng về nhà bố mẹ chồng ăn cơm. Tôi gọi điện lại thì anh nói:
- Sao biết hôm nay có giỗ mà em về muộn thế, nhanh lên cả nhà đợi cơm.
Ảnh minh họa
Tôi cũng chỉ biết dạ vâng rồi nhanh chóng thu xếp về đến nhà bố mẹ chồng cũng là 11h trưa, đúng lúc cả nhà cũng sửa soạn mâm. Tôi lên tiếng xin lỗi rồi nhanh chóng vào bếp phụ em chồng chuẩn bị các thứ để ăn. Làm một lúc tôi mới chợt nhớ ra không biết con trai đâu nên có hỏi chồng:
- Ơ con đâu mà em không thấy hả anh?
- Mẹ đang cho con ăn trước ở trên phòng vì sợ đứa bé đói.
Nghe thấy thế tôi cũng không nghĩ ngợi gì vì bình thường nhà có việc, bà nội cũng luôn giúp tôi cho con ăn trước để lúc sau bé không quấy và tôi tin tưởng mẹ chồng biết thói quen ăn uống của cháu. Tôi cũng đi lên phòng để xem con ăn uống thế nào. Thế nhưng cảnh tượng đập vào mắt trước đó khiến tôi khá hoảng sợ liền lao vào:
- Ôi mẹ ơi, sao mẹ lại cho cháu ăn cua thế này?
- Sao lại không ăn cua, con cua này đắt lắm, mẹ phải đặt người bạn mấy hôm mới mua được để tẩm bổ cho thằng bé đấy.
- Mẹ biết thằng bé bị dị ứng với cua mà, cháu không ăn được cua đâu, một lúc nữa là người sẽ mẩn đỏ hết lên. Mẹ cho nó ăn nhiều chưa, nếu nhiều còn nguy hiểm đó mẹ.
Ảnh minh họa
- Cũng chưa nhiều lắm, vừa mới ăn thôi. Nhưng con yên tâm, cua này đắt đỏ 2 triệu/kg, là cua xịn nên không có chuyện dị ứng gì đâu. Với cả thi thoảng ăn một bữa cũng không sao.
- Không được đâu mẹ, thằng bé nhiều lần nôn trớ vì dị ứng cua, tôm rồi, mẹ cũng biết điều đó mà sao lại cho cháu ăn thế này.
Nói xong tôi bế thốc con đi xuống dưới nhà. Mẹ chồng bực tức cầm đĩa cua đi theo xuống dưới nhà phân trần với mọi người:
- Ăn một tí thì có làm sao đâu, mà cua này xịn chứ có phải cua đểu vài trăm ngoài chợ đâu. Ông và các con xem xem, mẹ đã mất tiền mua cua cho cháu ăn mà mẹ nó lại mặt nặng mày nhẹ như thế, hằn học mẹ.
Bố chồng và em chồng không nói gì còn chồng tôi thì bảo:
- Thôi, mẹ cho ăn một tí chắc không sao đâu em. Cứ để cho thằng bé ăn đi, nó cũng chẳng ăn được nhiều đâu.
- Nhiều lần con anh mẩn đỏ, nôn trớ vì dị ứng anh cũng biết rồi đó sao anh còn nói vô trách nhiệm như vậy.
Tôi đưa mắt nhìn 1 lượt mọi người đang ngồi trên bàn ăn nhưng không ai nói gì, không ai bảo vệ mẹ con tôi mà đều cho rằng tôi vô lý, bảo vệ con quá đà. Quá thất vọng, tôi xin phép bế con về nhà:
- Thôi mọi người cứ ăn đi, con cho cháu về nhà nghỉ ngơi trước ạ.
Ảnh minh họa
Tôi đứng lên đi về cũng không ai nói gì.
Về đến nhà, còn chút cơm nguội trong nồi tôi quay nóng cho con ăn với thức ăn có sẵn trong tủ. Với tôi, thà ăn cơm nguội còn hơn là những thứ biết trước là nguy hiểm với con mà vẫn cho con ăn.
Sau ngày hôm đó, chồng nói tôi hơi làm quá khiến bố mẹ chồng phật ý nên ông bà giận dỗi nhưng tôi thấy bản năng làm mẹ của mình chẳng có gì sai cả nên tôi cương quyết bảo vệ quan điểm của mình.
Tâm sự từ độc giả quychau...
Trẻ bị dị ứng thực phẩm thì dù là một lượng nhỏ cũng sẽ gây nên các triệu chứng như: sưng, ngứa họng, đau bụng, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt, nổi ban đỏ, ngứa trên da. Nặng hơn là khó thở, huyết áp giảm, sốc phản vệ, thậm chí tử vong.
Một số trẻ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng muộn (vài ngày sau khi ăn thức ăn chứa dị nguyên) gồm viêm da, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, ho dai dẳng, chảy nước mũi, táo bón, ra mồ hôi, biếng ăn, giảm tập trung và ngủ kém. Mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào thời gian xuất hiện phản ứng sau khi ăn, lượng thức ăn mà trẻ đã tiêu thụ và cơ địa của trẻ.
Các thức ăn hay gây dị ứng là lạc, hạnh nhân, cá, hải sản, trứng (đặc biệt lòng trắng trứng), sữa... Nên nhớ rằng, hệ thống miễn dịch của trẻ cần có thời gian để hình thành phản ứng miễn dịch với dị nguyên có trong thức ăn. Chính vì thế dị ứng thức ăn ít khi xảy ra khi lần đầu tiếp xúc với loại thức ăn đó.
Phụ huynh nên làm gì khi con bị dị ứng thực phẩm?
Khi biết trẻ dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, nên loại bỏ nó ra khỏi thực đơn của trẻ. Không nên chế biến hoặc đựng thức ăn của trẻ trong các âu bát có dính các thức ăn mà trẻ dị ứng. Đồng thời sử dụng các thuốc điều trị thích hợp cho tình trạng dị ứng.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên nhớ dị ứng thức ăn có thể không kéo dài suốt đời. Vì vậy, bạn không cần bắt trẻ kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào cả. Việc loại trừ một số thức ăn khỏi chế độ ăn của trẻ có thể dẫn đến sự mất cân bằng dinh dưỡng và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Các bà mẹ nên tham khảo ý kiến của các nhà dinh dưỡng học để tìm được một chế độ ăn thích hợp cho con mình, việc bổ sung các vitamin và muối khoáng có thể là cần thiết. Sau một thời gian, bạn có thể cho trẻ ăn thử lại thức ăn đó (ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ).