Tôi luôn tự hào một điều, đó là những đứa trẻ được làm con tôi sẽ không bao giờ phải lớn lên cùng những lời so sánh.
Làm mẹ chẳng lâu cũng chẳng vừa mới, kinh nghiệm nuôi con chẳng dày cũng chẳng hề mỏng, sai lầm va vấp cũng chẳng nhiều, chẳng ít… Vậy nhưng tôi luôn tự hào về bản thân một điều, đó là những đứa con tôi, những đứa trẻ được làm con tôi sẽ không bao giờ phải nghe câu nói “con nhà người ta”.
Không có: “Con hàng xóm nặng hơn con mình…500gram, con chị A đã biết chạy rồi, sao con nhà người ta ngoan thế mà con mình thì…”.
Tại sao như vậy, đó là vì khi những lời nói so sánh tưởng thành thói quen đã bật đến đầu môi, tôi sẽ nghĩ đến những lý do này:
So sánh làm tổn thương con trẻ
Một trong những lý do thực sự quan trọng, đó là so sánh sẽ làm tổn hại lòng tự trọng của trẻ nhỏ. Liệu có ai muốn “được” liên tục so sánh với những người khác? Những đứa trẻ hay rụt rè, mất tự tin thường có nguyên do từ những lời so sánh của cha mẹ dành cho trẻ trong thời thơ ấu, khiến con cảm thấy bản thân thua kém nhiều người. Chúng ta không muốn con kiêu ngạo, nhưng cũng đừng bao giờ làm bé cảm thấy mình vô giá trị.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau
Tin tôi đi, dù có cùng thích ăn một món bánh ngọt, cùng mê xem tivi và cùng ghét uống sữa nhưng mỗi đứa trẻ vẫn là một cá nhân riêng biệt, có tài năng và từng mối quan tâm riêng. Việc một đứa trẻ thích học toán và ghét học toán có gì lạ lùng? Một đứa trẻ giỏi thể thao và một đứa trẻ chỉ mê ngồi nhà đọc sách thì liệu có gì quan trọng sao? Và ngay cả một đứa 11 tháng đã biết đi với đứa trẻ 18 tháng mới chập chững từng bước, có gì cần phải so sanh với nhau? Không có chuyện sở thích này thì tốt hơn sở thích kia hay đứa trẻ này giỏi hơn đứa trẻ khác. Hãy để con phát triển sở thích và khả năng của bản thân. Trẻ nhỏ không cần phải cảm thấy rằng bé nên cố gắng để trở thành một người khác chính-bản- thân-mình.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng (ảnh minh họa)
So sánh sẽ chỉ khiến người mẹ thấy mình luôn thất bại
Sự so sánh không chỉ khiến trẻ tổn thương mà còn khiến chính chúng ta mệt mỏi, đóng mình trong sự tiêu cực. Đừng tự tạo áp lực cho bản thân về chuyện nuôi dạy con cái, nó sẽ chỉ khiến ta cảm thấy mình là người thất bại. Mỗi bà mẹ chính là một chuyên gia riêng của con mình, hãy nuôi con theo bản năng của người mẹ và đừng bận tâm đến những “phiền nhiễu” xung quanh.
Trẻ nhỏ sẽ oán giận mọi người
Liên tục “ca đi ca lại” điệp khúc so sánh sẽ làm cho một đứa trẻ cảm thấy bực bội. Mẹ sẽ nghĩ đơn giản rằng con sẽ oán giận cha mẹ? Không chỉ có vậy. Không những oán giận cha mẹ, bé sẽ oán giận cả anh, chị em của mình, oán giận những bạn bè cùng lớp, em bé hàng xóm…tất cả những người được mẹ lấy để làm ví dụ và so sánh với con. Có ai muốn tạo cho bé một sự thù hằn ngay từ tấm bé? Tôi không muốn như vậy.
Ghi nhớ suốt đời
Chúng ta có thể sẽ phải ngạc nhiên vởi khả năng nhớ những kỷ niệm của một đứa trẻ. Lời nói gió bay chỉ xảy ra với người lớn chúng ta khi chê bai bé “sao con không học giỏi như anh”. Vậy nhưng thông điệp đó sẽ ở lại mãi trong tâm trí trẻ.
Mỗi đứa trẻ có một tốc độ riêng
Nhiều cha mẹ thường lo lắng con không bằng bạn bằng bè. Tuy nhiên, tuổi thơ không phải là một cuộc chạy đua, mỗi đứa trẻ phát triển với một tốc độ riêng của mình. Chính vì vậy, đừng lo lắng và cũng đừng so sánh. Lời nói dằn vặt không có tác dụng khiến trẻ tăng tốc. Hãy chờ đợi và bé sẽ tự đạt được những mốc phát triển của mình.