Ỷ có bố cưng nựng, yêu chiều... cu Bi ngày càng nhờn với mẹ, không coi mẹ ra gì.
Vợ chồng tôi kết hôn ngay sau khi vừa ra trường xin được việc làm do gia đình anh thúc giục quá. Vì bên nhà anh chỉ sinh được mỗi anh là con trai, lại mang trên vai trọng trách cháu đích tôn của dòng họ nên bố mẹ anh luôn mong mỏi sớm có cháu trai nối dõi.
Cưới nhau mãi hơn 2 năm vợ chồng tôi mới sinh được cu Bi, khỏi phải nói chúng tôi vui mừng đến cỡ nào. Bao lo lắng, tủi cực khi phải hứng chịu những lời mệt thị của người khác và những chỉ trích của mẹ chồng giờ đã được quăng bỏ hết.
Tôi mừng vì được làm mẹ, mừng vì mình không phải là “cây độc không trái” như vài người ác miệng châm chọc. Tuy nhiên, niềm vui của tôi chẳng kéo dài được lâu, thay vào đó là nỗi lo lắng bắt đầu manh nha và ngày càng tăng dần lên theo cấp số nhân: Chồng tôi có vẻ “nghiện” con.
Ban đầu tôi rất hãnh diện và hạnh phúc khi có một người chồng tuyệt vời, biết chia sẻ công việc chăm sóc con cái với vợ và đặc biệt rất yêu con. Nhưng dần dần tôi có cảm giác trong mắt chồng chỉ có cu Bi mà không còn biết vợ là ai. Đi đâu về, việc đầu tiên anh làm là lao vào bế ẵm, cưng nựng con một lúc rồi sau đó mới làm gì thì làm. Vợ chồng tôi chỉ trao đổi khi có những chuyện thật cần thiết, nếu anh có hỏi hoặc nói chuyện thì chủ đề bao giờ cũng là con. Thậm chí những trận cãi vã của vợ chồng tôi thường xuyên hơn cũng là vì con.
Nói ra có thể mọi người sẽ cho rằng tôi ích kỷ và đang ghen với con nhưng kỳ thực không phải là như vậy. Cách chăm con, yêu con của anh đã khiến bé dần dần trở nên thụ động, phụ thuộc, ích kỷ và hay mè nheo bố mẹ.
Khi bé còn nằm nôi, bế ẵm, tối nào anh cũng bế bé trên tay đung đưa và hát nhạc trẻ để…ru con ngủ, báo hại tôi khốn khổ mỗi khi muốn cho con đi ngủ, bởi vì tôi không biết hát nhạc trẻ như anh. Nửa đêm chỉ cần nghe con ọ ẹ vài tiếng là anh đạp tôi bắt dậy bế con và thực hiện đòi hỏi của con ngay. Con đói phải cho ăn, khát phải cho uống, còn nếu con muốn được bế ngủ thì anh bắt tôi phải bế con đi đi lại lại trong phòng. Nếu tôi có ý kiến thì anh bảo “Em là mẹ mà không biết thương con à?”.
Khi con lớn hơn một chút anh vẫn không thay đổi cách chăm sóc, vẫn luôn đáp ứng mọi mong muốn khi con cần. Anh làm thay con tất cả mọi việc. Có thể nói rằng chỉ còn mỗi việc ăn, ngủ, đi vệ sinh giúp con là anh không thể làm thay được nữa thôi.
Vợ chồng tôi thường xuyên cãi nhau vì con (Hình minh họa)
Khi con được 3 tuổi, hễ cứ đòi ăn cái gì là anh cho cái đấy. Về chuyện ăn uống của bé, anh quan niệm, con đã lười ăn nên lúc nào con thích ăn gì thì phải cho ngay. Còn tôi là giáo viên một trường cấp I ở Hà Nội, luôn muốn nghiêm khắc dạy con có nếp sinh hoạt, ăn uống khoa học. Vì vậy mà không ít lần chúng tôi đã cãi nhau về cách uốn nắn con.
Biết bố bênh, cu Bi rất hay giở chiêu khóc ăn vạ mỗi khi không được đáp ứng 'yêu sách'. Nhiều khi tôi muốn mặc kệ con, thậm chí có lần còn dùng roi để dọa bé thì anh liền xông vào quát mắng vợ, bảo tôi là “đồ tồi”. Vậy là cứ sau mỗi lần con quấy khóc, vợ chồng tôi lại "được" cãi nhau một trận.
Không chỉ chiều chuộng con trong việc ăn uống mà ngay cả quần áo hay đồ chơi anh cũng “sắm” rất nhiều cho con. Có những bộ quần áo mua về có khi Bi chưa mặc lần nào thì đã chật. Còn về đồ chơi, chẳng phải nói quá nhưng nhà tôi chẳng khác gì một cửa hàng đồ chơi mini dành cho trẻ nhỏ. Cứ mỗi lần đi đâu thấy đồ hay hay hoặc nhìn thấy con của người bạn nào có đồ chơi đẹp kiểu gì anh cũng lùng mua cho con bằng được. Đó là chưa kể mỗi lần cu Bi đòi hỏi, vòi vĩnh bố.
Thời gian gần đây bé bắt đầu đòi nghịch điện thoại và máy tính của mẹ, tôi không cho thì bé ăn vạ, khóc lóc ầm ĩ rồi gọi bố. Chẳng cần biết đầu cua tai nheo thế nào nhưng cứ thấy con khóc là anh liền mắng tôi xối xả. Anh cho rằng con còn nhỏ, đã biết gì, chiều con một chút cũng có làm sao đâu.
Điều khiến tôi lo lắng nhất là cu Bi ngày càng ỷ có bố “bảo vệ” nên không coi mẹ ra gì. Tôi nói bé chẳng nghe, quát cũng chẳng sợ, hở ra một chút là dọa về mách bố.
Đỉnh điểm vào ngày hôm qua khi vợ chồng em gái tôi đến nhà chơi, đưa theo cả cậu con trai nhỏ, kém cu Bi 1 tuổi. Thấy em tới chơi, cu Bi vui mừng ra mặt, hai đứa dẫn nhau vào phòng chơi đồ chơi. Đang ngồi nói chuyện với vợ chồng cô em ngoài phòng khách tôi bỗng nghe thấy tiếng cậu em khóc toáng lên. Chạy vội chạy vàng vào, tôi thấy cu Bi tay ôm chặt lấy cái xe ô tô điều khiển từ xa còn cậu em thì ngồi bệt dưới sàn nhà khóc lóc. Hỏi ra mới biết cu Bi không cho em đụng vào đồ chơi nên đã đẩy em ngã xuống đất. Bế cháu ra ngoài, tôi lấy bim bim đưa cho cháu ăn để dỗ dành thì cu Bi khoáng toáng lên và giằng lấy “Không cho, của Bi".
Khi ấy giận quá, tôi đánh cho cu Bi một trận. Thấy vậy, vợ chồng cô em tôi cũng xin phép ra về. Một lúc sau chồng tôi về, vừa thấy bố cu Bi đã òa lên khóc nức nở rồi sà vào lòng bố kể tội mẹ. Chẳng cần biết con đúng con sai thế nào, anh ném mạnh túi đồ ăn vừa mua xuống đất, vằn mắt lên quát tôi: “Cô có phải là mẹ không đấy. Rời tôi ra một cái là cô đánh con ngay. Cô mà còn đụng vào con tôi nữa thì cứ liệu hồn. Cô không nuôi được thì để tôi nuôi”. Sau đó anh bế con lên phòng, đóng sầm cửa lại, hai bố con chơi đùa, xem phim rồi ngủ.
Thực sự tôi cảm thấy rất mệt mọi khi phải sống thế này. Đã nhiều lần tôi muốn mặc kệ mọi chuyện tới đâu thì tới nhưng cứ nghĩ đến con tôi lại không đành lòng. Thằng bé đã bắt đầu hư hỏng, nếu không uốn nắn kịp thời thì hậu quả sẽ khôn lường. Tôi biết chứ nhưng tôi phải làm sao đây khi nói mà chồng chẳng chịu nghe, chẳng chịu hiểu và chẳng chịu hợp tác. Tôi thực sự cảm thấy rất bế tắc.
Mời độc giả gửi tâm sự, khó khăn chuyện chăm con, chuyện vợ chồng sau sinh... về địa chỉ email: lamme.eva@gmail.com. Eva sẽ chia sẻ, gỡ rối cùng bạn. |