Người giúp việc bỏ mặc trẻ nhỏ một mình để đi... "buôn dưa lê", tám chuyện gây bức xức dư luận.
Người giúp việc nhà không chỉ là những người lo việc bếp núc, nhà cửa mà còn là người phải biết cách chăm sóc và chơi với trẻ nhỏ.
Chính vì thế có rất nhiều trường hợp, ngoài bố mẹ trẻ chỉ thân quen và thích chơi với người giúp việc mà ngại tiếp xúc với bất kì người nào khác. Thậm chí trẻ còn quý người giúp việc hơn là cha mẹ đẻ của mình bởi thời gian con tiếp xúc với bố mẹ rất ít, còn lại ở bên người giúp việc cả ngày.
Từ đó có thể thấy vai trò và vị trí của người giúp việc trong nhà, trong tâm trí của con nhỏ dường như rất quan trọng.
Người giúp việc không làm tròn bổn phận
Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn được nhiều chị em chia sẻ hiện nay đó là trường hợp người giúp việc không làm tròn trách nhiệm của mình. Có không ít cô/bác giúp việc thường xuyên lơ là trong việc quan tâm và chăm sóc khiến cho trẻ rơi vào những tình huống khó xử, hoang mang, thậm chí có thể gặp nguy hiểm.
Trong khi hai người lớn ngồi nói chuyện với nhau thì bé gái (váy hồng) bơ vơ một mình. Ảnh do chị N.T chụp.
Cách đây ít giờ, trên nhóm Facebook của một hộ dân cư chia sẻ hình ảnh về tình trạng người giúp việc lơ là trong việc chăm sóc con nhỏ. Bài viết nhận được rất nhiều quan tâm từ các thành viên.
Qua bức ảnh chụp được cho thấy sự xuất hiện của hai người phụ nữ (một người được cho là người giúp việc) đang ngồi trò chuyện với nhau ở một băng ghế dài, cách đó vài bước chân là hình ảnh bé gái mặc váy hồng (khoảng 2-3 tuổi) đang ngồi một mình trên một băng ghế khác.
Hình ảnh đối lập giữa một bên là hai người lớn quay mặt trò chuyện còn một bên là bé gái ngồi một mình bơ vơ, lạc lõng khiến nhiều bậc phụ huynh đau xót. Đặc biệt, nhiều người còn cho rằng việc người giúp việc bỏ mặc, lơ là trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc đứa trẻ còn có thể gây ra những hậu quả khôn lường khác.
Tuy nhiên, sự việc trên đây không phải là trường hợp đầu tiên.
Vào khoảng tháng 2 vừa qua, từ tài khoản P.T.H cũng chia sẻ câu chuyện mà bản thân nhân vật là người chứng kiến: "Sáng nay tầm 9h30 em thấy một bác, chắc là giúp việc, bê bát cháo đút cho bạn bé tầm 2 tuổi. Không biết bạn ý tè ra quần hay không nhưng thấy trời lạnh mà bác ý cứ để bé không mặc quần hơn 15 phút. Bác giúp việc còn đổ bát cháo đi và không cho bé ăn nữa...".
Ảnh P.T.H
Một trường hợp tương tự khác được chia sẻ từ tài khoản T.T.N: "Các mẹ có con giao cho giúp việc đưa đi lớp thì để ý nhé. Sáng nay em đang ngồi chờ xe của con trai em đi học thì nhìn thấy hai em bé này khóc từ phía * đi tới.
Em mới hỏi sao con khóc vậy? Thì bé con trả lời bác đi đâu mất rồi. Em mới nhìn ra thì thấy chị giúp việc áo đỏ tít ngoài rồi. Em mới bảo sao chị đi nhanh bỏ 2 bé vậy chẳng may người ta bắt cóc thì làm sao. Chị ấy không nói gì...".
Ảnh T.T.N
Các mẹ bỉm sữa nói về việc thuê người giúp việc chăm con
Trước những vụ việc người giúp việc nhà lơ là, không làm tròn trách nhiệm của mình, nhiều mẹ trẻ tỏ ra vô cùng bức xúc và cảm thấy xót xa thay cho các bé.
Chị Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ: "Nhìn hình ảnh em bé bơ vơ một mình mà mình thấy xót quá. Mình cho rằng đó cũng là một trong những lý do lý giải vì sao hiện nay tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ tăng lên.
Các gia đình khác thì mình không biết nhưng bản thân mình sau nhiều tình huống 'dở khóc dở cười' vì thuê người giúp việc, mình cho rằng không nên phó mặc chuyện nhà cửa, chăm con cái cho người giúp việc. Nó có nhiều bất lợi không ngờ.
Gia đình mình từ ngày không có người giúp việc, mọi thành viên trong nhà gần gũi và yêu thương, quan tâm đến nhau hơn rất nhiều".
Các thành viên trong gia đình chị Ngọc Anh thân mật, gần gũi nhau hơn kể từ ngày không có người giúp việc. Ảnh minh họa
Mẹ Phan Thu Hiền (30 tuổi, Hà Nội) đưa ra quan điểm: "Bản thân mình nghĩ không có người giúp việc cũng không ổn một tí nào. Nhất là đối với những bố mẹ bận rộn công việc lại không thể nhờ ông bà trông cháu dùm. Chỉ còn có cách là cẩn thân, tìm hiểu kĩ khi thuê người giúp việc thôi.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lý thuyết vì bạn không thể kiểm soát được người giúp việc khi bạn vắng nhà, kể cả nhà bạn có lắp đặt camera giám sát thì vẫn có những góc khuất hoặc lúc người giúp việc đưa con đi dạo, không ai có thể kiểm soát được.
Mọi người cứ thử vài buổi sáng chiều xuống sảnh hoặc sân chơi nơi mình ở vào giờ hành chính sẽ chứng kiến không ít cảnh ‘chướng tai gai mắt’ do người giúp việc gây ra mà bố mẹ sẽ không bao giờ biết được đến những chuyện đó. Bản thân mình đang trong thời gian nghỉ sinh nên cũng rảnh nên mới biết được những chuyện đau lòng đó.
Mình rất lo sợ việc các bà mải tám chuyện không có để ý trẻ, các con có chạy nhảy ra đường hay ngã không ai có thể biết được. Thậm chí, trong trường hợp nguy hiểm các con còn có thể bị đối tượng xấu dụ dỗ, bắt cóc".
Chị Thu Hiền cho rằng mỗi mẹ cần tìm hiểu kĩ trước khi thuê người giúp việc. Ảnh minh họa
Chị Trần Thị Nghiệm, 33 tuổi (Hà Nội) đưa ra lời khuyên cho các mẹ: "Bản thân mình chứng kiến và biết được nhiều vụ việc người giúp việc thường bỏ mặc con nhỏ để đi tán chuyện nên mình rất lo ngại cho sự an toàn của các con.
Vì thế nhà mình có 2 bé, một bé được 6 tuổi và một bé hơn 2 tuổi, mình cố gắng đảm đương chăm sóc hết, không thuê người giúp việc.
Tới nay các bé đều đã đi lớp, mình thì bận làm nên chỉ thuê người giúp việc đến dọn dẹp 1 buổi sáng thôi chứ việc chăm con vẫn là mình lo.
Theo ý kiến của mình thì khi các bé được 12 tháng, bố mẹ nên cho trẻ đi lớp sẽ tốt hơn là giao cho giúp việc trông. Vì 12 tháng đi lớp là bé sẽ không khóc như các bạn 2-3 tuổi sẽ khóc hàng tuần có khi cả tháng. Và cho trẻ đi sớm sẽ tiếp xúc với nhiều bạn bè và quen với nề nếp giờ giấc ăn ngủ....
Còn giao cho giúp việc là đa phần cho xem TV hoặc cho xuống sân rồi các bà có bỏ mặc mà ngồi tán chuyện".
Bí quyết quản lý người giúp việc hiệu quả Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) chia sẻ bí quyết để quản lý người giúp việc một cách hiệu quả: 1. Ký hợp đồng, thỏa thuận trước các nguyên tắc Đây là thao tác rất quan trọng để đảm bảo tâm lý thoải mái cho cả chủ nhà và người giúp việc. Các điều khoản thương thảo càng kỹ, hiệu quả công việc và mối quan hệ giữa chủ nhà và giúp việc càng tốt. Mặt khác, việc ký hợp đồng còn giúp chủ nhà đảm bảo an toàn trong việc thuê người giúp việc. 2. Lên lịch quản lý công việc theo ngày, tuần cho giúp việc Hiện nay, nhiều gia đình phó mặc mọi chuyện cho người giúp việc. Ngược lại cũng có những gia đình kiểm soát người giúp việc quá chặt khi can thiệp từng chút một vào việc thực hiện công việc của họ. Cả 2 cách quản lý trên đều không hợp lý, quá chặt khiến người giúp việc không thoải mái, quá lỏng thì không kiểm soát được chất lượng công việc. Vì lẽ đó, cách tốt nhất là chủ nhà lên lịch từng công việc theo tuần hoặc ngày, sau đó hướng dẫn cụ thể rồi giao cho giúp việc. Sau khoảng 1 tuần nên đánh giá để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó để giúp việc tự điều chỉnh cho các tuần làm việc tiếp theo. 3. Theo dõi giám sát bằng camera Để đảm bảo an ninh và cũng là để kiểm soát những người giúp việc mà bạn chưa thực sự tin tưởng, việc lắp camera giám sát là cần thiết. Tuy nhiên, việc này nên được thực hiện một cách khéo léo, ý nhị tránh cảm xúc không tốt cho người giúp việc. 4.Trả lương tương xứng với năng lực, thời gian làm việc Chủ nhà nên có sự tham khảo về mức giá chung cho giúp việc để có những thỏa thuận và điều chỉnh lương phù hợp với tính chất và thời gian làm việc của người giúp việc. Nên có chế độ thưởng/ phạt hợp lý để khuyến khích người giúp việc. Việc tăng lương, cũng nên căn cứ vào chất lượng công việc thực sự. 5. Đối xử chân tình, nhân văn Cách đối xử của chủ nhà là một trong những yếu tố tác động lớn đến người giúp việc, bởi phần lớn họ là người dân quê, sống nặng về tình cảm. Khi bạn đối xử tốt với họ, người thụ hưởng chính là con cái bạn. Theo Dân Việt |