Bé Winnie ngồi yên trên ghế và tự giác ăn không cần bố mẹ hỗ trợ.
Rèn nếp ăn uống cho con là việc mà nhiều bố mẹ rất mong muốn thực hiện vì vừa đem lại chất lượng dinh dưỡng bữa ăn tốt nhất cho con mà bố mẹ không quá vất vả mỗi bữa. Tuy nhiên điều này không hề dễ dàng bởi trẻ thường không hợp tác, mải chơi, nũng nịu bố mẹ... Do đó đoạn video mới đây quay lại cảnh con gái Đông Nhi Ông Cao Thắng rất tự giác trong việc ăn uống chắc chắn sẽ khiến nhiều bà bỉm sữa xuýt xoa khen ngợi, đồng thời ước ao nhiều.
Cụ thể, trên trang mạng xã hội có hơn 400 nghìn người theo dõi mang tên cô bé đăng tải một đoạn video ghi lại bữa ăn đêm của Winnie. Con gái Đông Nhi ngồi ngay ngắn trên ghế, tự dùng đũa và gắp thức ăn rất ngon lành. Không chỉ ăn, cô nhóc còn tự uống sữa, ăn kem đều rất ngon. Chỉ thỉnh thoảng xê dịch chỗ ngồi nhưng vẫn tự giác ăn uống ngon lành.
Thậm chí Winnie còn xin mẹ thêm đồ ăn để thỏa mãn cơn thèm. Điều đặc biệt, dù mới chỉ hơn 3 tuổi nhưng Winnie đã có thể dùng đũa một cách thuần thục, gắp chính xác đồ ăn và rất nhanh nhẹn.
Nhìn nếp ăn uống ngon lành, ngoan ngoãn của bé Winnie, không ít người đã để lại bình luận khen ngợi, đồng thời mẹ bỉm thì xin nữ ca sĩ kinh nghiệm rèn nếp ăn uống cho con.
Được biết không chỉ khi ăn uống tại nhà mà trong những chia sẻ trước đó của vợ chồng Đông Nhi cũng thấy được, khi đi ăn uống ngoài hàng, cô bé Winnie cũng duy trì nếp ăn ngoan ngoãn như thế này. Chắc hẳn bé đã được bố mẹ dạy rất kĩ càng về những quy tắc khi ăn để việc ăn uống đem lại hiệu quả nhất.
Winnie luôn phải ngồi yên trên ghế mới được phép ăn, đó là quy tắc bất di bất dịch.
Quả thực rèn nếp ăn uống cho con vừa ngoan vừa hiệu quả là điều mà hầu hết tất cả các bậc cha mẹ đều mong muốn. Bởi trẻ ở giai đoạn mẫu giáo thường vì nhiều lý do khác nhau không hợp tác với bố mẹ khi ăn uống ở nhà, mải chơi, ăn ít, đòi hỏi khi ăn... Tuy nhiên có một thực tế là khi ở nhà trẻ lại có sự thay đổi khác hẳn.
Do đó, cha mẹ có thể áp dụng những kinh nghiệm rèn luyện thói quen ăn uống cho con dựa trên những gợi ý của các cô giáo ở trường mẫu giáo dưới đây:
Đưa ra các quy tắc trong bữa ăn và yêu cầu con tuân theo
Ở trường, trẻ luôn được dạy dỗ trong một khuôn khổ chuẩn mực nhất định. Vì vậy mà trong mỗi bữa ăn, trẻ sẽ hình thành tính nề nếp, chẳng hạn như chủ động rửa tay trước khi ăn, xếp hàng lấy thức ăn và đặc biệt là biết nói lời cảm ơn trước và sau khi ăn xong.
Tuy nhiên, ở nhà lại hoàn toàn trái ngược. Việc bố mẹ cưng chiều trẻ, đã khiến trẻ hình thành thói quen ỷ lại, tự phụ. Khi trẻ tỏ thái độ từ chối ăn uống, bố mẹ liền “nóng ruột” mà sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ, chỉ vì muốn thuyết phục trẻ đồng ý.
Ví dụ như cho trẻ xem điện thoại, tivi trong lúc ăn; để trẻ vừa chơi đồ chơi vừa ăn,... Điều này nếu diễn ra thường xuyên, trẻ không những hình thành thói quen xấu, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Bởi vì trẻ không tập trung ăn nên quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng bị gián đoạn và không diễn ra một cách hiệu quả.
Trẻ em hiểu và học hỏi rất nhanh. Vì vậy, nếu bố mẹ nghiêm túc đặt ra các quy tắc trong vấn đề ăn uống hằng ngày và giáo dục trẻ tuân thủ thì trẻ sẽ ngoan ngoãn vâng lời. Ngược lại, nếu bố mẹ quá lỏng lẻo, dễ dãi với trẻ thì trẻ sẽ có tính tự cao tự đại. Để trẻ phát triển lành mạnh, sự kết hợp giữa giáo dục gia đình và giáo dục ở trường là rất cần thiết.
Ăn có giờ giấc quy định, chỗ ngồi quy định
Mỗi giờ ăn của trẻ ở nhà thường vô cùng “nhộn nhịp”. Cả căn nhà có thể bị xáo trộn cả lên, chỉ vì bố mẹ muốn thuyết phục trẻ hoàn thành xong bữa ăn.
Việc bố mẹ không ấn định nghiêm túc về một địa điểm mà trẻ được phép ăn uống, đã khiến cho bé tự tiện lựa chọn theo ý muốn của mình, khi thì ở phòng khách, khi thì ngoài sân vườn, thậm chí là trên giường ngủ. Điều này, không những dạy hư trẻ mà đồng thời còn “vắt cạn” sức lực và thời gian của bố mẹ.
Để loại bỏ hoàn toàn tình trạng trên xảy ra, bố mẹ buộc phải khắt khe hơn trong giờ giấc và địa điểm ăn uống cho trẻ. Hạn chế việc để trẻ ăn vặt hay ăn lắt nhắt trước mỗi bữa ăn chính.
Đồng thời tuyệt đối không để trẻ tự do di chuyển địa điểm ăn, mà hãy cố định ghế ăn và bàn ăn cho trẻ. Khi trẻ ý thức được khi nào ăn và ăn ở đâu, trẻ sẽ biết cần phải thực hiện thao tác gì trước mỗi bữa ăn, ví dụ như dọn dẹp đồ chơi, rửa tay sạch sẽ,...
Bố mẹ đồng hành cùng con
Hầu hết bố mẹ thường tỏ thái độ bực bội khi trẻ ăn uống không được gọn gàng, sạch sẽ. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn la mắng trẻ, thay vì hướng dẫn cho trẻ ăn uống đúng cách. Tuy nhiên, hành vi này của bố mẹ sẽ khiến quá trình nuôi dạy trẻ càng trở nên khó khăn.
Cách hiệu quả hơn là bố mẹ cần bĩnh tĩnh và kiên nhẫn để dạy cho trẻ tính tập trung khi ăn. Một không khí vui vẻ trên bàn ăn sẽ tạo cho trẻ sự hào hứng và cảm giác ngon miệng. Ngược lại, khi trẻ bị áp lực, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng sẽ không được diễn ra một cách tối ưu nhất.
Ngoài ra, muốn rèn luyện cho trẻ tính tự lập khi ăn thì bố mẹ đừng “can thiệp” quá mức vào quá trình ăn uống của trẻ, ví dụ như đút cho trẻ ăn.
Trong trường hợp, bàn tay trẻ chưa đạt được sự linh hoạt để dùng muỗng tự xúc ăn, bố mẹ hoàn toàn có thể khuyến khích trẻ dùng tay để bốc. Đối với những đứa trẻ biếng ăn, bố mẹ cũng đừng vì thương con mà đồng ý “thỏa thuận” với trẻ bằng sự dụ dỗ vật chất như, “ăn xong mẹ sẽ mua kẹo cho con”,... Ăn là ăn và trẻ không được phép đưa ra bất kỳ điều kiện nào với bố mẹ.