Theo MC Minh Trang, việc vệ sinh bình sữa và tách riêng sữa với thực phẩm là 2 trong 6 yếu tố quan trọng mẹ cần quan tâm khi hút và bảo quản sữa mẹ cho con.
Nữ biên tập viên của đài VTV, Nguyễn Minh Trang là nhân vật được nhiều mẹ bỉm sữa yêu mến khi thường xuyên có những bài viết chia sẻ về cách nuôi, dạy con ngoan.
Minh Trang hiện tại là mẹ của 3 cô công chúa nhỏ Daisy - Bánh Mì – Bơ. Em út Bơ mới chào đời hồi tháng 10/2017 và đang được cô nuôi bằng sữa mẹ. Đây là lần thứ 3 nuôi con bằng sữa mẹ nên Minh Trang có khá nhiều kinh nghiệm trong việc hút và trữ sữa mẹ an toàn.
MC Minh Trang
Minh Trang cho rằng, bản thân việc hút sữa cho con bú sẽ tốn thời gian gấp 3 lần so với bú trực tiếp. Nếu làm không quen rất dễ khiến sữa bị nhiễm khuẩn, gần như biến việc hút sữa cho con thành “điểm trừ”.
Vì thế, bà mẹ 3 con đưa ra một số lưu ý dành cho các mẹ khi hút sữa để đảm bảo chất lượng nhất:
1. Vệ sinh sạch sẽ máy hút sữa và bình trữ sữa trước khi hút sữa
Rửa với nước rửa bình loại thật an toàn cho bé + tiệt trùng bằng máy tiệt trùng chuyên dụng, tiệt trùng bằng túi tiệt trùng dùng cho lò vi sóng hoặc đơn giản tiết kiệm nhất là luộc nước sôi.
Tuy nhiên, một số mẹ thường có thói quen không cần rửa mà chỉ cần “tráng nước sôi”. Nhưng bác sĩ cảnh báo, trừ khi luộc nước sôi sùng sục trong nồi, còn nếu tráng nước không đủ sôi thì chỉ tạo môi trường nóng ẩm cho vi khuẩn sinh sôi.
Trong trường hợp phải hút sữa ở nơi làm việc (nhiều cữ), các mẹ nên:
- Mua nhiều bộ phụ kiện hút sữa, bỏ vào túi ziplock sạch mang theo. Cần hút bao nhiêu cữ thì lấy bấy nhiêu bộ ra dùng. Về nhà rửa sạch.
- Mang theo 1 cuộn màng nylon bọc thực phẩm. Hút xong bọc lại kín miệng phễu, bỏ tủ lạnh, cữ sau mang ra hút tiếp. Cách này mình chỉ làm 1 lần (hút được 2 cữ).
Cần vệ sinh sạch sẽ máy hút sữa và bình trữ sữa trước khi hút sữa.
2. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng
Trước khi hút sữa và trước khi rã đông, hâm sữa cho bé mẹ cần phải vệ sinh tay sạch sẽ.
3. Sữa vừa hút ra sẽ còn ấm không trộn ngay cùng sữa đã để lạnh hoặc trữ đông
Nếu muốn trộn ngay thì phải để lạnh cùng nhiệt độ rồi mới trộn vào với nhau.
4. Chủ động kế hoạch trước
Nếu sữa hút ra cho con dùng trong 1-2 ngày tới thì cho vào ngăn mát tủ lạnh, nếu để trữ lâu thì cho vào ngăn đông luôn.
5. Không nên để sữa chung với các thực phẩm khác trong tủ lạnh
Nên để sữa trữ đông và thực phẩm tách xa nhau. (Ảnh minh họa)
Các gia đình có thể mua tủ đông, hoặc mua tủ lạnh to hơn có ngăn đông to hơn. Nếu không có điều kiện mua tủ đông riêng, mà vẫn muốn để sữa riêng trong ngăn đông, thì cho các túi trữ sữa vào chung 1 túi ziplock to cũng là 1 cách phân loại sữa theo tuần - tháng rất tiện, dùng bút ghi bên ngoài túi ziplock khoảng thời gian chỗ sữa trong đó được hút ra.
6. Cấp cứu khi tủ lạnh mất điện
Nếu tủ lạnh bị mất điện 1 lúc, nên giữ cửa đóng sữa không bị rã đông, còn bao nhiêu đá viên thì dồn hết qua ngăn trữ sữa. Nếu mất thời gian dài phải di tản sang nhà bạn bè người thân. Thậm chí nếu sữa rã đông hết thì phải cho con dùng luôn trong vòng 24-48 giờ, không dùng hết thì đem làm sữa chua, phô mai để đỡ lãng phí.
Mời độc giả gửi những video ngộ nghĩnh của các bé trong độ từ 0-10 tuổi kèm thông tin cơ bản về hòm mail: lamme@eva.vn. Ban biên tập sẽ lựa chọn những clip hay nhất để chia sẻ trên chuyên mục Làm mẹ. |