Quát mắng hay sử dụng những hình phạt... nhiều giáo viên đã làm mất đi hình ảnh lung linh của mình để trở thành "cô nuôi dạy hổ". Tuy nhiên, phụ huynh cũng đừng quá lo lắng khi nghe đến việc thầy cô sử dụng hình phạt.
Cô giáo có là mẹ hiền?
Thời gian gần đây, báo chí đưa tin không ít về những phương pháp giáo dục đầy bạo lực giáo viên phạt học sinh như đánh vì vi phạm, dán băng keo vào miệng vì hay khóc, bắt học trò tự nhúng đầu vào hố xí hoặc giúi đầu vào thùng rác, nếu không sẽ bị đánh, phạt học sinh liếm ghế vì vẽ bậy...
Không đến mức như những trường hợp kể trên nhưng chị Nguyễn Thảo Nguyên (Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 3 trường tiểu học T.T cũng mệt mỏi vì cô giáo. Chị kể lại, các đầu tuần cô chủ nhiệm dặn dò về chép lại Văn nhưng sang tuần này cô không dặn nữa. 7 học sinh không biết đã bị cô cho đứng phạt từ lúc vào học đến lúc về (khoảng 3 tiếng).
Vụ việc gần đây nhất, cô giáo đánh bốn học sinh bầm tím chân (Ảnh: Pháp luật TP.HCM).
Sau khi về nhà thấy vở không ghi bài, chị Nguyên hỏi con mới biết bị cô phạt đứng. Chị xót xa khi con kể thỉnh thoảng cô ra ngoài mới tranh thủ ngồi xuống nghỉ chân thì bị cô giáo bắt gặp quát: "Ai cho anh chị ngồi?". Cậu bé kể lúc đầu cô còn bắt đứng ngoài hành lang trời nắng, lúc gần về cô mới cho đứng cạnh tường. Điều đáng nói là khi bố mẹ đến trao đổi với cô về phương pháp phạt con thì cô giáo thản nhiên: "Phạt đứng chúng nó không sợ".
Không sử dụng hình phạt đau đớn nhưng một trường hợp khác cũng khiến con trẻ sợ mất vía là cô giáo quá nghiêm khắc, hiếm khi nở nụ cười. Chị Thu Huyền (Bình Thạnh, TP.HCM) vô cùng lo lắng cho cô con gái mới vào lớp 1 nhưng tính hơi nhút nhát. Một hôm học về chị thấy con tô màu ra hết cả ngoài hình. Chị hỏi con sao tô xấu thế, cô bé e dè bảo: "Tại lúc đó cô mới mắng con nên con vẫn run tay".
Một trường hợp khác, chia sẻ về chuyện ở lớp của con, chị Mai Hà kể: "Mình có con đang học mẫu giáo, đi học về hay bắt chước cô: 'Cậu kia, sao đứng im thế, không tập thể dục thì đi ra ngoài lớp ngay"; "Giờ này còn chưa ngủ mà còn giương mắt lên nhìn trần nhà?"; "Tôi đã nói đừng mang sữa chua đến lớp. Không ăn nữa thì đem vứt đi, ngồi mãi thế à?"...
Cha mẹ cần dạy con kỹ năng ứng xử... sự cố
Không chỉ mình chị Thảo Nguyên mà rất nhiều phụ huynh hoảng vì phương pháp giáo dục được cho là lạnh lùng của giáo viên. Hoảng nhưng lại cũng "bó tay" vì không biết ứng xử thế nào với thầy cô giáo: nói ra sợ con bị "trù", còn không nói thì căng thẳng khi ngày nào con đi học về cũng phải hỏi "Con hôm nay học hành thế nào? ăn uống ra sao? cô có nói gì không?...
Có con vừa vào lớp 1, chị Linh Nhâm (Hà Đông, Hà Nội) đã xác định cách ứng xử với việc con ở trường. Theo chị, ngày nào phụ huynh cũng nên hỏi thăm con các việc ở lớp như học tập, bạn bè, ăn uống, sức khỏe và có bị cô phạt không. Trong trường hợp con bị phạt thì sẽ bàn với con xem cách phạt đó hợp lý chưa. Cứ để con nêu lên ý kiến sau đứa phụ huynh đưa ra quan điểm của mình rằng cô giáo phạt như vậy là không được (tránh dùng các từ tiêu cực).
Đặc biệt, phụ huynh phải giải thích cho con hiểu sau này có thể con còn gặp nhiều điều vô lý nhưng phải bình tĩnh để giải quyết. Nói chung là tránh mọi tâm lý bất mãn cho con. Trong trường hợp giáo viên phạt học sinh như bé nhà chị Thảo Nguyên, có thể bảo con nên lễ phép xin cô "Con mỏi chân quá, cô cho phép con ngồi một lát". Điều này vô cùng quan trọng để rèn cho con tính tự tin, khi cần cũng phải nêu lên ý kiến bảo vệ quyền lợi của mình.
Đừng quá lo lắng khi con bị... phạt
Chia sẻ về vấn đề phạt học sinh có lỗi, cô Viên Thanh Mai, giáo viên một trường tiểu học cho biết, nhà trường quán triệt việc giáo viên sử dụng hình phạt đối với trẻ. Giáo viên có thể phạt học sinh, song là phạt... nhẹ khiển trách hoặc bằng việc làm cụ thể vì mục đích răn đe học sinh.
Cá nhân cô Thanh Mai, phụ huynh yên tâm không sợ sẽ bị cô giáo "trù" khi đưa ra ý kiến của mình. Các bậc phụ huynh có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên, hoặc nếu con tái phạm, chính thầy cô sẽ hẹn gặp trao đổi trực tiếp với phụ huynh.
Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên phạt học sinh là đúng. Tuy nhiên, hình phạt phải phù hợp, đặc biệt là không được ảnh hưởng tới thân thể. Nếu không có hình phạt gì thì khó có thể làm học sinh ngoan.
Phụ huynh dạy con nên tự tin bày tỏ quan điểm của mình.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, hình phạt bản chất là để giáo dục. Hình phạt chia ra làm nhiều mức độ khác nhau, muốn phân định hình phạt nào là đúng hay sai, ta căn cứ vào tiêu chí quan trọng nhất: hình phạt đó sẽ dẫn đến hiệu quả hay hậu quả. Ví dụ chép phạt đôi khi giúp trẻ nhớ bài tốt hơn. Tuy nhiên nếu lạm dụng (chép 500 lần, 1.000 lần chẳng hạn) sẽ gây ức chế, chán nản và thù ghét bài học đó.
Khi trẻ chưa ngoan, tâm lý giáo viên rất “ức chế”, bực bội, dẫn đến giận dữ. Cảm xúc này dễ làm lý trí mất kiểm soát và thúc đẩy những hình phạt mang tính “cho hả giận”, phản giáo dục. Trẻ sẽ không thể tiếp thu khi đang sợ hãi trước sự giận dữ, đe dọa của người lớn. Đồng thời hình phạt sẽ vô tác dụng nếu trẻ không thật sự hiểu rõ vì sao mình bị phạt và lần sau mình cần phải làm gì.
* Tên phụ huynh đã được thay đổi.