"Tôi tự cho cháu làm nhiều việc để rèn luyện. Ngay từ 6 tuổi, tôi để Tít tự tắm, lần đầu, lần 2.. dần dần sẽ sạch hơn".
Làm mẹ đơn thân giữa bao bộn bề lo toan của cuộc sống, MC Thảo Vân luôn cố gắng bù đắp cho cu Tít. Tuy nhiên, có những câu hỏi thơ ngây của con cũng làm chị phải tủi thân và thậm chí thương con hơn lúc nào hết. Hạnh phúc của người mẹ là chứng kiến sự lớn lên của con trong vòng tay của mình, dù bận rộn đến đâu, chị vẫn luôn dành thời gian uốn nắn con. Bởi, MC có duyên này "sợ nhất trên đời là con hư".
Vẽ xấu hình ảnh của bố với con là ác
Khán giả thường thấy chị xuất hiện trên sân khấu, còn sau hào quang của ánh đèn sân khấu, chị trở về nhà với cuộc sống như thế nào?
Tôi cũng như những người phụ nữ khác, ngoài công việc ở cơ quan thì khi trở về nhà luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của một người làm mẹ. Đại đa số phụ nữ khi trở về nhà đều muốn vun vén, chăm lo cho tổ ấm của mình và tôi cũng là người như vậy.
Ngoài thời gian làm việc 8 tiếng/ngày ở cơ quan, buổi sáng nếu không phải bận phải đi sớm thì tôi đưa Tít đi học, còn không sẽ có đứa cháu đưa đi. Buổi chiều, khoảng 17h tôi sẽ về nhà, chơi với con một lúc, cơm nước có cô giúp việc hỗ trợ. Nếu buổi tối đi làm thì tôi chỉ có 1 tiếng để ăn cơm, chơi với con, sau khi ăn cơm sẽ trang điểm chuẩn bị đi làm. Khoảng 22h sẽ về nhà, nếu con chưa ngủ thì 2 mẹ con nói chuyện một lúc, còn nếu con trai ngủ rồi thì tôi có thể đọc sách, xem tivi hoặc chơi game (cười). Còn hôm nào không đi làm tối thì tôi sẽ trông con học bài, tất nhiên chỉ có bài nào cháu không hiểu thì mới giải đáp, tôi không muốn kè kè bên con, sợ cháu có tâm lý ỷ lại.
MC Thảo Vân chia sẻ: Dù bận nhưng con cái vẫn là ưu tiên số 1.
Một mình nuôi con, lo trang trải cuộc sống, chị có sợ mình có ít thời gian dành cho con?
Cho dù mục tiêu đặt ra là làm việc để sống nhưng không phải tôi dành hết thời gian để đi làm mà không có thời gian đi chơi, không có thời gian dành cho cả bản thân mình cũng như con cái. Tôi vẫn có thời gian đưa cháu đi chơi vào ngày nghỉ. Gần như tuần nào cũng có 1 buổi để mẹ con, cô cháu xem phim hoặc đi chơi.
Nhiều người nói làm mẹ đơn thân khổ lắm nhưng với chị, mọi thứ có vẻ nhàn hạ?
Trước hết, tôi nghĩ rằng sẽ không tốt nếu lựa chọn làm mẹ đơn thân. Rõ ràng, một em bé lớn lên có cả bố và mẹ sẽ tốt hơn là chỉ sống với bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, mỗi người có một hoàn cảnh để người ta lựa chọn quyết định chứ không ai mong muốn như vậy. Tuy nhiên, khi một ai đã rơi vào hoàn cảnh đó và đưa ra quyết định nuôi con một mình thì phải nỗ lực hết sức mình. Không nên rơi vào hoàn ảnh đơn thân mà cứ ỉ ôi, đau khổ, nhìn vào những mảng tối của cuộc sống. Nhưng nói tóm lại, nếu cho tôi lựa chọn thì tôi không lựa chọn làm mẹ đơn thân.
Làm mẹ đơn thân là số phận chứ không phải chọn lựa
Trong chừng ấy năm nuôi con một mình, chị nghĩ mình đã đóng tốt cả hai vai vừa làm bố vừa làm mẹ của Tít?
Không bao giờ tôi nói rằng đã thay được bố cháu để làm những điều mà lẽ một người bố làm được cho con. Tôi nghĩ rằng một người phụ nữ hay một người đàn ông dù cố gắng đến mức nào đi chăng nữa cũng không thể làm thay mọi thứ mà tạo hóa đã ban cho giới kia. Tôi cố gắng đến mấy thì vẫn là người phụ nữ và những việc mà tôi làm chỉ tốt với con trên cương vị là một người phụ nữ. Dù muốn hay không thì con vẫn bị thiệt thòi, vì không được bố ở bên cạnh hàng ngày. Với bản thân, tôi luôn tâm niệm cố gắng làm sao để con đỡ khổ nhất trong khả năng của mình.
Nhiều người ở hoàn cảnh tương tự của chị thường trốn tránh khi nói với con về chuyện bố mẹ ly hôn, còn chị thì sao?
Điều này xuất phát từ việc bạn hiểu con đến đâu. Với Tít là một cậu bé hiểu vấn đề nên tôi luôn chia sẻ như với một người bạn lớn, luôn nói chuyện một cách nghiêm túc, thẳng thắn. Sẽ có những người mẹ trốn tránh, vì thấy chưa đến lúc để nói với con. Cá nhân tôi nói với Tít hôm nay 1 phần, một thời gian sau sẽ nói thêm 5 phần… chứ không phải là một lúc nói hết, vì người lớn đôi khi còn chưa hiểu hết nữa là trẻ con. Đến thời điểm này, tôi chỉ mới nói với con là tại sao bố mẹ không ở với nhau nữa…nhưng có một điều là tình cảm yêu thương của bố mẹ đối với con là không thay đổi.
Thảo Vân không bao giờ trốn tránh giải đáp thắc mắc của con
Con trẻ đôi khi hỏi về bố, về gia đình thơ ngây lắm, có lúc nào chị chạnh lòng?
Trước những câu hỏi của con, đôi khi tôi thấy thương con mà thương cả chính mình. Nhưng khi nói chuyện với con, dù có tủi thân thì tôi cũng không thể hiện ra điều này. Tôi nói với con rằng, mẹ và con đang sống hạnh phúc, bố luôn yêu thương con, để Tít thấy được rằng mọi thứ rất bình thường.
Một số mẹ đơn thân thường cấm đoán con gặp bố hoặc 'vẽ' xấu về hình ảnh bố với con. Chị nghĩ thế nào về điều này?
Người lớn có câu chuyện người lớn, có khi quá đau khổ thành oán hận. Với con của mình đừng nên làm như vậy. Bởi, dù muốn hay không thì điều đó vô tình làm cho tâm hồn con méo mó. Mặt khác, điều đó cũng tước đi người bố của con thêm lần nữa. Tôi nghĩ rằng, người kia có xấu hay đẹp thì lớn lên con sẽ hiểu, đừng làm gì cả, người lớn tự hiểu là được rồi. Với con, đó là bố của con, con có quyền yêu thương bố một cách trọn vẹn.
Nhờ bạn bè để con có sự mạnh mẽ của người đàn ông
Một mình nuôi dạy con, chị làm thế nào để con trai vẫn con có được sự mạnh mẽ của người đàn ông?
Một bé trai ở với người mẹ đơn thân thì sẽ không được thấy những cử chỉ của người bố. Sống trong môi trường toàn nữ như vậy, cháu cũng không cảm nhận được sự mạnh mẽ cũng như những hành động của người đàn ông. Vì vậy, tôi luôn cố gắng bù đắp cho con bằng cách đọc sách, tham khảo ý kiến về cách nói chuyện với con trai. Có thể tôi không tham gia được các trò chơi như đàn ông nhưng tôi có những người bạn, người em là đàn ông… Cho nên, tôi vẫn nhờ họ đưa Tít đi xem một trận bóng đá hoặc đến những trung tâm giải trí có các game mạnh mẽ dành cho con trai…bằng những việc nhỏ như vậy sẽ giúp Tít rèn luyện được bản lĩnh cần có. Bất cứ lúc nào, khi có thời gian, tôi đều muốn cháu gặp bố để cảm thấy sự gần gũi của hai bố con.
MC Thảo Vân và cu Tít
Chị từng nói không dám chiều con vì sợ con hư nhưng vẫn có lúc thỏa hiệp với con, điều này có vẻ mâu thuẫn?
Tôi có sắc sảo đến mấy, điểm yếu vẫn là mềm lòng trước như những đứa con như biết bao người phụ nữ khác. Có lúc tôi mềm yếu và thỏa hiệp với cháu. Tuy nhiên, phải xác định được điều gì thỏa hiệp và điều gì là không bao giờ có sự thỏa hiệp. Ví dụ như chuyện nói dối, hỗn với người lớn... là điều không bao giờ được thỏa hiệp. Còn ví dụ nếu khi đi chơi, con muốn mua một món đồ chơi 50.000 đồng nhưng có một đồ chơi khác đắt tiền hơn một chút, đẹp hơn thì tôi vẫn sẵn sàng đồng ý với con (cười).
Dạy con rồi kiếm tiền nuôi con, những phút yếu lòng của Thảo Vân có phải là lúc con ốm?
Cuộc sống mà, có những lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi đến mức tuyệt vọng. Chuyện con ốm với tôi rất kinh khủng, có lúc con ốm mà tôi cũng không ăn nổi cơm, cảm giác trời đất u ám luôn. Lúc đó, cách tốt nhất là tôi tìm cách để chia sẻ với những người bạn, người thân. Những lúc như vậy mà nói ra được tất cả sẽ làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Có người cứ giữ trong lòng đó là không biết cách chia sẻ. Tôi nghĩ nói ra được, chia sẻ được là cách để cách vượt qua được khoảnh khắc bế tắc nhất. Một cơn điên giận cũng có khoảnh khắc cao trào và vượt qua được điều đó sẽ giúp chúng ta bình tâm trở lại, lần sau có lặp lại hoàn cảnh đó cũng nghĩ được rằng chắc chắn mọi thứ sẽ qua.
Có những phút như vậy nhưng mọi người lúc nào cũng thấy chị lạc quan?
Tôi là người lạc quan mà, trong dạy con tôi cũng rất lạc quan.
Khi dạy con, chị mong con sẽ có những đức tính nào?
Quan điểm dạy con của tôi là hướng cho Tít có sự mạnh mẽ, tự lập, nhân hậu và sống có trách nhiệm. Vốn dĩ với người bình thường thì sự tự lập đã là quan trọng thì với một người đàn ông càng cần hơn gấp bội.
Vậy chị 'huấn luyện' Tít thành người bản lĩnh, tự lập như thế nào?
Tôi tự cho cháu làm nhiều việc để rèn luyện. Ngay từ 6 tuổi, tôi để Tít tự tắm, nhiều bà mẹ sợ con tắm không sạch nhưng cứ để cháu tắm lần đầu, lần 2, lần 3 dần dần sẽ sạch hơn. Tuy nhiên, trước khi cho con tự tắm, mẹ phải hướng dẫn để con hiểu cách làm như thế nào...
Nhưng để con tự làm hết mọi chuyện như vậy, liệu chị có sợ con sẽ dần xa cách mình?
Tôi không sợ con xa cách mẹ. Bởi tôi có 'bí quyết' riêng của mình. Ví dụ để cháu nấu mỳ tôm, tôi sẽ đề nghị làm cho mẹ thêm 1 bát, sau đó hai mẹ con cùng ăn, như vậy làm sao mà không gần gũi được (cười). Tôi nghĩ điều quan trọng là bố mẹ có muốn gần con hay không, thực ra có rất nhiều cách để tạo được sự gần gũi với trẻ. Quan sát con, chia sẻ với con, nói chuyện với con và dành thời gian cho con là cách mà tôi làm để hiểu con nhiều hơn. Có người cứ bảo tôi đi làm ở cơ quan, tối về còn đi dẫn chương trình nữa thì đâu còn thời gian cho con cái. Nhưng, tôi thấy điều đó kỳ cục vì họ đang nhầm lẫn giữa thời gian vật chất và sự chia sẻ cho con. Tôi nghĩ dù có đi làm cũng là vì con, đâu phải cứ ở nhà bế con suốt ngày mới là gần gũi con.
Cảm ơn chị rất nhiều!