Thu Hường và chồng sống riêng, không có ông bà giúp nhưng bà mẹ trẻ vẫn là đầu bếp nấu ăn dặm cực siêu.
Tốt nghiệp đại học xong, Thu Hường (sinh năm 1991) nhanh chóng kết hôn và sinh con, đến nay, bé Kem – con gái Hường đã tròn 10 tháng tuổi, rất bụ bẫm và thông minh. Bà mẹ trẻ và chồng (sinh năm 1993) đều là người Bắc Giang nhưng vì công việc nên sống riêng trong một ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội.
Một mình tự tay chăm con không có sự giúp đỡ của ông bà hai bên, lại là lần đầu làm mẹ, vậy nhưng Thu Hường vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi khả năng chăm bé sơ sinh và nấu ăn dặm cực siêu. Cô nàng 9x tiết lộ “Chồng mình là người ảnh hưởng nhiều nhất đến phương pháp cũng như cách nuôi dạy con của mình. Có lẽ chỉ có việc nấu ăn dặm là mình chủ động và làm tốt hơn, còn mọi việc khác từ tắm cho Kem từ 20 ngày tuổi tới bây giờ hay bón ngày 3 bữa bột cũng như thay bỉm chăm sóc khi kem ốm ... gần như anh làm hết khi ở nhà.”
Thu Hường và chồng sống riêng, không có ông bà giúp nhưng hai vợ chồng vẫn cùng nhau cho con ăn dặm rất khéo.
Nhờ sự đồng lòng, thuận vợ thuận chống ngay trong cả việc chăm con nên Thu Hường đã trải qua những tháng ngày làm mẹ đầu tiên vô cùng thuận lợi, đồng thời dắt túi được cho mình một kho kinh nghiệm nấu ăn dặm cực bổ ích cho các bà mẹ trẻ.
Chồng cho con ăn chỉ 10 phút xong một bát bột
Nhiều ông chồng không bao giờ nhận những công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn như việc bón cho con ăn. Bạn có “chiêu” gì vậy?
Thực ra trong việc chăm con thì mặc nhiên ban đầu rõ ràng là mình sẽ làm hết. Nhưng thời gian đầu, nhất là 1 tháng đầu tiên bé nhà rất quấy. Chồng mình cũng lo lắng cho sức khỏe của mình khi ngay từ những ngày đầu đời của bé chúng mình đã không ở cùng ông bà. Chính vì vậy anh ấy đã cùng mình chăm con rồi thành quen. Ban đầu là chịu trách nhiệm tắm cho Kem, sau là làm mọi việc có thể như thay bỉm giặt đồ cho 2 mẹ con vì lúc đó còn chưa mua máy giặt nữa chứ.
Sau này mình cũng thành quen vì có chồng khéo tay như thế đến bây giờ ngay cả bón bột cũng là chồng làm 100% luôn , sáng dậy anh bón bột cho Kem ăn rồi đi làm đến nghỉ trưa về nhà là lại bón bột cho con ăn rồi mới ăn cơm sau đó đi làm ngay chiều về là lại tắm cho Kem rồi lại tới bữa bột chiều tối.
Chồng mình có thể nói không phải là người tỉ mẩn cũng như kiên nhẫn nhưng mình nghĩ là do tình yêu dành cho con nên anh ấy muốn tự tay mình chăm bẵm con cùng vợ, chứ mình cũng không có “chiêu trò” gì đâu (cười).
Cách một ông bố cho con ăn dặm hẳn là sẽ khác với các bà mẹ. Chồng bạn cho con ăn dặm kiểu gì vậy? Liệu có phải là sử dụng iphone như một ông bố từng gây bão mạng xã hội?
Có vẻ Kem rất hợp bố bón vì bố bón tỉ lệ hết sạch là 100%. Cách bón của chồng mình thì được 2 vợ chồng cùng thống nhất là ''không vừa ăn vừa đi dạo '' ''không vừa ăn vừa nhảy nhót hô hào với nhiều người làm bé cười nhiều trong khi ăn''. Đa số bố bé cứ đến bữa cơm gia đình là cho bé ăn luôn như thế bé nhìn gia đình ăn cơm bé cũng vui vẻ và hợp tác hơn. Chồng mình cũng thống nhất thời gian chuẩn là khoảng 10 phút 1 bát bột và không để con ăn quá 30 phút.
Thi thoảng bé quá khó tính nhất là lúc mọc răng thì dù biết là không tốt nhưng chồng mình cũng bật tivi có những kênh sôi động cho con xem là cũng hiệu quả. Tuy nhiên cái này hy hữu thôi mình nói thẳng là nó không tốt lắm vì nó có thể khiến trẻ dễ bị phụ thuộc vào tivi khi và chậm nói. Cũng may Kem không dễ bị nghiện cứ phải có tivi mới chịu ăn.
Chồng Thu Hường luôn tự tay đảm nhiệm việc cho con ăn bột cả 3 bữa trong ngày, bất kể có đang đi làm 8 tiếng/ngày vẫn về nhà ăn trưa cho con ăn cùng vợ.
Không chỉ cho con ăn, ông chồng 9x này còn tắm bé rất khéo
Hai vợ chồng từng cùng nhau đi học lớp nấu ăn dặm
Lần đầu làm cha làm mẹ, lại không có ông bà ở bên hỗ trợ, hai bạn học được cách cho con ăn dặm từ đâu?
Việc học cách nấu ăn dặm thì hai vợ chồng cũng chỉ cập nhật thường xuyên từ mọi phương tiện như internet hay tự nghĩ ra rồi google về tác dụng, cũng như các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm, rồi tự mày mò sao cho hợp lý với cách nấu căn bản thôi. Thực ra trước khi nấu ăn dặm ổn như bây giờ, mình và chồng cũng từng không biết xoay sở ra sao khi Kem đến tuổi ăn dặm, cũng đau đầu như bao ông bố bà mẹ khác vì Kem khá là khảnh ăn, bé không ăn bột ngọt và cũng không chịu ăn bột bán sẵn ở ngoài đóng gói.
May sao ở cạnh nhà mình có chị hàng xóm chỉ mình chỗ đi học nấu ăn dặm đúng cách và mình đã rủ cả chồng tranh thủ ngày nghỉ làm cùng đi học 1 buổi. Sau khi hai vợ chồng đi học nấu ăn dặm về thì kết quả rất khả quan. Bé Kem có vẻ chịu ăn hơn, bé ăn khá là ổn ngày 3 bữa đều bữa nào cũng sạch veo 1 bát con. Mình vẫn theo cách nấu căn bản đó cho tới tận bây giờ. Cũng chỉ là cách nấu truyền thống như các mẹ nấu ngày xưa, nhưng khác cái là mình được học nấu sao cho vừa đủ chất, vừa không làm mất chất dinh dưỡng.
Bạn và chồng có kỷ niệm gì vui khi cùng nhau đi học lớp nấu ăn dặm cho con?
Mình học tại Viện Dinh dưỡng trên đường Tăng Bạt Hổ (Hà Nội) vào chiều thứ 5. Ở lớp ăn dặm mọi hôm mình cũng không rõ nhưng hôm mình đi học đó thì có khoảng 10 mẹ đi học, có người đi 1 mình có người đi với bà nhưng đúng là không có ai đi với chồng cả. (cười). Đi học nấu ăn dặm cũng vui lắm vì mình biết và học được kịp thời cách nấu sao cho đúng và để tốt nhất cho con chứ không mầy mò hay nghe các bà dạy vì thật sự là còn rất nhiều thiếu sót.
Mình cũng khuyên các mẹ dù bận hay rảnh không khó gì với 1, 2 buổi ngắn gọn. Nên đi học nấu ăn dặm để biết thêm cách nấu truyền thống ''đúng cách''. Chứ theo quan điểm cá nhân của mình thì kể cả mẹ nào theo cách cho ăn kiểu nhật hay cho ăn kiểu Baby Led Weaning cũng nên tham khảo thêm vì dù sao thể trạng của các bé Việt Nam cũng bé hơn các bé nước ngoài. Đôi khi nếu chỉ ăn theo Nhật thì lại khó tăng cân quá mà theo kiểu Baby Led Weaning thì lại không ổn với những bé không ham ăn.
Những món ăn dặm của Thu Hường nấu cho con đều theo kiểu ăn dặm truyền thống
Lịch con ăn dặm theo kiểu truyền thống
Nhiều bà mẹ thường sợ con đau bụng hay dị ứng nên khi bé tập ăn dặm chỉ cho con ăn những đồ quen thuộc. Vậy nhưng, nhìn thực đơn bạn cho con ăn thì có vẻ bé Kem được mẹ cho ăn khá nhiều thực phẩm mới lạ và phong phú?
Thực ra việc nhiều bà mẹ sợ và hạn chế đi thực phẩm khi nấu ăn dặm cho con cũng là điều dễ hiểu. Vì ở nước ta đa số các bà mẹ trẻ vẫn hay ở cùng ông bà và chịu sự chi phối và áp lực về khá nhiều thứ từ cách chăm con cũng như về chế độ ăn, cũng như thực phẩm, và từ đó cũng có nhiều hạn chế không cần thiết theo kinh nghiệm truyền miệng. Hệ quả là có cái đúng cái sai mà theo cá nhân của mình thấy là sai khá nhiều và không có lợi cho bé.
Quan điểm của mình là cứ cái gì theo khoa học chứng minh là đúng thì làm theo bởi đó mới là thước đo chuẩn cho sức khỏe của bé.
Như Kem nhà mình bé thích ăn hầu hết mọi thứ. Bé rất hay để ý người lớn ăn gì và đòi ăn theo, vì vậy mình thường cho bé nếm thử (tất nhiên là phải không hại và có lợi cho bé ). Mình cho bé ăn hết gần như mọi thứ ở tháng thứ 10 vì như thế bé sẽ có sự phát triển vị giác tốt hơn, cũng như dinh dưỡng các chất được cân bằng.
Món ăn dặm thì bé đặc biệt thích những món mẹ nấu cầu kỳ 1 chút, có gia vị thơm thơm như hành khô, phomai... Hoa quả thì Kem thích ăn nhất là món Bơ dầm sữa, và ăn đều các quả khác, vì cứ món lạ là bé cũng hứng thú rồi.
Bạn có thể chia sẻ lịch làm quen với các loại thực phẩm của trẻ mới tập ăn dặm truyền thống theo kinh nghiệm của mình được không?
Theo kinh nghiệm của mình cho con ăn thì cuối thág thứ 5, đầu tháng thứ 6 các bé có thể ăn dặm truyền thống:
Giai đoạn 5-6 tháng
Khi bé mới bắt đầu vào giai đoạn ăn dặm thì chỉ nên cho bé ăn bột ngọt bán sẵn hoặc cũng có thể xay gạo với tỉ lệ 8 tẻ : 2 nếp (gọi là bột gạo) nấu với các loại rau củ cho bé.
Mới ăn thì chỉ nên ăn ngày 1 bữa vào tầm 9-10h sáng. Sau khoảng 2 tuần thì có thể tập cho bé ăn bột mặn, bao gồm thịt, rau, dầu ăn. Vẫn là ngày 1 bữa. Nhưng trong tuần sẽ xen kẽ, 1 ngày mặn 1 ngày ngọt.
Rau thì ngay từ những lúc vừa ăn dặm đã có thể ăn mọi loại rau cơ bản mà gia đình hay ăn.
Thịt trong thời gian mới ăn này là thịt nạc thăn lợn hoặc gà và không nên có mỡ hay da.
Giai đoạn 7 tháng
Đến 7 tháng bé có thể ăn hoàn toàn bột mặn ngày 2 bữa vào buổi sáng và chiều tầm 5-6h.
Lúc này có thể ăn thêm thịt bò, thịt chim bồ câu, 1/2 lòng đỏ trứng gà. Khi ăn trứng bạn phải để ý xem sau đó bé có dị ứng hay nôn trớ gì không. Nếu có thì bạn sẽ phải dừng lại ngay, cho bé ăn thử lại vào lần sau.
Giai đoạn 8 tháng
8 tháng là bé sẽ bắt đầu làm quen với đồ tanh như tôm, cua, cá. Vì mấy đồ tanh dễ làm bé dị ứng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá nên mình không dám cho ăn sớm như phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật. Dù gì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh mà.
Giai đoạn 9 tháng
Đến 9 tháng bé sẽ được ăn 3 bữa 1 ngày và lúc này sẽ ăn được tất cả các món thức ăn, vào sáng, trưa, và tối, trước 8h tối. Sau 8h tối là bé nhà mình chỉ uống sữa và ăn chút hoa quả. Nếu ăn cháo/bột sau 8h tối thì bé rất đầy bụng khó tiêu thức ăn, nhiều khi đấy chính là nguyên nhân làm bé ngủ không ngon giấc.
Những dụng cụ Thu Hường chuẩn bị cho con ăn dặm truyền thống bao gồm: 2 thìa silicon xúc bé ăn, 1 muỗng inox đong dầu, 1 muỗng inox đong rau và thịt, 1 lọ dầu oliu, 1 lọ mắm trẻ em, 1 bát nhựa, 1 rây, 1 máy xay cầm tay
Thức ăn con ăn mỗi bữa đầu được Thu Hường xay nhỏ và chia vào từng khay
Clip nấu cháo không vón cục, vón thịt của Thu Hường
Những món cháo, bột bạn nấu cho con đều rất sánh mịn, không bị vón cục. Bạn có thể chia sẻ cách nấu cháo của mình?
Về nấu cháo thì mình có ý kiến thế này, vì chính Kem nhà mình hiện tại 10 tháng mình vẫn ít cho con ăn cháo nên theo kinh nghiệm mình rút ra đc từ bé nhà mình thì "ăn cháo được khi bé sẵn sàng". Không nhất thiết cứ phải 8 tháng là ăn cháo.
Nếu bé có phản xạ nhai, nhai tốt thì hãy cho ăn cháo, còn không hãy cứ ăn bột, thay vào đó luộc rau củ quả cho bé tập gặm, tập nhai. Nếu khi bé chưa ăn được cháo mà mẹ cứ ép bé ăn thì tâm lý bé sẽ sợ ăn, hay nôn trớ và trở nên lười ăn. Lúc đó vừa khổ con, vừa khổ cả mẹ. Vì vậy các mẹ đừng thấy bé nhà người ta ăn đc cháo mà vội vàng ép con ăn, tội bé lắm.
Như bé nhà mình nhiều bữa ăn cháo không thích bé nhè luôn, nên lại phải quấy bột. Nhưng bé đã nhai bánh, nhai rau, nhai thịt rất thành thạo rồi, mình không cần phải xay rau thịt nữa, mà chỉ cần băm nhỏ thôi. Mọi giai đoạn thay đổi phải được tập luyện từ từ, không nên nóng vội.
Bạn có từng mắc sai lầm nào trong việc cho con ăn dặm và muốn chia sẻ kinh nghiệm?
Sai lầm trong quá trình tập cho bé ăn dặm của mình thì cũng có. Đó là thời điểm khoảng tháng 8 bé bắt đầu nhú 2 chiếc răng đầu tiên mà mình lại không biết. Kem cũng không sốt mà chỉ khó tính hơn chút và có vẻ lười ăn đi và cũng như các mẹ khác. Mình rất lo lắng và bực tức khó hiểu tại sao bé lại như thế. Khi bé lắc đầu quyết không ăn, mình bực chỉ muốn tét mông cho bõ tức.
Nhưng rồi khi chồng mình phát hiện ra Kem mọc răng, anh ấy đã tìm hiểu cách để giải quyết giai đoạn này bằng cách cho bé nhịn 2 bữa bột, để bé có lại cảm giác thèm ăn. Kết quả hôm sau bé lại muốn ăn lại và vài 3 ngày khi răng mọc ổn rồi, bé lại ăn bình thường như cũ. Theo như chồng mình góp ý thì với trẻ con, phải nhẹ nhàng, có thể làm bé vui để bé ăn, nhưng một khi bé đã giãy giụa không muốn ăn thì tuyệt đối không được ép, vì như thế chỉ làm bé ngày càng sợ ăn hơn mà thôi.
Xin cám ơn bạn đã chia sẻ!
Một số công thức nấu ăn dặm truyền thống cho con của Thu Hường
Bột sườn non + khoai sọ + rau muống: Sườn ninh cùng khoai sọ, gỡ nhỏ thịt ở sườn, khoai sọ dằm nhuyễn, đun nóng cùng cháo trắng, cháo sôi cho rau vào khoảng gần 1 phút bắc ra dùng nóng
Bột thịt bò + đậu hà lan: Thịt bò bằm/xay, có thể nấu chín chung cùng với bột/cháo, hoặc xào qua trước. Đậu hà lan luộc sơ qua rùi tách lấy hạt, dằm nhuyễn. Đun sôi cháo/bột rùi cho đậu đã dằm nhuyễn vào quấy đều, tắt bếp rồi trộn dầu ăn + nước mắm
Bột cá quả + cà rốt: Cá quả hấp hoặc luộc chín cùng 1 chút gừng, gỡ xương, bỏ da, dùng tay gỡ nhỏ thịt cá để tránh còn mắc xương, cà rốt hấp hoặc luộc chín rồi tán nhuyễn, đun nóng cháo trắng, sau đó cho cá + cà rốt vào đảo đều. Tắt bếp cho dầu ăn + nước mắm
Bột tim xào hành tím + hành tây: Hành tây trần qua nước sôi cho bớt vị hăng, rồi băm nhỏ. Hành khô, tim băm nhỏ. Cho 1 thìa cafe dầu oliu vào chảo, đảo săn hành khô rồi cho tiếp tim vào đảo đều. Khi đảo dùng đũa hoặc thìa miết để tim không bị vón cục, cho tiếp hành tây đảo qua, tim săn lại thì tắt bếp, cho 1-2 giọt nước mắm. Cuối cùng cho tim đã xào vào cháo trắng đã được đun nóng, đổ ra bát là bé có thể ăn luôn
Bột lươn xào hành khô bí đỏ: Lươn bằm nhỏ xào qua cùng chút hành khô + dầu oliu + nước mắmBí đỏ hấp chín, tán nhuyễn. Đun nóng cháo trắng, cho lươn + bí đỏ quấy đều.
Bột cua biển + cà rốt : Cua biển rửa sạch, luộc chín cùng ít sả, gỡ lấy 2 thìa cafe thịt cua cho bé. Luộc ngô ngọt + cà rốt lấy nước nấu cháo/bột. Cà rốt tán nhuyễn. Khi cháo bột chín, cho thịt cua và cà rốt vào đảo nóng, tắt bếp, thêm dầu oliu + nước mắm.