Con trai thứ 2 của chị Ngọc Thêm vừa tròn 1 tháng tuổi đã phải đeo khăn tang tiễn đưa bố về thế giới bên kia.
"Góa phụ" có lẽ là 2 từ chị Ngọc Thêm (SN 1996, Bắc Giang) chưa bao giờ nghĩ tới nhưng nó lại xảy ra và gắn với chị hơn 1 năm nay. Ở độ tuổi 22 đẹp nhất, vừa mới sinh con trai thứ 2, chị đã phải nhận nỗi đau mất chồng. Các con chị, đứa mới lên 3, đứa vừa tròn 1 tháng đã phải đội khăn tang bố.
Chị Ngọc Thêm và 2 con.
Nghẹn lòng con vừa tròn 1 tháng đã phải đội khăn tang
Chị Ngọc Thêm kết hôn vào tháng 11/2014. Chị sinh bé gái đầu vào năm 2015 và bé trai thứ 2 vào năm 2018. Những tưởng mình đã có tổ ấm nhỏ êm đềm hạnh phúc, "có nếp có tẻ" vậy là đủ nhưng nào ngờ giấc mơ hạnh phúc ấy chợt tan biến trước mắt chị. Chồng mất khi con trai vừa mới đầy tháng, còn chị chỉ mới 22 tuổi.
Chị kể, chị sinh bé thứ 2 vào 29 Tết đúng ngày Lễ tình yêu 14/2/2018. Năm đó coi như chị mất Tết và chị cũng đâu ngờ rằng đó là cái Tết cuối cùng chị và các con được ở bên chồng.
“Chồng mình tình cảm lắm, chăm vợ con sau sinh đến mồng 8 Tết phải đi làm vì công việc nhiều quá. Từ đó, một mình mình thức trông con. Chồng mình yêu con và mãn nguyện về các con lắm, đầy tháng con dù bận công việc mấy cũng cố về nhưng nào ngờ hôm sau đó là ngày đen tối nhất của mẹ con mình”, chị Thêm nghẹn lại.
Con trai mới tròn 1 tháng tuổi, chồng chị đã mất.
Chị Thêm rưng rưng, buổi sáng sau ngày đầy tháng con, sau khi mua bánh chưng cho chị xong, chồng nói ra ngoài chợ ăn sáng rồi từ đó chẳng thấy về nữa. Chồng đã mất mà không kịp ôm các con. Gia đình chị cũng chẳng kịp chụp tấm hình đầy đủ 4 người.
Ngày diễn ra đám tang chồng, chị Ngọc Thêm nghẹn lại khi nhìn hình ảnh 2 con, một đứa mới tròn 1 tháng tuổi còn một bé mới 3 tuổi chưa hiểu gì về sự mất mát, ra đi đeo khăn tang trắng trên đầu.
Hình ảnh ấy trong đám tang khiến ai cũng xót thương, nghẹn lòng. Chị Ngọc Thêm càng hận mình nhiều hơn khi không thể cho con được một gia đình đầy đủ, hưởng hơi ấm của bố. Đặc biệt, chị quặn thắt lòng nghe câu nói của bé lớn vào ngày bố mất rằng, “Mẹ ơi sao bố lại không nằm trong giường mà lại nằm trong kia lạnh lắm mẹ, để con lấy chăn đắp cho bố”.
Câu nói ấy của con gái khiến chị khóc và càng nhớ hình ảnh của chồng nhiều hơn. Chị nhớ những ngày tháng đầu mang bầu bé thứ 2 vất vả phải nằm viện dưỡng thai, chồng nghỉ việc để chăm sóc vợ. Hồi đó, anh luôn ở bên cạnh, mua cơm cho chị, chườm vết tiêm khi thấy chị nhức và luôn động viên rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Anh chẳng ngần ngại tắm, xúc cơm, giặt quần áo cho chị. Buổi tối còn hát, đọc truyện cho 2 mẹ con nghe. Những hình ảnh ân cần ấy của anh càng khiến chị nghẹn lại khi nhớ đến. Chị vẫn chưa hết bàng hoàng và chấp nhận được sự thật ấy.
Con gái giống bố, tình cảm với mọi người.
Chấp nhận cuộc sống góa phụ, một mình chăm 2 con và mẹ chồng
Chị Ngọc Thêm tâm sự, trở thành góa phụ ở tuổi 22, chị cảm thấy xót xa vô cùng. Đã có lúc chị nghĩ tiêu cực muốn ôm cả 2 con tự tử để đoàn tụ cùng chồng. Có nhiều hôm chị ăn cơm chan nước mắt khi nghĩ đến hoàn cảnh của mình, nhìn thấy 2 con thơ.
Mỗi lần tủi thân chị lại nhìn 2 con rồi khóc. Chị cố bấu víu vào những người có hoàn cảnh giống mình để vươn lên cố gắng hằng ngày.
“Hơn 1 năm chồng mình mất là giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 của con gái nên nhiều lúc con khó bảo. Nhiều khi con hỏi bố, nhớ bố, mình lại quặn thắt tim. Bé thứ 2 chịu nhiều thiệt thòi, giờ đây chỉ được nhìn thấy bố qua những hình ảnh xưa cũ thôi”, chị Ngọc Thêm chia sẻ.
Một mình nuôi 2 con mọn, chị Thêm không thể đi làm công ty được, phải ở nhà bán hàng online. Thời gian đầu khó khăn, một mình chị xoay sở tất cả. Đã có những lúc chán nản, mệt mỏi muốn buông xuôi nhưng cuối cùng nhìn con chị lại sốc tinh thần mình. Hiện nay thu nhập chính của chị Thêm vẫn chủ yếu là công việc kinh doanh. Dù không được nhiều nhưng hiện tại một tháng chị vẫn đủ lo tiền đóng học và tiền sữa cho con.
Các con thiếu tình cảm của bố nên lúc nào chị cũng cố gắng dạy con sống tình cảm, để các con có một trái tim giàu nhân hậu và biết yêu thương mọi người.
Hiện nay, chị Thêm và 2 con đang sống cùng với mẹ chồng. Từ ngày chồng mất, chị càng thương mẹ chồng hơn. Mẹ chồng không chỉ là nơi chị thủ thỉ, tâm sự mà còn là người giúp chị yên tâm hơn, vững vàng hơn để vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời.
Dù mẹ chồng bị tai biến hơn 10 năm không giúp chị được nhiều nhưng mẹ và các con chính là niềm vui trong cuộc sống của chị, giúp chị bớt đơn côi trong cuộc sống “góa phụ”.
“Các con của mẹ mai này khôn lớn luôn phải nhớ “bố yêu các con rất nhiều”. Mẹ không có nhiều tiền để cho các con nhưng mẹ luôn yêu thương các con vô bờ bến.
Mẹ không biết mẹ sẽ sống đến khi nào nhưng một khi còn trên cõi đời này mẹ sẽ yêu thương các con cả phần của bố. Cả mẹ và bố đều yêu con rất nhiều”, chị Thêm nhắn nhủ các con.