Mẹ Việt dạy con đếm số, đọc chữ từ sớm trong khi mẹ Nhật tập trung phát triển các giác quan cho con.
Khi nhắc đến giáo dục sớm ở Nhật Bản, nhiều bậc cha mẹ hẳn sẽ nhớ ngay đến những cái tên như Shichida Makoto, Ibuka Masaru, Kimura Kyuichi… Họ là một trong số rất nhiều nhà giáo dục đã viết ra những cuốn sách tuyệt vời được khẳng định là “làm thay đổi số phận của rất nhiều con người, giúp ích cho sự tiến bộ của giáo dục Nhật Bản”.
Đất nước Nhật vốn được biết đến với những phương pháp nuôi dạy con sớm (0-6 tháng tuổi và 2-3 tuổi) vô cùng nổi tiếng. Vậy nhưng sự thực, việc giáo dục sớm ở Nhật Bản có phổ biển, các bà mẹ Nhật quả thật có đúng là luôn biết cách nuôi dạy con để các bé được phát huy tối đa những khả năng và tố chất mà con cái của mình?
Từng có 8 năm sinh sống tại Tokyo, chị Nguyệt (sinh năm 1985) chia sẻ với các bà mẹ Việt những trải nghiệm và kinh nghiệm cực hữu ích của mình về xu hướng giáo dục sớm tại Nhật đang được nhiều mẹ Việt quan tâm.
Chị Nguyệt đã sống và định cư 8 năm tại Tokyo, Nhật Bản cùng gia đình.
Bé Akino là con gái đầu lòng của chị Nguyệt. Hiện tại bé được 2 tuổi, 8 tháng, tính tính vui vẻ, hay nói hay cười, điềm đạm hoà đồng. Bé đi học được các bạn rất yêu quý.
Mẹ Việt dạy con đếm số, đọc chữ từ sớm trong khi mẹ Nhật tập trung phát triển các giác quan cho con.
Không còn quan điểm nuôi con “lấy thịt”, nuôi con béo mập mà ngày nay, nhiều bà mẹ hiện đại đã bắt đầu có xu hướng quan tâm hơn đến việc tập trung phát triển trí não cho trẻ từ tuổi sơ sinh. Bằng chứng là rất nhiều lớp dạy trẻ 0 tuổi phát triển trí não đang trở nên rầm rộ thời gian gần đây ở Việt Nam. Quan điểm của chị thế nào?
Quan niệm nuôi con không phải để lấy thịt, là một quan niệm rất đúng. Giờ nhiều mẹ Việt cũng đã biết não trẻ phát triển mạnh nhất trong 3 năm đầu tiên và cho đến 6 tuổi thì đã hoàn thiện đến 90% cho nên việc tập trung vào phát triển trí não cho trẻ từ giai đoạn 0 tuổi là hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, mình nghĩ không thể vì thế mà coi nhẹ sự phát triển của thế chất, tầm quan trọng của yếu tố dinh dưỡng. Bởi chúng ta ai cũng biết, dinh dưỡng rất cần thiết cho trẻ, nếu như người lớn chỉ ăn để lấy năng lượng hoạt động thì trẻ lại khác, ngoài hoạt động, thì trẻ còn phải lớn lên. Và theo mẹ Nhật, dinh dưỡng cũng góp phần phát triển não bộ nữa. Do vậy, ngay cả khi không cần con béo thì cũng vẫn phải đảm bảo con khoẻ.
Đối với mình, trong thực đơn hàng ngày mình chú trọng cho trẻ ăn nhiều tảo, cá, trứng là những thực phẩm nhiều sắt, canxi, DHA - những dinh dưỡng quan trọng nhất với trẻ. Có lẽ, chính vì vậy mà con mình từ bé đến giờ da dẻ lúc nào cũng hồng hào, nhìn khoẻ mạnh.
Nhiều mẹ Việt đang quan tâm đến giáo dục sớm cho trẻ theo phương pháp Nhật Bản. Ở Nhật thì sao, các bà mẹ Nhật có chú trọng đến việc dạy con thông mình từ 0 tuổi?
Ở Nhật, với các lý do như não trẻ phát triển nhanh nhất trong 3 năm đầu đời, hay giáo dục sớm không tốn kém quá nhiều nhưng lại manh lại hiệu quả cao…nên giáo dục sớm từ giai đoạn 0 tuổi rất được chú trọng. Điều đó thể hiện qua việc các lớp giáo dục sớm cho trẻ rất nhiều, dưới nhiều hình thức như: lớp học vận động. lớp học nhạc, lớp học tiếng anh, lớp học vẽ, play school... và hầu như là bé nào cũng vậy được bố mẹ đầu tư cho học một cái gì đó nhiều nhất là nhạc và tiếng anh.
Nếu có sự khác biệt giữa việc giáo dục con của các bà mẹ Việt và Nhật, theo quan sát của chị, đó là gì?
Nếu có sự khác biệt giữa giáo dục sớm của mẹ Nhật với mẹ Việt, có lẽ đó là việc mẹ Việt dạy cho con chữ, số từ sớm. Trong khi mẹ Nhật lại tập trung vào phát triển các giác quan, khả năng vận động thông qua việc tiếp xúc với thiên nhiên, động vật.
Khác với mẹ Việt, mẹ Nhật lại tập trung vào phát triển các giác quan, khả năng vận động thông qua việc tiếp xúc với thiên nhiên, động vật.
Bé Akino cũng được chị Nguyệt cho tiếp xúc với thiên nhiên từ rất sớm.
Các cách đơn giản giúp phát triển trí não trẻ từ 0 tuổi
Mẹ Nhật tập trung phát triển các giác quan cho con. Cụ thể kỹ năng quan trọng nhất cần dạy cho trẻ ở lứa tuổi 0-3, 6-12 và 24-26 tháng sẽ là gì? Chị đã dạy con như thế nào?
Giai đoạn từ 0-3 tuổi là giai đoạn rất thích hợp cho bé luyện tay, sử dụng các đầu ngón tay khéo léo và thành thạo. Trong giai đoạn từ 0-3 tháng tuổi, bé chủ yếu là nằm và ngủ là nhiều, nhưng thật ra từ khi chào đời bé đã có khả năng nắm rất chắc, chỉ cần cho 1 ngón tay vào trong lòng bàn tay của trẻ, chúng ta sẽ thấy trẻ nắm chắc thế nào. Tuy nhiên khả năng này sẽ sớm mất đi nếu không được rèn luyện. Con mình từ khi mới ở việt về đã được bố áp dụng bài luyện tay này. Và bé đã áp dụng rất là ngoạn mục, lúc bé gần tháng được bố tắm cho nhưng bố tuột tay ra, nhưng bé đã phản xạ rất nhanh bám chắc vào cái gạt nước, nên cuối cùng bé đã không bị chìm xuống chậu.
Tiếp đến giai đoạn 6-12 tháng. Mình nghĩ đây là giai đọan tốt nhất cho bé cầm, bốc, bóc. Mình cho con bóc vỏ hộp, vỏ tem từ rất sớm khi mới 5,6 tháng, bốc thức ăn như bánh ăn dặm, udon và cầm thìa bánh để ăn. Chính vì vậy là 11 tháng hơn bé đã tập dùng thìa và qua một tuổi là dùng thìa rất thành thạo.
Từ 24-36 tháng, có lẽ đây là giai đoạn có thể giúp bé làm những công việc cá nhân như tự mặc quần áo, đi tất, đi giày. Về sử dụng tay, có thể hướng dẫn bé cầm đũa tập ăn, cầm kéo tập cắt... Đây là những kĩ năng mình đã hướng dẫn cho con và con đã làm rất thành thục. Hơn 2 tuổi một chút con đã mặc được quần, áo, tự đi giày, tháo giầy, đã dùng kéo cắt được giấy, và bây giờ con có đang dùng đũa ăn cơm, ngoài ra còn đang học dùng dao cho thành thạo.
Giai đoạn từ 2-3 tuổi, ngoài cho bé tiếp tục tập sử dụng tay thành thạo, như vặn nắp hộp, cầm kéo cắt giấy,... thì mình thấy các trò chơi về ngôn ngữ là rất phù hợp với trẻ. Bởi giai đoạn này trẻ đang rất thích nói, nếu nói theo phương pháp Montessori thì là giai đoạn nhạy cảm về ngôn ngữ. Giai đoạn này, các mẹ có thể dạy thơ lục bát cho trẻ theo hình thức từ ít đến nhiều. mình cũng dạy con thơ Haiku của nhật từ khi con hơn tuổi, và giờ con nhớ được hơn 50 khổ thơ Haiku rồi.
Chị có nói về thơ Haiku. Chị có thể chia sẻ một chút về phương pháp này cho các mẹ Việt?
Dạy thơ cho trẻ là một phương pháp luyện trí nhớ rất nổi tiếng của giáo sư Suzuki Shinichi. Haiku là một loại thơ giống như đồng dao của Việt Nam nhưng chỉ gồm có 2 khổ. Kiểu như: con cò mà đi ăn đêm đậu phải cành mềm lộn của xuống ao. Qua nhiều thực nghiệm, giáo sư nhận ra rằng: thời gian để trẻ học thuộc lòng một khổ thơ Haiku sẽ được giảm dần. Ví dụ. lần đầu tiên, để trẻ nhớ và thuộc lòng một khổ thơ cần 2 tuần, nhưng lần sau khi học một khổ thơ mới, trẻ chỉ cần 10 ngày, lần sau nữa chỉ cần 7 ngày... đây là phương pháp giúp trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn ngữ cũng như là luyện trí nhớ cho trẻ rất tốt.
Ngoài ra cũng còn rất nhiều phương pháp đơn giản mà mẹ Nhật hay dùng để phát triển IQ trẻ như những trò chơi khác như giả tiếng động vật rồi hỏi con gì kêu đây hoặc cùng con học đếm, học về bản chất số lượng, cộng trừ nhân chia ngay trên bàn ăn. Trò chơi mình hay làm nhất là đếm hoa quả. Ví dụ, hôm nay mẹ bổ dưa hấu, mang ra. Nào chúng ta cùng đếm xem có bao nhiêu miếng. bố lấy 1 còn lại bao nhiêu, mẹ lấy 1 còn lại bao nhiêu...trò chơi này đơn giản, lại vui vẻ giúp bé hiểu được khái niệm của cộng trừ nhân chia.
Trò chơi luyện tay và tập trung cho bé. Mẹ cho vài cái kẹo nhỏ vào bát, 1 cái thìa nhỏ. rồi bảo em xúc từ bát này sang bát khác. Cái khó là kẹo tròn lại nhỏ, thìa cũng nhỏ, đáy bát thì trũng nên rất khó xúc. Trò này rất vui, em vừa làm vừa ăn nhưng cuối cùng cũng xúc được hết kẹo sang bát khác.
Trò chơi thái chuối cũng giúp các bạn nhỏ luyện tay rất tốt
Con một tuổi, mẹ cũng một tuổi
Trong quá trình dạy con của mình, chị có từng mắc sai lầm? Đâu là sai lầm chị muốn kể lại để rút kinh nghiệm cho mình và những bà mẹ khác có ý định giáo dục sớm cho trẻ?
Sai lầm khi dạy con không ai là không có, mình cũng vậy. Trước đây mình cũng nóng vội, muốn con biết tiếng Anh sớm nên cũng có cho học tiếng anh qua một phần mềm. Thực sự thì phần mềm đó là tốt, chỉ có điều con mình ở tuổi hiếu động không thích nhưng mình cứ tìm mọi cách để con học.
Sau này tìm hiểu nhiều, đọc về phương pháp Montessori mình hiểu rằng cứ như vậy trẻ sẽ không nhận ra được niềm vui trong học tập, lớn lên sẽ không hứng thú học nữa nên mình đã dừng lại, chuyển sang cho con nghe đĩa ca nhạc. Giờ con có thể hát twinle twinle little star, hay head, shoulder knee ands nose... rất là sõi. Đối với mình như thế là thành công rồi.
Người Nhật có câu, con 1 tuổi mẹ cũng một tuổi. Hàm ý rằng, người mẹ cũng sẽ trưởng thành trong vai trò của mình cùng với sự trưởng thành của con. Mình cũng vậy, mình cũng cần phải học hỏi, thay đổi bản thân mình, phương pháp dạy liên tục để phù hợp với sự thay đổi của con.
Trẻ em Nhật rất tự lập
Ở Nhật, có nhiều phụ nữ thường chọn cách sinh con xong và nghỉ việc để ở nhà toàn tâm toàn ý chăm con trong những năm đầu đời. Việc này có khiến trẻ em Nhật mất đi tính tự lập và thiếu kỹ năng sống?
Về việc dạy con tự lập. Mình nghĩ điều căn bản là phụ thuộc vào suy nghĩ của người mẹ chứ không phụ thuộc vào việc người mẹ đi làm hay ở nhà. Nhiều người quan niệm, mẹ ở nhà bé sẽ nhõng nhẽo không chịu tự lập là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Mẹ Nhật khác với mẹ châu Âu hay Mỹ, tuy nhiều mẹ ở nhà chăm con và làm việc nội trợ tuy nhiên trẻ em rất tự lập. Thể hiện qua việc 5,6 tuổi đã tự đi xe bus, tự đi tàu điện, tan học tự đi bộ về chứ bố mẹ không đưa đón, tự cầm đồ đạc của mình...
Nhiều người suy nghĩ mẹ ở nhà, con nhõng nhẽo không tự lập đó là suy nghĩ không đúng, mình nghĩ vậy. Khi người mẹ gần bé chăm sóc và vuốt ve bé đủ nhiều, bé sẽ tràn đầy năng lượng, tự tin vào bản thân mình bởi bé biết bé được yêu, bé có giá trị. Đây là cái gốc của sự tự lập, nguồn gốc của sự tự lập.
Bé Akino được mẹ cho tự lập từ nhỏ.
Một em bé 2 -3 tuổi, với nhiều mẹ Việt, vẫn đang còn ở độ tuổi chưa thể có ý thức tự lập. Theo chị điều này có đúng? Chị đã dạy con mình tự lập như thế nào và trang bị cho bé được những kỹ năng sống gì ở giai đoạn hiện tại
Bé 2-3 tuổi chưa làm được nhiều việc, nhưng đây là thời điểm mà bé rất thích được làm việc, được tự làm. Đây là giai đoạn mà ý thức tự lập của bé rất là lớn. Muốn giành làm mọi việc của mình như đi giầy, mặc quần áo... Chính vì thế, mình thấy sẽ rất là tiếc nếu bỏ qua giai đoạn này.
Ở giai đoạn này, chúng ta có thể dạy bé làm những công việc của mình như tự mặc quần áo, thay quần áo, cho quần áo vào máy giặt, đeo balo, chuẩn bị đồ đi học... Ngoài ra, có thể giao cho bé việc bê bát, xếp bát lên bàn ăn...cho rác vào thùng..cất quần áo của mình, tự rửa tay tự lau tay... Đây là những việc mình vẫn để cho bé làm hàng ngày. Tuy không phải lúc nào bé cũng làm vì có lúc bé cũng mải chơi. Và không phải lúc nào bé cũng làm tốt, có đôi lần thất bại như đổ cả đĩa đảo xuống nền nhà hay làm vỡ cả cái bát to...tuy nhiên mình không bao giờ quát mắng bé về việc này, Coi đây là bài học để bé rút ra kinh nghiệm cho lần sau.
Xin cám ơn chị đã chia sẻ!