Ngày của Mẹ với chị Hằng cũng như bao ngày khác, luôn bắt đầu từ 6h sáng với lịch trình “xoay như chong chóng” trong guồng ăn – chơi – nghỉ - ngủ của các con.
Hy sinh sự nghiệp, hoài bão, những chuyến du lịch và cả sự tự do ở bầu trời rộng lớn kia, chị Phùng Thị Hằng (26 tuổi, Hà Nội) dành trọn độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho gia đình và cho 5 thiên thần nhỏ.
Thời điểm 1 năm trước đây, làm mẹ 5 con khi chỉ mới 25 tuổi, đôi lúc chị thấy chạnh lòng, cảm thấy thiệt thòi nhưng vượt qua tất cả, với chị con cái là “lộc trời cho”, “nụ cười của con là hạnh phúc lớn nhất của mẹ”.
25 tuổi làm mẹ của... 5 con
Bước vào căn nhà của chị Hằng ở ngõ 68 Cầu Giấy mới cảm nhận được guồng quay đến chóng mặt của gia đình chị với các con, các cháu.
Ở tuổi 25 chị Hằng đã có tới 5 người con. Bé gái lớn nhà chị năm nay 7 tuổi, bé gái thứ 2 lên 4, còn 3 bé trai cùng trứng nay đã được 8 tháng tuổi.
Kể từ khi sinh 3, chị trở thành một người mẹ đa-zi-năng hơn. Mỗi bên tay chị bồng bế một bé trai, bé còn lại được bà nội bế. Đâu đó dưới bếp là ông nội đang tất bật cơm nước chuẩn bị cho bữa trưa. Cuộc sống của các thành viên trong gia đình dường như bị đảo lộn hoàn toàn. Ai cũng “đầu tắt mặt tối” từ khi có thêm 3 thiên thần nhỏ này.
Chia sẻ về lần sinh 3 của mình, chị Hằng cho biết vợ chồng chị đã từng rất lo lắng khi bác sĩ siêu âm chuẩn đoán 1 bé có độ mờ da gáy cao, đồng thời, chị cũng có khả năng sinh non. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã được gạt bỏ.
“Tôi sinh mổ, chỉ bị gây tê nên quá trình mổ đẻ tôi hoàn toàn tỉnh táo. Sau khi 3 bạn ra ngoài hết, tôi phải vội vàng hỏi ngay bác sĩ có bé nào bị mờ da gáy không. Nghe được câu “các bé hoàn toàn bình thường”, tôi sung sướng, hạnh phúc thật sự và được thở phào nhẹ nhõm.
Bé thứ nhất được 1,6kg, bé thứ 2 được 1,9kg còn bé thứ 3 được 1,5kg. Còn nhớ, lúc mới mổ đẻ xong đi xuống dưới vắt sữa cho con, chỉ từ tầng 5 xuống tầng 3 mà tôi phải 30 phút mới đến được”, chị Hằng vui vẻ kể lại.
Kể từ đó, chị bắt đầu những ngày tháng làm mẹ của 5 con. Có lẽ đến giờ chị vẫn không thể tin nổi điều này, trong khi đó các bạn đồng trang lứa có người còn đang phiêu lưu với những chuyến du lịch, tận hưởng cuộc sống độc thân.
Mọi thứ đến đến với chị thật nhanh và thật bất ngờ.
Chồng “méo mặt” vì nuôi 6 mẹ con
Cũng vì sinh 3 sau khi có 2 bé gái trước đó, lại không thuê được giúp việc, chị Hằng đã phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc các con. Mỗi ngày chỉ lo cho 3 cậu út cũng khiến vợ chồng chị quay cuồng.
Mẹ chồng chị vẫn nói vui rằng “bố cháu méo xệch mặt để nuôi 6 mẹ con cháu” bởi phải lo cho 2 bé gái lớn đi học, rồi lo tiền bỉm sữa cho 3 bé trai. 2 tháng tuổi, 3 bé trai đã phải ăn ăn sữa ngoài hoàn toàn và ăn sữa đi xin sữa từ các mẹ khác.
“Sau khi sinh, các bé vẫn chưa phân biệt được ngày và đêm nên tôi thường bị thiếu ngủ trong thời gian đó. Các bé được 2 tháng tôi bị mất sữa. Tôi phải đi xin sữa từ các mẹ cho con bú cộng với việc cho con uống sữa ngoài. Nhiều khi không xin được sữa mẹ, 3 bạn nhỏ lại đành phải uống sữa ngoài hoàn toàn.
Lúc mới sinh, các bé phải ăn sữa dành riêng cho trẻ sinh non cũng khá đắt. Trung bình cứ 2 ngày là lại hết 1 hộp sữa 400 gram. Mỗi hộp sữa tầm 190 – 200 nghìn đồng. Vậy là mỗi tháng riêng tiền sữa của con cũng đã mất đến 3 triệu đồng.
Không những vậy, tiền bỉm cũng tốn lắm. Bỉm thay hàng ngày nên nhiều không đếm xuể, mỗi đứa cũng phải tới 4-5 cái bỉm/ ngày, 3 đứa là 15 cái/ ngày. Chắc cũng phải mất hơn triệu cho tiền bỉm mỗi tháng. Tôi cứ mua hàng bịch về dùng một loáng vài ngày là đã hết. Rồi tiền cho 2 bé gái đi học nữa.
Nói chung chi phí vào 5 con nhiều không thể kể hết được. Cũng may 2 bé gái đã lớn biết nghe lời ông bà, bố mẹ nên tôi không phải bận tâm nhiều”, chị Hằng chia sẻ.
Thương các con phải san sẻ tình cảm của mẹ, thương các con không được chăm sóc chu đáo vì nhà đông con khiến chị nhanh chóng quên đi những cực nhọc của mình, quên đi những khó khăn ở quá khứ và cả tương lai sắp tới khi các con lớn hơn, hiếu động hơn.
Dẫu “chóng mặt” với chi phí nuôi con thế nào, vợ chồng chị vẫn luôn cố gắng. Các con chính là động lực để vợ chồng chị gạt đi những giọt mồ hôi, những mệt mỏi để tiếp tục công việc.
Guồng quay chóng mặt với 5 con
Chăm một nhóc thôi cũng đã điên đầu, một mình chị lại phải chăm tận 5 bé. Dù có sự đỡ đần từ mọi người nhưng không tránh khỏi những lúc chị cảm thấy mệt mỏi. Có những ngày chị không được chợp mắt vì con quấy khóc, đòi sữa suốt đêm.
Dù không đi làm nhưng lịch trình của chị còn dày đặc và bận rộn hơn cả. Một ngày của chị bắt đầu từ lúc 6h sáng cho 12h đêm trong guồng “ăn – chơi- ngủ - nghỉ” của các con. Từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau, nói là được ngủ nhưng chị vẫn phải thức dậy cho các bé ăn vào lúc 2h và 4h sáng.
“Từ khi có 3 bé, tôi quay cuồng đến chóng mặt, đưa con gái đi học, về nấu cháo, cho con ăn, chơi với con, ru con ngủ.
Có nhiều hôm, bữa cơm trưa của tôi phải ăn 4-5 lần mới xong vì con quấy. Ông bà cũng phải thay phiên nhau ăn cơm trước để trông cháu. Rồi lại tắm rửa cho cả 5 bé. Không phút nào mọi người trong nhà được nghỉ ngơi.
Tối đến khi các con ngủ hết, 11h tối tôi mới được nghỉ ngơi đi tắm. Đã lâu lắm rồi tôi không tụ tập bạn bè vì lo các con ở nhà”, chị Hằng tâm sự.
Đã có lúc chị cảm thấy tủi thân khi mẹ ốm, con ốm mà chồng không có nhà, một mình phải gắng gượng dậy dỗ con khi con khóc buổi đêm, rồi một tay dỗ con, một tay cầm bình sữa cho bé còn lại bú. Nhưng nhìn thấy các con, chị lại cảm thấy điều đó chẳng đáng là bao đối với mình.
Chị luôn nghĩ đơn giản và tự cân bằng cuộc sống của mình bởi trong những vất vả ấy chị tìm thấy niềm vui cho mình khi có bố mẹ chồng tâm lý, giúp đỡ đắc lực công việc chăm con.
“Từ khi có 3 bé, cuộc sống của cả nhà như bị đảo lộn hoàn toàn. Cả nhà đều mất ngủ. Ông bà cũng 9-10h mới được đi tắm. Gia đình như một trường mẫu giáo vậy.
Nhiều lúc ông bà cũng phải cảm thán không biết đến bao giờ mới hết cảnh con mọn này. Nhưng mà cũng vui lắm, ai hỏi thăm, tôi cũng đều nói vui nuôi con đàn dễ mà rồi trêu con dâu là dân tộc Mường”, mẹ chồng chị Hằng vui vẻ chia sẻ.
Vất vả, mệt nhọc nhưng tiếng cười trẻ thơ đã át đi tất cả những khó khăn của cả gia đình. Lúc nào ngôi nhà nhỏ của chị Hằng cũng luôn tràn ngập tiếng cười con nít. Đối với chị nụ cười của các con, niềm hạnh phúc của mọi người khiến những vất vả của mình được xua tan.
Làm mẹ rồi chị mới hiểu hết được tấm lòng của bố mẹ, bởi vậy nhân Ngày của mẹ - 14/5, chị chẳng mong muốn gì hơn là 2 mẹ (mẹ chồng và mẹ đẻ - PV) luôn vui vẻ, có thật nhiều sức khỏe để cùng chị trên quãng đường dài chăm sóc 5 nhóc tỳ. Các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và nghe lời bố mẹ, ông bà, với chị thế là đủ.
Ngày của mẹ ra đời cách đây 100 năm do Anna Jarvis tiến hành vận động chính phủ Mỹ để thành lập một ngày lễ chỉ dành cho những người đã làm mẹ nhằm thể hiện lòng biết ơn, tri ân đối với những người phụ nữ này. Qua rất nhiều buổi thuyết trình, vận động cùng với sự quyết tâm, kiên trì của Anna tổng thống của Mỹ đã quyết định chọn ngày Chủ Nhật của tuần thứ 2 trong tháng Năm làm ngày của mẹ. Cho nên, ngày của mẹ đầu tiên được ra đời ở nước Mỹ và cho đến thời điểm này ngày của mẹ đã và đang lan rộng ra hơn 65 quốc gia khắp toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày của mẹ còn có một tên gọi khác là Ngày Hiền Mẫu (ngày dành cho những người mẹ nhân hậu) Trong năm 2017 ngày của mẹ ở Việt Nam là ngày nào? Nếu tính theo dương lịch thì ngày của mẹ ở Việt Nam trong 2017 là vào ngày 14/5/2017. Nếu như ở nước ngoài, vào ngày của mẹ, những người con sẽ biết ơn mẹ của mình bằng cách thể hiện tấm lòng của họ qua những câu chúc, những món quà tặng dù là vật chất hay tinh thần đều mong muốn trong ngày này, mẹ của mình được vui vẻ. |