Nhìn những bạn nhỏ vai đeo cặp sách tung tăng cùng mẹ tới trường trong ngày đầu đi học, lòng tôi bỗng thấy xôn xao lạ thường. À thì ra, tuổi thơ tôi cũng có nhiều kí ức đẹp đến như vậy.
“…Trời cao trong xanh sương sớm long lanh
Mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh.
Bầy chim non hát ca vang
Đàn bướm lượn tung tăng bay lượn theo bước chân em đi tới trường".
Những ngày khai giảng xưa cũ, trong khi thầy cô và bạn bè ngân nga bài hát “Ca ngợi tổ quốc” của nhạc sĩ Hoàng Vân với sự hân hoan, rạng rỡ thì đối với tôi đó lại là một nỗi ám ảnh không hề nhẹ.
Và tôi biết, có rất nhiều đứa bạn cùng thế hệ khi ấy cũng như tôi… Bởi khi những câu hát kia vang lên, đồng nghĩa với việc mùa hè đã kết thúc, không còn tháng ngày nằm dài ở nhà xem hết bộ phim này tới bộ phim kia, không còn những buổi chiều nhẩn nha đạp xe ra hồ hóng gió. Thay vào đó là những buổi học chính, học phụ đạo, kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút, một tiết…
Những đứa bạn khóc nhè trong ngày khai giảng cấp 1
Tôi còn nhớ lễ khai giảng đầu tiên của mình là năm học lớp Một. Đó là ngày 5/9/1993. Khi ấy Hà Nội đang trong thời kỳ đổi mới, mọi thứ đều còn rất nghèo nàn và khó khăn. Trường tiểu học của tôi vốn là một trường mẫu giáo cũ và được sửa sang lại để đón hàng trăm học sinh của khu vực quận Ba Đình. Do có mẹ là giáo viên ở ngay trong trường nên tôi đã được học “dự thính” một năm, biết hết bảng chữ cái và cộng trừ nhân chia từ 1 đến 10. Tôi hân hoan bước vào lớp Một với tâm thế là học lại những thứ mình đã biết.
Lần đầu dự khai giảng, tôi được biết thế nào là đồng phục học sinh với “combo” áo trắng – quần xanh điển hình của học sinh thời xưa, mẹ chu đáo còn chuẩn bị cho tôi một đôi “dép quai hậu” (từ này giờ đây ít phổ biến hơn) mới cứng cựa.
Bọn con gái thì đứa nào cũng mặc cái váy xếp li màu tím than, đã thế lại còn thêm cái dây xích vàng móc trước bụng nữa chứ. Khai giảng ngợp trong cờ, hoa, âm nhạc, các màn biểu diễn và đặc biệt là tiếng trống đầu tiên bước vào năm học mới do cô hiệu trưởng đánh.
Là học sinh lứa mới vào trường, chúng tôi còn được đứng cầm bóng bay và ưu tiên ở hàng phía trên so với các anh, các chị lớn hơn. Các cô giáo luôn miệng nở nụ cười tươi rói trong chiếc áo dài truyền thống. Mọi thứ lúc đó quả thật là đầy mới mẻ và, hào hứng. Trong khi tôi bắt chuyện ngay với những người bạn đứng xung quanh mình, với câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là: “Ấy tên là gì?”, “Nhà ấy ở đâu?”, “Ấy có thích xem hoạt hình không?” thì xung quanh vẫn có những đứa khóc ỉ ôi hoặc nước mắt lã chã, mặt mũi ngơ ngác tìm bố mẹ. Lễ khai giảng đầu tiên cũng đúng là lúc những đứa trẻ có những người bạn đầu tiên từ khi đi học.
Lên cấp 2, tôi kiêu hãnh khi được đeo trên cổ chiếc khăn quàng đỏ
Ngày qua ngày, thế rồi rồi chẳng mấy chốc lại đến bế giảng, được nghỉ hè, rồi sau ba tháng lại gặp lại bạn bè cũ trong ngày khai giảng.
Cấp 2 chào đón tôi ngoài combo đồng phục áo trắng – quần xanh – dép quai hậu thì lúc này còn có thêm khăn quàng đỏ. Chiếc khăn quàng như một chứng thực thật rõ ràng là tôi đã được “thăng cấp”, không còn là đứa nhóc con cấp 1 ngơ ngác trước cổng trường như bao năm trước. Còn nhớ ngày đầu tiên được quàng khăn đỏ, cả ngày tôi cứ thấp thỏm không yên. Đi đường mà cứ có cảm giác cả trăm ánh mắt dồn vào mình ý bảo: “Được quàng khăn đỏ, được vào Đội rồi cơ đấy”.
Có những hôm về nhà mải mê mà đến lúc lên giường đi ngủ vẫn thấy đeo khăn trên cổ. Ấy thế mà giai đoạn “cuồng” đeo khăn quảng đỏ ấy lại nhanh chóng vọt qua, để bước sang thời kỳ quên khăn ở nhà bị Sao đỏ đứng cổng ghi tên hàng ngày. Ngày khai giảng cấp 2 còn thêm cả những tà áo dài trắng phấp phới của mấy chị lớp lớn trước mắt mấy đứa con trai chuẩn bị lớn chúng tôi nữa chứ. Phải nói thật, tà áo dài nữ sinh những ngày đó khác giờ lắm.
Khai giảng cấp 3 với niềm háo hức phía sau tà áo dài của đám bạn gái
Đến khi vào cấp 3, những tà áo dài đấy lại là lý do gây ra sự háo hức và mong đợi khi được đi khai giảng. Mấy thằng con trai bọn tôi thường đứng đợi sẵn ở sân trường để chờ xem từng tà áo dài trong lớp mình bước đến. “Dép quai hậu” lúc này đã trở thành dĩ vãng, thay vào đó là những đôi giày thể thao Converse rộ lên như là mốt mà đứa nào cũng mê mẩn.
Khi ấy tôi cũng đã tự đi xe đạp đi học nên ngay sau khi khai giảng là một màn tụ tập ngoài cổng trường, la cà quán xá, hỏi han “buôn chuyện” về một mùa hè đã qua của từng đứa. Và rồi thời gian cứ trôi đi, cảm xúc năm nào lại vẹn nguyên vào những ngày đầu thu tháng 9, lái xe máy tới công sở và bắt gặp các bạn trẻ cấp ba mặc đồng phục, đạp xe tới trường với rất nhiều hoa, nhiều bóng bay, tôi mới nhận ra đó là ngày 5/9, ngày khai giảng – cái ngày mình từng rất chán ghét nhưng nay lại mong được trải nghiệm nó thêm lần nữa.
Sau khai giảng có thể là những áp lực học hành thật đấy nhưng bên cạnh đó còn là những tiếng cười khúc khích trong giờ học của “hội bàn cuối” khi đọc thư ngăn bàn, là những buổi chiều tan học đạp xe đi khắp nơi cùng những người bạn thân, là những buổi sáng mùa đông giá rét bất chợt thấy có “chiếc khăn gió ấm” trong ngăn bàn của ai đó đến sớm đặt vào sẵn, là những bữa tiệc sinh nhật nghèo về vật chất mà vui về tinh thần. Những kỷ niệm đó của thời thanh xuân, có thể mỗi năm mỗi khác, nhưng đều được đánh dấu với cột mốc thời gian là ngày khai giảng 5/9.
Mùa hè có thể là ký ức về những chuyến đi xa, những buổi rong chơi quên tháng ngày. Còn với mùa thu, ký ức đầu tiên của tôi sẽ luôn là buổi lễ khai giảng, là tiếng trống rộn rã bắt đầu cho một năm học mới, là tấm ảnh chụp chung cả lớp với màu áo trắng tinh khôi.