“Đối với hai con trai tôi, học ở nhà có nghĩa là học phần lớn ở nhà chứ không phải chỉ học ở nhà”, anh Đặng Quốc Anh chia sẻ.
Mấy ngày qua, nhiều người chia sẻ thông tin về gia đình anh Đặng Quốc Anh và chị Lê Thị Thanh ở quận Tân Bình, TPHCM đã quyết định cho hai cậu con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998) ở nhà tự học.
Sau “hiện tượng” này, nhiều người bày tỏ, gia đình anh Đặng Quốc Anh đã rất dũng cảm và họ có thể sẽ suy nghĩ lại, định hướng học tập cho con mình.
Hai cậu con trai là Đặng Thái Anh và Đặng Nhật Anh.
Để hiểu rõ hơn về định hướng, phương pháp dạy học cho con, anh Đặng Quốc Anh đã chia sẻ với phóng viên.
Có ý kiến cho rằng, gia đình 2 em làm được việc này vì cha mẹ là giáo viên, giảng viên. Nếu không thì không thể làm được như gia đình anh, cha mẹ không thể tự dạy con được?
Tôi biết, giáo viên đại học dạy sinh viên đại học tốt hơn là dạy trẻ em. Điều thuận lợi của tôi ở đây là thời gian linh động chứ không phải nhiều thời gian.
Để dạy trẻ em ai cũng phải học cách dạy tốt nhất mình có thể đạt được, không hình thức học nào là tuyệt đối.
Đối với 2 con trai tôi, học ở nhà có nghĩa là học phần lớn ở nhà chứ không phải chỉ học ở nhà. Học ở nhà không có nghĩa là chỉ học từ cha mẹ. Cha mẹ đóng vai trò hướng dẫn con học từ sách vở, phần mềm máy tính, phim ảnh khoa học, giáo dục cũng như tài nguyên internet.
Cha mẹ cần hướng dẫn con học từ cuộc sống quanh mình bằng cách dần nâng cao tính tự lập của trẻ. Con tôi có thầy dạy Anh văn, Lịch sử, Văn chương, Toán, Âm nhạc, Thể thao… từ thế giới bên ngoài.
Anh Đặng Quốc Anh và cậu con trai út.
Con tự học ở nhà, liệu có nguy hiểm khi hình thành thói quen hoặc tư duy "1 mình làm hết mọi việc", điều đó sẽ làm mất đi tính tập thể, đồng đội. Người ta nói: Muốn đi nhanh, thì anh đi 1 mình. Muốn đi xa, anh cần đi với nhiều người. Anh đã lường trước được điều này?
Thuận lợi của tôi là đứa lớn đã dạy em nhỏ hơn 5 tuổi có trình độ ngang bằng mình.
Chúng tôi bù đắp bằng cách cho chúng học ngoại khoá ở các nước xung quanh như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar; cho hai con dự các hội nghị khoa học của ICISE; làm quen với các giáo sư từ trên 80 quốc gia trên thế giới có cả các giáo sư đoạt giải Nobel.
Chúng tôi cho các con liên hệ khăng khít với anh em họ, tập giao tiếp với học trò của chúng tôi trong sự kiểm soát của gia đình. Các con được học âm nhạc, thể thao. Nhật Anh đang học guitar flamenco với thầy giáo hàng đầu của Việt Nam, Thái Anh đang học đàn piano.
Có rất nhiều người ủng hộ gia đình vì cho rằng, phương pháp học ở nhà là phá vỡ mọi suy nghĩ và cách làm lối mòn. Tuy nhiên, trẻ em có thể sẽ dễ có cảm giác mặc cảm khi bị cư xử 1 cách quá bất bình thường giữa chính quê hương của mình?
Tôi thấy, bảo tồn truyền thống và quốc tế hoá cao độ là vấn đề lớn. Học ở nhà là hình thức học chứ không phải là nội dung học. Trẻ được học để trở thành con người trí năng dù bằng bất cứ phương pháp hay hình thức nào cũng là tận hưởng những điều tốt đẹp mà gia đình, cộng đồng và xã hội ban tặng.
Được biết, điểm IELTS của các em rất cao nhưng các em có diễn đạt được một số ý bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt) không, thưa anh?
Môi trường nào trẻ sống bằng Việt ngữ chúng sẽ rất giỏi trong Việt ngữ. Ở gia đình tôi cấm con nít nói chuyện tiếng Anh với người lớn. Chúng biết tiếng Việt có thể ít hơn bình thường nhưng thuần và trong sáng.
Nếu cha mẹ và giáo viên nhập làm 1, chắc chắn sẽ có lúc đứa trẻ cảm thấy vô cùng cô đơn, khi đứa trẻ gặp những vấn đề mâu thuẫn với giáo viên, chúng cần tìm đến cái nơi ẩn nấp an toàn chính là cha mẹ. Vậy, anh có lời khuyên nào đối với các bậc phụ huynh muốn áp dụng?
Giáo dục tại nhà có nhiều thuận lợi và cũng rất nhiều khó khăn. Nó cần một sự chuẩn bị tốt và cố gắng liên tục không mệt mỏi. Sự chuẩn bị đầu tiên phải là sự hiểu biết của phụ huynh. Sau đó là nguồn lực của gia đình từ thời gian, công sức cho tới tiền bạc. Học ở nhà không phải là phương pháp rẻ tiền dù được xem xét ở bất cứ giác độ nào.
Gia đình anh có định hướng gì về chuyện học hành của hai con?
Khi chúng tôi không dạy nổi thì chúng tôi tìm trường, tìm thầy cho chúng. Không phải là chúng tôi không muốn cho trẻ đến trường mà là chưa đủ điều kiện cho chúng đến ngôi trường thích hợp.
Chúng tôi luôn khao khát con em mình được thụ hưởng nền giáo dục phù hợp nhất có thể được.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!