Khi thấy chị M.P có vẻ bức xúc, người giúp việc mới cau có tới đỡ đứa trẻ dậy.
Chuyện tìm được người giúp việc, bảo mẫu giúp chăm sóc con nhỏ vừa nhanh nhẹn, tháo vát lại "có tâm với nghề" là điều khiến nhiều mẹ bỉm sữa quan tâm. Bởi những năm gần đây, không ít vụ việc bảo mẫu đánh đập, hành hạ trẻ được phát giác. Nhẹ hơn thì bỏ mặc trẻ tự chơi một mình không quan tâm, đoái hoài.
Việc bỏ mặc không chỉ khiến cho đứa trẻ không được quan tâm sát sao về thể chất mà về mặt tinh thần, các bé cũng chịu những tâm lý nặng nề, trở thành những đứa trẻ rụt rè, nhút nhát, nặng thì có thể trở nên tự kỉ, vô tâm.
Đó cũng là chủ đề được nhiều mẹ bỉm sữa lo lắng khi xem một bức ảnh và dòng chú thích được một dân mạng có nick name M.P chia sẻ. Cụ thể, chị M.P chia sẻ câu chuyện trên trang cá nhân của mình với giọng điệu buồn bã.
Dòng trạng thái bức xúc của chị M.P. Ảnh chụp màn hình
"Thuê giúp việc có tâm như thế này thì con cái phát triển toàn diện lắm. Đang lang thang thấy con bé nằm ở đấy! Mình tưởng bị ngất lại ra lay dậy. Bà giúp việc bảo: "Ôi kệ nó cô ạ. Hôm nào nó chả nằm như thế xong rồi ngồi tán chuyện tiếp”
Tôi bảo: "Bác ơi sao bác để nó nằm như thế. Bẩn với cả lạnh lắm”.
Thấy tôi cáu bà ta mới ra bế nó dậy phủi phủi. Nhìn con bé xanh xao vàng vợt mà thấy tội, nhìn như trẻ bị tự kỉ ý. Chả hiểu bố mẹ mà nhìn thấy cảnh như thế này có xót không chứ mải kiếm tiền xong có khi lại đổ hết vào đi chưa bệnh cho con".
Kèm theo đó là bức ảnh chụp cảnh một bé gái mặc áo hồng đang nằm lăn lộn dưới nền đất, trong khuôn viên của một khu chung cư. Cách đó vài mét là bóng dáng của 2 người bảo mẫu (áo xanh và tím) đang mải mê trò chuyện với nhau.
Ảnh chụp màn hình do chị M.P chụp
Câu chuyện mà chị M.P nêu ra nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng và một số mẹ bỉm sữa đã chia sẻ lên nhóm hội, trang cá nhân của mình với mục đích nhắc nhở các bà mẹ khác lấy đó làm bài học cho chính mình. Đồng thời tỏ ra hoang mang, lo lắng cho thực trạng những người giúp việc trông trẻ hiện nay.
"Nhìn mà thương con ghê, các mẹ lấy đó làm bài học cảnh giác nhé. Phải thống nhất với người bảo mẫu trước nhưng cũng phải quan tâm sát sao tới con, không thể phó mặc cho người ta muốn làm gì thì làm" - H.N bày tỏ.
"Nếu trẻ bị tự kỉ mà để vậy thì vô tâm quá nhưng xét trường hợp trẻ lăn ra ăn vạ thì để vậy không có gì là phải nói cả. Nên phán xét người khác thì phải hiểu rõ bản chất sự việc em ạ.
Em lên hẳn khu làng dân tộc, trẻ cởi truồng, đứng trên phân lợn, phân trâu vậy trẻ vẫn khỏe mạnh, béo tốt mà có cần uống sữa nọ, cái kia để béo tốt đâu, chẳng thể nói được họ" - M.L nhận định.
"Nhà chị ngày trước là trung tâm buôn chuyện của các giúp việc. Có hôm xem cam ở nhà 4 bà đưa cháu xuống nhà mình nào cầm cháo cầm sữa chua, cherry. Cháu mải chơi không ăn bác chia nhau ăn nhanh hơn." - B.N chia sẻ câu chuyện của bản thân.
Rất nhiều người giúp việc trông trẻ có thói quen buôn chuyện, bỏ mặc con chủ nhà. Ảnh do chị N.T chụp.
"Ôi nói gì. Bà giúp việc nhà mình còn lấy cả nước lau nhà gội đầu cho thằng nhỏ 8 tháng. Lần thứ hai mình bắt được kêu là thấy nó thơm nên gội. Mình bảo sao đầu chị thì chị biết lấy dầu xịn của tôi gội còn con tôi chị lại làm như vậy? Rồi lau nhà xong ngâm luôn quần áo vô xô nước lau nhà, bắt được thì kêu nước lau thấy đang còn sạch.
Giúp việc 10h ngủ riêng một mình, 7h sáng mới dậy đó. Riết rồi nản, chồng kêu tuyển giúp việc còn khó hơn tuyển giám đốc. Hàng xóm thì kêu chưa thấy nhà ai giúp việc mà sướng như vậy. Ngủ trưa từ hơn 12h đến 4h chiều. Nói thì bảo tôi làm thì cũng phải để cho tôi ngủ trưa chứ. Đúng là ngủ trưa, không phải đi chợ, nấu cơm, chỉ mỗi trông bé đó. Đi đâu về cái là thấy 4-5 bà đang ngồi túm tụm xì xào" - M.H.L bình luận.
Hiện tại, rất nhiều mẹ bỉm sữa vẫn đang bàn tán xôn xao câu chuyện trên.
Bí quyết quản lý người giúp việc hiệu quả Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) chia sẻ bí quyết để quản lý người giúp việc một cách hiệu quả: 1. Ký hợp đồng, thỏa thuận trước các nguyên tắc Đây là thao tác rất quan trọng để đảm bảo tâm lý thoải mái cho cả chủ nhà và người giúp việc. Các điều khoản thương thảo càng kỹ, hiệu quả công việc và mối quan hệ giữa chủ nhà và giúp việc càng tốt. Mặt khác, việc ký hợp đồng còn giúp chủ nhà đảm bảo an toàn trong việc thuê người giúp việc. 2. Lên lịch quản lý công việc theo ngày, tuần cho giúp việc Hiện nay, nhiều gia đình phó mặc mọi chuyện cho người giúp việc. Ngược lại cũng có những gia đình kiểm soát người giúp việc quá chặt khi can thiệp từng chút một vào việc thực hiện công việc của họ. Cả 2 cách quản lý trên đều không hợp lý, quá chặt khiến người giúp việc không thoải mái, quá lỏng thì không kiểm soát được chất lượng công việc. Vì lẽ đó, cách tốt nhất là chủ nhà lên lịch từng công việc theo tuần hoặc ngày, sau đó hướng dẫn cụ thể rồi giao cho giúp việc. Sau khoảng 1 tuần nên đánh giá để rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó để giúp việc tự điều chỉnh cho các tuần làm việc tiếp theo. 3. Theo dõi giám sát bằng camera Để đảm bảo an ninh và cũng là để kiểm soát những người giúp việc mà bạn chưa thực sự tin tưởng, việc lắp camera giám sát là cần thiết. Tuy nhiên, việc này nên được thực hiện một cách khéo léo, ý nhị tránh cảm xúc không tốt cho người giúp việc. 4.Trả lương tương xứng với năng lực, thời gian làm việc Chủ nhà nên có sự tham khảo về mức giá chung cho giúp việc để có những thỏa thuận và điều chỉnh lương phù hợp với tính chất và thời gian làm việc của người giúp việc. Nên có chế độ thưởng/ phạt hợp lý để khuyến khích người giúp việc. Việc tăng lương, cũng nên căn cứ vào chất lượng công việc thực sự. 5. Đối xử chân tình, nhân văn Cách đối xử của chủ nhà là một trong những yếu tố tác động lớn đến người giúp việc, bởi phần lớn họ là người dân quê, sống nặng về tình cảm. Khi bạn đối xử tốt với họ, người thụ hưởng chính là con cái bạn. Theo Dân Việt |