Không còn thích đi chơi Hàng Mã mỗi mùa Trung thu đến như ngày nhỏ nhưng “chú lính chì nhí” Thiện Nhân vẫn háo hức mỗi khi Trung thu đến bởi đó là cái cớ chính đáng để Nhân có thể xin đi chơi với bạn bè.
Video: Thiện Nhân đi học
Một buổi sáng tháng 7 của 12 năm về trước (Năm 2006), nhiều người nghẹn lòng khi nhìn thấy sức sống mãnh liệt của cậu bé 3 ngày tuổi bị bỏ rơi trong vườn hoang đã bị thú hoang cắn mất một chân và bộ phận sinh dục ở Quảng Nam. Cậu bé ấy là Thiện Nhân.
Sau những biến cố, thăng trầm của cuộc đời ngay từ khi mới lọt lòng, 12 năm sau Thiện Nhân đã có được cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, chẳng còn chút vết tích của cái ngày đau buồn ấy. Giờ đây, nụ cười luôn nở trên môi Thiện Nhân vì em đã có một tổ ấm hạnh phúc khi được mẹ Trần Mai Anh đón về nuôi lúc 2 tuổi, có ông bà, bố mẹ cùng 2 anh Thiên Minh và Hải Minh yêu thương. Đặc biệt, em có những mùa Trung thu đoàn viên bên gia đình đầy ý nghĩa và niềm vui.
Tổ ấm nhỏ của chú lính chì Thiện Nhân.
4 mẹ con luôn công bằng, không có luật làm mẹ phải chăm sóc con
Bận rộn với công việc cơ quan từ sáng đến tối mịt, rồi tham gia các hoạt động cộng đồng nữa, vậy thời gian đâu chị dành cho các con?
Mọi người bảo mình sao dạy con giỏi thế, mình chẳng dạy gì lại thành như thế. Khi cố dạy dỗ, áp đặt có nghĩa là bị thiếu hụt, còn bình thường đó là ổn cả.
- Mai Anh -
Nhà mình đặc thù lắm, sáng mẹ con đã dậy sớm đi dạo, ăn sáng. Có hôm cả nhà sẽ ăn sáng ở ngoài nhưng đa phần mình sẽ nấu cho các con ăn và sáng mẹ con cùng chuẩn bị đồ ăn.
Bọn trẻ nhà mình rất thích mang đồ ăn mẹ nấu đến lớp mặc dù chỉ là cơm rang hay mì xào. Nhân và anh Minh bé hay mang đồ ăn đến lớp kèm theo rất nhiều thìa và dĩa rủ các bạn ở lớp ăn. Lớp Nhân bạn nào cũng thích ăn đồ mẹ Nhân nấu mang đi.
Thực sự nhiều buổi mình ngại nấu, bảo con đến căng tin trường ăn sáng nhưng con vẫn thích mẹ rang cơm vì hẹn bạn rồi. Trẻ con có sở thích mà mình không hiểu được. Đối với con, đồ ăn mẹ nấu ngon hơn nhiều đồ ăn khác.
Chiều các con đi học về sớm hơn mẹ, tụi nó ăn ù cái rồi học bài. Đến khi mẹ về, mẹ con sẽ nấu ăn bữa tối và ngồi ăn nói chuyện đến hết buổi tối. Thực ra thời gian do mình sắp xếp thôi.
Cuối tuần mình tham gia nhiều hoạt động rủ bọn trẻ đi. Chúng đi theo nhưng không nhất thiết đi cùng mẹ, đến nơi con có thể chơi còn mình làm. Nhà mình ai cũng sống độc lập nhưng có mối dây gắn kết trong gia đình rất lớn.
Vậy chị tạo sự gắn kết đó như thế nào?
Mình không coi các con bé hơn và bọn trẻ cũng không coi mình lớn hơn. Những công việc mẹ con mình làm gần như công bằng. Con cần chăm sóc thì mình chăm sóc còn mình cần chăm sóc thì con chăm sóc chứ không có luật là mẹ phải chăm sóc con. Đó là mối gắn kết.
Nhà mình không có chuyện mẹ phải chăm sóc con, mẹ luôn luôn đúng hay anh phải nhường em vì đó vẫn là tình cảm một chiều. Nhà mình hoàn toàn ứng xử với nhau theo đúng quyền con người một cách cơ bản. Mình sai mình phải nhận còn con sai con phải nhận. Nếu ai cáu mệt có thể thoải mái trút giận không ai phải dỗi, nói xong thì thôi, nói chuyện với nhau thoải mái.
"Chú lính chì" Thiện Nhân - biểu tượng của nghị lực sống mạnh mẽ.
Nhưng tất cả những điều chị nói để làm được như vậy đều phải tạo lập cho Nhân hay 2 anh từ khi các con còn nhỏ?
Đúng rồi, các con phải sống độc lập. Con bị nhắc nhở những lỗi ở trường mình không bao giờ tranh luận là đúng hay sau bởi mình tôn trọng một đứa trẻ.
Nhân đi học cũng có những lúc vi phạm các vấn đề nhà trường, mình luôn nói với con “Mẹ không trao đổi rằng con làm đúng hay sai ở trường, mẹ chỉ trao đổi đúng một điều rằng con làm bất cứ điều gì ở một nơi nào đi chăng nữa cũng không làm phiền đến những người xung quanh. Cứ loanh quanh đúng sai sẽ tốn thời gian, điều đó không bao giờ mua lại được”.
Đó là cách suy nghĩ và dạy con cách sống của mình để mỗi người có sợi dây gắn kết, tôn trọng lẫn nhau. Khi mình không đứng ngoài cuộc thì con mình sẽ chia sẻ, kể cho mình nhiều thứ khác.
Có vẻ chị là người mẹ rất thoải mái, không hề nghiêm khắc thì phải ?
Điều này cũng đúng nhưng gia đình mình có luật riêng, không được nói dối hay những cái mình không hề thích thì con đừng vi phạm vào mặc dù nó không ảnh hưởng gì đến xung quanh.
Nhân và hai anh luôn quan tâm lẫn nhau.
Nỗi đau, thăng trầm trải qua khiến Nhân lớn trước tuổi
Chị có thể chia sẻ chút về tính cách của Nhân?
Không phải ngày nào Nhân cũng tâm sự với mẹ nhưng con hiểu bất cứ lúc nào khi có điều gì xảy ra, con cũng có người nghe hiểu. Con có một địa chỉ để tìm đến.
- Mai Anh-
”Nhân rất độc lập, cá tính và đầy năng lượng từ sáng đến tối. Con có tính lý luận vô cùng chặt chẽ và giỏi. Ưu điểm của con là tháo vát nhưng cũng là nhược điểm khi ra đám đông. Bạn ý sẽ hiếu động, ngọ nguậy và nhanh.
Nhược điểm của Nhân là thương mẹ, không muốn mẹ buồn, mệt nên con không có niềm vui của đòi hỏi, nhõng nhẽo như những đứa trẻ khác. Con luôn nhận phần vất vả và giấu chúng đi. Những đồ Nhân thích, con nghĩ sẽ tốn tiền cho mẹ nên không đòi. Đấy là nhược điểm to lớn con phải chịu, tuy nhiên những điều gì mình nhận ra sẽ bù đắp cho con còn không thì con phải chấp nhận.
Nhân có vô vàn nhược điểm nếu soi xét theo một quy chuẩn nhưng con cũng có vô vàn ưu điểm hơn. Đó cũng là luật bù trừ cân bằng cuộc sống.
Bạn ý nhiều sở trường như bơi, bóng rổ, … và khéo các kỹ năng, cấp cao về nấu ăn, có thể đi thi đầu bếp vì có tính sáng tạo, cá nhân trong nấu ăn.
Trong lớp, Nhân không làm lớp trưởng nhưng nếu có bạn nào bị bắt nạt, hay gặp những vấn đề khó khăn, Nhân đều là người đứng ra xử lý. Điều này quan trọng hơn chức lớp trưởng rất nhiều.
Đã trải qua nhiều khó khăn ngay từ khi còn nhỏ, năm nay cũng đã học lớp 7 rồi, Nhân có phải là cậu bé suy nghĩ lớn trước tuổi không?
Có chứ, con luôn lớn trước tuổi không chỉ so với bạn đồng trang lứa mà còn với người lớn. Nhân trải qua thăng trầm, ngay từ những nỗi đau khổ của con cũng nhiều hơn chúng mình cộng lại. Rồi con gặp nhiều người hơn những đứa trẻ khác, chỉ đi từ nhà đến trường, đi du lịch hay đi bệnh viện cũng đã gặp rất nhiều người.
Mình còn nhớ hồi con mới 4-5 tuổi chạy nhảy ngoài ngõ bị người lớn trêu bảo nghịch gọi công an đến bắt. Con nhanh chóng đáp lại “Bác mà gọi công an thì bác bị bắt đầu tiên vì bác là người vu khống người không có tội” đầy tính triết học và luật ở đó.
Ở nhà, Nhân và 2 anh chăm sóc cho nhau như thế nào?
Anh em Nhân luôn sống bù trừ cho nhau. Nhân hay nghịch ngợm còn anh Hải Minh điềm tĩnh hơn. Nhân nghịch ngợm có nhiều trò chơi vui hơn nên thường mang cả anh đi cùng. Anh không nhiều trò nhưng đổi lại lo cho em nhiều thứ khác.
Nhân nấu ăn rất ngon, khi mẹ chưa về con sẽ nấu đồ ăn cho anh và quát để anh ăn nhiều rau. Lúc đó Nhân như bố còn anh phải ngoan ngoãn ăn nhưng sau đó, Nhân bỏ đi chơi để anh dọn thì anh lại như bố mắng em bầy bừa, lôm côm. (Cười).
Nhân rất hiểu tính anh, biết anh thích bánh mì que hay nho nên thường bảo mẹ mua cho anh.
Còn với mẹ thì sao?
Mình không cần con phải bê nước vào phòng mời mẹ mỗi khi mẹ mệt, chỉ đơn giản là con biết mẹ uống nước khi về nhà buổi tối sẽ để chai nước trong phòng gần mẹ. Hoặc lúc mẹ mệt con biết bảo mẹ nghỉ đi, lúc khác làm việc nhà cũng được. Mình cũng không cần con bảo mẹ nghỉ đi con làm cho khi con đang thích chơi thứ khác.
Mình không phân việc cho các con hay cả nhà cùng hô khẩu hiệu cùng làm nhưng các con phải nhìn xung quanh vì không phải ai cũng phục vụ người khác mãi mãi. Con người không phải là máy, ai cũng có đời sống riêng của mình nhưng vẫn tôn trọng, bổ trợ cho nhau không ảnh hưởng đến người xung quanh và cũng không thể sống ích kỷ.
Những lúc mẹ và 2 anh làm việc nhà, Nhân được ngồi chơi, con sẽ tự hào mình là người hạnh phúc nhất, còn lúc anh ngồi chơi, Nhân làm cùng mẹ con sẽ cảm thấy mình là người có trách nhiệm nhất. Những lúc mẹ lười thì các con lại làm hết.
Nhân và hai anh hồi nhỏ đi chơi Trung thu và học làm bánh Trung thu.
Trung thu là lý do cao cả để Nhân xin mẹ đi chơi với bạn
Thiện Nhân đã sống cùng chị 10 năm rồi, chị có thể chia sẻ về những mùa Trung thu của bé?
Trung thu đầu tiên của Nhân là năm đầu tiên mình đón con về. Mình cho con đi Hàng Mã. Những năm sau mình đều cho các con đi mặc dù chen chúc bở hơi nhưng để con hiểu và biết những điều gì là truyền thống còn mãi qua các năm còn những điều gì thay đổi.
Mình cho con cả đi học làm bánh, tham gia những buổi tối Trung thu cùng các bạn để con hiểu. Cách đây vài năm con lớn thì mình không cần phải cho con đi nữa và con cũng không còn thích nữa.
Mặc dù vất vả chen chúc ở chợ Hàng Mã nhưng chị Mai Anh vẫn cố gắng cho con đi chơi, mang lại tuổi thơ thật đẹp cho các con mỗi mùa Trung thu về.
Nhân có ước mơ sống một cuộc sống vui vẻ theo ý mình. Mình lúc nào cũng thích con vui vẻ, sống thoải mái với ước mơ, sở thích của con và mình sẽ luôn ủng hộ con.
-Mai Anh-
”Những điều gì về Trung thu mà chị luôn cố gắng giữ cho Thiện Nhân và các con đến bây giờ?
Đó là khi ăn bánh Trung thu, cả nhà mình ăn sẽ chờ nhau về cùng ăn, cùng pha trà và làm mọi thứ. Mình luôn cố gắng mỗi năm cả nhà phải ăn một chiếc bánh Trung thu thập cẩm truyền thống. Dù không thích nhưng mọi người đều cố ăn một miếng thay vì ăn những chiếc bánh khác nhân khác. (Cười)
Năm nay, mình làu bàu vì bao nhiêu bánh Trung thu ở nhà mà không tìm được chiếc bánh nào nhân thập cẩm truyền thống có chút mỡ, bí,.... Đó là điều mẹ con mình nói về Trung thu, thà ăn chiếc bánh ngọt caramen trà xanh còn hơn ăn chiếc bánh Trung thu nhân caramen trà xanh.
Trung thu năm nay của Thiện Nhân và 2 anh phá cỗ cùng bạn bè.
Lớn rồi, Thiện Nhân và các anh có hào hứng về Trung thu như hồi bé không?
Nhân và các anh vẫn háo hức về Trung thu lắm vì thích được chơi và có thêm lý do để tối xin đi chơi với bạn bè. Đó là lý do cao cả đấy chứ thay vì con chỉ xin cho con đi chơi nhé. Trung thu con sẽ bảo “Ngày hôm nay cho con đi chơi Trung thu với bạn” thì bố mẹ nào từ chối được.
Riêng cái lý do đó cũng đủ làm con thích hơn, rồi con đi chơi có ánh sáng, âm nhạc, bạn bè vui vẻ hơn chứ không phải con háo hức đến Trung thu để ngắm chú Cuội, chị Hằng.
Trung thu nay thực sự không bằng ngày xưa nhưng điều đó là do mình thôi. Nếu mình không chịu khó đi tìm một chiếc bánh nhân thập cẩm truyền thống, không chịu khó vất vả, vật lộn với con ở đám đông chợ Hàng Mã giữa trời nóng thì có bày cỗ to đến mấy con cũng không có nhiều ý nghĩa bởi cái lưu giữ của ngàn năm để lại là cái hồn, cái cảm xúc trong tinh thần. Và cái hồn, tinh thần về Trung thu mình phải xây dựng từ nhiều năm trước cho con khi đứa trẻ còn nhỏ. Khi đã có tinh thần đó rồi thì mâm cỗ Trung thu có thiếu đi một thứ cũng không quan trọng.
Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!