Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết có thể trẻ bị tự kỉ để cha mẹ kịp thời đưa trẻ đi khám và có biện pháp xử lí kịp thời.
Tự kỷ ở trẻ em là những rối loạn bất thường trong quá trình phát triển tự nhiên của một đứa trẻ. Trẻ bị tự kỷ khó hòa nhập với bạn bè và cộng đồng, thường sống thu mình lại và ngại giao tiếp với mọi người. Theo thống kê gần đây của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ, tỷ lệ trẻ bị tự kỷ đang ngày càng tăng, cứ 88 bé thì có một em bị tự kỷ.
Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết có thể trẻ bị tự kỉ để cha mẹ kịp thời đưa trẻ đi khám và có biện pháp xử lí kịp thời:
(Ảnh minh họa)
Kĩ năng xã hội của trẻ tự kỉ
- Không giao tiếp bằng mắt với người đối diện hoặc giao tiếp bằng mắt rất ít
- Không phản ứng đáp lại nụ cười của bố mẹ hoặc những biểu cảm khác trên khuôn mặt.
- Không nhìn vào những đồ vật hoặc sự kiện mà bố mẹ nhìn vào hoặc chỉ cho bé thấy
- Không chỉ trỏ vào đồ vật hoặc sự kiện để yêu cầu bố mẹ nhìn theo
- Khôngkhoe những đồ vật yêu thích hoặc chia sẻ sở thích cá nhân cho bố mẹ thấy
- Không có những biểu cảm trên khuôn mặt phù hợp với hoàn cảnh
- Không thể nhận thức được mọi người đang nghĩ gì hay cảm thấy điều gì bằng cách nhìn vào biểu hiện trên khuôn mặt họ
- Không thể hiện sự quan tâm, để ý tới bất kì ai.
- Không thể kết bạn hoặc không có hứng thú kết bạn
Kĩ năng giao tiếp của trẻ tự kỉ
- Không chỉ vào đồ vật để thể hiện nhu cầu hoặc sự chia sẻ với mọi người
- Không nói được bất kì một từ nào khi đã được 16 tháng tuổi
- Lặp lại chính xác lời những gì người khác nói mà không hiểu nghĩa (chỉ biết nhại lại)
- Không phản ứng lại khi được người khác gọi tên nhưng có phản ứng với những âm thanh khác (chẳng hạn như tiếng còi xe, tiếng mèo kêu,...)
- Dùng lộn xộn, sai đại từ nhân xưng, cách xưng hô
- Thường không muốn giao tiếp, kết nối với ai
- Không bắt đầu hoặc không thể tiếp tục một cuộc hội thoại
- Không chơi trò “đóng giả” như các em bé bình thường vẫn chơi (trò chơi dùng đồ chơi hoặc các đồ vật để tái hiện, bắt chước cuộc sống thật)
- Có thể học vẹt khá tốt, đặc biệt là về chữ số, chữ cái, bài hát hoặc một chủ đề đặc biệt nào đó
- Có thể bị mất một số mốc phát triển ngôn ngữ, thường từ tầm 15-24 tháng tuổi.
Kĩ năng hành vi của trẻ tự kỉ
- Vẫy, xoay, đu đưa ngón tay, đi thòng tay hoặc đi nhón gót chân trong thời gian dài
- Thích những thói quen, hành động lặp đi lặp lại, gặp khó khăn với sự thay đổi
- Bị ám ảnh với một vài hoạt động bất thường, thích làm chúng lặp đi lặp lại suốt cả ngày
- Thích chơi với các bộ phận của đồ chơi thay vì chơi với toàn bộ đồ chơi (chẳng hạn như thích chơi với bánh xe của chiếc xe tải đồ chơi)
- Dường như không cảm nhận được sự đau đớn
- Có thể rất nhạy cảm hoặc không nhạy cảm một chút nào với các mùi, âm thanh, ánh sáng, cấu trúc và việc chạm, tiếp xúc
- Thích nhìn đồ vật từ những góc nhìn đặc biệt hoặc thích nhìn chằm chằm vào đồ vật.
Một số ví dụ về khác biệt giữa trẻ bình thường và trẻ tự kỉ
Trẻ 12 tháng
Trẻ phát triển bình thường sẽ ngoảnh đầu lại khi có người gọi tên trẻ.
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể sẽ không ngoái lại để nhìn, thậm chí ngay cả khi tên trẻ được gọi đi gọi lại nhiều lần, nhưng trẻ lại phản ứng với những âm thanh khác.
Trẻ 18 tháng
Trẻ chậm nói sẽ chỉ trỏ, làm động tác hoặc dùng biểu cảm trên khuôn mặt để bù cho sự chậm trễ về năng lực nói.
Trẻ mắc hội chứng tự kỉ có thể sẽ không cố gắng làm hành động nào để bù cho việc chậm nói của mình hoặc có thể giới hạn khả năng nói chỉ trong tầm lặp lại những câu được nghe trên ti vi hoặc những câu vừa nghe thấy xong.
Trẻ 24 tháng
Trẻ phát triển bình thường sẽ mang đến một bức tranh để khoe với mẹ và chia sẻ niềm vui từ bức tranh với mẹ.
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ có thể sẽ mang đến cho mẹ một cái chai để nhờ mẹ mở giúp, nhưng bé không nhìn vào mặt mẹ hoặc không thể hiện cảm xúc.
Cha mẹ hãy tin vào trực giác của mình!
Nếu bạn cảm thấy nghi ngờ về khả năng con chơi, học, nói năng hay ứng xử, hãy tham khảo ngay ý kiến của bác sĩ. Hãy nhớ rằng, cha mẹ luôn là người hiểu con rõ nhất và trực giác của bạn rất quan trọng. Hành động càng sớm càng tốt để kịp thời phát hiện ra vấn đề và chữa trị hiệu quả!