Em chồng lấy đồ của chị dâu để giải tỏa, phải xử lý thế nào cho đúng?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/05/2024 16:22 PM (GMT+7)

Nên xử lý thế nào khi em trai tự kỷ của tôi thỉnh thoảng lại lấy đồ lót của chị dâu? Chuyên gia trị liệu tâm lý Phan Thị Lan Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em sẽ tư vấn về vấn đề này.

Chuyên gia tâm lý Phan Thị Lan Hương

Chuyên gia trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý học đường; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam

Xem tất cả bài viết của chuyên gia
Hồng Quân (Hà Nội) (hoanghongquan***@gmail.com)

Em trai tôi 20 tuổi, bị tự kỷ và hiện ở cùng vợ chồng tôi. Em ấy thường xuyên lấy đồ lót của chị dâu để "tự xử" dù tôi đã nhắc nhở nhiều lần. Em có đủ khả năng để nhận thức được những điều nhắc nhở đó nhưng không thay đổi. Với trường hợp này tôi phải xử lý, hỗ trợ như thế nào với em trai?

Em chồng lấy đồ của chị dâu để giải tỏa, phải xử lý thế nào cho đúng? - 1
Chuyên gia tâm lý Phan Thị Lan Hương

Trẻ tự kỷ vẫn có nhu cầu sinh lý bình thường

Trẻ khuyết tật nói chung hay trẻ tự kỷ nói riêng đều có nhu cầu sinh lý bình thường theo độ tuổi sinh học (không tính độ tuổi phát triển). Cũng như những trẻ không tự kỷ, các bạn ấy đều có độ tuổi dậy thì khác nhau, không bạn nào giống bạn nào.

Tuy nhiên, việc dạy những kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì đối với trẻ tự kỷ sẽ khiến cha mẹ và thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn do các em có những hạn chế về trí tuệ, về kỹ năng tương tác xã hội hay khả năng giao tiếp và thể hiện nhu cầu qua giao tiếp...

Một ví dụ đơn giản là trẻ rất khó để hiểu và phân biệt những cảm xúc yêu thương giữa con cái - bố mẹ; giữa mình với anh chị em trong gia đình, hay cảm xúc "tình yêu" với một bạn khác giới (hoặc cùng giới)… Tất cả là một quá trình chỉ bảo và hỗ trợ kỹ càng và dày công từ cha mẹ và thầy cô giáo, chưa kể các kỹ năng và các vấn đề khác liên quan đến cơ thể và ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

Hãy tìm hiểu kỹ càng trước khi can thiệp hành vi

Quay trở lại trường hợp trên, em trai bạn khoảng 20 tuổi, độ tuổi này các bạn ấy đạt được chiều cao và cân nặng của người trưởng thành và đã qua tuổi dậy thì. Như bất cứ bạn trẻ nào giai đoạn tuổi này, nồng độ testosterone trong cơ thể đạt tới đỉnh điểm, nên nhu cầu về tình dục cao và bị thu hút bởi những yếu tố kích thích liên quan đến tình dục (hình ảnh, vật dụng, âm thanh, xúc giác...).

Khi muốn hỗ trợ trẻ, nhất là trẻ tự kỷ có hành vi sai lệch thì cần tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp. Ảnh minh họa.

Khi muốn hỗ trợ trẻ, nhất là trẻ tự kỷ có hành vi sai lệch thì cần tìm hiểu kỹ lưỡng để đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp. Ảnh minh họa. 

Do vậy, trước khi xử lý hành vi không mong đợi, hay còn gọi là "hành vi sai lệch" của em trai bạn, chúng ta cần trả lời một số câu hỏi để có thể hỗ trợ bạn ấy tốt nhất như:

- Bạn ấy từng được dạy, hỗ trợ kiến thức về sức khỏe sinh sản trước đó hay không? Bao gồm cả sức khỏe, hành vi, cảm xúc tình dục...?

- Bạn ấy có ý thức được về hành vi của mình là nên hay không nên, về việc sử dụng đồ lót của chị dâu để thủ dâm?

- Nếu đã được nhắc nhở (bởi anh trai) thì điều gì khiến bạn ấy lặp lại hành vi sau đó?

- Tuổi trí tuệ của bạn ấy là bao nhiêu? Điều này để kiểm tra rằng, những nhắc nhở của người hỗ trợ liệu bạn ấy có quên hay không.

- Liệu bạn ấy đang mong muốn/cần có một bạn gái hay không?

- Bạn ấy cảm thấy thế nào khi sử dụng đồ lót của chị dâu để thủ dâm và liệu thay thế bằng một đồ dùng khác sẽ có cảm giác như thế nào?

- Việc lặp đi lặp lại hành vi sau khi được nhắc nhở liệu có phải là một nhu cầu được quan tâm, để ý?

- Bạn ấy có được học các quy tắc đúng đắn về ứng xử phù hợp với các đồ dùng của người khác giới? Điều này bao gồm cả việc giao tiếp, ứng xử với những người khác giới.

- Bạn ấy có được dạy về các hành vi thay thế khác để có thể đáp ứng và thay thế hành vi hiện tại không?

- Bạn ấy chỉ sử dụng đồ lót của chị dâu hay với cả những người phụ nữ/bé gái khác?

- Bạn ấy có được dạy về các kiến thức xâm hại tình dục, hành vi tình dục và pháp luật?

- Bạn ấy có được hiểu và hỗ trợ để hiểu được những cảm xúc đang diễn ra trong cơ thể mình?

- Bạn ấy có được hướng dẫn để giải tỏa năng lượng tình dục? Ví dụ như, thông qua các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí hay kể cả chế độ ăn uống làm giảm nhu cầu tình dục.

- Bạn ấy có tiếp xúc với nguồn kích thích tình dục khác như phim, hình ảnh... liên quan đến tình dục?

Sau khi tìm hiểu kỹ về những vấn đề nêu trên, chúng ta mới có được một phác đồ can thiệp về hành vi cho bạn ấy một cách hiệu quả và phù hợp. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo cho bạn ấy một khoảng không gian (phòng ngủ, nhà tắm...) để có thể giải phóng năng lượng tình dục của mình một cách riêng tư và an toàn nhất.

Đôi khi, đối với chúng ta, những hành vi đó là sai, nhưng các bạn ấy sẽ có một lý do riêng. Vấn đề là chúng ta có đủ kiến thức và sự hiểu về các hành vi ấy để hỗ trợ tốt nhất, đúng đắn nhất.

Mọi thắc mắc của bạn đọc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý bạn đọc đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3-5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Mẹ Sài Gòn nghỉ việc, ở nhà dạy con tự kỷ và trái ngọt sau 3 năm cần mẫn làm một điều, bác sĩ cũng khen
Sau khi phát hiện con tự kỷ rất thích và có thể vẽ, mỗi ngày chị Như ngồi bên con cùng chơi, tập vẽ từ nét đơn giản đến khó và giúp bé đọc bảng chữ...

Trẻ tự kỷ

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe tinh thần