Những điều cần biết về bệnh sởi ở trẻ em

Ngày 28/09/2015 14:13 PM (GMT+7)

Hiện nay sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính lây truyền cao và khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu chưa có miễn dịch phòng bệnh. Bệnh sởi có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng... Hiện nay sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nếu không bị biến chứng của bệnh, bé có thể tự khỏi bệnh sau 7 đến 10 ngày.

Triệu chứng của bệnh sởi:

Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường xuất hiện trong vòng đến 3 tuần khi bé bị nhiễm virus sởi, bao gồm:

Các triệu chứng ban đầu giống như cảm cúm: Bé bị sốt, có thể sốt cao kèm theo hắt hơi sổ mũi, ho, đau mắt đỏ, chảy nước mắt. Sau từ 1-2 ngày trên da bé xuất hiện các nốt ban sẩn nhỏ li ti màu hồng, khi ấn tay vào thì ban biến mất. Thông thường ban mọc từ mặt xuống cổ, thân mình rồi bị ở tay, chân. Ban thường kéo dài 4-7 ngày, ban bay đi để lại các vết thâm trên da mà ông bà thường gọi là vằn da hổ. Nội ban (hạt Koplik) xuất hiện ở một số trẻ. Đó là các hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà/xám, quanh có viền đỏ, thường thấy xuất hiện nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).

Các mẹ hãy nhớ nếu bé có sốt và phát ban, kèm theo một trong các dấu hiệu sau: Ho, chảy nước mũi, đau mắt đỏ thì mẹ cần đưa bé đi khám để được xét nghiệm, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp. Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả điều trị khi bé bị biến chứng nhiễm trùng. Do vậy, các bà mẹ không nên tự ý cho bé uống kháng sinh mà phải thực hiện theo đơn của bác sỹ.

Đây là bệnh do vi rút nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bé yêu bị sởi, cần cho bé uống thật nhiều nước, vitamin, ăn hoa quả, các chất giàu dinh dưỡng, dễ tiêu. Các biến chứng nặng của sởi là do cơ thể thiếu đề kháng và kiêng cữ quá mức.

Nguyên nhân gây bệnh sởi

Bệnh sởi hình thành do vi rút (còn gọi là siêu vi) sởi nằm ở đường hô hấp của người bệnh, chính vì thế nó rất dễ lây lan từ người này qua người khác bằng hai cách:

Cách thứ nhất: khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi, ho… thì vi rút sởi sẽ theo ra ngoài không khí bằng những giọt nước nhỏ xíu, người khác vô tình hít vào sẽ bị lây nhiễm.

Cách thứ hai: Những giọt nước đó bị vương vào đồ đạc xung quanh, chỉ cần bạn sờ vào những đồ đạc ấy và vô tình đưa tay lên mũi, miệng thì bạn cũng sẽ bị lây bệnh. Trên 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây nhiễm nếu chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch bị tổn thương thì nguy cơ càng cao hơn.

Thông thường, mỗi người chỉ bị bệnh sởi 1 lần duy nhất trong đời. Nếu đã từng mắc sởi thì khi lớn lên thường không mắc phải căn bệnh này nữa.Các bé dưới 5 tuổi, đặc biệt là bé dưới 1 tuổi rất dễ gặp phải vì lúc này hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên đối với các bé dưới 6 tháng tuổi vì có hệ miễn dịch từ sữa mẹ nên khả năng mắc bệnh rất thấp.

Những điều cần biết về bệnh sởi ở trẻ em - 1

Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi. (Ảnh minh họa)

Cách chăm sóc trẻ khi bị sởi

Lau người, đánh răng, thay ga, đệm, quần áo hàng ngày cho bé là việc làm cần thiết để giữ vệ sinh, hạn chế mắc các bệnh nhiễm trùng.

 Phòng của bé phải thoáng mát, tránh gió lùa, được vệ sinh thường xuyên. Không nên đóng kín phòng.

Trong giai đoạn bị bệnh sởi, nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước hoa quả. Cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, cam, táo, lê… uống sữa. Nếu bé biếng ăn mẹ có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để cung cấp đầy đủ năng lượng cho trẻ, giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Khi bị sởi, trẻ rất dễ bị mất nước do nôn, tiêu chảy và sốt cao, vì vậy cần phải được bù nước bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, khoảng 6-8 cốc nước/ngày để giảm thiểu tình trạng mất nước của cơ thể. Không nên uống các loại nước kích thích, có ga.

Nhỏ thuốc mũi hoặc mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mắt mũi chuyên dùng khoảng 3, 4 lần/ngày. Nếu trẻ không bị biến chứng thì tuyệt đối không dùng kháng sinh, nên bổ sung các vitamin cho bé như vitamin C, B1, A hoặc các vitamin tổng hợp

Nếu trẻ bị biến chứng hoặc khi liên tục bị sốt cao, hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ và đưa trẻ đến bệnh viện để theo dõi và điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh sởi

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Vắc xin sởi là an toàn và được sử dụng tại hơn 190 quốc gia trong hơn 50 năm qua. Trước đây, hầu hết mọi người đều mắc sởi trước khi qua tuổi 15. Việc tiêm chủng vắc xin sởi trong nhiều năm qua đã giúp cho nhiều thế hệ trẻ em thoát khỏi căn bệnh này.

Trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm vắc xin phối hợp phòng đồng thời bệnh sởi và bệnh rubella (MR). Trong thời gian vừa qua, do trì hoãn không tiêm mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng cho bé mà đợi đến 12 tháng tuổi để tiêm vắc xin 3 trong 1 sởi-quai bị-rubella khiến cho nhiều bé mắc bệnh sởi và tử vong đáng tiếc.

Tiêm chủng là quyền lợi của trẻ. Các bà mẹ hãy đưa con đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi đủ mũi, đúng lịch cho trẻ tại các trạm y tế xã/phường trên cả nước. Đừng bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh cho con mình.

Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường.

Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi

Gia An (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh sởi ở trẻ em