Tiêm phòng vắc xin Viêm gan B là một trong những biện pháp hữu hiệu hàng đầu để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm viêm gan B ở trẻ nhỏ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Bách – Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: Nhiễm virus viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất của loài người. Khoảng 2 tỉ người đã nhiễm siêu vi B và 350 triệu người trở nên nhiễm mạn tính . Khoảng 25%---40% sẽ chết dần dần vì bệnh gan như: xơ gan , ung thư gan.
Viêm gan B lây truyền qua các đường:
- Lây truyền từ mẹ sang con
- Quan hệ tình dục với người bị nhiễm
- Tiếp xúc với máu người bị nhiễm( phần cơ thể bị tiếp xúc có các xây xước nhỏ)
- Dùng chung bàn chải, dao cạo với người bị nhiễm
- Mẹ bị nhiễm viêm gan B nhai thức ăn cho bé
- Qua kim không khử trùng sạch: chích thuốc, châm cứu, xăm mình,...
Nên tiêm Vắc xin viêm gan B cho trẻ như thế nào?
Đối với trẻ sơ sinh:
- Tất cả trẻ sơ sinh mới sinh nên tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt
- Vắc xin sẽ giúp cho trẻ có miễn dịch cả cuộc đời.
- Liều vắc xin có thể là 3,4 tùy loại vắc xin
- Mũi thứ 2 thường sau 1 thứ nhất 1 đến 2 tháng
- Mũi cuối cùng thường sau 1 năm.
- Sau khi tiêm đủ các mũi vắc xin các bác sỹ sẽ xét nghiệm để kiểm tra miễn dịch của trẻ với virus viêm gan B đã đạt chưa, thời gian là sau 1 đến 2 tháng từ mũi cuối cùng(thường là xét nghiệm HbsAg và anti Hbs ). Vì vậy mẹ của bé nên đưa bé đi kiểm tra sau khi tiêm đủ các mũi vắc xin.
Tiêm phòng Viêm gan B là việc làm cần thiết để mẹ bảo vệ sức khỏe của con
Đối với trẻ có mẹ mắc viêm gan B thì có thể phải sử dụng thêm một loại thuốc chứa kháng thể đặc hiệu với viêm gan B( gọi là Globin miễn dịch với virus viêm gan B_ HBIG) cùng sử dụng song song với tiêm vắc xin viêm gan B tốt nhất là trong vòng 12 giờ sau khi sinh.
Đối với đối tượng chưa bị nhiễm viêm gan B:
- Các bác sỹ sẽ kiểm tra chắc chắn cho bệnh nhân chưa bị nhiễm viêm gan B bằng các xét nghiệm: HbsAg và anti Hbs. Khi xác định bệnh nhân chưa mắc viêm gan B thì các bác sỹ sẽ cho họ tiêm phòng theo liệu trình 3 hoặc 4 mũi(tùy loại vắc xin). Sau khi tiêm đủ liệu trình họ sẽ được các bác sỹ xét nghiệm máu để đánh giá hiệu quả của tiêm phòng vaccin đã đạt chưa.
Sau khi tiêm phòng, trẻ nên theo dõi những gì?
Cũng theo Thạc sĩ Bách, sau khi tiêm phòng vắc xin các mẹ nên ở lại nơi tiêm phòng để theo dõi các biến chứng gần của tiêm phòng: sốc do thuốc, co giật (các biến chứng này hiếm)
Khi về nhà bạn sẽ phải theo dõi xem trẻ có các tác dụng phụ không mong muốn khi tiêm vắc xin. Ví dụ như:
- Sốt: đối với biểu hiện này bạn chỉ cần theo dõi nhiệt độ (nếu lớn hơn 38,5 độ C bạn có thể dùng thuốc hạ sốt cho trẻ) và có thể dùng lại sau 4-6 tiếng. Mẹ chăm sóc bé chỉ cần lau người hoặc cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước trẻ mất khi sốt. Khi trẻ không chịu chơi, li bì, quấy khóc hoặc cùng các biểu hiện như: nôn, ho, thở nhanh mẹ phải kịp thời đưa bé đến cơ sở y tế để khám, điều trị.
- Nôn: thông thường nếu sau khi tiêm trẻ nôn thì bạn nên theo dõi xem trẻ có nôn liên tục không, nếu trẻ chỉ nôn 1,2 lần sau lại chơi đùa bình thường không bị xuất hiện nôn thì bạn có thể thử cho trẻ ăn nhẹ rồi ăn bình thường. Nếu trẻ bị nôn liên tục nhiều lần, mệt, không ăn được, li bì thì bạn phải đưa trẻ đi khám ngay.
- Ngoài ra nếu có biểu hiện bất thường khác: khó thở, co giật… thì bạn nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế.
- Bạn cũng không nên quên theo dõi xung quanh vết tiêm kháng sinh có bị sưng tấy hoặc hóa mủ để kịp thời đến khám bác sỹ.
- Luôn tuân thủ chỉ định và các xét nghiệm để đánh giá hiệu quả của việc tiêm phòng của bác sỹ (thường sau khi tiêm mũi cuối cùng)
Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường. Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi |