10 tháng tuổi là giai đoạn tuyệt vời trong sự phát triển của bé. Bé đã có thể bò, nói bi bô, bắt chước hành động của mọi người xung quanh và phát triển tính cách riêng rõ nét.
10 tháng tuổi là cột mốc đánh dấu sự thay đổi lớn của bé. Mẹ sẽ phải ngạc nhiên về tốc độ phát triển của con. Bây giờ con đã có khả năng giao tiếp độc lập và hình thành tính cách riêng rõ nét. Vào độ tuổi này mẹ nên mua cho bé một vài cuốn sách yêu thích, đồ chơi phát triển trí tuệ, thú nhồi bông. Mẹ cũng có thể bắt đầu dạy bé về các bài hát và các trò chơi mới để giúp con phát triển tốt hơn.
Và giờ, mẹ hãy cùng tìm hiểu xem trẻ 10 tháng tuổi biết làm gì?
1. Khả năng vận động
Khi 10 tháng tuổi, trẻ có thể tự do khám phá thế giới xung quanh theo nhiều cách khác nhau. Bây giờ bé đã có thể bò khắp nơi, đứng dậy khi đang ngồi, từ từ ngồi xuống, và lân la đi xung quanh khi vịn tay vào đồ vật hoặc tay mẹ. Bé sẽ đi vững trong vài tháng tới vì vậy mẹ sẽ sớm nhìn thấy bé tung tăng khắp nhà.
Trẻ 10 tháng tuổi có thể bò khắp nhà. (Ảnh minh họa)
Khả năng phối hợp của bé cũng đã phát triển hơn rất nhiều. Bé có thể cầm những đồ vật nhỏ bằng tay, có thể dễ dàng phát hiện các đồ vật quanh mình và nhanh chóng lấy chúng. Hãy đảm bảo rằng các đồ vật nhỏ có thể gây nghẹt thở như đồng xu ở xa tầm với của bé. Bây giờ bé đang di chuyển khắp nơi trong nhà để khám phá nên mẹ cần dọn dẹp lại nhà cửa thật cẩn thận để loại bỏ tất cả các đồ vật nguy hiểm.
Bé cũng bắt đầu học được cách xếp hình đồ vật hoặc chồng các cốc lên nhau. Đồng thời cũng có thể giữ đồ chơi trong một tay và tay kia làm việc khác.
2. Giấc ngủ
Khi 10 tháng tuổi, bé thường ngủ 1 - 2 tiếng vào ban ngày. Mẹ nên cho bé ngủ vào buổi trưa sau khi ăn để bé có thể tỉnh táo vào buổi chiều, đồng thời cũng giúp bé vui vẻ hơn. Hôm nào mẹ bỏ qua giấc ngủ trưa thì cần cho bé ngủ bù thêm 1, 2 tiếng vào buổi tối.
3. Thói quen ăn uống
Mẹ có thể tiếp tục mở rộng thực đơn của con bằng các loại trái cây, rau, ngũ cốc, sữa chua và thịt. Hãy tránh các loại thức ăn dễ gây nghẹt thở như bỏng ngô, nho khô, kẹo cứng, các loại hạt, xúc xích cắt khoanh. Bé đã có vài chiếc răng vì vậy mẹ có thể cắt đồ ăn thành dạng thanh để con tập thực hành kỹ năng phối hợp bằng cách nhặt thức ăn lên và cho nó vào trong miệng.
4. Bé giao tiếp tốt hơn
Ở độ tuổi này bé có thể bắt chước mọi thứ xung quanh từ việc chải tóc, gọi điện thoại... sẽ lắng nghe các âm thanh của từ ngữ và theo dõi cẩn thận để đánh giá phản ứng của người lớn với các tình huống khác nhau. Nếu mẹ khóc khi xem phim buồn, bé cũng có thể bắt chước tỏ ra buồn rầu theo.
Trẻ 10 tháng tuổi biết thực hiện các lệnh đơn giản. (Ảnh minh họa)
Trẻ 10 tháng tuổi có thể hiểu và làm theo các yêu cầu đơn giản như “tạm biệt” hoặc “vỗ tay”. Bé cũng có thể nhận biết tên gọi của mọi thứ xung quanh. Khi mẹ nói “xe”, “con chó”... trẻ có thể chỉ vào vật đó. Đồng thời bé cũng sẽ phản ứng khi được gọi tên.
Một số bé sẽ cố gắng nói một số từ, trong khi số khác sẽ bắt đầu nói muộn hơn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bé bắt đầu nói từ đầu tiên khi được 10 hoặc 11 tháng tuổi. Những từ bé hay nói đầu tiên là gọi "mẹ" và "bố".
5. Bé nhớ mọi thứ xung quanh
Khả năng nhớ của bé ngày một tốt hơn. Một vài tháng trước, mỗi ngày giống như một khởi đầu hoàn toàn mới thì bây giờ bé đã có thể nhận ra nhiều khuôn mặt quen thuộc (thậm chí cả nhưng người họ hàng mà bé chưa từng nhìn thấy trong một tháng), bé nhớ đồ chơi để ở đâu và có thể nhớ cả đường đi.
6. Hình thành tính cách riêng
Bé đã bắt đầu có những đặc điểm tính cách riêng biệt. Có bé là người thích giao tiếp xã hội, hay mỉm cười với mọi người. Trong khi lại có trẻ khá nhút nhát, e dè và thường giấu mặt đi khi có người lạ đến trò chuyện. Ở độ tuổi này bé sẽ học cách phát triển suy nghĩ của riêng mình. Bé sẽ phản đối khi không thích những việc mẹ làm như đặt thêm ghế ngồi vào xe đẩy của bé.
10 tháng tuổi sẽ là giai đoạn tuyệt vời để mẹ trải nghiệm cùng bé những kĩ năng mới. Mẹ nhớ dành nhiều thời gian để trò chuyện, tìm hiểu sẽ tốt cho bé hơn rất nhiều đó.
>> XEM TIẾP: Bé 9 tháng ăn uống tốt nhưng hay bị táo bón, ngủ không sâu giấc có làm sao không?
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2 và thứ 5 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |