Anh Thịnh và chị Hậu đến với nhau, cùng mắc khuyết tật tứ chi ngắn, cao không quá 1m1, cơ thể mãi như đứa trẻ lên 6.
Ngày 26/7, các bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã mổ sinh con cho bà mẹ cao 1,1 mét. Em bé khoẻ mạnh trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của cặp vợ chồng vô cùng đặc biệt này.
Tình yêu đến từ đồng cảm
Ông bố đặc biệt này là anh Quàng Văn Thịnh, quê huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Vừa ôm cô con gái, anh Thịnh vẫn chưa tin vào sự thật mình đã được làm cha. Ánh mắt hạnh phúc nựng con, anh Thuần kể về hoàn cảnh đặc biệt của mình.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, thuần nông ở tận vùng núi nghèo của Điện Biên, trong 5 anh em, chỉ duy nhất mình Thịnh luôn mãi mãi trong cơ thể của trẻ lên 6.
Thân hình nhỏ thó, anh Thịnh lúc nào cũng tự ti, mặc với mọi người xung quanh ngay từ ngày còn nhỏ. Nhiều lần nhìn bạn bè cùng trang lứa cao lớn, lực lưỡng, anh Thịnh lại hờn trách số phận, ông trời không công bằng với mình. Anh không bao giờ dám nghĩ đến ngày nào đó mình sẽ yêu và kết hôn với ai.
Học hết lớp 10, thông qua báo đài, Thịnh được biết trên Hà Nội có những trung tâm dành cho người khuyết tật. Anh Thịnh khăn gói lên đường mà không lường hết những khó khăn sẽ đến với mình. Một thân, một mình đến Hà Nội, Thịnh đăng ký vào một trung tâm người khuyết tật. Nhờ có giọng hát hay nên Thịnh tham gia vào đoàn hát của trung tâm. Tại đây, Thịnh đã gặp được người vợ của mình - Nguyễn Thị Hậu quê Hải Dương. Có lẽ đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất với Thịnh.
Hai người đều bị tứ chi ngắn nên gặp nhau, họ tìm được sự đồng cảm trong nỗi thiệt thòi không biết chia sẻ cùng với ai. Hai trái tim đồng cảm đã kết nối Thịnh với Hậu thành một đôi. Tuy nhiên, lúc yêu nhau và nghĩ đến hôn nhân, Hậu và Thịnh đều lo lắng bởi người khoẻ mạnh thành gia đình còn bao chông gai thì với hai người đều khuyết tật về hình thể không biết tương lai sẽ ra sao.
Vợ chồng anh Thịnh và con gái.
Được bạn bè ở trung tâm ủng hộ, Thịnh và Hậu đã quyết định đi đến hôn nhân. Sau đám cưới được vài tháng, Hậu có thai. Dù hạnh phúc khi sắp được lên chức nhưng cứ nghĩ đến không biết con ra sao, anh chị lại lo lắng. Nhiều đêm, hai vợ chồng ngồi cầu nguyện chỉ mong sao con khoẻ mạnh, cao lớn như những đứa trẻ bình thường khác.
Sắp có thêm thành viên mới, lại thêm khoản lo thuê nhà ở Hà Đông, hàng ngày, anh Thịnh đi bán hàng lặt vặt như bông tăm, kẹo cao su… Vợ có bầu cũng yếu nên chị ở nhà nghỉ ngơi. Hai vợ chồng cố gắng cũng đủ chi tiêu hạn hẹp mỗi ngày vài chục nghìn đồng. Khó khăn, nóng nắng có lúc khiến anh chị muốn về quê. Nhưng nghĩ đến muốn được sinh con khoẻ mạnh ở Hà Nội, vợ chồng Thịnh – Hậu lại cố gắng.
Chỉ mong con gái khoẻ mạnh
Nhìn Thịnh tất bật vừa chăm cô con gái mới sinh, lại vừa chăm vợ còn đau đớn sau ca mổ, trong viện ai cũng cảm phục tình yêu của đôi vợ chồng “mét mốt”. Ngày vợ nhập viện mổ sinh, trong túi Thịnh vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng mang đi đóng viện phí. Chí phí ăn uống hàng ngày cũng phải tằn tiện. Bữa cơm vội của Thịnh chỉ lèo tèo đôi ba miếng thịt và đậu. “Em quen rồi. Bây giờ với vợ chồng em, điều mong mỏi hơn cả chính là cô con gái mới chào đời thật khỏe mạnh”.
Biết hoàn cảnh khó khăn của đôi vợ chồng tật nguyền Thịnh-Hậu, bác sĩ Nguyễn Văn Hà (người trực tiếp mổ sinh cho Hậu) cũng đã hỗ trợ đưa vợ con Thịnh vào chăm sóc ở khoa Điều trị tự nguyện.
Hai bà nội ngoại cũng tranh thủ thu xếp việc đồng áng lên chăm con, chăm cháu. Bà Nguyễn Thị Xi (mẹ của Hậu) chia sẻ: “Khi biết hai đứa quyết định đến với nhau, gia đình cũng nhiều lo lắng. Thế nhưng nhìn các con mạnh mẽ trong cuộc sống dù còn quá nhiều khó khăn vất vả, gia đình cũng vững lòng hơn”.
Chia sẻ dự định sau này, Thịnh cho biết, sau khi xuất viện, sẽ đưa vợ con về nhờ cha mẹ cưu mang chăm sóc một thời gian, còn Thịnh tiếp tục việc buôn bán hàng rong trên Hà Nội để kiếm tiền sinh nhai.
Những người khuyết tật như vợ chồng Thịnh để kiếm được việc ở Hà Nội rất khó khăn nên lúc nào Thịnh cũng mong có thể tìm được việc để có đồng ra, đồng vào lo lắng cho vợ và cô con gái.