Đã mấy ngày trời, anh Xá thức trắng ngoài phòng cấp cứu trong khi đứa con trai 4 tuổi đang nguy kịch vì viêm não Nhật Bản.
Nhập viện đã 4 ngày nhưng con trai anh Dương Văn Xá (26 tuổi, Phú Đô, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm vì viêm não Nhật Bản. Anh Xá cho biết, khi nhập viện, con trai anh (tên ở nhà là bé Còi) bị hôn mê, sốt cao (40 - 43 độ) và liệt nửa người. Hiện tại, bé vẫn đang được cấp cứu tại khoa khoa Truyền nhiễm đơn nguyên I - Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ và lo lắng, anh Xá giọng nghèn nghẹn cho biết: "Mấy ngày nay con vẫn nằm trong phòng cấp cứu nên bố mẹ không được vào, trừ những lúc phải vệ sinh cho bé. Ngồi chờ bác sĩ thông báo tình hình của con vài phút mỗi ngày mà cảm thấy thời gian sao dài thế. Bao nhiêu lo lắng cứ đè nặng lên lồng ngực. Suốt cả ngày, 2 vợ chồng mình trừ những lúc phải chạy đi mua thuốc cho con thì chỉ biết ngồi chờ đợi như thế này. Không ai nói câu nào, thậm chí nhìn nhau cũng không dám, chỉ sợ không nén được cảm xúc thì sẽ khóc mất. Lúc này, không chỉ bà xã mà đến mình cũng chẳng đủ mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho người kia..."
Không thể chợp mắt vì thương con
Hai mắt lờ đờ, thâm quầng vì mệt mỏi, anh Xá bùi ngùi: "Từ lúc con vào đây tới giờ, đã hơn 4 ngày trôi qua nhưng cả vợ, cả chồng đều không ngủ được chút nào. Cứ nhắm mắt vào là nghĩ đến con đang li bì sốt trong phòng cấp cứu, thế là lại "chong chong" nhìn vào đó, mặc dù cũng chẳng thấy được con. Bác sĩ cũng nói bé chưa thể hạ sốt ngay được và vẫn đang được theo dõi 24/24 nên chẳng biết khi nào con mới khỏe lại".
Anh Xá đang "nín thở" chờ nghe tình hình sức khỏe của con
Mắt đỏ hoe, anh Xá ngậm ngùi kể tiếp: "Cũng tại vợ chồng mình chủ quan quá, thấy con sốt 2 ngày rồi mà cứ nghĩ như mọi lần khác con ốm, nên chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt thôi. Ai ngờ đến lúc thấy con nóng quá, vội vàng đưa vào viện thì con đã nguy kịch như thế rồi. Sau khi xét nghiệm, được bác sĩ thông báo là con bị viêm não Nhật Bản, mình mới hoảng hồn vì sốc. Thực ra, cũng tại 2 vợ chồng suốt ngày bận việc nên không cập nhập được tình hình bệnh dịch nguy hiểm thế này. Vì thế con mắc phải mà không được cấp cứu kịp thời. Giờ thì chỉ cầu mong cho con qua khỏi thôi, chứ chẳng may con bị biến chứng gì thì cả đời mình sẽ sống trong ân hận mất" - Anh Xá bật khóc.
Anh cũng kể thêm, vợ chồng anh sinh đôi 2 bé thì 1 bé đợt trước về quê (Thái Nguyên) chơi, ông bà đã đưa đi tiêm phòng rồi nên giờ con vẫn khỏe mạnh. Hiện vợ chồng anh đang gửi bé cho ông bà trông dưới quê. Còn bé Còi thì ở nhà với bố mẹ, mà vợ chồng anh vì bận bịu nên chưa kịp đưa con đi tiêm phòng. Hậu quả là giờ con đang vô cùng nguy kịch. "Là lỗi tại mình quá chủ quan, vô tâm với con nữa. Giờ bé bị như thế này, thực sự mình đang day dứt lắm, lo cho con đến nghẹt cả thở chứ đừng nói là không ăn không ngủ được" - anh Xá nghẹn ngào.
"Giật gấu vá vai" trị bệnh cho con
Được biết, vợ chồng anh Xá đang thuê trọ ở Phú Đô (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội), kinh tế cũng khá khó khăn. "Lúc vào viện mình phải vay tạm của anh em, chú bác mỗi người một ít tiền để lo chi phí, chứ 2 vợ chồng làm vất vả lắm cũng chỉ đủ nuôi con, hoàn toàn không có khoản tích lũy nào". Vẻ mặt anh thoáng buồn bã nhưng rồi lại đầy quyết tâm: "Dù có phải bán nhà bán cửa hay làm bất cứ thứ gì, mình cũng không ngại. Chỉ mong con khỏe lại thôi. Khó khăn thế nào vợ chồng mình cũng chịu được, chỉ sợ nhất là con phải mang di chứng gì thì xót ruột lắm!"
Rất nhiều bé bị Viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi TW
Hiện tại, trên công ty lại đang gọi anh Xá đi làm, nhưng anh hết sức băn khoăn: "Dù ngồi ở đây chẳng làm được gì cho con, cũng không được gặp bé, nhưng nếu đi làm thì mình chẳng yên tâm chút nào. Nghĩ đến việc phải xa con mà ruột mình đã nóng như lửa đốt rồi, xót lắm! Nhưng nếu không đi làm, mất việc thì chẳng biết lấy tiền đâu để lo cho bé...". Một lần nữa, nước mắt ông bố trẻ lại rơi.
Những nỗi lòng nặng trĩu
Cũng có con đang phải cấp cứu vì viêm não Nhật Bản, anh Tuấn (Trùng Khánh, Cao Bằng) thì lặng lẽ ngồi trên ghế chờ với vẻ mặt không thể căng thẳng hơn. Anh bảo, con gái anh (9 tuổi) cũng đã nằm cấp cứu 6 ngày rồi, khiến anh lo lắng vô cùng. "Ở nhà, cháu mới có dấu hiệu sốt là tôi đưa lên bệnh viện huyện khám ngay. Sau đó người ta chuyển lên tỉnh, rồi lại vượt đường xá xa xôi lên Trung ương vì thấy có dấu hiệu khả nghi. Lên đây, xét nghiệm xong thì đúng là con bị viêm não Nhật Bản. Mấy ngày qua tôi chẳng dám chợp mắt tí nào. Không chỉ thương con mà còn lo lắng gấp bội nữa, vì bệnh này tôi biết là nguy hiểm lắm... Mặc dù các bác sĩ ở đây cũng rất tận tâm, nhiệt tình với bệnh nhân, nhưng con chưa có dấu hiệu khỏe lại nên tôi vẫn suốt ruột vô cùng" - anh Tuấn bùi ngùi.
Anh Tuấn ngồi bất động vì lo lắng cho con
Lại ngồi lặng lẽ và chăm chăm dõi mắt vào khu cấp cứu suốt nhiều giờ, mãi sau anh Tuấn mới quay sang hỏi phóng viên mà giọng như sắp nghẹn lại: "Cô đi nhiều nơi, cô có biết tình hình viêm não ở đó thế nào không? Có cháu nào bị di chứng không..." Nói rồi anh lại trầm ngâm nén tiếng thở dài. Ai cũng hiểu, anh đang lo lắng đến thế nào.
Không chỉ anh Tuấn, anh Xá, mà rất nhiều bố/mẹ và người thân của các bệnh nhi đang điều trị viêm não Nhật Bản đều có chung tâm trạng như vậy. Cô Vân (Nam Trực, Nam Định) cũng "đứng lên ngồi xuống" khi đứa cháu ngoại 9 tháng tuổi đang nằm viện suốt 20 ngày mà chưa khỏi. "Thằng bé vẫn sốt cao lắm, cổ cứng và cứ nằm li bì. Hiện cháu đang điều trị trong phòng bệnh nên mẹ được ở cùng. Còn tôi không được vào nhưng sốt ruột quá nên cứ "vạ vật" ở đây chứ về nhà thì chẳng yên tâm" - cô Vân cho biết. Còn chị Hoàng Thị Toan (Hà Giang) thì buồn rầu: "Con mình cũng nằm ở đây 25 ngày rồi mà chưa ra được. Mỗi khi trong phòng có bé ra viện là mình vừa mừng vừa tủi thân. Thương con quá mà không biết làm sao nữa".
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có thể dẫn tới tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao. Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo: - Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. - Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. - Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên lúc trẻ được 1 tuổi, mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi./. |