MC Minh Trang chia sẻ bí quyết chăm 4 con cực nhàn chỉ với bí quyết đơn giản mà bất cứ cha mẹ nào cũng có thể áp dụng được.
Cách dạy con tự giác trong mọi việc, từ học tập cho đến làm việc nhà,… là vấn đề nan giải của rất nhiều các bậc phụ huynh. Bởi tính tự giác là yếu tố quan trọng cần thiết ảnh hưởng đến sự bản lĩnh và tương lai của con sau này. Để rèn luyện cho con tính tự giác, cha mẹ cần có những phương pháp nuôi dạy phù hợp, hiệu quả, giúp con tự ý thức được những việc con cần làm.
Minh Trang sinh liền 4 đứa con trong vòng 7 năm.
Minh Trang là người dẫn chương trình, BTV kì cựu của VTV, cô đã kết hôn từ rất sớm và trong 7 năm cô đã sinh liên tục 4 người con. Vì vậy công việc ở đài vốn đã bận rộn nay càng bận rộn hơn nhưng cô vẫn có thể chăm sóc các con rất chu đáo. Đặc biệt cô còn thường xuyên chia sẻ về cách dạy con và chăm con trên mạng xã hội nên được rất nhiều chị em quan tâm.
Bà mẹ 4 con Minh Trang thường xuyên có những chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con vô cùng bổ ích.
Mới đây, bà mẹ 4 con vừa chia sẻ bí quyết giúp những nhà đông con có thể quản lý giờ giấc, sinh hoạt của các bé một cách đơn giản mà hiệu quả. Cụ thể, cô đưa ra một "check list" (danh sách) công việc cho từng bé, được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ sáng đến tối, việc này giúp các con tự giác thực hiện và hạn chế quên việc, bố mẹ cũng không bị căng thẳng hay rối bời vào đầu ngày.
XEM VIDEO: MC Minh Trang chia sẻ bí quyết giúp con tự giác làm việc.
Đặc biệt hơn, "check list" này do chính các con cô cùng nhau thực hiện, bé thì thiết kế mẫu, bé thì tô vẽ, mẹ sẽ phụ các con ép nhựa, in ra và dán lên trước cửa phòng. Sau khi có lịch làm việc này, các con của Minh Trang đều tự giác thực hiện đúng các việc trong ngày mà không cần đợi bố mẹ nhắc nhở, nhờ vậy bà mẹ 4 con cũng dễ thở hơn rất nhiều.
Thời gian biểu của các con nhà Minh Trang.
Bà mẹ 4 con cho rằng khi có thời gian biểu, mọi việc trong ngày sẽ thực hiện có trật tự rõ ràng, dễ khuyến khích các con tự giác, tự quản lý thời gian và những việc mình làm. Bố mẹ sẽ không còn cảnh rối bời, hò hét hoặc nhà cửa bung bét loạn xị, quên trước quên sau, đặc biệt là vào buổi sáng khi chuẩn bị cho các con ăn uống, đi học.
Trước đây, Minh Trang cũng từng chia sẻ về việc thưởng phạt rõ ràng cho việc các con thực hiện theo đúng thời gian biểu. Phần thưởng phù hợp sẽ tạo động lực để con thực hiện, háo hức chờ tới ngày tổng kết. Hình phạt sẽ mang tính nhắc nhở, răn đe, tuyệt đối không phạt để triệt tiêu động lực hoặc làm con tổn thương tinh thần, cảm xúc.
Nếu 3 ngày liên tiếp hoàn thành các hoạt động của thời gian biểu, mỗi bé sẽ được chọn một món đồ ăn vặt dưới 10.000 đồng ở hàng tạp hóa gần nhà. Nếu thích đồ nhiều tiền hơn sẽ tự gộp lại mua một món không quá 40.000 đồng rồi chia nhau. Mỗi ngày sẽ có 30 phút xem hoạt hình, nên hình phạt mỗi lần sẽ là cắt 15 phút của giờ xem hoạt hình đó.
Các con của Minh Trang tự giác làm mọi thứ mà không cần mẹ nhắc.
Cách dạy con tự giác ngay từ khi còn rất nhỏ là việc làm cần thiết nhất để con hình thành ý thức tự chủ trong mọi công việc, mọi hành vi ứng xử của con sau này. Không chỉ là tự giác trong học tập, cha mẹ cần rèn cho con tính tự giác trong mọi việc, mọi hành vi trong cuộc sống. Bởi tính tự giác phải bắt đầu từ chính bản thân con, không thể hình thành do sự hối thúc, ép buộc của cha mẹ.
Ngoài kinh nghiệm dạy con tự giác nhờ tấm giấy "check list" của MC Minh Trang, các bậc phụ huynh có thể tham khảo thêm những cách dạy con tự giác sau đây
Tin tưởng, tôn trọng con
Động lực để trẻ hình thành tính tự giác, kỷ luật là tình yêu thương của cha mẹ. Cơ sở của tính kỷ luật là việc đưa mọi người xung quanh thừa nhận giá trị bản thân. Khi một người cảm thấy mình xứng đáng, được ghi nhận, họ sẽ làm tất cả những điều tốt nhất. Cha mẹ sẽ không bao giờ có thể dạy trẻ tính tự giác nếu trẻ luôn trong tâm trạng tồi tệ. Vì thế, hãy trao cho trẻ sự tôn trọng, tin tưởng, tình yêu thương.
Đừng la mắng, trách phạt, hãy cho trẻ trải nghiệm của sai lầm
Khi đã nhắc nhở nhiều lần mà trẻ không nghe, cha mẹ không nên tiếp tục cằn nhằn, thúc giục và buộc tội trẻ.
Chẳng hạn nếu trẻ dậy muộn, nằm lì trên giường, hãy để trẻ nhận hậu quả của việc đi học muộn. Nếu trẻ làm bài không cẩn thận, hãy để trẻ nếm trải cảm giác bị giáo viên phê bình trước lớp. Nếu trẻ không chịu ăn, hãy để trẻ nếm trải cảm giác bị đói.
Cho dù cha mẹ chỉ ra mối nguy hại đến đâu thì điều đó cũng không bằng việc để chính trẻ tự trải nghiệm. Chỉ bằng cách này, trẻ mới được trải nghiệm thực tế, rút ra bài học thấm thía. Trẻ sẽ thật sự hiểu bản thân đúng điều gì, sai điều gì và tự giác lên kế hoạch, dự định phù hợp.
Để con tự làm mọi thứ trong khả năng
Tâm lý chung của rất nhiều cha mẹ là muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất và làm thay con hầu hết những việc, kể cả những việc như dọn dẹp đồ chơi, thay quần áo, hay đút cơm cho con,... Tuy nhiên, đến một giai đoạn nhất định, cha mẹ cần phải để con tự làm những việc này.
Trong những lần đầu tiên khi con tự tay ăn cơm, tự thay quần áo, tự đánh răng,... trẻ có thể bối rối và khiến cho nhiều việc rắc rối xảy ra. Tuy nhiên, sẽ trẻ sẽ chẳng thể nào tiến bộ và tự mình chăm sóc bản thân nếu cha mẹ không cho chúng cơ hội được thử sức mình.
Cha mẹ hãy nên buông tay và để trẻ mạnh dạn thử sức khám phá những điều mới lạ, chính những điều này sẽ rèn luyện cho trẻ khả năng tự quyết định và đức tính tự giác.
Cùng nhau thi đua
Nếu trẻ có anh chị hoặc em, hãy tổ chức những cuộc thi đua và tất nhiên sẽ có phần thưởng cho người chiến thắng. Với mỗi một hoạt động mà trẻ tự giác thực hiện và hoàn thành thử thách đúng yêu cầu, trẻ sẽ nhận được một sticker. Cuối mỗi tháng, cha mẹ cùng trẻ tổng hợp lại số sticker và trao cho trẻ những món quà hoặc đáp ứng mong muốn mà trẻ đưa ra từ đầu thử thách. Những phần thưởng này cũng chính là sự ghi nhận và động viên cho sự tự giác của trẻ.
Sau mỗi ngày thực hiện, cả gia đình có thể cùng nhau tổng kết lại những hoạt động mà trẻ đã tự giác thực hiện chúng mà không cần nhắc nhở. Việc làm này cũng nhằm mục đích nhắc nhở con về những gì mà chúng đã làm tốt, những gì còn tồn tại và cần khắc phục. Đánh giá hành động đã thực hiện cũng giúp trẻ có thói quen nhìn lại việc mình đã làm và tự điều chỉnh nó.
Khen ngợi trẻ một cách chân thành và đúng lúc
Lời khen luôn mang đến cảm xúc tích cực cho người được khen. Chính vì vậy, cha mẹ đừng tiếc những lời khen ngợi với con. Khi con tự giác làm một việc gì đó, cha mẹ hãy dành cho con lời động viên một cách chân thành như: Mẹ rất vui vì con đã biết tự giác học bài; Hôm nay con đã tự giác biết quét nhà giúp mẹ, con rất giỏi…
Bên cạnh những lời khen, chúng ta còn cần thêm những lời động viên để trẻ cố gắng. Sự tự giác không thể có được ngày một ngày hai mà nó là cả một quá trình rèn luyện. Khi thấy trẻ có cố gắng, cha mẹ nên động viên con. Ví dụ như: Hôm nay mẹ thấy con đã tự giác hơn hôm qua rồi đấy, cố gắng lên nhé!
Cùng nhau hành động
Trẻ có thời gian biểu thì cha mẹ cũng nên thiết lập thời gian biểu của mình và cùng trẻ thực hiện. Sự tự giác của cha mẹ chính là động lực để trẻ tự mình thực hiện công việc của bản thân. Khi bạn tự giác, lời nói của bạn cũng sẽ có sức nặng hơn.