Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30

Ngày 12/12/2019 13:00 PM (GMT+7)

Ít ai biết rằng, Phạm Hải Yến – cầu thủ ghi bàn thắng vàng cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30 từng chào đời chỉ nặng 2,8kg.

Phạm Hải Yến – cô gái có pha đánh đầu dũng mãnh ghi bàn ở ngay những phút đầu tiên của hiệp phụ thứ nhất trong trận chung kết SEA Games 30 với tuyển nữ Thái Lan đã làm nên chiến thắng vang dội cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và góp phần làm nên một mùa SEA Games thành công của Việt Nam tại Philipines.

Ít ai biết rằng, Phạm Hải Yến từng chào đời chỉ nặng 2,8kg, rất chịu thương chịu khó, trưa đi cắt cỏ cho cá, bới cua ngoài đồng bán lấy tiền đỡ đần bố mẹ, chiều lại say mê với sự nghiệp “quần đùi áo số”.

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 1

Phạm Hải Yến - người hùng ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết làm nên chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại SEA Games 30. 

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 2

Mặc dù SEA Games 30 đã kết thúc nhưng ngày nào ông Phạm Văn Mười (46 tuổi) và bà Phạm Thị Phương (45 tuổi) – bố mẹ của cầu thủ Phạm Hải Yến ở Nghiêm Xá, Thường Tín, Hà Nội cũng bật tivi và điện thoại theo dõi đoàn thể thao Việt Nam và con gái mình trở về nước trong sự chào đón nồng nhiệt của biết bao cổ động viên.

Nhìn thấy con trưởng thành, nhìn thấy những vinh quang, tự hào con gái mang về cho bố mẹ và cho đất nước, ông bà lại rớm nước mắt vì xót, vì thương khi nhớ về những ngày Yến còn nhỏ.

Ông Mười kể, Yến sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn không được như nhiều đứa trẻ bây giờ, cô chỉ nặng 2,8kg lúc chào đời. Hơn nữa, mẹ không có sữa nên toàn phải ăn toàn bộ sữa ngoài.

May mắn thời đó, ông ngoại về hưu, bà ngoại Yến bán quầy hàng nhỏ có tiền cũng đỡ đần nhiều vợ chồng ông chuyện mua sữa cho con.

“Yến sinh được 2,8kg nên người nhỏ, da bụng mỏng như xuyên đến ruột nhìn như Tôn Ngộ Không vậy. Yến trước hay ho lắm, phải uống nhiều thuốc nhưng thuốc gì con cũng nhai nuốt được hết”, ông Mười cười.

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 3

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 4

Hình ảnh đời thường của Yến khá tomboy. 

Ông Mười cho biết, Yến là một cô gái cá tính mạnh nhưng rất hòa đồng với bạn bè. Biết gia đình không có điều kiện, Yến chịu khó chịu khổ, không bao giờ nói những khó khăn của mình cho bố mẹ.

Ngay từ hồi 5-6 tuổi, Yến đã đam mê bóng đá. Hồi đó, phong trào bóng đá nữ ở Hà Tây trước khi quy hoạch về Hà Nội phát triển khá mạnh. Và ở Nghiêm Xá cũng có một đội bóng đá nữ do thầy Dương Khắc Kiểm huấn luyện. Ngày nào, Yến cũng ra sân vận động cách nhà 100-200m học lỏm thầy dạy các chị lớn. Và năm lớp 4 khi trường cấp 2 tổ chức bóng đá nữ, Yến đã được ưu tiên tham gia cùng những anh chị lớn.

Thời gian đầu thấy con ham mê bóng đá, vợ chồng ông Mười đã quyết định ngăn cản vì bộ môn này rất vất vả, hơn nữa gia đình lại khó khăn. Ông khuyên con ở nhà cắt cỏ cho cá đỡ đần bố mẹ rồi chịu khó học hành cho đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên vì ham mê bóng đá nên cứ trưa đến Yến tranh thủ đi cắt cỏ, thậm chí đi bắt cua về bán rồi chiều đến lại ra sân vận động học bóng đá. Ngày nào cũng vậy, cô bé Yến 7 tuổi đã biết cách vừa giúp đỡ bố mẹ, lại vừa có thể thực hiện niềm đam mê của mình.

Sau này thấy con ham mê quá, cứ tranh thủ giữa trưa nắng lôi đi cắt cỏ, bắt cua để có thời gian chiều tập bóng, ông Mười đã quyết định cho con toàn tâm toàn ý với sở thích này.

“Có lần nhìn con lúp xúp dưới ruộng giữa trời nắng gắt bắt cua, tôi phải cấm: "Nhà mình có khó khăn đến mấy con cũng không phải làm thế, nhỡ ra say nắng thì biết làm sao”. Về sau thấy con ham mê quá, tôi bảo con nghỉ không cần cắt cỏ nữa, bố mẹ cắt nhoằng tí cũng được”, ông Mười cho biết.

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 5

Yến bước vào con đường bóng đá chuyên nghiệp từ năm lớp 8.

Yến học lớp 8, ở tỉnh Hà Tây tuyển chọn, sau khi được ông Kiểm giới thiệu, thi tuyển, cô đã đỗ và bắt đầu cuộc sống tự lập ở Hà Đông theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Cuộc sống xa gia đình Yến phải một mình tự lập, lo liệu rất nhiều dù chỉ mới có 13 tuổi. Cô chi tiêu tiết kiệm với khoảng 750 nghìn tiền tập mỗi tháng. Biết bố mẹ khó khăn nên hiếm lắm 1-2 lần không xoay sở được mới xin bố mẹ thêm tiền đóng học, điện nước ở trường.

“Học cấp 3 cũng chỉ được mấy trăm tiền tập nhưng con lo liệu được hết. Thậm chí luôn khiến bố mẹ yên tâm vì biết thu xếp thời gian học và tập. Con được đi thi U14, U16 quốc gia,  rồi 16-17 tuổi đã được là đội trưởng U19 quốc gia, con cũng hay được thầy cô khen thưởng lắm”, ông Mười tự hào chia sẻ về con gái.

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 6

Có lẽ tự lập từ rất sớm nên cho đến hiện tại, dù ở tuổi 25, thu nhập của Yến cũng chưa gọi là ổn nhưng cô có thể cố gắng tự xoay sở để tránh làm phiền bố mẹ. Thậm chí, mặc dù đang lo học ở Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh nhưng Yến vẫn có thể xoay sở mua quần áo, giầy dép cho bố mẹ, biếu bố chuyến đi du lịch Đà Lạt và hàng năm gửi tiền đỡ đần bố mẹ chuyện học hành, mua xe đạp điện cho em trai đang học cấp 3.

Ông Mười cho biết, Yến chẳng bao giờ than thở về những khó khăn của mình với bố mẹ, chỉ có duy nhất một lần Yến gọi điện về khóc tức tưởi cách đây 5, 6 năm khi đi đá giải ở Thành phố Hồ Chí Minh nói mẹ xin cho về, nghỉ không đá bóng nữa. Bà Phương đã phải an ủi, động viên Yến rất nhiều để con theo đuổi giấc mơ, không bị lỡ dở mọi thứ.

Động viên là vậy nhưng mỗi lần nhìn thấy con bị chấn thương trên sân, ông bà cũng phải quặn thắt tim, xót con. Có lần con bị rạn xương đòn vai, đưa con xuống viện 103 mà vợ chồng ông rưng rưng nước mắt. Trong trận chung kết SEA Games 30 vừa rồi, nhìn con đau nằm lăn trên sân khi bị thủ môn đối phương người chạy ra, người chạy vào va chạm giữa bụng, vợ chồng ông ngồi cũng rớm nước mắt vì thương, vì bất lực và vì phải chấp nhận khi để con đi vào con đường “quần đùi áo số”.

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 7

Bố mẹ của Yến. 

Nói về câu nói của Yến sau khi thắng đội tuyển Thái Lan giành huy chương vàng “Thành công này em muốn dành tặng cho bà ngoại của em. Bà đã mất mà em không kịp về", ông Mười tâm sự, bà là người gắn bó với Yến từ tấm bé nên khi bà mất cũng là lúc Yến vừa tập huấn ở Nhật về và đang chuẩn bị cho SEA Games không thể về được. Yến đã rất buồn, có lẽ vì thế mà mùa SEA Games này ông không thấy con ghi bàn như mọi mùa nữa.

Dường như hiểu được tâm lý của con ảnh hưởng vì bà mất nên trước trận đấu chung kết với Thái Lan ông đã gọi điện động viên con. Và đúng như những gì ông dự đoán, mong đợi, Yến đã làm nên chiến thắng vang dội cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

“Mọi giải SEA Games hay vô địch Đông Nam Á, Yến hay ghi bàn lắm nhưng đợt này không thấy gì. Trước trận chung kết tôi đã gọi điện cho con bảo “Công việc của bà ở nhà lo tốt đẹp hết rồi con cố gắng cùng với chị em hoàn thành nhiệm vụ rồi về thắp hương bà”. Yến bảo “Vâng, con sẽ cố gắng”, ông Mười kể.

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 8

Phạm Hải Yến: Từ cô bé chào đời 2,8kg đến người hùng bóng đá nữ tại SEA Games 30 - 9

Chiến thắng của Yến và của đội tuyển khiến bố mẹ tự hào. 

Và đúng như dự đoán, trong khoảnh khắc phút 90+2, Yến khiến khán giả nghẹt thở, vỡ òa sung sướng với pha đánh đầu kéo sập khung thành Thái Lan. Ngồi ở nhà theo dõi con qua màn hình tivi, vợ chồng ông Mười cùng hò reo sung sướng.

Cuối cùng, con gái cùng đội tuyển đã làm nên chiến thắng, niềm tự hào Việt Nam. Ông và mọi người trong gia đình, đặc biệt bà ngoại đã mất luôn luôn tự hào về Yến.

“Chiến thắng vui thì vui nhưng nợ môn nhiều thì chuẩn bị về trả nợ đi con à”, ông dí dỏm nhắn nhủ con gái.

Bố Đoàn Văn Hậu kể về món quà con trai tặng khi giành giải thưởng đầu tiên năm 12 tuổi
Ông Đoàn Quốc Thắng – bố cầu thủ Đoàn Văn Hậu tiết lộ về chiếc tủ lạnh đặc biệt vẫn được đặt trong nhà chính là món quà mà con trai tặng từ giải...
Hồng Nhung (Ảnh: NVCC)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan