Từ câu chuyện về các bậc cha mẹ trong trường học của con, mẹ Nhật Nam đã có những tâm tình xúc động.
Cha mẹ có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc đời của mỗi người. Mỗi bậc phụ huynh có công sinh thành, dưỡng dục, nuôi lớn mà không có mục đích nào ngoài mong muốn con khôn lớn có một cuộc sống hạnh phúc, thành đạt.
Mới đây, những dòng chia sẻ của chị Phan Hồ Điệp - mẹ cậu bé tài năng Đỗ Nhật Nam - về tình thương của cha mẹ khiến nhiều người xúc động. Những bậc phụ huynh ở trong trường của Nam, bằng cách này hay cách khác, dù giàu hay nghèo, đều yêu thương con vô bờ bến.
Dưới đây là nguyên văn chia sẻ của mẹ Nhật Nam khiến nhiều người xúc động:
Là Thương... Em có bạn cùng phòng người gốc Mexico. Bạn hiền khô, hay cười. Bố bạn là công nhân xây dựng còn mẹ bạn là lao công. Bạn đi học xa nhà từ nhỏ ở những ngôi trường có hỗ trợ tài chính cao. Bởi vậy bạn hoàn toàn tự lập trong mọi việc. Ấy thế nhưng cứ hai tuần một lần, bố mẹ bạn lại đến chơi và lần nào cũng đưa đi siêu thị Wallmart để mua đồ, toàn những đồ rất rẻ. Và lần nào mẹ bạn cũng mua cho bạn một hộp 20 chai nước để trong phòng vì biết bạn lười uống nước. Mỗi lần bố mẹ chuẩn bị đến, bạn mừng lắm, đi ra đi vào trông ngóng. Và nếu chỗ nước chưa kịp uống hết, bạn hô hào em uống cùng. Em bảo có hôm trong một buổi sáng em phải uống ba chai nước mới giải quyết hết hộp nước mẹ bạn mua. Bạn nói không muốn làm mẹ buồn. Cùng khối với em có một bạn Hàn Quốc học cũng rất giỏi. Hôm nhập trường, thấy bố mẹ và em đang xách vali nặng, bạn chạy ra tíu tít xách hộ. Em kể, nhà bạn ở Hàn Quốc cũng là diện khá giả nhưng vì con đường học hành của các con, bố mẹ đã sang Mỹ để nhập cư. Sang đến Mỹ, cả hai gần như thất nghiệp, phải làm những công việc nặng nhọc, những việc mà ở Hàn Quốc, bố mẹ bạn chưa phải làm bao giờ. Năm nay, khóa học sinh mới có một học sinh Trung Quốc. Bố mẹ bạn ở trong nhóm mà em phụ trách đón tiếp. Cả hai đều không biết một từ tiếng Anh nào. Để có thể giao tiếp, bố bạn nói vào một phần mềm dịch tự động sang tiếng Anh. Và đến lượt em cũng nói vào đó để chuyển sang tiếng Trung. Cứ thế nhưng bố mẹ bạn hỏi đến cả buổi. Toàn những câu hỏi tỉ mẩn như: Trong trường có nạn bắt nạt không? Ăn uống thế nào? Học hành có áp lực không?... Em kiên nhẫn ngồi trả lời vì em nói, chắc bố mẹ bạn sẽ không thể yên lòng ra về nếu chưa biết cụ thể về ngôi trường của con. Kể xong em kết luận: Bố mẹ ở đâu cũng vậy, dù giàu hay nghèo đều thương con và luôn lo sợ con mình chưa đủ lớn. Ừ, Nam, đúng rồi đó Nam à. Nam ơi, bà ngoại thường kể với mẹ về lần duy nhất bà thấy ông ngoại khóc là khi mẹ của ông (người em gọi bằng cụ ngoại và là bà nội của mẹ) gần đất xa trời. Khi ấy ông chở bà trên chiếc xe đạp cà tàng, băng qua đêm, băng qua quãng đường hàng trăm cây số, băng qua bom đạn để về quê. Về đến sân, nghe thấy người nhà giục là vào nhanh kẻo bà mệt nặng lắm rồi, ông ngoại buông tay cho xe đạp đổ rầm rồi òa khóc. Khóc tức tưởi, khóc ồ ồ, khóc ai oán. Đó cũng là lần duy nhất bà thấy ông khóc. Trong suốt cả quãng thời gian khó nhọc, cay đắng sau này, tuyệt không thấy ông thêm lần nào rơi nước mắt. Bất kể khi nào nhớ đến câu chuyện này, mẹ cũng rưng rưng. Con người ta, dù mạnh mẽ đến mấy cũng trở nên bé nhỏ khi nghĩ về cha mẹ. Bởi có lẽ không ai trong cuộc đời này, lo, thương, âu yếm và vị tha cho mình nhiều đến thế. Nên Nam nhé, có bố mẹ đây rồi. Mẹ viết những dòng này khi trong ngực có một khoảng rỗng và chỉ có thể lấp đầy bằng hơi thở của em. Mẹ thương Nam, vô vàn... |