Sốt siêu vi ở trẻ em: Những triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

Ngày 24/11/2018 15:13 PM (GMT+7)

Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc đang trong giai đoạn giao mùa: nắng mưa thất thường. Là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các mặt bệnh siêu vi (virus) và nấm mốc, bệnh ngoài da (mụn nhọt). Đặc biệt đáng lưu ý là mặt bệnh virus.

Sốt siêu vi ở trẻ em: Những triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả - 1

Tác giả bài viết: Ths.Bs. Lê Xuân Trung - Trưởng khoa sơ sinh - Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa.

Sốt siêu vi ở trẻ em: Những triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả - 2

Ths.Bs. Lê Xuân Trung - Trưởng khoa sơ sinh - Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa

1. Nguyên nhân gây sốt siêu vi ở trẻ nhỏ

Có nhiều loại tác nhân siêu vi có thể gây hội chứng hô hấp. Thường gặp nhất là nhóm virus gây ra bệnh đường hô hấp trên với hơn 200 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau.

Nhưng bệnh đường hô hấp dưới cũng có thể phát sinh, đặc biệt ở trẻ nhỏ và một số nhóm dịch tễ có sợ suy giảm miễn dịch như: viêm tiểu phế quản, viêm thanh khí phế quản…

Virus sau khi xâm nhập vào cơ thể mất khoảng thời gian giao động từ 7 -14 ngày ủ bệnh và phát bệnh với những dấu hiệu ban đầu là viêm long đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi…

2. Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ

Sốt cao: Đây là biểu hiện thường gặp ở những trường hợp sốt siêu vi, thường từ 38-39 độ C, thậm chí lên đến 40-41 độ C, kèm theo cảm giác nóng, lạnh và đôi khi người bị co giật.

Đau đầu: Đây cũng là biểu hiện thường gặp của sốt siêu vi, bệnh nhi thường có dấu hiện quay cuồng, nhức đầu dữ hội, trong đầu có cảm giác chao đảo, nguyên nhân do sốt nên tuần hoàn máu mạnh và mạch máu căng ra, cảm giác đau nhức mình mẩy, có thể mệt mỏi. Đối với trẻ em, một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo… Bệnh nhân sốt siêu vi có thể chảy mũ tai hoặc tai có nhầy và ngứa hơn lúc bình thường.

Sốt siêu vi ở trẻ em: Những triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả - 3

Sốt cao và rất cao kèm theo sốt liên tục và khó hạ sốt là dấu hiệu tương đối đặc trưng của bệnh (Ảnh minh họa)

- Viêm đường hô hấp: Kèm theo sốt và đau đầu là các biểu hiện viêm đường hô hấp như viêm họng (họng bị sưng tấy, đỏ), rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi.…

- Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt, mắt người bệnh lờ đờ.

- Nôn: Có thể trẻ nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn, người lớn cũng có thể nôn mửa, chủ yếu là do viêm họng, kích thích chất nhầy.

- Phát ban: Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt siêu vi, trên da sẻ nổi những chấm ban đỏ li ti,ngứa ngáy, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt vì bệnh đã qua thời kỳ ủ bệnh và phát bệnh.

- Đau nhức mình mẩy: Thường xảy ra ở trẻ em ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình, trẻ nhỏ có thể quấy khóc. Người lớn cũng có thể có triệu chứng này.

- Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt siêu vi do virus đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là đại tiện lỏng (tiêu chảy), không có máu, chất nhầy.

- Viêm hạch: Do bội nhiểm vi khuẩn đường hô hấp,có thể xuất hiện các hạch ở vùng cổ, dưới hàm có thể nhìn hoặc sờ thấy được ( rất hay gặp ở trẻ lớn và đôi khi bị chẩn đoán nhầm là Quai bị - cũng là một loại virus).

**** Lưu ý: Sốt cao và rất cao kèm theo sốt liên tục và khó hạ sốt là dấu hiệu tương đối đặc trưng của bệnh.

Sốt siêu vi ở trẻ em: Những triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả - 4

Trẻ sốt siêu vi còn có biểu hiện: Kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt, mắt người bệnh lờ đờ (Ảnh minh họa)

3. Điều trị sốt siêu vi ở trẻ nhỏ

Sốt siêu vi không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và bù dịch, điện giải

Hạ sốt: Chế phẩm nào cũng được

- Paracetamol liều 10 - 15mg/kg không quá 20mg/kg/lần. Ngày không quá 60mg/kg/24h.

- Iburofen liều 8 - 12mg/kg (tạm nhớ 10mg/kg)

*** Lưu ý: thời gia dùng thuốc hạ sốt là > 4giờ/liều. Không dùng liều nhắc lại dưới 4giờ

Vitamin C liều cao: các chế phẩm vitamin C khác nhau với liều có tác dụng là từ 500mg/ngày (1 viên vitamin C 500mg).

*** 1 cốc nước cam chỉ cho khoảng 50mg vitamin C.

Điện giải: Nếu có thể hãy cho trẻ uống dung dịch điện giải thay nước trong ngày.

*** Lưu ý: cho trẻ dùng dung dịch điện giải từng thìa nhỏ 5 - 10ml, cho liên tục trong ngày. Không nên cho trẻ uống 1 lúc 50 - 100ml sẻ khó hấp thu gây nôn nhiều và đi ngoài.

Nằm phòng thoáng mát, mặc thoáng mát, tắm hàng ngày. Và nếu có điều kiện hãy bật điều hòa với nhiệt độ >26°C.

Không tự ý mua thuốc phòng chống co giật cho trẻ. Trừ khi được sự tư vấn và kê đơn của bác sỹ

4. Cách phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ nhỏ

Để phòng ngừa sốt siêu vi bố mẹ nên thực hiện các biện pháp sau:

- Tiêm chung vắc xin phòng ngừa các loại virus phổ biến mỗi năm.

- Hạn chế cho bé đến những nơi đông người khi có dịch sốt siêu vi.

- Không cho bé tiếp xúc với người bệnh.

- Vệ sinh chân tay và tai mũi họng sạch sẽ.

- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.

5. Vài lưu ý thêm về sốt siêu vi

* Bệnh siêu vi với triệu chứng sốt rất cao và khó hạ. Do vậy các mẹ cần chuẩn bị ít nhất 2 loại thuốc hạ sốt: Uống và viên đặt phòng khi trẻ uống vào nôn ra.

* Cần cặp nhiệt độ cho trẻ mỗi 10 phút/lần khi trẻ đang sốt cao >38°5 và mỗi ít nhất 4giờ/lần khi trẻ đã hạ nhiệt độ (vào những ngày bệnh toàn phát, chu kỳ sốt có thể chỉ là 3 giờ là trẻ đã sốt lại). Trong thời gian chưa đủ 4giờ so với lần dùng thuốc hạ sốt trước, các mẹ tuyệt đối không được dùng thuốc hạ sốt cho trẻ mà chỉ được chườm ấm cho trẻ.

* Với tất cả các trẻ có tiền sử sốt cao co giật trong thời gian chưa quá 6 tháng. Khi nhiệt độ của trẻ >38°5, đừng do dự hãy liên hệ xin tư vấn của nhân viên y tế ngay.

Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ, mẹ không được bỏ qua
Trẻ bị sốt siêu vi thường biểu hiện rõ ở thân nhiệt, mắt và da.
Ths.Bs. Lê Xuân Trung - Trưởng khoa sơ sinh - Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em