Thậm chí tại Nhật Bản đã xuất hiện dịch vụ thuê "mẹ" gọi dậy vào mỗi sáng.
Mới đây, đài truyền hình Nhật Bản có tên Abema TV đã thực hiện một chương trình có tên "Hội chứng trẻ em phụ thuộc" bằng cách tìm hiểu cuộc sống kỳ lạ của một số những "đứa trẻ không chịu lớn" trong cuộc sống.
Sau khi nhiều tình huống thực tế được đưa ra, các chuyên gia trong chương trình phải thừa nhận, tại Nhật Bản còn rất nhiều con trai vẫn phải dựa dẫm vào mẹ quá nhiều, để mẹ lo lắng cho mọi thứ.
Chương trình bắt đầu với hành trình theo chân một chàng trai khoảng 25-27 tuổi, cậu có sở thích đi mua sắm với mẹ mỗi ngày và chỉ thích được mẹ lựa chọn quần áo cho.
Sau khi mua xong, mẹ sẽ là người thanh toán.
Trong cuộc thăm dò, nhóm thực hiện chương trình còn phát hiện và vô cùng bất ngờ với một chàng trai đã tốt nghiệp và đi làm, 33 tuổi. Cậu thẳng thắn thừa nhận khoảng thời gian sau đi làm cậu đã luôn sống cùng gia đình, chuyện ăn uống, nhà ở, phương tiện đi lại, thậm chí là tiền tiêu vặt đều được nhận từ mẹ.
Mặc dù hiện tại, cậu đã sống một mình nhưng mỗi tuần đều phải trở về nhà của mình để... tắm cùng với mẹ.
Trên thực tế, việc những "đứa trẻ không chịu lớn" xảy ra rất nhiều ở Nhật Bản. Thậm chí có một số công ty ở Nhật Bản còn ra mắt dịch vụ "Mom wake you up". Theo đó, các cậu con trai có thể tùy chọn "người mẹ" cho riêng mình. Sau đó, "người mẹ" được thuê chọn sẽ có nhiệm vụ gọi điện để giục "con trai' mình dậy mỗi sáng.
Từ những thực tế trên phải nhìn nhận rằng chính sự nuông chiều thái quá của cha mẹ đối với con cái đã nuôi dạy ra những đứa trẻ hèn nhát, ỷ lại và một mực không muốn rời xa đôi cánh chở che của cha mẹ như vậy. Tuy nhiên, khi trưởng thành đó chính lại là rào cản khiến con không thể thích nghi với cuộc sống.
Do đó, ngay khi con còn nhỏ, cha mẹ phải chú ý rèn luyện cho trẻ tính tự lập, xây dựng ở con lòng can đảm và ý thức tự chịu trách nhiệm.
Để dạy con sống tự lập, cha mẹ hãy thực hiện theo 5 bước sau:
Bước 1: Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết trước tiên
Đầu tiên, cha mẹ phải dạy con tự lập sống dựa vào chính đôi tay của mình ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ em từ 2 tuổi trở đi đã dần nhận thức được mọi thứ xung quanh và đây cũng là giai đoạn quan trọng trong giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Trẻ ở tuổi này nên được dạy để thành thục những kỹ năng cơ bản phù hợp như:
- Kỹ năng giữ vệ sinh: Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh là điều bố mẹ cần dạy con để trở thành em bé văn minh, tự lập. Nhiều trẻ 2 tuổi đã biết đi vệ sinh đúng nơi, xả nước sau khi đi vệ sinh, cho quần áo bẩn vào máy giặt, bỏ rác đúng nơi quy định, nhặt rác xung quanh, dọn đồ chơi sau khi chơi xong,...
- Kỹ năng chăm sóc bản thân: Nếu cha mẹ dạy bé biết tự thay quần áo, tự đánh răng, tự đi, tự ăn uống,... thì sẽ vô cùng bất ngờ về tính tự giác của trẻ sau một thời gian ngắn, trẻ sinh hoạt giống như một người lớn, khiến cha mẹ không cần quá bận rộn để chăm sóc trẻ mà chính trẻ cũng rất vui vẻ khi được khen ngợi và tự làm việc của mình.
- Kỹ năng giúp đỡ người khác: Ở độ tuổi 2 - 4 tuổi bố mẹ nên cho trẻ biết giúp đỡ người khác là một việc tốt và nên được thực hiện thường xuyên. Những công việc nhẹ bé có thể giúp được như bật quạt, bật tivi (vị trí thấp), lấy chén ăn cơm, xách phụ đồ đạc, tưới cây...
Bước 2: Cha mẹ cần kiên nhẫn khi dạy con
Ngoài việc rất khuyến khích cho con trẻ tự lập và tạo môi trường cho con rèn luyện kỹ năng sống, thì cha mẹ cũng chính là những người hay mất kiên nhẫn khi chờ đợi con thực hiện. Mặc dù khá khó khăn và mất thời gian nhưng khi con trẻ cố gắng làm một điều gì đó vì tính tò mò hoặc cũng có thể là bắt chước người khác thì cha mẹ nên cố gắng kiên nhẫn chờ đợi xem con đã làm đúng hay chưa.
Đầu tư thời gian và thái độ cho con là một trong những cách tạo cho con một tương lai tốt mà cha mẹ có thể làm được. Lắng nghe lời nói và hành động của con cũng là phương pháp nuôi dạy trẻ từ 0 đến 6 tuổi biết cách xử lý và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Thay vì xỏ giúp con, hãy lặng lẽ quan sát cách bé đang cố gắng mang giày vào chân và hướng dẫn cho bé khi cần.
Bước 3: Tạo môi trường sinh hoạt có tính tổ chức
Trẻ con rất nhạy cảm trong việc bắt chước người lớn. Vì vậy mà mọi hoạt động và việc làm của các thành viên trong gia đình đều có thể được bé ghi nhận lại một cách âm thầm lặng lẽ và sẽ bắt chước làm theo khi nào bé học được. Cha mẹ là người làm việc có kế hoạch, có tổ chức về thời gian không gian.
Ví dụ bữa sáng sẽ ăn ở đâu, lúc nào, mỗi ngày đều làm việc nhà giờ nào, đồ đạc để ở đâu vì sao, là những điều người lớn lập kế hoạch và thực hiện hàng ngày để tạo thói quen tốt cho bé. Một ví dụ như khi bạn nhặt rau, bạn nên giải thích và hướng dẫn để con bạn có thể hiểu cách nhặt rau và tại sao phải nhặt rau, từ đó, bé hình thành suy nghĩ và hành động đúng đắn về các công việc phụ giúp gia đình.
(Ảnh minh họa)
Bước 4: Phân công công việc cho mỗi người
Mỗi người trong gia đình đều có công việc riêng nhưng trách nhiệm chung vẫn là vun đắp cho tổ ấm. Nếu giao việc vừa sức cho bé cùng những câu khen ngợi, trẻ sẽ vô cùng hãnh diện vì là một thành viên, một người lao động chân chính. Ví dụ: Khi bố đi làm về thì bé có thể giúp bố cất áo, cất nón và các hành động này nên được khuyến khích lặp lại thường xuyên.
Bước 5: Khuyến khích trẻ lao động
Lao động mang đến cho con người cảm giác được giải phóng năng lượng, gặt hái niềm vui khi được đền đáp xứng đáng. Việc tạo môi trường cho con làm việc và khen ngợi sẽ đem đến những biểu hiện tích cực cho bé. Bé sẽ vui mừng hơn khi được cha mẹ khen ngoan, khen giỏi. Điều này rất có ý nghĩa,nó sẽ khuyến khích những hành động tốt của bé trở thành thói quen, từ đó sẽ hình thành tính cách của trẻ.
Trẻ em có kỹ năng sống tự lập sẽ đạt được vô vàn lợi ích. Trẻ tự tin vào khả năng của bản thân, vui vẻ và hãnh diện vì bản thân làm được những điều như người lớn. Cha mẹ không cần quá nhiều thời gian chăm sóc và nâng niu trẻ. Ngoài những điều đó, trẻ có kỹ năng sống này còn có khả năng thích nghi tuyệt vời với mọi hoàn cảnh.