Đây là 1 trong số những lỗi 'ngớ ngẩn' khi chăm bé sơ sinh mà mẹ mắc phải.
Mãi mới có được mụn cháu trai nối dõi tông đường nên bố mẹ chồng chị Nguyễn Hoa Mai (Phủ Lý, Hà Nam) vui lắm. Ngay sau ngày đón cu Bo từ bệnh viện về, bố chồng chị đã chuẩn bị ‘thuốc tự chế’ là một ít tro sạch và nằng nặc đòi bôi vào rốn của cháu. Ông quả quyết rằng chất này sẽ giúp rốn của cu Bo mau khô, ấm bụng và ngủ ngon…
Lần đầu làm cha mẹ nên vợ chồng chị Mai còn thiếu kinh nghiệm. Thấy ông nội cu Bo nói chắc như đinh đóng cột rằng đây là bài thuốc gia truyền và rất tự tin vào phương pháp của mình nên 2 anh chị đồng ý để ông làm thầy thuốc cho cháu. “Ai ngờ ngày hôm sau, mình thấy rốn của con đã chảy mủ và vùng da quanh đó sưng đỏ. Vợ chồng mình cuống cuồng đưa con đi bệnh viện thì bác sĩ nói con bị nhiễm trùng rốn nặng may mà cấp cứu kịp thời. Mình ân hận lắm”, chị Mai nói.
'Tai nạn' mà gia đình chị Mai đã gặp phải khi chăm sóc bé không phải là quá điển hình. Thực tế, không ít bậc cha mẹ vì thiếu hiểu biết đã vô tình gây ra nhiều rủi ro cho con.
Dưới đây là một số sai lầm phổ biến khi chăm sóc bé sơ sinh, chị em cần biết để tránh.
1. Dùng chất tẩy và nước giặt để giặt quần áo của bé
Nhiều mẹ, với mong muốn bé luôn thơm tho, sạch sẽ nên mỗi khi giặt đồ cho bé thường đổ rất nhiều xà phòng hoặc ngâm nước xả vải rất lâu. Sự thật, đây là việc làm hoàn toàn không nên. Vì trong chất tẩy và các loại nước giặt đều chứa nhiều sulfonate alkyl benzene cũng như nhiều chất hóa học khác. Những chất này đều có tác dụng gây ức chế mạnh. Nếu giặt không sạch rất có thể sẽ khiến da của trẻ bị nhiễm độc và dị ứng. Chính vì vậy, không nên dùng các chất này để giặt quần áo cho trẻ.
Mặc quần áo chưa được giặt sạch, da của bé dễ dị ứng (Ảnh minh họa)
2. Cho trẻ mặc ngay quần áo mới mua về
Mua quần áo mới về và chưa hề giặt giũ đã mặc ngay vào người bé là thói quen của nhiều chị em. Thực tế, hành động mẹ nghĩ là vô hại với bé có thể mang đến những rủi ro khôn lường.
Quần áo khi được bày bán ngoài cửa hàng sẽ bám bụi rất nhiều. Chính vì thế, nếu mẹ mặc đồ mới cho bé mà chưa được ngâm giặt sạch thì da bé rất dễ bị kích ứng, nổi mẩm. Thậm chí, gây ra các bệnh về da nguy hiểm khác.
3. Không rửa tay trước khi chăm trẻ
Thói quen của nhiều cha mẹ là đi đâu về đã nhào vào ôm và chăm con mà không rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn. Cha mẹ nên biết, trên đôi tay tưởng chừng như sạch của cha mẹ có rất nhiều vi khuẩn. Vì vậy, rửa tay trước khi chăm bé là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng chống nhiễm trùng, trong đó, có nhiễm trùng sơ sinh.
4. Băng kín rốn
Dù sách báo và các phương tiện truyền thông cũng như y bác sĩ thường xuyên nhắc nhở rằng, băng kín rốn của bé sơ sinh hoặc bôi vào rốn bé đủ các loại “thuốc tự chế” như tiêu, tỏi, sữa, đất, tro, bùn, sái á phiện... là hành động sai lầm, thậm chí, có thể khiến bé tử vong nhưng không ít cha mẹ vẫn nghĩ băng kín rốn giúp bảo vệ rốn.
Có một ‘bí mật’ cha mẹ nên biết là băng kín rốn sẽ giúp tạo môi trường tốt cho sự phát triển của vi trùng gây nhiễm trùng rốn và chậm rụng rốn. Do đó, mẹ nên để hở rốn sau khi chăm sóc rốn, quấn tả dưới rốn, chỉ phủ lớp mỏng áo lên rốn để dễ quan sát rốn, rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng, ít tạo chồi rốn.
Cách chăm sóc rốn cho bé đúng
5. Tắm cho bé quá kỹ
Một số bà mẹ (đặc biệt là những người mới làm mẹ lần đầu) không biết rằng chỉ nên tắm cho bé 3-4 lần/tuần là đủ. Tắm cho bé nhiều làn và quá kỹ không hề giúp bé sạch hơn mà dễ gây tác dụng ngược. Vì da của trẻ rất nhạy cảm và mỏng. Dưới da có nhiều mạch máu, nếu tắm cho trẻ quá kỹ bằng xà phòng chứa nhiều kiềm mạnh sẽ khiến da mẩm đỏ và giảm chức năng bảo vệ.
6. Bệnh vàng da của bé sẽ tự khỏi
Phải đến 90% các mẹ nghĩ rằng trẻ sơ sinh bị vàng da là vàng da sinh lý và sẽ tự khỏi sau 1 tuần lễ. Sự thật, ngoài vàng da sinh lý, trẻ sơ sinh còn dễ bị vàng da bệnh lý. Nhiều trường hợp trẻ vàng da rất sớm trong 1 – 2 ngày đầu, vàng da nặng lan tới bàn tay, bàn chân. Đây không phải là vàng da sinh lý và sau một tuần không tự khỏi được mà sẽ chết hay di chứng vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Do đó, hàng ngày cần quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng mặt trời để phát hiện vàng da. Nếu trẻ vàng da sớm trong 1 – 2 ngày đầu sau sanh, hoặc vàng da qua rốn, vàng da tới lòng bàn tay, bàn chân, vàng da kèm bú kém, bỏ bú, gồng người bạn cần mang đến cơ sở y tế để được điều trị vì đây là vàng da nặng.
Thông tin tham khảo từ Bệnh viện Từ Dũ