Điều kỳ lạ ở hai quý tử sinh đôi nhà Thanh Bùi giờ mới được hé lộ khi các bé tròn 3 tuổi.
Thanh Bùi là một trong những giọng nam cao có giọng hát, kỹ thuật và tư duy âm nhạc hàng đầu nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, không lựa chọn tiến sâu vào showbiz Việt, Thanh Bùi thậm chí còn có phần cực kỳ kín tiếng trong chuyện đời tư.
Đã hơn 4 năm nay, kể từ sau khi kết hôn với Trương Huệ Vân - ái nữ xuất thân trong gia tộc bề thế nhất Việt Nam và có hai con sinh đôi Kiến An - Khải An, Thanh Bùi hầu như không ra tác phẩm ca nhạc mới.
Chỉ mới đây, khi hai cậu con trai song sinh đã tròn 3 tuổi và chuẩn bị vào mẫu giáo, Thanh Bùi mới nhận trả lời phỏng vấn để chia sẻ chuyện gia đình và hành trình 3 năm qua ông bố trẻ tập trung vào việc nuôi dạy con với những phương pháp giáo dục sớm.
Tôi đã từng nghĩ "Làm cha sao khó đến thế"
Nói về giáo dục sớm thì hiện nay ở Việt Nam, các bậc phụ huynh đã quá quen thuộc. Thậm chí còn có phần “loạn” vì quá nhiều phương pháp. Lý do gì khiến nhiều năm qua, anh gắn bó với việc dạy 2 con trai bằng phương pháp Reggio Emilia?
Câu chuyện xuất phát trước hết từ việc tôi nhìn thấy các học viên của tôi sau khi học nghệ thuật xong khi ra ngoài có thể đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực. Từ đó tôi nhận ra rằng triết lý giáo dục nghệ thuật sáng tạo không chỉ để đào tạo ra nghệ sĩ mà còn là một điều kỳ diệu phát triển tâm hồn, tư duy.
Khi tôi có dịp được đi đến nhiều nơi trên thế giới, tôi nhìn thấy và học hỏi được nhiều điều hay, trong đó cũng có nhiều phương pháp giáo dục mầm non nổi tiếng. Nhưng khi đến các trường mầm non Reggio Emilia, tôi thật sự ấn tượng với cách đặt các bé, trẻ em vào trung tâm, lắng nghe và thấu hiểu các em, chứ không phải định hướng phát triển các em theo nhu cầu của phụ huynh.
Hai quý tử được lớn lên trong gia tộc nổi tiếng, bố giỏi nghệ thuật, mẹ giỏi kinh doanh. Anh nói mình không định hướng con phải làm gì giống bố mẹ mong muốn, điều này có khó?
Hiện thực tại Việt Nam có thể thấy rõ, chúng ta đang áp đặt mong muốn của người lớn vào trẻ em. Mình đang đặt hình ảnh của mình vào các bé chứ không phải cho đứa bé có hình ảnh của riêng mình. Ngày xưa tôi không phải là một người học giỏi Toán, và nếu theo định kiến xã hội, có lẽ họ đã nghĩ tôi không thông minh. Nhưng tôi không nghĩ mình kém thông minh, chỉ là mình sẽ làm giỏi ở một lĩnh vực khác, thông minh theo một cách khác. Cái chúng ta cần làm là đặt con vào môi trường thực tế phù hợp, để con phát triển chính mình.
Con của tôi sẽ không cần phải sống trong môi trường ảo nào hết. Các con được sống thật với bản chất của mình. Tôi không bắt các con phải chọn gì hay không được chọn gì. Tôi cho các con được tự lựa chọn vì mọi lựa chọn đều có nét hay riêng, điều đó tạo nên tâm hồn và bản chất của của bé. Cái tôi làm chỉ là đặt con vào môi trường thực tế phù hợp, để con phát triển chính mình.
Thanh Bùi và vợ Huệ Vân
Anh thấy mình là kiểu ông bố như thế nào?
Trong chuyện dạy dỗ con cái, tôi rất thích từ “chúng ta sẽ học cùng với nhau” bởi vì trong quá trình ấy, không chỉ con học mà tôi cũng học.
Ngày trước tôi chưa nghĩ đến mình sẽ làm cha như thế nào. Cho đến khi mình thực sự đã làm cha của 2 đứa con, tôi đã nghĩ "Sao lại có thể khó đến thế?”. Tôi thực sự rất phục phụ nữ vì sao họ có thể kiên nhẫn như vậy. Bởi vì đôi lúc tôi thực sự không biết xử lý các tình huống của con như thế nào. Nhưng dần dần tôi đã học được điều rằng khi tôi dành thời gian với con, khi tôi lắng nghe con thì các con sẽ tiếp cận với tôi một cách hoàn toàn khác. Tôi học được từ phương pháp Reggio Emilia cách đặt câu hỏi với con. Tôi là kiểu ông bố để con hoàn toàn lựa chọn cho những quyết định của mình.
Kiến An và Khải An không hề giống nhau dù là sinh đôi
Cụ thể, anh cho con "tự do phát triển" như thế nào?
Hai đứa con sinh đôi của tôi, khi được sinh ra cùng một lúc, chỉ cách nhau tầm 1 phút, cùng từ bụng mẹ nhưng lại rất khác nhau. Một đứa giống cha, một đứa giống mẹ, một cởi mở ồn ào, một im lặng đằm tính. Tôi biết được điều đó và mình không ép buộc các con. Kiến An thì rất thích nhảy, mở nhạc lên là nhún nhảy. Còn Khải An thì lại mê chơi đàn piano. Điều đó không đúng không sai, và mình sẽ khuyến khích các con “Con thích đàn, thích nhảy không? Con đàn đi? Con nhảy đi”. Từ đó các con sẽ được sống trong môi trường các con có thể thể hiện bản thân, không cần phải giống như ai hết, chỉ giống như bản thân các con thôi.
Thêm một ví dụ nữa, khi tôi thấy các em học vẽ ở Việt Nam, vẽ mặt trời, các em mà vẽ màu đen, thì các cô giáo sẽ nói “Không được con, vì mặt trời là phải màu vàng”. Nhưng tôi sẽ nói: Tại sao mặt trời lại không thể màu đen? Tôi hỏi con “Tại sao con lại vẽ mặt trời màu đen?” – và bé đáp lại: “Tại vì con nghĩ là mặt trời hôm nay nó buồn”.
Khi chúng ta thấy được những điều đó, đó là một sự sáng tạo nghệ thuật rồi. Có phải chúng ta sẽ thấy mình đang hạn chế một đứa trẻ khi nói “Cái này là sai, con phải làm như thế này!”. Con người chúng ta không phải biết tất cả mọi thứ, chúng ta chỉ đang dạy trẻ em những gì chúng ta biết thôi, thì liệu có phải chúng ta đang hạn chế và đang copy một phiên bản của mình cho đứa trẻ không?
Hai cậu con trai song sinh nhưng lại không hề bị “dính” lấy nhau, bị ảnh hưởng bởi nhau và đến trang phục cũng không giống nhau. Là do anh định hướng?
Áp đặt là điều tôi không muốn cho một đứa trẻ. Ví dụ trong chuyện mặc đồ đi. Chúng tôi chuẩn bị 8 mẫu quần áo, khi thức dậy buổi sáng, các bé có thể chọn mặc bộ nào mình thích, chứ mình sẽ không nói con sẽ mặc thế này, phải mặc kiểu này. Mình sẽ để trên bàn và nói “Rồi hôm nay con muốn mặc thế nào? Con chọn đi, có thể theo phong cách hiphop một xíu? Tùy con tự chọn theo ý thích đi!”
Tôi thấy có nhiều cặp bé sinh đôi bị ép phải mặc đồ giống nhau, tôi thấy sai quá!
Thanh Bùi và bé Khải An trong một lần hiếm hoi lộ diện cách đây 2 năm.
Vợ Thanh Bùi và bé Kiến An
Con tôi thích xem Ipad nhưng lại không hề đòi bố mẹ
Có bao giờ anh thấy mình sai trong cách dạy con?
Để có thể nói đúng hay sai thì rất khó, vì trẻ học theo cách của cha mẹ một cách tự nhiên, tư duy như vậy. Tôi nhớ những lần đầu tiên mình ngồi với các con, tôi hay nói “Con không được làm như vậy”. Bây giờ mình nghĩ lại thì “Tại sao không?”.
Khi ta nhìn vào một đứa trẻ và nói là đứa trẻ đó không biết gì hết, mình phải bảo vệ, bao bọc…vô hình chung sẽ tạo nên tâm lý không độc lập. Khi một đứa trẻ té ngã, người mẹ thường nói “Cái bàn này hư quá, xấu quá”. Nhưng tại sao lại đổ lỗi cho cái bàn, mà không dạy cho con có trách nhiệm hơn. Tại sao không hỏi con “Tại sao con lại té. Con đứng dậy đi, đây là lỗi của ai, là do con tự làm đúng không?”. Con khóc cũng được, con khóc cho xong đi, không sao hết vì ít nhất lần tới con sẽ học được bài học để cẩn thận hơn, không té nữa.
Đó là một cách tiếp cận khác hoàn toàn và tôi nghĩ việc đúng hay sai chỉ là cách mà ta nhìn nhận vấn đề.
Không ép con, vậy anh làm sao để “quản lý” được hai đứa trẻ đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3?
Không ép buộc con nhưng điều đó không có nghĩa là không có kỷ luật. Ví dụ như các con của tôi lại không hề đòi chơi iphone, ipad gì hết. Một ngày tôi sẽ cho chơi 15 phút, đến khi chơi còn 2 phút, tôi sẽ “Con còn 2 phút nha con, mình bắt tay giao kèo, uy tín nha!”. Khi hết thời gian, tôi sẽ hỏi: “Con xong chưa”, con sẽ nói xong rồi, con đưa cho ba. Tôi không ép con, mà cho con có sự lựa chọn. Không phải nói là “Con nhanh đưa đây cho ba”.
Điều đó cũng thay đổi tư duy của tôi trong cách tiếp cận với con người vì đôi lúc ngay cả chúng ta khi bị đưa vào một tình huống mình bị ép buộc chúng ta sẽ phản kháng, nhưng khi chúng ta được hỏi “Bạn ơi, ở vấn đề này bạn sẽ làm như thế nào?” thì sự chủ động tự nhiên sẽ thay đổi mọi thứ. Điều này tôi cho rằng rất hay và ai cũng nên học.
Sẽ không cho con sang Úc học
Trong quá trình học làm cha, điều gì với anh là khó khăn nhất trong sự lựa chọn tương lai cho con?
Khó khăn nhất là trong việc lựa chọn việc học. Tôi từng sống ở Úc, cha mẹ cũng ở Úc, và ông bà rất muốn đưa 2 đứa con sang học bên Úc. Nhưng tôi nói không, tôi không muốn phải đưa con cháu mình đi du học nước ngoài. Tôi làm giáo dục và cần phải chân thành với những điều mình đang làm. 2 đứa nhỏ của tôi đang là những thử nghiệm đầu tiên.
Tôi sẽ dạy con ở Việt Nam, sẽ giúp con biết được tiếng Việt chuẩn, tiếng Anh chuẩn và một ngôn ngữ thứ 3 tùy chọn, có thể là tiếng Hoa hay những thứ tiếng khác. Con cũng sẽ mang trong mình một môn nghệ thuật, một môn thể thao tùy thích. Khi bước ra thế giới, con sẽ hiểu được Tây là như thế nào nhưng vẫn giữ được nét Ta của mình. Tôi muốn sau khi học xong, con có thể làm và làm tốt bất cứ thứ gì con muốn.
Xin cám ơn Thanh Bùi đã chia sẻ!
Phương pháp giáo dục Reggio Emillia mà Thanh Bùi đang áp dụng cho con là gì?
Ra mắt vào năm 1940, Reggio Emilia Approach© là phương pháp giáo dục sáng tạo do nhà tâm lý học người Ý Loris Malaguzzi (1920-1994) sáng lập và phát triển với triết lý “Nhiệm vụ của chúng tôi là khơi dậy sự sáng tạo của trẻ nhỏ để chúng chinh phục ngọn núi cao nhất có thể bằng chính đôi chân của mình. Không ai ngoài các em có thể làm hơn thế.” Phương pháp này được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở miền Bắc nước Ý, nơi ông bắt tay nghiên cứu và phát triển dự án tâm huyết này. Phương pháp Reggio Emilia Approach© bắt nguồn từ niềm tin rằng: Trẻ em sinh ra đã có sẵn 100 ngôn ngữ và theo cách dạy thông thường ngày nay thì đến lúc 5 tuổi trẻ bị mất đến 95 ngôn ngữ. Do đó, điều quan trọng là chúng ta có đủ nhạy cảm, đủ sâu sắc để tạo cho trẻ không gian và sự thoải mái để cho từng ngôn ngữ tiềm ẩn đó được khai thác tốt nhất không? Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình những tài năng tiềm ẩn, sự tò mò, với khả năng tự học thông qua việc tìm tòi và khám phá. Reggio Emilia Approach© được thiết kế giúp trẻ phát triển bản thân, tìm hiểu thế giới và vị trí của trẻ trong thế giới đó thông qua quá trình vui chơi, trải nghiệm, khám phá thực tế môi trường xung quanh. Phương pháp này dựa trên nền tảng lắng nghe hơn là bày tỏ, nơi những thắc mắc và ngạc nhiên luôn được chào đón. Phương pháp Reggio Emilia Approach© luôn quan niệm rằng tất cả trẻ đều bình đẳng như nhau, và giáo viên chọn cách để trẻ tự học từ trải nghiệm của bản thân trẻ hơn là giúp trẻ sửa sai. Thông qua từng giải pháp, từng câu chữ, từng mẫu thiết kế, các nhà giáo dục Reggio Emilia Approach© đặt nhu cầu của những đứa trẻ vào trung tâm của mọi quyết định. Trong môi trường này, trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng nhận được sự tôn trọng như các bạn khác và các nhà giá dục quan niệm em ấy được sinh ra hoàn hảo như những người bạn của mình. Không giống các chương trình khác, giáo viên Reggio Emilia Approach© luôn ghi nhận lại quá trình phát triển của trẻ trong suốt cả năm để giúp trẻ và phụ huynh nhận thấy sự thay đổi từng ngày của bé, không chỉ về mặt thể chất mà còn về tinh thần và các kỹ năng mềm khác. Điều này giúp các bé, phụ huynh và cả giáo viên nhận ra được sự phát triển, từ đó tạo điều kiện cho việc trao đổi và lập kế hoạch học tập của bé trong tương lai. |