Món ăn nào cũng ngon, hấp dẫn đem lại cảm giác thích thú khi thưởng thức.
1. NEM LỤI
Nguyên liệu:
- Giò sống 200 gr.
- Thịt nạc vai xay nhỏ 300 gr.
- Mỡ lợn thái nhỏ 50 gr.
- Cà rốt, củ cải, dưa leo, hành lá rau sống ăn kèm.
- Ớt, chanh, hành, tỏi, lạc rang.
- Ngũ vị hương 1 muỗng cà phê.
- Bột năng 1 muỗng canh.
- Bột điều 1/2 muỗng canh.
- Màu điều 1/2 muỗng cà phê.
- Tương ớt 1 muỗng canh.
- Dầu hào 1 muỗng canh.
- Nước tương 1 muỗng canh.
- Nước mắm 1 muỗng canh.
- Dầu ăn, đường, hạt nêm, mật ong.
Cách làm:
- Cho 200gr giò sống và 300gr thịt nạc vai xay vào tô rồi trộn lại với nhau. Tiếp theo cho hành tím băm nhuyễn rồi trộn cùng 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh hạt nêm, 1/2 muỗng canh bột điều, 1 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng cà phê tiêu xay, 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê ngũ vị hương. Trộn đều hỗn hợp và cho vào tô giò sống rồi trộn thật đều một lần nữa. Sau đó cho thêm 1 muỗng canh bột năng vào tô, trộn đều lên, rồi cho vào ngăn mát 1 tiếng hoặc để ngăn đá khoảng 30 phút.
- Mỡ lợn rửa sạch luộc sôi 2-3 phút, rửa sạch và thái hạt lựu ướp 1 muỗng đường và đem phơi nắng khoảng 30-60 phút, mỡ trong lại là được.
- Sau khi mang hỗn hợp thịt giò sống ra khỏi tủ lạnh, bạn chờ khoảng 10 phút cho thịt mềm rồi cho mỡ lợn vào và đem nhồi lại một lần nữa. Tiếp đó, múc 2 muỗng thịt bọc vào que tre sao cho thịt quấn đều vào nhau. Que nem lụi to hay nhỏ thay đổi tùy theo sở thích nhà bạn nhé.
- Trước khi nướng, bật nồi chiên khoảng 10 phút để làm nóng nồi. Sau đó, đặt khay nem đã tạo hình vào nồi chiên nướng với nhiệt độ 160 độ C trong khoảng 15 phút, quét hỗn hợp dầu điều mật ong vào que nem lụi và nướng 180 độ 10-15 phút. Đến khi quan sát thấy cây nem vàng đều là được.
Trong thời gian chờ nem nướng chín thì tiến hành làm nước mắm chua ngọt, rửa sạch cà rốt, củ cải và dưa leo, rồi cắt miếng vừa ăn để ăn kèm. Hành lá rửa sạch thái nhuyễn, cho dầu sôi vào là mình có bát mỡ hành thơm.
2. PHÁ LẤU
Nguyên liệu
- 1 kg lòng
- Sả: 2 củ
- Riềng: 4-5 lát, thái tròn mỏng vừa.
- Hành củ tím: 5 củ
- Tỏi: 5 tép
- Nước dừa tươi: hai quả
- Nước cốt dừa: 150ml
- Rau răm
- Gia vị để làm sạch: bột mỳ, dấm, muối, rượu trắng, gừng.
- Các gia vị để ướp: bột nêm, bột canh, bột gia vị bò kho, ngũ vị hương, dầu điều, ớt bột Hàn Quốc, bột nghệ.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Lòng bóp qua với bột mỳ, lộn trong lộn ngoài, rửa lại thật sạch.
- Đun sôi nồi nước thả vào một miếng gừng đập dập, một thìa canh dấm, 1 thìa canh rượu, 1 thìa cà phê muối... thả lòng vào chần qua cho hết mùi hôi. Rồi rửa lại bằng một lần nước nữa, để ráo.
Bước 2: Công đoạn ướp
Ướp lòng với 1 thìa canh ớt bột Hàn Quốc (không có bỏ qua, ớt Hàn Quốc làm cho màu phá lấu được đẹp hơn), 1 thìa cà phê ngũ vị hương, 1 thìa cà phê bột gia vị bò kho, 1 thìa canh dầu điều, 1 thìa cà phê bột nghệ, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, tỏi đập dập băm nhỏ, hành củ đập dập băm nhỏ, sả đập dập cắt khúc, riềng thái lát mỏng, ai ăn được cay thì thái nhỏ một quả ớt cay vào, ai thích ăn ngọt thì cho vào 1 thìa canh đường (không thì thôi vì lát cho nước dừa tươi cũng ngọt rồi).
(Thìa canh: 1 thìa ăn phở)
Trộn thật đều các nguyên liệu với nhau, để ngấm trong vòng 1 giờ.
Sau 1 giờ, nguyên liệu đã ngấm gia vị.
Bước 3: Nấu phá lấu
- Cho dầu ăn vào nồi, phi thơm chút tỏi, đổ phần lòng đã ướp gia vị vào xào cho săn. Sau đó đổ nước dừa ngập lòng, không có hoặc không thích nước dừa tươi thì thay thế bằng nước trắng.
- Đun sôi nồi phá lấu, sau đó hạ nhỏ lửa đun liu riu, có bọt hớt bọt cho nồi phá lấu được trong.
- Đun đến khi các nguyên liệu chín mềm, vớt bỏ phần riềng và sả, rồi đổ nước cốt dừa vào (không cho nước cốt dừa ngay từ đầu). Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Trung bình ninh khoảng 1h là chín mềm
Phá lấu nấu xong sẽ có phần nước vàng sánh đẹp mắt. Những miếng lòng mềm ngon bùi bùi, dạ dày giòn sần sật, thơm nức mũi. Tất cả các nguyên liệu đều ngấm gia vị một cách đậm đà, hơi ngọt lại có chút mằn mặn, hơi cay... vô cùng thú vị.
Món này ăn kèm với bánh mỳ, mỳ tôm rất ngon, nên ăn nóng và cũng không thể thiếu rau răm khi ăn kèm.
3. THỊT BÊ HẤP SẢ
Nguyên liệu: thịt bê, sả, gừng, quả chuối xanh, rau ngổ, lá đinh lăng, khế chua, dưa chuột, dứa, bia tươi, bột canh, nước mắm, đường
Cách làm:
- Thịt bê mua về rửa sạch, để ráo nước. Ướp thịt với 1/2 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa cà phê đường, để ít nhất 20 phút cho thịt ngấm gia vị.
- Gừng và sả rửa sạch, đập dập, xếp xuống đáy nồi.
- Để thịt bê lên trên gừng và sả, đổ thêm bia vào hấp đến khi thịt bê chín mềm, xiên thịt không còn thấy nước màu hồng chảy ra.
- Thái chuối xanh, khế chua, dưa chuột, dứa thành những lát vừa ăn. Rau ngổ, lá đinh lăng nhặt, rửa sạch và để ráo.
- Khi ăn cuốn thịt bê cùng các loại rau và gia vị đã chuẩn bị bên trên.
Những lưu ý khi làm món bê hấp sả gừng:
- Chọn những miếng thịt có màu đỏ thẫm là thịt không quá già để hấp lên có vị ngọt và không bị dai.
- Hấp thịt bê vừa chín tới, không hấp quá lâu vì thịt sẽ khô và dai, mất đi độ mềm, ngọt tự nhiên.
4. GÀ NƯỚNG MUỐI HẠT DỔI, MẮC KHÉN
Nguyên liệu
- 1 con gà tầm 1.8-2kg (chọn gà ri một lứa)
- 3 hạt dổi + 1 thìa cafe hạt mắc khén + 1 thìa cafe tiêu
- 1 thìa cafe muối (muối thường/muối hồng/muối thảo mộc tuỳ ý, nay mình nướng bằng muối thảo mộc thơm lắm)
- 1 chút bột nghệ
Cách làm
Bước 1: Ướp gà
- Hạt dổi, mắc khén rang thơm, giã mịn trộn đều với tiêu, muối. (giữ lại 1 chút hỗn hợp này làm muối chấm nhé).
- Gà rửa sạch để ráo, xát chút bột nghệ lên da gà.
- Đun 1 nồi nước sôi, thả gà vào chần sơ 2-3 phút.
- Nhấc gà ra để ráo nước, sau đó sát hỗn hợp hạt dổi - mắc khén - tiêu - muối lên khắp gà. Sau đó ướp gà trong khoảng 30 phút.
Bước 2: Nướng gà
- Làm nóng nồi chiên không dầu 220 độ 10 phút (nồi chiên không dầu nhà ai nhiệt cao nhất là 200 độ thì chọn 200 độ).
Sở dĩ nướng nhiệt cao để gà không bị mất nước, da gà giòn.
- Sau khi ướp xong thì cho gà vào nồi chiên không dầu.
Nướng gà ở nhiệt 220 độ trong hơn 30 phút, ai thích da gà giòn hơn nướng thêm 10 phút nhé. (Nồi nhà mình công suất 1700w, các bạn xem công suất nồi của nhà bao nhiêu rồi điều chỉnh nhiệt phù hợp).
Lưu ý: Nếu ai sử dụng nồi chiên không dầu có xiên quay thì xiên rồi cho vào trục quay.
Nếu ai không có trục quay thì đặt gà nằm úp, nướng nửa thời gian thì lật gà và nướng tiếp.
Không có nồi chiên không dầu thì nướng gà bằng lò nướng hoặc nướng than đều ngon.
Pha muối chấm gà
- Cho 1 thìa cafe mắc khén - hạt dổi - tiêu vào bát, thêm 2 thìa bột canh hảo hảo, vắt 5-6 quả quất/ hoặc 1 quả chanh to vào.
- Sau đó thêm vài lát quất, lá chanh thái sợi, ớt băm nhỏ trộn đều lên.
Nước chấm này chấm gà nướng ngon không thể chê vào đâu được.
Gà chín, cho ra chặt miếng vừa ăn hoặc vừa ăn vừa xé vô cùng hấp dẫn.
5. NGAN CHÁY TỎI
Nguyên liệu:
- 1 con ngan khoảng 2,5kg.
- Gia vị ướp ngan cháy tỏi: 3 củ tỏi: 1 củ đập dập để ướp, 2 củ thái lát mỏng (hoặc băm nhỏ) để phi cháy tỏi - 2 củ hành tím đập dập - 1 củ gừng đập dập - 15 ml rượu trắng - 3 thìa cà phê dầu hào - 3 thìa canh nước tương xì dầu - 1 thìa cà phê bột canh - 1 thìa cà phê bột canh - 3 thìa cà phê đường - Lá mắc mật: 2 cành nhỏ - 1 thìa cà phê hạt tiêu - ½ gói ngũ vị hương.
(Hành, tỏi, gừng nên đập dập, không băm nhỏ để tránh bị cháy trong lúc chiên. Đập dập thì khi chiên dễ dàng gạt lấy phần thịt chiên trước).
Cách làm ngan cháy tỏi:
Bước 1: Sơ chế
- Ngan làm sạch. Lấy muối hạt, gừng và 20ml rượu trắng chà xát để khử mùi hôi.
- Rửa sạch, để ráo.
- Chặt miếng bao diêm khoảng 3cm để làm ngan cháy tỏi.
Vì ngan to nên bạn có thể lọc thêm 1 bên lườn ngan, thái mỏng để làm ngan xào. Phần đầu, cổ, chân thì chặt nhỏ nấu măng.
Bước 2: Ướp thịt ngan
Ướp ngan với tất cả các gia vị phía trên. Ướp ít nhất 2 tiếng cho ngan thấm gia vị và thơm ngon hơn.
Bước 3: Chiên tỏi
Bắc chảo lên bếp, làm nóng chảo, đổ 500ml dầu ăn vào chảo. Đợi dầu sôi lăn tăn thì cho phần tỏi thái lát vào chiên nhỏ lửa. Đảo cho đến khi tỏi chuyển vàng thì vớt ra. Tùy sở thích chiên tỏi vàng non hoặc xém vàng như ngoài hàng.
(Khâu này rất dễ bị cháy nên khi tỏi chuyển vàng nhẹ, các bạn nên tập trung và vớt ra sớm. Để quá lửa sẽ rất nhanh cháy, ăn bị đắng và sinh độc tố trong dầu chiên).
Bước 4: Làm ngan cháy tỏi
- Sau khi vớt tỏi ra thì cho thịt ngan vào chiên ở lửa vừa. Đảo đều, thỉnh thoảng lật mặt các miếng thịt cho vàng đều.
- Khi thấy phần thịt ngan có màu vàng cánh gián, thịt săn lại thì vớt ra đĩa.
- Phần hành, tỏi đập dập ướp ngan nên cho vào sau, khi mà ngan đã chuyển màu vàng. Nếu cho từ đầu rất dễ cháy, sinh độc tố trong món ăn và có những màu đen cháy li ti bám trên thức ăn gây mất thẩm mĩ.
- Pha nước chấm: 1 bát con xì dầu + 1 thìa cà phê đường + 1 thìa cà phê giấm + 1 thìa cà phê nước cốt chanh + tỏi, ớt băm đem trộn chung với nhau.
Chúc các bạn thành công!