Trước cửa một số bệnh viện ở Sài Gòn, có những người mẹ nhiều năm bế con đi xin tiền chữa bệnh. Những đứa trẻ trên tay họ sau bao nhiêu năm vẫn chỉ ở độ tuổi ẵm ngửa.
Nhiều người vẫn không thể phân biệt được đâu là thật và giả giữa những người đi ăn xin ngoài đường, bởi người nào cũng đáng thương tội nghiệp và không có khả năng lao động. Hầu hết những người đi ăn xin thường là người già, trẻ em, những người tàn tật,...
Những vụ lừa gần đây như vào vai bệnh nhân, sư giả hay thậm chí giả vờ què tật để lấy lòng thương của người đi đường... khiến nhiều người thất vọng và mất niềm tin.
Chuyện lừa như cơm bữa và nỗi thất vọng của người bố thí
Sau những vụ việc ăn xin lừa đảo bị phanh phui, nhiều người nhận ra mình đã từng vì thương hại mà cho những kẻ này tiền hay đồ ăn... Họ còn phát hiện ra những trường hợp y chang mà họ gặp ngay gần nơi mình sinh sống. Nói đến những vụ ăn xin lê lết bán vé số ngoài đường Sài Gòn, nhiều bạn cho hay đã gặp trường hợp tương tự.
Bạn Nam ở Trà Vinh cho biết: “Cảnh này thấy hoài ở gần nhà mình mỗi ngày. Buổi sáng, từ một người khỏe mạnh, bỗng nhiên tay chân họ xiêu quẹo. Buổi chiều 5h về, vô nhà trọ được 15 phút, họ trở lại bình thường như một người không bị dị tật”.
Cũng là ăn xin, nhưng một số người ẩn mình với dạng khác là giả danh bệnh nhân. Bạn Thảo Nghi cho hay, khi mới sinh con, cô thường xuyên đi bệnh viện Nhi Đồng I (TP.HCM) ngoài giờ vì con nhỏ hay hắt hơi sổ mũi... Lần nào đến, Nghi cũng thấy ở quầy bán thuốc của bệnh viện có một cặp vợ chồng mặt rất đau khổ (vợ hay mặc đồ bộ, mập mạp, chồng thì gầy) bế trên tay một thằng bé để xin tiền chữa bệnh. Ban đầu, cô hay cho 10.000 đồng và cũng thấy nhiều người cho. Giờ thì Nghi không cho nữa, vì con cô gần 3 tuổi mà vẫn thấy họ còn đi xin và đứa bé trên tay cũng không lớn theo thời gian.
Lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi là điều đáng lên án.
Ngoài ra, việc những người già hay trẻ em bị chăn dắt để đi ăn xin cũng là chiêu bài khó đoán. Nhiều người cho hay, thấy những người này đi ăn xin, họ không nỡ lòng bỏ mặc. Họ vẫn cho nhưng vẫn hoài nghi.
Bạn Nhã Phương tâm sự: “Những người già hay ngồi bán tăm bông ở mấy chỗ giao lộ lớn thì sao nhỉ, thấy họ già tội nghiệp quá nhưng lại sợ là bị chăn dắt. Cho thì sợ rằng trúng ý đồ của bọn chăn dắt mà không cho thì lương tâm áy náy, cắn rứt quá”.
Chính tâm lý này đã khiến những kẻ trục lợi từ lòng thương người khác ngày càng “làm ăn” khấm khá hơn. Và người ăn xin thật sự thì bị nghi ngờ và không được giúp đỡ, còn kẻ giả danh vẫn hả hê với thu nhập tốt mỗi ngày.
Tuy nhiên, sau nhiều lần bị “hố”, nhiều người tỏ ra phẫn nộ với hành động mất đạo đức này. “Những người thật sự tàn tật rất đáng thương, vì cuộc sống họ phải mưu sinh hàng ngày. Còn những kẻ lợi dụng, đánh động vào lòng thương của mọi người là những kẻ bẩn thỉu, kiếm tiền một cách bẩn thỉu. Người sáng suốt thì đừng để bị bọn chúng lừa, chúng ta cho tiền, vô tình chúng ta khuyến khích ngày mai chúng đi làm như vậy nữa”, Phương Linh chia sẻ.
Lòng thương nên dùng đúng nơi đúng chỗ
Nhiều người vẫn bảo vệ quan điểm rằng đã phải đi ăn xin, không ít thì nhiều những người này có cuộc sống bần cùng cơ cực. Theo họ, chắc chắn những người này "không còn cách nào khác mới bán danh dự của mình để lấy tiền bằng lòng thương hại. Mình giúp họ cũng có gì không tốt?".
Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ quan điểm: “Mình cũng hay giúp người, nhiều khi vẫn biết mình bị lừa, nhưng không hiểu sao nhìn người ta như vậy mình không quay đi được, từ người già, trẻ nhỏ tới mấy cô mấy chú bán vé số... Mình chấp nhận giúp đỡ, kể cả biết mình bị lừa thì cũng không sao đâu”.
Theo Tú, người ăn xin cũng là con người, số tiền giúp đỡ thường không đáng là bao, "cái gì rồi cũng sẽ có cái giá của nó và họ làm thế cũng vì mưu sinh".
Người già và trẻ nhỏ là những người không đủ khả năng lao động, dù gì việc cho tiền họ cũng giúp họ có khả năng mưu sinh qua ngày.
Ủng hộ suy nghĩ vẫn cho tiền người ăn xin, nhiều bạn cho rằng việc cho tiền họ là việc thiện, chung quy cũng chỉ là “lá lành đùm lá rách”, và chỉ vì những người giả danh mà mọi người đánh đồng những người ăn xin đều lừa đảo là không nên. Điều họ lưu ý là mọi người nên tỉnh táo cân nhắc để tiền hay những vật chất tương đương được trao đúng tay người cần nhận.
Một số ý kiến cho rằng, khi định cho tiền người ăn xin nào đó, cách tốt nhất là dùng trực giác để quan sát xem người đó có thực sự bị tàn tật hay không. Bởi người tàn tật luôn có dấu hiệu thực sự trên cơ thể, có thể chạm vào họ để xem chân tay có bị teo cơ hay có những dị dạng thật sự không.
Những người già và trẻ em thì dù có bị chăn dắt cũng là những người không có khả năng lao động, việc cho họ tiền cũng xứng đáng. Bạn Thu Thủy viết: "Chúng ta không thể loại bỏ hết những tên trùm trục lợi, nhưng việc cho tiền hay vật chất mà giúp đỡ được những người cần nâng niu như trẻ em, người già cũng là cách cho họ có miếng ăn qua ngày để tồn tại".